Bám bản, giữ vững an ninh trật tự
Cả 16 xã, thị trấn của Minh Hóa đều thuộc vùng kinh tế 135, để giúp đỡ người dân thay đổi cuộc sống bớt đi khó khăn, vất vả, đặc biệt là xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Minh Hóa luôn bám sát địa bàn cùng ăn, cùng ở với nhân dân.
Trong mỗi buổi giao ban hàng tuần của Công an huyện Minh Hóa, cán bộ, chiến sỹ thường xuyên được quán triệt thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh-Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Từ việc quán triệt những chuyên đề về tấm gương Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Công an Minh Hoá đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để từ đó nâng cao những phẩm chất đạo đức của người Công an cách mạng như: "Trung với nước, hiếu với dân"; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".
Từ trung tâm huyện để về với bà con đồng bào dân tộc thiểu số phải đi mất cả ngày đường, nhiều lúc phải cơm đùm, cơm nắm, nằm lại giữa rừng già ba bốn ngày mới đến được bản do lũ về, nước suối dâng cao, nhưng cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Minh Hóa vẫn luôn hoàn thành xuất sắc việc bám địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Còn nhớ, dư luận cả nước từng xôn xao khi có thông tin về những hủ tục còn sót lại của bà con tộc người Chứt, Sách, Mày ở vùng sâu xã Thượng Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa như con phải chôn theo khi mẹ chết; hôn nhân cận huyết thống; có nơi sinh sống kiểu quần hôn, tạp hôn; đơn vị đã cử cán bộ, chiến sỹ có năng lực, hiểu văn hóa của đồng bào xuống cơ sở phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương động viên, khuyên nhủ, nâng cao nhận thức cho đồng bào từ bỏ các hủ tục.
Nhờ bám sát địa bàn, hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân nên Công an Minh Hóa đã vận động được bà con giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ. |
Để nói cho đồng bào hiểu và nghe, các cán bộ, chiến sỹ phải gắn bó mật thiết với đồng bào, tự bản thân phải trở thành tấm gương trung thực, cần mẫn, yêu thương bà con. Nhờ sự hướng dẫn, động viên khuyến khích của Công an huyện Minh Hóa và Bộ đội Biên phòng giờ đây đồng bào Rục ở Minh Hóa đã biết trồng lúa nước cho năng suất cao, bà con dân tộc thiểu số đã biết chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn, làm nương, làm vườn để thay đổi đời sống.
Nhiều con em đồng bào dân tộc không còn bỏ trường, bỏ lớp, nhiều nơi bà con đã thực hiện tốt đời sống sinh hoạt văn hóa làng bản, các lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức hàng năm. Để có một phần kinh phí hỗ trợ bà con gặp khó khăn khi gặp thiên tai, bão lũ, lãnh đạo Công an huyện Minh Hóa đã quán triệt cho tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt và tiêu dùng, đặc biệt nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang lễ và lễ hội.
Đổi mới công tác cải cách hành chính, thực hiện mục tiêu "Mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân", Công an Minh Hóa đã đổi mới công tác tiếp dân, thông báo lịch tiếp dân theo định kỳ để trực tiếp giải quyết các vấn đề, vụ việc liên quan đến an ninh trật tự do người dân phản ánh. Đơn vị còn bố trí cán bộ giải quyết công việc về hộ khẩu tại các xã vùng sâu, vùng xa để giảm bớt thời gian đi lại cho nhân dân.
Để cuộc vận động “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” phát huy hiệu quả, đơn vị đã tổ chức nhiều diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Thượng tá Phan Thanh Phương, Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết “Mục đích của diễn đàn là để Công an huyện gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân. Nếu không gặp thì không thể gọi là hiểu dân được. Chính vì thế mà lúc triển khai diễn đàn, rất đông bà con nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ và tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi”.
Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” được Công an Minh Hóa tổ chức với sự hiện diện của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện.
Tại diễn đàn, Công an huyện lắng nghe nhân dân góp ý cũng như giải đáp những thắc mắc, bức xúc của bà con đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Là địa bàn miền núi biên giới có đông đồng bào dân tộc sinh sống, với tư duy, thói quen lưu giữ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như súng săn, các loại súng hơi, súng kíp, dao kiếm, xung điện... để tự bảo vệ và đi rừng săn bắn, mưu sinh.
Qua nhiều lần tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, Công an huyện đã vận động, thu hồi hàng chục loại vũ khí, hung khí nguy hiểm trong nhân dân tự giác giao nộp. Gần đây, người dân trên địa bàn đã giao nộp trên 100 khẩu súng tự chế, gần 30 bộ kích điện, điều tra làm rõ 13 vụ phạm pháp hình sự, buôn bán ma túy trái phép…