Về Học thuyết Hải quân mới của Nga

14:08 28/08/2022

Ngày 31-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thông qua Học thuyết Hải quân mới của Liên Bang Nga. Đây là tài liệu hoạch định chiến lược cấp cao nhất, trình bày chi tiết cách tiếp cận chính thức của chính quyền Moscow đối với lĩnh vực hải quân. Học thuyết Hải quân mới này phản ánh những thay đổi quan trọng so với học thuyết được đưa ra vào năm 2015.

Những điểm mới đáng chú ý

Học thuyết Hải quân mới vừa được Moscow công bố nghiêng về đối đầu toàn cầu với phương Tây, về vai trò nổi bật của lăng kính an ninh trong việc xác định các mục tiêu quốc gia và về việc định hướng lại chính sách đối ngoại đối với Nam bán cầu sau cuộc xung đột Ukraine.

Điện Kremlin dự định tăng cường khả năng tác chiến của Hải quân Nga trên toàn thế giới và tuyên bố có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn trong việc sử dụng các phương tiện quân sự để thúc đẩy lợi ích của Nga trên các vùng biển quốc tế, bao gồm cả ý định tăng cường sự hiện diện của lực lượng Hải quân trên các vùng biển. Để làm được điều này, Học thuyết Hải quân mới kêu gọi tái cơ cấu hoàn toàn ngành công nghiệp đóng tàu, mở rộng khả năng sản xuất và sử dụng công nghệ một cách có chất lượng, cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh thông qua Học thuyết Hải quân mới tại Saint Petersburg (Nguồn: Mikhail Klimentyev/Sputnik).

Trong lĩnh vực năng lượng, học thuyết mới đưa ra những quy định phục hồi các hoạt động thăm dò đáy biển và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Học thuyết năm 2015 yêu cầu Nga thiết lập một “khu dự trữ chiến lược” tại những nơi đã được thăm dò để phục vụ cho những cuộc thăm dò trong tương lai. Tuy nhiên, học thuyết mới không có nội dung này. Điều này ngụ ý rằng Nga sẽ khai thác tối đa lượng khí đốt trong những năm tới, có thể vì lo sợ rằng các kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ làm giảm khả năng xuất khẩu.

Giống với học thuyết được đưa ra vào năm 2015, học thuyết mới vẫn chia thế giới thành 6 khu vực địa lý, nhưng có sự thay đổi về trật tự. Đối với Bắc Cực và Thái Bình Dương, trước đó nằm ở vị trí thứ hai và thứ ba nhưng trong học thuyết mới chiếm hai vị trí đầu tiên theo cấp độ ưu tiên, còn Đại Tây Dương nằm ở vị trí thứ ba. Một trong những mục tiêu chính của Nga tại 3 khu vực này là bảo đảm “sự ổn định chiến lược” - một cách khác để nói về khả năng răn đe hạt nhân lẫn nhau. Vấn đề này được nêu trong học thuyết mới một cách quyết đoán và khẩn cấp hơn so với 2015.

Học thuyết 2022 giải thích rằng Bắc Cực đã trở thành một khu vực cạnh tranh kinh tế và quân sự toàn cầu và việc duy trì vị trí hàng đầu của Nga trong khu vực này cũng như tiến hành "thăm dò trên quy mô rộng" các trữ lượng khoáng sản của khu vực được coi là các mục tiêu chính. Moscow có ý định sử dụng “Tuyến đường biển phía Bắc” (NSR) như vùng nội thủy. Ban đầu được Nga quảng bá như là một giải pháp thay thế kênh đào Suez, song NSR đã bị chuyển hướng sang phía Đông kể từ khi chiến tranh bắt đầu để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Nga sang châu Á.

Dường như Nga đang tìm cách né tránh hình ảnh ngày càng bị phụ vào Trung Quốc sau cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi phiên bản 2015 của Học thuyết Hải quân nói rõ rằng “sự phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với chính sách hàng hải quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương”, học thuyết mới năm 2022 đưa ra các yếu tố quan trọng mới mà Trung Quốc không còn ở vị trí trung tâm. Đó là: làm giảm các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga; bảo đảm ổn định chiến lược trong khu vực; phát triển quan hệ hữu nghị với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Học thuyết chỉ rõ rằng cả Bắc Cực và Thái Bình Dương đều được xem là khu vực đối đầu chiến lược giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh.

