141 - "Thương hiệu” trấn áp tội phạm trên đường phố

09:26 20/07/2022

Trong suốt hơn 10 năm qua (2011-2022), có một lực lượng đặc biệt thành lập theo Kế hoạch 141 ngày 29/7/2011 của Công an TP Hà Nội, đã được người dân Thủ đô và cả nước quen gọi bằng cái tên thân thương “141”.

Những tổ công tác “141” đã trở thành nỗi khiếp sợ của các loại tội phạm đường phố. Mô hình này đã được Công an nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng học tập, triển khai thành lập với hình thức khác nhau.

“Quả đấm thép” vì bình yên Thủ đô

Một trong những người đầu tiên đặt dấu ấn quan trọng cho sự hình thành và phát triển của lực lượng 141, Công an TP Hà Nội là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (ở thời điểm năm 2011, đồng chí là Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội).

Lực lượng 141 kiểm tra, xử lý chủ phương tiện vi phạm.

Chủ động nắm bắt những diễn biến, phân tích sâu, dự báo chính xác về tình hình tội phạm, giúp cho công tác điều tra cơ bản cũng như kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm được xây dựng chặt chẽ. Toàn bộ kế hoạch đã được đồng chí Trưởng phòng CSGT khi đó trình lên Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, với đề xuất chính xác, quyết liệt phải có một lực lượng đủ mạnh để trấn áp, xử lý những đối tượng vi phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Từ đề xuất cũng như phương án, kế hoạch dự kiến triển khai này và căn cứ vào tình hình thực tiễn khi đó, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thảo luận, thống nhất rất cao chủ trương phải có biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để giải quyết tình trạng trên.

Căn cứ chức năng của từng lực lượng, biện pháp trấn áp tội phạm, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã quyết định thành lập 5 tổ công tác đặc biệt gồm lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS), CSGT, Cảnh sát cơ động (CSCĐ) để trấn áp các đối tượng hoạt động lộng hành, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông qua biện pháp tuần tra, kiểm soát hành chính công khai, góp phần làm giảm và kiềm chế tội phạm và tai nạn giao thông, ổn định tình hình ANTT trên địa bàn Thủ đô. Một năm sau, ngày 17/9/2012, Công an TP Hà Nội đã báo cáo và được lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội đồng ý cho thành lập thêm 10 tổ công tác 141. Quân số của 15 tổ công tác 141 lúc này bao gồm 150 CBCS gồm lực lượng CSHS, CSGT, CSCĐ, Cảnh sát truy nã.

Đến cuối năm 2018, trước những diễn biến phức tạp của tình hình ANTT, những thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt của các loại tội phạm trong tình hình mới, Công an TP Hà Nội đã quyết định thành lập thêm 15 tổ, nâng tổng số thành 30 tổ công tác 141. Mục đích của việc tăng cường thêm các tổ 141 chính là để tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, tăng cường tính tấn công, trấn áp với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông, đồng thời sẵn sàng lực lượng triển khai các phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ các hội nghị, sự kiện chính trị, ngoại giao, thể thao, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố.

Sau thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhận thấy tình hình ANTT trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, tháng 10/2021, Ban Giám đốc Công an TP đã quyết định tinh gọn 30 tổ công tác xuống còn 15 tổ công tác 141. Cùng với đó, Công an TP Hà Nội cũng quy định rõ thêm về những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể của chỉ huy, CBCS các đơn vị tham gia các tổ công tác 141, qua đó, vừa đảm bảo quân số thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị, vừa nâng cao chất lượng, tính “chính quy – tinh nhuệ” của từng tổ công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp nối truyền thống, bồi đắp những chiến công

Ngay từ khi mới ra đời, với sự linh hoạt, tạo thế trận “lưới thép” cùng tinh thần, ý chí, hành động tấn công trấn áp tội phạm quyết liệt, rất nhanh chóng, “141” đã trở thành cái tên xuất hiện dày đặc trên truyền thông, trong những câu chuyện hàng ngày của người dân về những chiến công, thành tích bắt giữ, trấn áp tội phạm. Nhắc tới 141 là nhắc đến nỗi khiếp sợ cho bất cứ loại tội phạm nào. Là một trong những chỉ huy đầu tiên của tổ công tác 141, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5 không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những tháng ngày sôi nổi đó.

“Tôi còn nhớ ngày 7/8/2011 triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác Y5/141 chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng cướp giật tài sản người nước ngoài, gồm Nguyễn Văn Đức (SN 1992) và Vũ Văn Mạnh (SN 1995) cùng trú tại Nam Trung, Tiền Hải, Thái Bình, thu giữ 1 dao nhọn, 1 gói bột hạt tiêu, 20 USD, 1 đôi hoa tai vàng, 2 điện thoại di động. Các đối tượng khai nhận trước đó một ngày, chúng đã sử dụng bột hạt tiêu, xe máy đi cướp giật được 1 chiếc túi của chị Mereivan Sommeren (SN 1989, quốc tịch Hà Lan) khi chị đi xe máy trước số nhà 92 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, trong túi có 7 triệu đồng, 1 máy ảnh và 2 điện thoại di động”-Trung tá Thiều Mạnh Ngọc cho biết.

