Vasily Malygin - người phát động khởi nghĩa ở Indonesia

13:37 04/04/2025

Điệp viên, nhà thám hiểm, kẻ phiêu lưu - đó là tất cả những danh xưng người đời dành cho kỹ sư mỏ Nga Vasily Malygin. Để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Indonesia, nhưng ông lại hoàn toàn bị quên lãng trên chính tổ quốc mình. Ngoài một vài năm sôi nổi nhất trong cuộc đời, phần lớn tiểu sử của ông cho đến nay vẫn bị che phủ trong màn sương lịch sử.

Người hùng tương lai của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân sinh ngày 20/3/1865 tại làng Pashkan, huyện Kishinev, tỉnh Bessarabia (nay thuộc Moldova), trong gia đình một giáo sĩ địa phương. Thời bấy giờ, tỉnh Bessarabia là khu vực đa sắc tộc, nơi cư trú của người Nga, người Ukraine, người Moldova, người Do Thái, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Gagauz. Vì vậy, đến nay người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về quốc tịch của Vasily Malygin. Người Ukraine, người Nga và người Moldova đều coi ông là đồng hương của mình.

Vasily Malygin -  người phát động khởi nghĩa ở Indonesia -0
Bức ảnh duy nhất của Vasily Malygin.

Về tuổi thơ và tuổi thanh niên của Vasily Malygin chúng ta không biết gì. Các nguồn tài liệu tiếng Hà Lan và Anh chỉ viết về ông lúc đã trưởng thành. Chỉ biết rằng ông học nghề kỹ sư mỏ. Cần phải hiểu rằng, thời bấy giờ, việc đào tạo kỹ sư mỏ có nhiều điểm chung với đào tạo sĩ quan quân đội, vì ngoài các môn chuyên ngành, các kỹ sư mỏ tương lai còn phải nắm vững các kiến thức cơ bản về quân sự và một số ngoại ngữ. Bản thân Malygin thành thạo tiếng Anh, Hà Lan và Trung Quốc.

Những thông tin đầu tiên về "ông Maligan" xuất hiện vào năm 1891 trong ghi chép của Craigley, một người Anh đã làm quen với kỹ sư Nga trên chuyến tàu từ Trung Quốc đến Singapore. Ông nói rằng mục đích chuyến đi của mình là mong muốn có được việc làm tại một công ty khai thác dầu mỏ của Anh.

Nhưng Craigley đã thuyết phục kỹ sư Vasily Malygin đến đảo Bali của Indonesia và đảm bảo rằng ông sẽ dễ dàng được nhượng quyền khai thác mỏ. Trong cuộc trò chuyện, người Anh tình cờ nhắc đến hòn đảo Lombok gần đó do một  vương công (rajah) cai trị; ông này vốn không hài lòng với sự gia tăng quyền lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Sau một chặng dừng ngắn tại Bali với lý do khảo sát địa chất, Malygin đã lên đường đến Lombok, nơi dấu vết của ông nhanh chóng biến mất trong rừng rậm.

Quá trình thực dân hóa quần đảo Indonesia của Hà Lan bắt đầu từ năm 1596. Nhưng cho đến giữa thế kỷ XIX, dù đã tích cực khai thác vùng duyên hải, thực dân Hà Lan vẫn không thể can thiệp vào công việc nội bộ của người bản xứ  và bằng lòng với lời tuyên thệ của các nhà cai trị địa phương.

Vương công Raghu Agung Gdé Ngurah.

Tình hình bắt đầu thay đổi vào cuối thế kỷ XIX, khi các đoàn thám hiểm phát hiện ra các mỏ dầu, vàng và khoáng sản quý khác trong  rừng rậm Indonesia. Lợi dụng những cuộc tranh chấp giữa các nhà cai trị địa phương, người Hà Lan lần lượt chinh phục các khu vực của đảo quốc. Năm 1894, lợi dụng cuộc nổi dậy của dân tộc Sasak chống lại vương công Raghu Agung Gdé Ngurah, người Hà Lan đã chiếm đảo Lombok.

