Xông pha nơi tuyến đầu chống đại dịch

11:17 28/10/2020
Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch như chống giặc. Trong đó, lực lượng CAND đã xông pha nơi tuyến đầu, làm điểm tựa cho dân trong gian khó. Việc tác nghiệp trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát đã mang đến cho tôi những kỷ niệm sâu sắc và nhiều ấn tượng đẹp về lực lượng Công an nơi tuyến đầu. Đà Nẵng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch tái bùng phát này...


3 lần xét nghiệm

Dấu mốc của đợt bùng phát dịch COVID-19 là ngày 25/7, khi Bộ Y tế công bố ca mắc trong cộng đồng đầu tiên tại TP Đà Nẵng. Liên tiếp những ngày sau đó, số lượng ca mắc COVID-19 tăng cao tại Đà Nẵng và nhanh chóng lan rộng ra tỉnh Quảng Nam. Là phóng viên được phân công thường trú địa bàn tỉnh Quảng Nam, cũng như đợt dịch COVID-19 diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, tôi lại xông xáo với những chuyến đi đến các địa phương, có mặt tại chốt kiểm soát dịch, khu cách ly tập trung... để ghi nhận sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, hiểm nguy của lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng Công an.

Một điểm khác biệt rất lớn so với đợt dịch đầu tiên là đợt bùng phát dịch này diễn ra trong cộng đồng nên tâm lý của người dân vùng tâm dịch, trong đó có tôi, thật sự hoang mang. Dịch diễn biến ngày càng xấu đi, số lượng bệnh nhân được ghi nhận ngày càng nhiều, số khu dân cư bị phong tỏa, số người được đưa đi cách ly tập trung mỗi lúc một đông.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường kiểm tra hoạt động của chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh.

Do đặc thù công việc tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ tôi bị lây nhiễm là rất cao. Chiều 3/8, được sự giúp đỡ của một đồng nghiệp ở cơ quan, tôi đến Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR lần đầu tiên. Đến sáng 8/8, tôi lục tìm số điện thoại đường dây nóng của Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng, kết nối với điện thoại viên, hỏi về kết quả xét nghiệm của mình và sau đó được thông báo qua e-mail kết quả xét nghiệm âm tính. Dù đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính, song tôi vẫn tiếp tục thực hiện tự cách ly và không dám đi tác nghiệp. Mọi việc trong những ngày này đều được tôi xử lý qua e-mail, Zalo, điện thoại,...

Tôi được kết nối vào nhóm điều hành, chỉ đạo COVID-19 của Công an tỉnh Quảng Nam qua ứng dụng Zalo. Nhờ đó mà thông tin về dịch bệnh, những chỉ đạo, điều hành của Công an tỉnh Quảng Nam tôi vẫn cập nhật liên tục trên báo.

Giai đoạn này, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh tại tỉnh Quảng Nam. Để chắc chắn mình không nhiễm SARS-CoV-2, ngày 11/8, tôi đã đến Bệnh viện 199 - Bộ Công an và được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của Đại tá Nguyễn Văn Đăng, Phó Giám đốc Bệnh viện 199, tôi được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 2 bằng phương pháp PCR, được chụp X-quang tim phổi, được xét nghiệm huyết học. 3 ngày sau, Đại tá Nguyễn Văn Đăng thông báo tin vui là kết quả xét nghiệm của tôi âm tính!

Vậy là tôi vui mừng tiếp tục đi tác nghiệp ở những nơi tuyến đầu chống dịch. Sau 11 ngày tác nghiệp tại Quảng Nam, tôi tiếp tục đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 3 vào ngày 25/8. Ngày 26/8, tôi nhận được thông báo kết quả âm tính!

Lực lượng Công an ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch ở Quảng Nam.

Xung kích tuyến đầu

Sau hơn 1 tháng ròng rã tập trung toàn lực chống dịch, các hoạt động của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dần trở lại trạng thái “bình thường mới”; đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dịch bệnh tạm lắng dịu, song hình ảnh về các lực lượng Công an, y tế, quân sự, thanh niên,... nơi tuyến đầu chống dịch vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người.

Riêng với lực lượng Công an, họ có mặt bất kể ngày đêm, nắng mưa ở những nơi hiểm nguy dịch bệnh nhất, tự nguyện, xung kích làm “lá chắn sống” chống dịch ở các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh Quảng Nam, các tuyến đường quan trọng. Lực lượng Công an còn có mặt tại các bệnh viện, các khu cách ly tập trung,... nhằm vừa đảm bảo tình hình ANTT, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Từng có mặt tại chốt kiểm dịch COVID-19 trên tuyến QL1A tại khu vực gần bến xe Bắc Quảng Nam, tiếp giáp với TP Đà Nẵng, tôi đã ghi nhận không khí làm việc khẩn trương của các cán bộ tham gia chốt kiểm dịch trong tiết trời nắng nóng oi ả. Tại đây, tôi đã gặp lại Thượng úy Lê Tấn Thiện, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Nam.

