Những chặng đường vẻ vang của lực lượng CAND

CAND trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (bài 9)

08:29 31/07/2020
Trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, trải qua nhiều thời kỳ cách mạng, với các giai đoạn khác nhau, lực lượng CAND luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tiếp nối những thành tựu trong những năm đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986), CAND Việt Nam bước vào giai đoạn mới với đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế (từ 1987 đến nay).         

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) được tổ chức trên cơ sở đánh giá thực trạng kinh tế, xã hội của đất nước đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, tiếp tục tiến lên. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 30-11-1987 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, lực lượng CAND tiến hành đổi mới tư duy, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp làm việc.

Lực lượng An ninh đã quán triệt quan điểm đổi mới về công tác phản gián, chống phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, công tác bảo vệ văn hoá tư tưởng, khắc phục tư tưởng nghiệp vụ đơn thuần, thay đổi một số đối sách trong đấu tranh. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu đề xuất sửa đổi một số chế độ quản lý hành chính, như: Quản lý hộ khẩu, hộ tịch, cấp bằng lái xe… khắc phục tình trạng cửa quyền, hách dịch, giảm bớt phiền hà cho nhân dân.

Công tác tổ chức cán bộ đã khắc phục được tình trạng trì trệ, bảo thủ còn tồn tại từ nhiều năm trước. Ngày 3-1-1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 11/HĐBT thành lập Tổng cục Tình báo CAND. Đây là một bước phát triển mới về công tác tổ chức cán bộ. Trước đó, ngày 14-11-1987, Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam được ban hành. Năm 1989,  Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam được ban hành. Đó là bước phát triển, hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung, cũng như thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ ANTT và công tác xây dựng lực lượng CAND nói riêng.

Hệ thống các trường đào tạo Công an cũng được đổi mới; giải thể các trường cao đẳng trong lực lượng Công an; đồng thời, các trường Đại học An ninh, Cảnh sát, Biên phòng và Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy được củng cố để đào tạo cán bộ có trình độ bậc đại học trở lên.

Cơ cấu tổ chức bộ máy CAND được kiện toàn một bước phù hợp với nhiệm vụ chính trị, khắc phục tình trạng cồng kềnh, hành chính, quan liêu. Cùng với việc giảm biên chế, lực lượng Công an từng bước trẻ hoá đội ngũ cán bộ; bố trí, sắp xếp lực lượng thích hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hệ thống tổ chức Đảng trong CAND được đổi mới và kiện toàn, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện công tác Công an. 

Ngày 30-8-1990, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110/NQ-TW thành lập Đảng ủy Công an Trung ương và cử các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng tham gia Đảng ủy Công an Trung ương, cử đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Bí thư.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô lần lượt tan rã. Lợi dụng tình hình đó, chủ nghĩa đế quốc ra sức tấn công vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại như: Cu Ba, Việt Nam, Lào, Trung Quốc bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh ký pháp lệnh tình báo (ngày 14-12-1996). Ảnh tư liệu

Lợi dụng chiêu bài tự do, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, các nước đế quốc, các lực lượng phản động can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, các thế lực phản động cho đây là cơ hội để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chúng câu kết, tập hợp bọn phản động, đưa về nước để hoạt động phá hoại. 

Số phản động người Việt lưu vong cấu kết với bọn phản động trong nước, phần tử cơ hội chính trị, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mở các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, kích động quần chúng, vu cáo ta vi phạm nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, đòi đa nguyên, đa đảng, gây rối nội bộ, chia rẽ nhân dân với Đảng.

Đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó CAND là lực lượng nòng cốt. Nghị quyết 03/NQ-HNTW, ngày 29-6-1992 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống "diễn biến hòa bình" của địch đã xác định 8 nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là bảo vệ an ninh nội bộ, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động và liên tục tấn công tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm địch từ xa, đánh địch ngay từ nơi chúng xuất phát, lực lượng CAND đã tăng cường công tác nắm tình hình, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác kịp thời đập tan mọi âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch. 

Năm 1987, lực lượng An ninh Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang Lào chặn đứng các cuộc “Đông tiến I”, “Đông tiến II”, “Đông tiến III” của tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” do tên Hoàng Cơ Minh cầm đầu, tiêu diệt 90 tên, trong đó có Hoàng Cơ Minh, bắt sống 105 tên, xóa sổ tổ chức phản động này.

Cuối những năm 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, nhất là từ năm 1997 đến 2005, lực lượng an ninh đấu tranh quyết liệt, căng thẳng với hai tổ chức phản động thành lập ở nước ngoài là tổ chức “Đảng nhân dân Việt Nam hành động” do tên Nguyễn Sỹ Bình cầm đầu và “Chính phủ Việt Nam tự do” do tên Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu. 