Việc khu vực Đại Tây Dương (bao gồm cả vùng Baltic và Biển Đen, Địa Trung Hải và Biển Đỏ) tụt hạng xuống vị trí thứ ba theo thứ tự ưu tiên cho thấy Điện Kremlin mất hy vọng vào các cam kết tích cực từ phương Tây do chiến tranh Ukraine. Do vậy, mục tiêu chính trong khu vực này đó là "bảo đảm ổn định chiến lược". Trong khi đó, tương tự như trong Học thuyết Hải quân năm 2015, Biển Caspi được liệt kê ở vị trí thứ tư, Ấn Độ Dương đứng thứ năm và Nam Cực đứng thứ sáu.

Phần đề cập đến bồn trũng Địa Trung Hải được cập nhật và nêu chi tiết hơn so với trong học thuyết năm 2015. Bên cạnh những vấn đề khác, Học thuyết hải quân mới xác định rằng Nga muốn tăng cường quan hệ đối tác với Syria; sẽ đảm bảo sự hiện diện quân sự của mình ở Địa Trung Hải trên cơ sở tiền đồn quân sự của Nga ở Tartus (Syria); sẽ tìm cách thiết lập thêm các tiền đồn hậu cần kỹ thuật trong khu vực; sẽ tích cực hoạt động để đảm bảo ổn định quân sự-chính trị ở Trung Đông; và sẽ tìm cách hợp tác sâu rộng hơn với các quốc gia Trung Đông.

Trung Đông cũng được đề cập chi tiết trong phần nói tới khu vực Ấn Độ Dương: Người Nga quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với Iran, Saudi Arabia và Iraq; và tìm cách phát triển các mối quan hệ đa dạng, bao gồm cả hợp tác an ninh và hàng hải, với tất cả các quốc gia thuộc bồn trũng Ấn Độ Dương.

Một mục tiêu khác được đặt ra là duy trì sự hiện diện quân sự - hải quân ở Vịnh Persia, “dựa trên các tiền đồn hậu cần kỹ thuật ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, và việc sử dụng cơ sở hạ tầng của các quốc gia trong khu vực cho mục đích tiến hành hoạt động quân sự của Hải quân Nga”. Đây là một tuyên bố có phần kỳ lạ vì các tàu Nga hiếm khi đến thăm Vịnh Persia và Nga thiếu các căn cứ thường trực trong không gian này. Trong 3 năm qua, Nga đã thất bại trong việc buộc chính phủ Sudan thực hiện thỏa thuận cho thuê dài hạn một phần cảng Sudan đã được ký kết với cựu lãnh đạo độc tài Omar al-Bashir.

Tàu Chuvashia mang tên lửa của Nga xuất hiện trong một cuộc diễu hành ở Saint Petersburg (Nguồn: Maxim Shemetov/Reuters).

Một sự đổi mới lớn trong học thuyết là khẳng định rằng Nga là một “cường quốc hàng hải” và có lợi ích ở tất cả các vùng biển và đại dương. Việc duy trì và phát triển vị thế này được đặt lên hàng đầu trong chương “Các mục tiêu chiến lược của chính sách hàng hải quốc gia”. Một thay đổi quan trọng khác là trong việc phân loại tất cả các vùng biển trên thế giới theo "sự giàu có" của chúng và mức độ sẵn sàng sử dụng vũ trang của Nga trên các tuyến đường thủy này. Có 3 cấp bậc:

1. “Các khu vực có tầm quan trọng sống còn", trong đó Nga có thể sử dụng tất cả các sức mạnh để bảo vệ lợi ích của mình, bao gồm cả lực lượng vũ trang. Các khu vực này gồm: Các vùng lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga, một phần của Biển Caspi thuộc Nga, Biển Okhotsk (gần Nhật Bản) và các khu vực rộng lớn của Bắc Băng Dương;

2. “Các khu vực quan trọng”, trong đó việc sử dụng vũ lực sẽ là biện pháp cuối cùng sau khi không còn lựa chọn nào khác. Những khu vực này bao gồm: bồn trũng phía Đông Địa Trung Hải, Biển Đen và Biển Azov, Biển Baltic, các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Kuril, và thậm chí cả các tuyến đường vận chuyển quốc tế ngoài khơi bờ biển châu Á và châu Phi.