Nhưng không chịu khuất phục những kẻ thực dân, vương công Raghu Agung Gdé Ngurah bắt đầu chuẩn bị chiến tranh. Con bài chủ yếu của ông là một cố vấn mới đến từ đất nước phương Bắc xa xôi.

Ngay từ năm 1891, chính quyền Hà Lan nghe tin đồn rằng trên đảo Lombok xuất hiện một người Nga kỳ lạ tên là Malygin, chỉ vài tuần đã nói thành thạo tiếng địa phương, biết trước tương lai, đốt cháy nước và được người dân bản xứ tin cậy, đặt cho biệt danh là Orang Rusia - “người đến từ nước Nga”.

Theo tin đồn, để chiếm được lòng tin của vương công, Malygin hứa sẽ đốt cháy nước cho ông ta xem. Khi người ta mang đến một thùng nước, Malygin giả vờ đọc mấy câu câu thần chú và vung vẩy tay, rồi lặng lẽ bỏ một ít natri vào nước. Một ngọn lửa bùng lên từ thùng nước. Sau đó, vương công tuyên bố bổ nhiệm Malygin làm cố vấn số một của mình.

Nhận được vàng của vương công Raghu Agung Gdé Ngurah, Malygin lên đường sang Singapore mua vũ khí trang bị cho người dân. Ở Singapore, ông mua một con tàu cũ tên là Pride of the Ocean (Niềm kiêu hãnh của đại dương) cùng với vũ khí và thuốc súng.

Các chiến binh dân tộc Sasak trên đảo Lombok.

Trên đường trở về Lombok, con tàu gặp phải một cơn bão kinh hoàng và chỉ nhờ sự dũng cảm của thủy thủ đoàn nó mới không bị chìm xuống đáy biển. Khi đến gần Lombok, tàu bị đội tuần tra chặn lại. Tuy nhiên, bằng sự khôn khéo của mình Malygin đã thuyết phục được người Hà Lan rằng ông cần con tàu để đến New Guinea mua ngọc trai, còn vũ khí để chống lại bọn cướp biển.

Hơn một tháng, Malygin tìm cơ hội xâm nhập hòn đảo bị chiến tranh tàn phá. Vượt qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng, Malygin tiếp cận được hòn đảo thì nhận được tin dữ.

Vài năm trước, theo lời khuyên của Malygin,  vương công đã ngừng cống nạp cho người Hà Lan. Việc con trai ông từ chối tiếp nhận đại diện của Công ty Đông Ấn trên đảo là giọt nước tràn ly. Và ngày 30/7/1894, một đoàn tàu chiến của Hà Lan gồm 9 chiếc đã thả neo tại bến cảng thủ đô Mataram của Lombok.

Mataram bị chiếm gần như không tốn một viên đạn. Bất chấp thủ đô bị tàn phá, vương công phát động khởi nghĩa và sau khi nhận được vũ khí của Malygin, ông đã cùng với các nghĩa quân khác rút lui vào rừng rậm.

Sự xuất hiện của Orang Rusia đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Indonesia, và đến cuối tháng 8/1894, dưới sự chỉ huy của ông, các đơn vị vũ trang của hầu hết các bộ lạc trên đảo đã được hình thành, nhiều người trong họ trước đây đã chiến đấu chống lại vương công. Tai họa chung đã khiến họ đoàn kết lại.

Dưới sự lãnh đạo của Malygin, dinh thự ngoại ô  của vương công đã biến thành pháo đài Chakranegara  để phòng thủ lâu dài, và một chiến dịch tấn công bất ngờ nhằm vào lực lượng chủ lực của quân đội thực dân Hà Lan đã bắt đầu.