Chúng chủ trương đưa người về nước hoạt động khủng bố phá hoại công cuộc xây dựng đất nước và cuộc sống bình yên của nhân dân. Quán triệt tư tưởng chủ động tiến công địch, lực lượng an ninh đã bố trí thế trận đón bắt những tên phản động trong tổ chức “Đảng nhân dân Việt Nam hành động” của Nguyễn Sỹ Bình khi chúng vừa xâm nhập đến biên giới Việt Nam - Campuchia...

Song song với công tác đấu tranh chống phản cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ của đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, lực lượng CAND đã tiến hành cuộc đấu tranh chống các loại tội phạm khác để giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới và “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước.

Trong những năm đầu thực hiện cơ chế thị trường, tình hình trật tự, an toàn xã hội nước ta diễn biến phức tạp. Tội phạm xảy ra trên nhiều lĩnh vực và đều tăng ở hầu hết các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, khu vực biên giới, tuyến giao thông quan trọng, gây thiệt hại về tài sản và gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. 

Trước tình hình đó, ngày 14-5-1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 135/CT “Về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới”. Quán triệt Chỉ thị 135/CT của Hội đồng Bộ trưởng, lực lượng Công an đã đồng loạt ra quân trấn áp tội phạm. Mục tiêu là trấn áp các loại tội phạm hình sự, tội phạm có lệnh truy nã, bọn lưu manh côn đồ, bọn chủ chứa, buôn bán ma tuý, v.v... đồng thời phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phiên họp Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam và quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan An ninh nhân dân, năm 1987.

Đi đôi với công tác tấn công, truy quét bọn tội phạm hình sự, khám phá những vụ trọng án cướp của, giết người, Công an các tỉnh còn tổ chức vận động, kêu gọi đối tượng ra tự thú. Bằng biện pháp vận động gia đình kêu gọi chồng, con, em phạm tội ra tự thú, nhiều đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ra trình diện, tự thú với cơ quan Công an để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. 

Điển hình là trường hợp Phạm Văn Bình (tức Bình Bò) từng là tên cướp gây nhiều vụ cướp táo bạo, bắn bị thương một chiến sĩ Công an, do được cảm hoá, giáo dục của cơ quan Công an, sự động viên của gia đình, Bình đã ra tự thú và được hưởng lượng khoan hồng của Chính phủ. Sau khi chấp hành án trở về địa phương, Phạm Văn Bình làm kinh tế giỏi, trở thành tỷ phú, có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương.

Qua việc thực hiện Chỉ thị 135/CT của Hội đồng Bộ trưởng, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ. Các “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội thanh niên xung kích”, “Ban tự quản” được thành lập và hoạt động thường xuyên đạt nhiều hiệu quả trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Phong trào góp “Quỹ bảo vệ an ninh” phát triển sâu rộng trong quần chúng, hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho các hoạt động bảo vệ ANTT.

Cũng trong thời kỳ “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước, tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp. Một số loại tội phạm nghiêm trọng có chiều hướng tăng cả về số lượng lẫn tính chất phạm tội, như tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm hoạt động mang tính chất “xã hội đen”. 

Trước tình hình đó, ngày 31-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP “về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; đồng thời ra Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm” và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138).

Bộ Công an được giao làm Thường trực Ban Chỉ đạo 138; lực lượng Công an chủ công, trực tiếp đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Bộ Công an đã xây dựng 4 đề án lớn nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. 

Đó là các đề án: “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân bảo vệ ANTT”; “Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế; “Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên”.

Bộ Công an đã tổ chức những hội nghị ký kết Nghị quyết hợp tác liên ngành giữa Công an và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giữa Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giữa Công an và Hội Cựu chiến binh, giữa Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo, v.v... Những Nghị quyết hợp tác liên ngành này đã tạo ra phong trào rộng lớn, sôi nổi trong mọi tầng lớp, mọi cấp, mọi ngành, mọi giới, mọi lứa tuổi đối với công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tội phạm về ma tuý.

Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đồng loạt tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm do Chính phủ đề ra. Nhiều địa phương đã có những hình thức thích hợp để vận động quần chúng thực hiện Chương trình này. Một số địa phương thành lập các tổ chức quần chúng như “Hội đồng bảo vệ trật tự an toàn xã hội”, “Ban bảo vệ dân phố, dân phòng” để phòng, chống tội phạm.

(Còn nữa)

Nhóm PVTS

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文