3. “Các khu vực khác”: phần còn lại của vùng biển quốc tế, nơi các lợi ích của Nga sẽ được thúc đẩy bằng các phương pháp phi vũ lực.

Tuy nhiên, học thuyết mới thiết lập quyền tối cao của luật pháp Nga, cao hơn cả luật pháp quốc tế. So với học thuyết cũ, văn bản mới nâng tầm quan trọng của việc sản xuất và xuất khẩu năng lượng từ các kho dự trữ ở hải ngoại cũng như việc bảo vệ các đường ống dẫn ga dưới biển; tăng cường khả năng huy động tất cả lực lượng hải quân, bao gồm cả thường dân, trong trường hợp khẩn cấp; kêu gọi tăng cường hạm đội quân sự và thương mại của Nga và phát triển các năng lực công nghệ và công nghiệp cần thiết, bao gồm cả trong lĩnh vực đóng tàu sân bay; kêu gọi tăng cường hoạt động ngoại giao của Nga trong lĩnh vực hàng hải - trong các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề hàng hải, cũng như sự hiện diện của các tàu chiến và tàu nghiên cứu của Nga “trong đại dương thế giới”.

Khinh hạm Đô đốc Gorshkov của Nga thả neo trên sông Neva (Nguồn: Dmitri Lovetsky/AP Photo).

Sự khác biệt giữa học thuyết và thực tiễn

Kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền, ông đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc khôi phục khả năng quân sự của Nga (bao gồm cả hải quân), vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng khi Liên Xô tan rã. Đồng thời, các doanh nghiệp thương mại của Nga cũng đã gia tăng các hoạt động khoan ngoài khơi, đặt đường ống dẫn khí đốt và phát triển Bắc Cực. Bất chấp những chuẩn bị đầy tham vọng và đầu tư tài chính đáng kể, nhiều vấn đề đã hạn chế Nga phát triển thành một cường quốc hàng hải. Các ngành công nghiệp của Nga, cả quân sự và dân sự, đều thiếu kiến thức công nghệ, cơ sở hạ tầng sản xuất và thiếu nhân lực trình độ cao trong nhiều lĩnh vực.

Nga vẫn giữ các tàu sân bay lỗi thời và khó bảo trì kể từ khi Liên Xô tan rã. Sau khi một tàu chỉ huy của Nga bị chìm trong chiến tranh ở Ukraine, Nga chỉ còn 4 tàu tuần dương và 10 tàu khu trục. Tất cả những tàu này đều được sản xuất dưới thời Liên Xô. Trong lĩnh vực dân sự, Nga thiếu trình độ lắp đặt đường ống dẫn khí đốt dưới biển hoặc tiến hành khoan ở mực nước sâu. Nga cũng thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất khí đốt tự nhiên hoá lỏng. Nga phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp phương Tây, hiện đã ngừng làm việc với nước này vì chiến tranh Ukraine.

Hiện các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân được xem là cơ sở sức mạnh chính của Hải quân Nga, giúp Moscow tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho các cường quốc khác. Trong những năm sắp tới, Nga hứa hẹn cho ra mắt một dàn tàu ngầm mang ngư lôi siêu thanh và được trang bị đầu đạn hạt nhân có sức phá hủy mạnh. Trong lĩnh vực vũ khí thông thường, Nga sản xuất các loại tàu như khinh hạm, tàu hộ vệ hay tàu ngầm diesel, các loại tàu này sẽ được trang bị tên lửa hành trình hiện đại và có độ chính xác cao. Nga cũng là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn cần thiết cho sự phát triển ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, tất cả các dự án của Nga đều gặp vấn đề về việc có nhiều kiểu tàu (khiến cho việc bảo trì trở nên khó khăn), chất lượng kém và sơ suất dẫn đến các vụ tai nạn lao động thường xuyên xảy ra, hay cả việc lộ trình sản xuất và việc phát triển sản phẩm bị trì hoãn. Các cơ chế trừng phạt của phương Tây khiến các ngành công nghiệp vốn đã gặp khó khăn của Nga ngay cả trước chiến tranh Ukraine thêm lao đao, đặt ra những thách thức đáng kể cho sự phát triển của Hải quân Nga và điều này cũng đã được thể hiện trong học thuyết mới.