Cuối cùng, vào đêm 26/8, trại lính Hà Lan bị tấn công từ nhiều hướng khác nhau. Tự tin vào sức mạnh vượt trội của mình, người Hà Lan thậm chí không bố trí lính canh, khiến cho các biệt đội của Malygin dễ dàng đột nhập vào trại. Những tên lính thực dân hoảng sợ bỏ chạy ra cảng, nhưng đằng sau mỗi ngôi nhà, mỗi bức tường, cái chết đang chờ đợi chúng.

Sáng hôm sau, xác những tên lính Hà Lan nằm la liệt khắp trại và khu vực xung quanh. Chỉ huy lực lượng Hà Lan ở Lombok, Tướng van Ham, 12 sĩ quan và hơn 500 binh sĩ, thủy thủ Hà Lan đã thiệt mạng. Những người Hà Lan sống sót chạy trốn khỏi Mataram và ẩn náu tại các thương cục ven biển. Ngoài vài chục tù binh, quân khởi nghĩa còn thu được 4 khẩu đại bác và 250.000 gulden tiền Hà Lan.

Thông tin về việc một phần ba lực lượng viễn chinh Hà Lan bị tiêu diệt đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của Đế quốc Hà Lan. Để chống lại những người bản bản xứ lạc hậu do một kỹ sư Nga chỉ huy, người Hà Lan buộc phải sử dụng vài nghìn lính và hơn 10 tàu chiến.

Mataram phải hứng chịu một trận pháo kích dữ dội, khiến hơn 2.000 người Lombok thiệt mạng, còn thành phố gần như bị xóa khỏi mặt đất. Việc tiến quân của người Hà Lan sau đó đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt của cư dân bản xứ, vì theo chỉ dẫn của Malygin, họ đã biến các ngôi làng của mình thành pháo đài thực sự.

Cuối cùng, quân Hà Lan đã bao vây lực lượng chủ yếu của người bản xứ ở Chakranegara. Cuộc bao vây pháo đài nhỏ này kéo dài 2 tháng. Dưới sự chỉ huy của Malygin, nghĩa quân Lombok không chỉ bắn trả bằng những khẩu pháo thu được mà còn thực hiện các cuộc đột kích vào hậu phương của kẻ thù. Nhưng lực lượng hai bên bất cân xứng. Ngày 20/11, quân Hà Lan đã chiếm được pháo đài sau một cuộc tấn công đẫm máu. Kết quả là hơn một trăm lính Hà Lan tử trận, và hầu hết nghĩa quân Lombok bị thiệt mạng. Nhiều người đã tuẫn tiết vì không muốn bị bắt làm tù binh.

Malygin đã cùng một nhóm nghĩa quân trốn khỏi pháo đài và quyết định "ẩn mình" một thời gian. Nhưng mấy ngày sau, một người bản xứ đã giao nộp ông cho quân Hà Lan.

Người dân đảo Lombok ngày nay.

Tháng 1/1895, Malygin bị đưa đến nhà tù ở thành phố Surabaya trên đảo Bali. Nhưng với lý do sức khỏe yếu, ông xin chuyển đến bệnh viện, nơi ông đã thực hiện một cuộc đào tẩu táo bạo. Đội tuần tra đêm đã phát hiện ra lưới sắt bị cưa đứt. Tuy nhiên, Malygin nhanh chóng bị bắt  và bị đưa trở lại nhà tù.

Cuộc điều tra vụ án của Malygin kéo dài mấy tháng liền. Nhà thám hiểm ra sức chứng minh rằng khi phát động cuộc khởi nghĩa, ông không theo đuổi bất kỳ lợi ích cá nhân nào. Malygin cũng không thể bị kết tội phản quốc vì ông là công dân của Đế quốc Nga.

Nhờ nỗ lực của luật sư, án tử hình đã được chuyển thành 20 năm tù. Tuy nhiên, năm 1898, Malygin được ân xá và bị trục xuất về Nga.