Liên tiếp trong những ngày sau đó, hàng loạt đối tượng giết người, trốn truy nã, mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép ma túy, vũ khí quân dụng, vận chuyển hàng lậu… khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường đã bị các tổ công tác 141 phát hiện, bắt giữ. Nhắc lại thời gian chỉ huy tổ công tác 141, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra khám nghiệm tai nạn giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nhớ lại: “Vất vả nhưng tự hào và rất vui”.

Ngay trong những ngày đầu tiên “xung trận”, khi kiểm tra xe ôtô BKS 29A - 047.71 do Lê Tuấn Anh (SN 1983, trú tại 137 Lê Duẩn, Cửa Nam, Hoàn Kiếm) điều khiển, trên xe chở Uông Văn Quyết (SN 1989, trú tại 15 Ngô Quyền, Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) và Chu Hữu Lộc (SN 1986, trú tại 92 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm), tổ công tác của Trung tá Trần Quang Vinh đã phát hiện, thu giữ 1 khẩu súng K54 và 6 viên đạn.

Tiếp đến, kiểm tra xe taxi BKS 30U-2688, trên xe chở 3 người, trong xe có 1 khẩu súng bút, 10 viên ma túy tổng hợp trọng lượng 2,420g. Ngoài ra, đối tượng Vũ Đức Hùng (SN 1978, trú tại tập thể Bệnh viện E, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, một trong 3 đối tượng ngồi trên xe) là nghi phạm vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản vào ngày 13/10/2011 cũng bị bắt giữ. Hay như đối tượng Trịnh Văn Tiến (SN 1986, trú tại thôn Tân Nam, Mỹ Đức, An Lão, Hải Phòng) vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã bị tổ công tác 141 phát hiện kiểm tra.

Ngoài 1 khẩu súng dạng Colt xoay và 13 viên đạn giấu trong người, Trịnh Văn Tiến khai nhận rạng sáng ngày 24/3/2011, đã dùng súng bắn vào bụng một người rồi bỏ trốn khỏi Hà Nội lên Móng Cái, Quảng Ninh. Sau vài tháng quay lại Hà Nội, Tiến đã bị tổ công tác 141 bắt giữ. Còn nhiều đối tượng tội phạm giết, cướp, trộm cắp tài sản manh động đã bị các tổ công tác 141 phát hiện, bắt giữ. Từ những “chỉ dấu” ban đầu này, Cơ quan CSĐT Công an TP đã điều tra mở rộng, bắt giữ nhiều đối tượng khác trong các chuyên án tưởng chừng như lâm vào bế tắc trước đó.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm hình thành và phát triển của lực lượng 141, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá: Ra đời từ chính đòi hỏi của yêu cầu thực tiễn, do vậy lực lượng 141 đã đáp ứng, giải quyết hiệu quả những bức xúc, tồn tại, vi phạm trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động trên đường phố. Hình ảnh những CBCS trong các tổ công tác đứng làm nhiệm vụ trên đường, bất kể ngày hay đêm, mùa đông lạnh thấu xương hay nắng đỏ lửa ngày hè, ở các ngã tư, tuyến trọng điểm, khống chế, bắt giữ những đối tượng tội phạm, côn đồ manh động… đã nhận được sự chia sẻ, đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân, sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp lãnh đạo.

Từ ngày 3/8/2011 đến 15/5/2022, các tổ công tác 141 phát hiện, bắt giữ 12.152 vụ, 15.376 đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Thu giữ 25 súng quân dụng và gần 400 viên đạn; 114 súng, công cụ hỗ trợ và súng tự chế và trên 800 viên đạn; 1 quả lựu đạn, 1 áo giáp chống đạn, 77.900 USD; 1.238 dao, kiếm, đao, lê AK, rìu, nỏ, 252 bình xịt cay; 600 dùi cui các loại; 34,432g chất nổ, 4.580 xe môtô nghi xe tang vật…, trên 20.000g ma túy các loại, 24 cân điện tử, 210 dụng cụ sử dụng ma túy, 1 máy sản xuất tài mà… cùng hàng chục nghìn tang vật khác. Trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, 12 tổ công tác 141 được “chuyển trạng thái công tác” thành 12 tổ kiểm tra cơ động mạnh tiến hành kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 29 vụ, bắt giữ 38 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự…

Hoàng Phong

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã làm rõ sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) trong việc: Khai thác quặng titan vượt nhiều lần trữ lượng, công suất theo Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp; Khai thác, xuất bán quặng titan nguyên khai không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.

Như Báo CAND đưa tin, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá băng nhóm tội phạm do đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cầm đầu. 16 đối tượng trong băng nhóm phạm tội gì, hoạt động phạm tội cụ thể của băng nhóm này như thế nào, chúng tôi tiếp tục thông tin cùng bạn đọc...

Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngày 7/11, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng 141 và công tác phòng, chống tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe gây rối trật tự công cộng. Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP, chủ trì hội thảo.

Ngày 7/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm có kháng cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo thuộc đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Nguyễn Cao Trí và bị hại…

Đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, từng cầm đầu băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm trước đây. Bình có bản tính lỳ lợm, côn đồ, sử dụng vũ khí quân dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước.

Nhắc lại vụ Công ty Pharos của FLC nâng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ trong 3 năm 2014-2016; vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu để tránh "sự đánh tráo" với các nhà đầu tư.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文