Học thuyết Hải quân 2022 là tài liệu an ninh quốc gia đầu tiên mà Nga công bố kể từ đầu cuộc chiến ở Ukraine, phản ánh tư duy chiến lược của Điện Kremlin vào thời điểm hiện tại. Tài liệu tập trung vào cuộc đối đầu tổng thể của Nga với Mỹ và NATO, đồng thời nhấn mạnh hơn vào vai trò của việc sử dụng vũ lực trong hoạt động bảo vệ các lợi ích của Nga trên toàn cầu và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho phương Tây về kinh tế và chiến lược trong thế giới đang phát triển.

Tài liệu này củng cố xu hướng hiện tại của Nga là biến các vùng biển quốc tế thành không gian để cạnh tranh và đối đầu chiến lược giữa các cường quốc. Những thay đổi từ năm 2015 đến năm 2022 phản ánh sự định hướng lại chính sách đối ngoại của Nga đối với Nam bán cầu, sau cuộc chiến ở Ukraine và nhận thức về Bắc Cực như một nguồn thu mới dễ dàng cho nền kinh tế Nga.

Khánh An (Theo Thediplomat)

Trong khi nhiều quan chức xác nhận Ukraine lần đầu tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất, thì Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bất ngờ đề cập một kịch bản không tươi sáng, vào thời điểm cuộc xung đột giữa hai nước đã chạm mốc 1.000 ngày, và phía Nga cảnh báo chiến sự sẽ còn kéo dài.

Theo thống kê của Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, trên địa bàn hiện có 286 người chấp hành xong án phạt tù đang sinh sống, làm việc và cư trú tại địa phương, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, như: sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, công nhân…

Khép lại Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024, đúng như dự báo, đội bóng chuyền nữ Hà Nội đã phải nhận vé xuống hạng. Chắc chắn, sẽ cần phải có lối đi mới hơn hiện nay để phát huy hết tài năng của lứa trẻ mà bóng chuyền nữ Thủ đô đang sở hữu.

Là một trong hai huyện vừa đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thanh Hoá nhưng huyện Yên Định đang bị người dân xã Yên Lạc cực lực phản đối việc quy hoạch bãi rác tại địa phương này. Người dân cho rằng, bãi rác quy hoạch ở vùng trũng, gần khu dân cư, nằm trên đất hai lúa… là không phù hợp…

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố danh sách nội các mới đã gây ra một làn sóng lo ngại mạnh mẽ tại châu Âu. Những cái tên gây tranh cãi trong danh sách này, đặc biệt là những người được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, đang khiến giới ngoại giao châu Âu phải nhìn nhận lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ không chỉ đánh dấu chiến thắng chính trị của cá nhân mà còn thể hiện một sự thay đổi lớn trong cách thức điều hành chính phủ. Một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của ông là sự ra đời của Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency - DOGE). Sáng kiến này được đánh giá là nỗ lực trực diện nhằm cải tổ một hệ thống bị chỉ trích là bảo thủ, cồng kềnh và kém hiệu quả.

Ngày 20/11/2024, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an TP Hà Nội về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, phong tỏa số tài sản trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Hai tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương là Thượng tá Bùi Thanh Trực, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Dương và Thượng tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Trong 11 năm công tác tại Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự Công an TP Phan Thiết, Bình Thuận, Thiếu tá Đoàn Hữu Long đã cùng đồng đội làm tốt công tác chuyên môn. Đặc biệt, từ năm 2021 cho đến nay, Thiếu tá Đoàn Hữu Long đã phát hiện và bàn giao gần 30 vụ liên quan đến ma túy cho lực lượng chức năng xử lý.

Dự báo thời tiết hôm nay mưa to đến rất to diễn ra ở nhiều tỉnh thành tại miền Trung, cục bộ có nơi trên 180mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/6h). Tại miền Bắc, khu vực vùng núi nền nhiệt nhiều nơi dưới 17 độ C, trời rét.

Thông tin Andrea Aybar (người mẫu An Tây), tên tiếng Việt là Nguyễn Thị An, sinh năm 1995, vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã gây rúng động làng giải trí những ngày vừa qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文