Về đến làng Pashkan, “kẻ nổi loạn chuyên nghiệp” bị cảnh sát địa phương bí mật theo dõi. Hai năm tiếp theo, Malygin sống cùng anh trai Dmitry. Ông không làm gì cả, chỉ thỉnh thoảng mua vui cho dân làng bằng các câu chuyện về những đất nước xa xôi. Điều đó đã làm giảm sự cảnh giác của cảnh sát, khiến họ gần như ngừng theo dõi ông.

Tháng 4/1901, Malygin bất ngờ biến mất. Cảnh sát truy lùng ông khắp vùng Bessarabia. Mãi 6 tháng sau mới có thông tin rằng Malygin được nhận vào làm đầu bếp trên tàu hơi nước Diana với giấy tờ giả và đã đến Singapore. Người Hà Lan lo lắng yêu cầu Nga  đưa công dân của mình trở về.

Nhưng chẳng bao lâu, Malygin lại biến mất khỏi tầm mắt của các nhà ngoại giao Nga và điệp viên Hà Lan. Một năm sau, có thông tin về “tên cướp Nga" xuất hiện tại Vương quốc Hồi giáo Kelantan (nay là một bang của Malaysia) đang nổi loạn chống lại chính quyền thực dân Anh. Chuyến đi của Vasily tới Kelantan không thành công, vì vậy vào tháng 6/1902, ông trở lại Singapore và mua một nhà máy đóng hộp nhỏ. Lúc này, ông đã đến lãnh sự quán xin cấp lại hộ chiếu để trở về Nga, nhưng rồi lại bất ngờ sang Siam, và từ đó không còn thông tin gì về ông nữa.

Điều gì đã xảy ra tiếp theo với Vasily Malygin? Có lẽ câu trả lời về số phận của ông vẫn đang được cất giữ trong các hồ sơ của Hà Lan - quốc gia mà ông đã gây ra rất nhiều rắc rối.

Kim Thanh Hằng

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 3 bị can là lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng".

Thanh tra Thanh tra Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng vừa yêu cầu loạt  khách sạn gỡ hình ảnh hạng sao trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking... Một trong lý do chính là các khách sạn này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng sao nhưng vẫn tự ý “nâng sao” để nâng cấp hình ảnh, lừa dối du khách...

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) chủ trì Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến đối với tập thể, cá nhân giai đoạn 2020 - 2025; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và sơ kết thực hiện Quy định số 09 của Đảng uỷ Công an Trung ương về chế độ học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.

Dự án Khu quần thể sân golf Huế tại phường Thủy Dương có quy mô diện tích là 78,32 ha, vốn đầu tư khoảng 1.885 tỷ đồng. Dù qua nhiều lần điều chỉnh tiến độ và được gia hạn đầu tư nhưng đến nay dự án vẫn không triển khai theo tiến độ.

Đây là thông tin được đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy và Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chiều 8/5.

Ngày 8/5, tại Thao trường Đức Xuyên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Nô phối hợp với Đại đội Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông và các lực lượng liên quan đã tổ chức di dời và tiêu hủy an toàn một quả bom còn sót lại sau chiến tranh.

Sau khi tổ chức thành công tại Hà Nội vào tháng 3/2025, Gala âm nhạc “Vinh quang CAND Việt Nam” và chuỗi hoạt động bên lề dự kiến sẽ được tổ chức tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6/2025. Tuy nhiên, trong lần này, chuỗi hoạt động sẽ được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn, nhiều nội dung mới hơn, hấp dẫn hơn.

Chiều 8/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vừa phát hiện một nhà thuốc trên địa bàn quận Bình Thạnh bán sữa giả, sau đợt kiểm tra diện rộng đối với gần 4.700 nhà thuốc.

Chiều 8/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Đinh Tóc (SN 1991, trú tại làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang) để điều tra, làm rõ về hành vi “Giết người”.

Ngày 8/5, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngài John Noh, Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 13.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.