Còn nhớ, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, Thượng úy Lê Tấn Thiện cũng đã tham gia chốt kiểm dịch ở khu vực bến xe Bắc Quảng Nam trong nhiều ngày liền. Và trong lần dịch tái bùng phát, anh lại xung phong “ra trận”, cùng với hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an các đơn vị, địa phương thực hiện chủ trương “chống dịch như chống giặc”.

Thiếu úy Trần Lê Viết Ái làm nhiệm vụ kiểm soát dịch tại khu vực Ngã ba Đại Hiệp, huyện Đại Lộc.

Hàng chục nữ cán bộ công an cũng tình nguyện, xung kích nơi tuyến đầu chống dịch. Đại úy Nguyễn Hoài Thuận, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Nam cho biết trong đợt bùng phát dịch lần 2, đã có 24 nữ cán bộ công an các đơn vị, địa phương tại tỉnh Quảng Nam tình nguyện, xung kích tham gia trực chốt kiểm soát dịch.

Ngoài ra, các hội viên phụ nữ công an còn triển khai nhiều hoạt động “Chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” do Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Nam phát động như tổ chức bữa ăn “Ấm lòng chiến sĩ” cho cán bộ chiến sĩ công an và các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch; thăm, tặng quà động viên các chốt kiểm dịch, các khu cách ly trên địa bàn tỉnh,...

Đồng hành chống dịch

Trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 tái bùng phát lần này, tại tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện nhiều hình ảnh xúc động. Nhiều đoàn y, bác sĩ có chuyên môn cao của các địa phương trong cả nước đã tạm chia tay người thân, đồng nghiệp để đến hỗ trợ Quảng Nam. Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, khi đang làm nhiệm vụ thì hay tin bố đẻ phải nhập viện cấp cứu vì bị nhồi máu cơ tim.

Ghi nhận nghĩa cử của bác sĩ Huỳnh Quang Đại, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhắn tin động viên bác sĩ Đại. Tin nhắn của ông Thanh có đoạn: “Tôi thành tâm chia sẻ nỗi lòng người con hiếu thảo của bác sĩ và vô cùng khâm phục sự hy sinh tình cảm riêng tư để dồn tâm lực cho sự nghiệp chung. Bất kỳ người cán bộ, nhân dân Quảng Nam nào; bất kỳ bệnh nhân nào đang chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng đều rất xúc động và có chung sự khâm phục bác sĩ như tôi...”.

Dịch bệnh COVID-19 gây nên bao nỗi khó khăn nhưng chúng tôi không sợ hãi. Song, trong mùa dịch lại cho chúng ta thấu hết tình đồng chí, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết của người Việt Nam. Trong đợt dịch tái bùng phát tại Quảng Nam, hàng trăm tổ chức, cá nhân, các “Mạnh Thường Quân” đã hỗ trợ tiền, vật tư y tế, nhu yếu phẩm,... để đồng hành cùng công tác chống dịch tại Quảng Nam. Nhiều hình ảnh đầy ý nghĩa, xúc động về sự đồng hành chống dịch đã được ghi nhận. Đó là hình ảnh đầy trân quý về Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tẩu (sinh năm 1926, trú khối Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) gửi tặng sổ tiết kiệm 2 triệu đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mẹ bảo số tiền của mẹ không lớn nhưng đây là tấm lòng của mẹ gửi đến lực lượng đang ngày đêm phòng, chống dịch. 

Trước đó, trong đợt dịch đầu tiên vào tháng 4, mẹ Tẩu cũng đã nhờ cháu chở lên phường Điện Nam Trung trao tận tay số tiền 1,5 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Hình ảnh xúc động của bé Nhã Uyên tự tay đan “tai giả” gửi tặng các y, bác sĩ.

Đó là hình ảnh cô bé Thỏ (tên thật là Hồ Xuân Nhã Uyên, 8 tuổi, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã cùng bà ngoại tự tay đan 70 chiếc “tai giả” (dụng cụ hỗ trợ mang khẩu trang) để gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam mà Thỏ trìu mến gọi là những “thiên thần áo trắng”. Chính sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Ngọc Thi

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文