Báo Công an nhân dân và sự khởi đầu của một nhà thơ
- Những nhà báo làm nên “thương hiệu” Báo Công an nhân dân
- Cán bộ, phóng viên Báo Công an nhân dân với các giải thưởng báo chí và văn học
- Sự phát triển của Báo Công an nhân dân và các chuyên đề
Trong những lần đi nước ngoài, khi nói chuyện về đời sống văn học trong nước, tôi nói với các bạn đọc nước ngoài về một hiện thực ở Việt Nam mà hầu như tôi chưa thấy nơi nào trên thế giới. Đó là ở Việt Nam, báo nào cũng in thơ văn như Báo CAND, báo Quân đội nhân dân rồi đến các báo, tạp chí của các cơ quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, Thủy sản, Thể thao, Du lịch... đều dành một phần trang trọng để giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ. Các nhà văn và bạn đọc nước ngoài nghe vậy thì vô cùng sửng sốt.
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước và tác giả (bìa phải) cùng những cộng sự ngày đầu của Văn nghệ Công an và An ninh thế giới (ảnh chụp tháng 11-2011). Ảnh: Duy Hiển. |
Vì lẽ đó mà tác phẩm đầu tiên tôi in trong đời sáng tác của mình là trên Báo CAND và đó một bài thơ viết về chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 có tên là “Tháng Giêng và em”. Tôi muốn giới thiệu bài thơ ấy tới bạn đọc của Báo CAND thời nay (xem bìa phải).
Hồi đó Báo CAND chỉ phát hành nội bộ và tôi đang công tác ở một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Một hôm đọc báo của cơ quan, tôi lặng người khi thấy bài thơ của mình được in. Bài thơ thứ hai viết về liệt sỹ Lê Đình Chinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược…
Trong suốt thời gian làm việc ở ngành Công an, tôi chỉ in đúng hai bài thơ trên Báo CAND và cả hai bài thơ ấy không cho thấy dấu hiệu gì khả quan để nghĩ rằng tôi sẽ theo nghiệp thơ phú đến hết đời. Sau này, tôi chủ yếu viết truyện vụ án cho Báo CAND.
Tôi còn nhớ truyện vụ án đầu tiên in trên Báo CAND có tên “Mùa chim làm tổ”. Chỉ đọc cái tít của vụ án này là thấy đúng là ngôn ngữ của một nhà thơ cho dù viết vụ án. Có một thời gian, hầu như tháng nào tôi cũng viết một truyện vụ án cho báo. Nhà báo Trần Tuấn Anh khi đó làm ở bộ phận thư ký tòa soạn và trị sự của Báo CAND trong một lần nói chuyện với Hội nghị cộng tác viên nhận xét: “Nguyễn Quang Thiều đã mở ra một cách viết vụ án mới”.
Quả là nhận xét “khủng” đối với một người viết vụ án còn rất trẻ như tôi. Cái mới mà nhà báo Trần Tuấn Anh nói đến là chất văn trong truyện vụ án. Cách viết ấy thời đó quả là không mấy ai viết trên tờ báo của ngành Công an.
Những vụ án tôi viết luôn khai thác rất sâu vào tâm lý con người và với một lối hành văn rất tiểu thuyết chứ không phải cách tường thuật vụ án như bạn đọc thường thấy trên báo. Hồi đó những người tích cực cộng tác với báo thì được cấp một cái thẻ gọi là thẻ “Thông tin viên”. Thẻ màu đỏ có hình cây bút.
Lúc nào tôi cũng để tấm thẻ ấy trong túi áo. Thú thực, tôi không dùng tấm thẻ ấy làm việc gì mà chỉ để khoe với bạn bè và… mua vé ôtô. Thời ấy, xe khách vô cùng hiếm hoi. Để mua được một chiếc vé xe khách không dễ dàng chút nào. Người ta phải xếp hàng, chen lấn và mua vé chui.
Có một lần, sợ lỡ chuyến xe thì hỏng việc, tôi cứ liều đưa cái thẻ ấy ra thế là người ta bán ngay vé cho tôi. Hồi ấy, tôi yêu một cô gái người ở Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Mỗi dịp vào thăm người yêu, tôi đi tàu chợ từ Hà Nội vào Thanh Hóa và mua vé đi Hoằng Hóa. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe sớm và một chuyến cuối chiều từ thị xã Thanh Hóa đi Hoằng Hóa; đương nhiên, tấm thẻ Thông tin viên của Báo CAND rất đắc dụng lúc này.
Tôi nhớ hồi ấy những người viết báo của ngành Công an chơi với nhau rất gắn bó. Họ hay gặp nhau ở tòa soạn, uống trà và trò chuyện về bài vở chứ chẳng có quán bia hay cà phê nhiều như bây giờ.
Tôi chơi rất thân với các phóng viên trẻ của Báo CAND như Phạm Văn Miên, Nguyễn Phúc Bồng, Thùy Linh... Lúc đó tôi chưa vợ, làm việc xong là ở luôn cơ quan Bộ tại Hà Nội (số 15 phố Trần Bình Trọng) mà mọi người gọi là phố Hàng Bàn vì cán bộ độc thân hoặc xa nhà cứ làm việc xong thì dọn dẹp bàn làm việc, trải chiếu và ngủ.
Có nhiều buổi chiều rảnh rỗi, tôi đến tập thể của một số phóng viên độc thân ở ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên. Mọi người nấu cơm cho tôi ăn. Có lần đưa người yêu đi chơi, tôi ghé vào thăm nhà báo Phạm Văn Miên và “bí mật” vay ông tiền để đưa người yêu ra Bờ Hồ uống nước sen dừa.
Cô gái nào thời đó mà được người yêu mời nước sen dừa thì hạnh phúc và hãnh diện vô cùng. Và cho đến bây giờ, tôi không nhớ tôi đã trả Phạm Văn Miên món tiền vay ấy chưa. Nếu ông đòi thì cũng chẳng có bằng chứng gì về việc tôi vay tiền ông cả. Hiện nay, nhà báo Phạm Văn Miên là Tổng biên tập của Báo CAND.
Lớp đàn anh ở Báo CAND thì tôi chơi thân với nhà văn Hữu Ước, nhà báo Nguyễn Gia Bào và nhà báo Trần Kính. Sau này nhà văn Hữu Ước làm Tổng biên tập Báo ANTG rồi Tổng biên tập Báo CAND và Chuyên đề ANTG. Tôi từng giúp ông tổ chức và điều hành công việc cho tờ ANTG cuối tháng và nghĩ ra tờ Cảnh sát toàn cầu sau này.
Tôi nhớ khi làm format cho tờ ANTG Cuối tháng, tôi đã nghĩ ra chuyên mục Trò chuyện cuối tháng. Lúc đầu, một số người phản đối chuyên mục này và cả tờ báo nói chung trước khi nó ra mắt số đầu tiên vì các bài quá dài. Thế nhưng ấn phẩm ANTG Cuối tháng đã rất nhanh chóng gây ấn tượng và chuyên mục Trò chuyện cuối tháng trở thành một trong những chuyên mục ăn khách nhất của tờ phụ trương này.
Để thực hiện các cuộc trò chuyện ấy, chúng tôi có một nhóm làm việc gồm nhà báo Hồng Thanh Quang (người hỏi chính), nhà báo Việt Đông (ghi âm, gỡ băng và chụp ảnh) và tôi (người hỏi phụ). Tôi ngồi quan sát nhân vật trò chuyện để thi thoảng “cắm” vào một câu hỏi.
Thời tôi mới cộng tác với Báo CAND, anh Nguyễn Ngọc Khiêm đang làm công tác tổ chức của báo đã gặp và động viên tôi về làm phóng viên Báo CAND. Tôi vô cùng hào hứng và khao khát được trở thành một nhà báo, đặc biệt là Báo CAND. Nhưng tổ chức của cơ quan tôi đã không cho tôi đi. Khi nhà văn Hữu Ước làm Tổng biên tập Báo ANTG, ông đã nhiều lần cả động viên cả ép tôi về làm Phó tổng biên tập nhưng lúc đó tôi lại từ chối.
Tâm lý con người mỗi thời có những thay đổi khác nhau, lúc muốn về làm nhân viên thì không được, khi được mời về làm lãnh đạo thì lại không muốn. Một số bạn bè hỏi vì sao tôi lại không về làm Phó tổng biên tập Báo ANTG rồi sau này sáp nhập sẽ làm Phó Tổng biên tập Báo CAND, một vị trí quá “oách” và tôi sẽ còn nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Tôi nói với bạn bè lý do duy nhất, tôi đã là một nhà thơ và tôi thấy tôi không phù hợp với một nơi như Báo CAND nữa. Chẳng lẽ về đó tôi phải cạo ria mép và chải tóc rẽ ngôi hay sao? Về đó rồi làm sao tôi có thể tự do đi lang thang trên thế giới như tôi đã từng lang thang có khi đến cả nửa năm… Nên cuối cùng, tôi đã chọn lựa con đường mà tôi muốn.
Tháng giêng và em Sao em không về Asinh ơi... Nhưng con đường mưa xuân bay nghiêng Nhạc ngựa rung reng, lồ cam chín ngọt Tháng Giêng như kỷ niệm cầm tay Bản mường yêu thương giặc phá tan hoang Rồi chiều ấy em đi và không về chốt nữa Dẫu chưa hẹn lời nhưng mắt nói thay nhau Tháng Giêng này Asinh ơi, anh tìm em Anh gặp em rồi, Asinh ơi, tháng Giêng Anh gặp em rồi tháng Giêng, Asinh ơi (1980)
|