Chạy đua với thời gian để cấp căn cước công dân

07:56 25/03/2021
Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức cho CBCS thực hiện nhiệm vụ làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân theo 3 ca, bắt đầu từ 7h đến 23h liên tục từ thứ Hai đến Chủ nhật hằng tuần không có ngày nghỉ.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác điều tra, lấy mẫu

Xây dựng nguồn cán bộ, chiến sỹ tinh thông kỹ năng, làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát công dân trên địa bàn, sáng tạo trong khâu lấy vân tay… đó là những cách làm hay, linh hoạt của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội mà chúng tôi đã ghi lại được trong quá trình làm thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho nhân dân trên địa bàn huyện. Tính đến thời điểm này, Công an huyện Mỹ Đức là một trong những đơn vị “top” đầu của thành phố về tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức chia sẻ, ngay khi bước vào “chiến dịch” cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân trên địa bàn, khó khăn chính là máy móc, phương tiện để vận hành cấp CCCD gắn chíp. 

Thời gian đầu, Công an huyện chỉ có 1 hệ thống máy vừa đi cấp lưu động, vừa đi cấp tại trụ sở. Tuy nhiên, để đảm bảo được tiến độ công việc đề ra, Ban chỉ huy Công an huyện đã tính toán làm sao để công việc được thuận lợi phục vụ nhân dân tốt nhất. 

Và thế là, Ban chỉ huy Công an huyện Mỹ Đức đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an khi triển khai cấp lưu động tại các xã. Với sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, những khó khăn bước đầu về cơ sở vật chất đã được khắc phục.

Công an huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân.

Để đáp ứng nhu cầu của công việc và đảm bảo tiến độ, Công an huyện Mỹ Đức đã huy động CBCS tinh thông kỹ năng nhất, đặc biệt điều động thêm 50 CBCS ở các Đội nghiệp vụ, Công an xã cùng tham gia “chiến dịch”. Để chủ động, không bị bất ngờ, bỡ ngỡ khi bước vào nhiệm vụ mới, các CBCS tăng cường đã được tập huấn thuần thục về các kỹ năng trong quá trình cấp CCCD gắn chíp điện tử... 

Tự hào “khoe” về chiến sĩ của mình, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình thông tin, Đại úy Dương Văn Quý, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội là một trong những “cao thủ” lấy vân tay. Với mỗi trường hợp thông thường từ trích xuất thông tin, lấy vân tay và chụp ảnh mất từ 3-5 phút, nhưng kíp có Đại úy Dương Văn Quý, một trường hợp chỉ mất khoảng 2 phút. Người cán bộ trẻ ấy từng là du học sinh ở Nga, 6 năm với chuyên ngành Toán - Tin nên rất thông thạo về công nghệ thông tin, đã hỗ trợ đắc lực cho đồng đội làm nhiệm vụ cấp CCCD gắn chíp.

Trực tiếp có mặt tại các điểm cấp CCCD gắn chíp điện tử lưu động, Trung tá Nguyễn Thị Hằng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an huyện Mỹ Đức cho biết, hiện nay, Công an huyện Mỹ Đức tổ chức cho CBCS thực hiện nhiệm vụ làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân theo 3 ca, bắt đầu từ 7h đến 23h liên tục từ thứ Hai đến Chủ nhật hằng tuần không có ngày nghỉ. 

Công an huyện vẫn duy trì tổ công tác cấp mới, đổi lại CCCD cho người dân tại trụ sở Công an huyện và các tổ cấp lưu động tại các địa bàn xã để làm CCCD cho người dân. Mỗi tổ công tác cấp lưu động có 3 người, gồm một người thu nhận hồ sơ, một người chụp ảnh và một người lấy dấu vân tay. 

Mặc dù có những địa bàn xã cách trung tâm huyện đến 25km nhưng tổ cấp CCCD lưu động của Công an huyện vẫn đến tận nơi, miệt mài công việc suốt từ sáng đến đêm thậm chí là cả khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình nhìn nhận, một trong những sáng tạo của đơn vị trong quá trình cấp CCCD gắn chíp điện tử chính là đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát công dân trên địa bàn, phân chia thành từng nhóm. 

Trước khi triển khai cấp CCCD gắn chíp tại xã nào, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng yêu cầu Công an các xã chủ động tuyên truyền để người dân biết; đồng thời điều tra cơ bản về số lượng người trong diện cấp nhằm chủ động bố trí cán bộ. Khi triển khai, cán bộ Đội cùng Công an xã sắp xếp hồ sơ, giấy tờ theo từng thôn để dễ đối chiếu so sánh, giúp giảm thời gian chờ đợi của công dân.

Một trong những khâu khó khăn trong quá trình làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử chính là khâu lấy vân tay, nhất là đôi tay của bà con nhân dân  làm ruộng, chèo đò khiến dấu vân tay trở nên mòn vẹt, khô. Tuy nhiên, các CBCS đã kiên trì và có cách làm sáng tạo để giúp công việc thuận lợi. 

“Tại điểm cấp trụ sở Công an huyện và các điểm cấp lưu động, Công an huyện đều bố trí các chậu nước để những người có vân tay khô, mòn vẹt ngâm tay giúp vân tay mềm ra dễ lấy hơn. Đối với người dân có bàn tay ra nhiều mồ hôi, chúng tôi lại bố trí khăn bông để thấm mồ hôi sau đó sử dụng máy sấy tóc để tay khô giúp công việc thuận lợi”, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Khắc phục khó khăn, góp sức cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ

Cơn mưa phùn rả rích khiến quốc lộ 21B, đoạn qua thị trấn Ứng Hoà, TP Hà Nội – cung đường đã xuống cấp, lại chật hẹp, giao thông thường xuyên ùn tắc - vào ban đêm càng khó di chuyển. 

Gửi cô con gái chưa đầy 6 tháng tuổi cho bố mẹ đẻ trông giúp, giữa đêm khuya, chị Nguyễn Thị Hương Nhài lại đến Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Ứng Hoà đón chồng là Đại uý Lê Văn Bộ, cán bộ Công an xã Hoà Nam, được tăng cường thực hiện cấp CCCD gắn chíp… Từ khi chồng không may bị tai nạn, chân bị bó bột, chị Nhài trở thành “đôi chân” của anh. Một ngày 2 lần, chị đưa anh đến trụ sở đơn vị làm việc rồi lại trở về nhà.

Được “tận mục, sở thị” chuỗi ngày làm việc căng thẳng của cán bộ Công an huyện Ứng Hoà, trong quá trình thực hiện 2 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý CCCD, chị Nhài thêm hiểu, đồng cảm, chia sẻ với vất vả của chồng và những người đồng chí, đồng đội… Vào thời điểm này, có hôm, chị cùng Đại uý Lê Văn Bộ trở về nhà thì đã sang một ngày mới. Các đồng đội của anh cũng vậy, có những đồng chí cả vợ cả chồng cùng tham gia chiến dịch.

 “Khi bàn chân trái vừa bó bột được vài ngày, anh đã bảo tôi đưa đến đơn vị làm việc. Thương chồng, tôi khuyên anh xin nghỉ vài ngày, lãnh đạo Công an huyện Ứng Hoà cũng tạo điều kiện cho nghỉ dưỡng bệnh, bởi theo chỉ định của bác sỹ, anh cần phải nghỉ ngơi, bàn chân bó bột phải gác cao nhưng anh nói giờ đang là đợt cao điểm. Nếu một người nghỉ thì đồng đội của anh sẽ phải gánh thêm phần việc của những người khác, vất vả hơn…”, chị Nhài chia sẻ. Hiểu được suy nghĩ của chồng, chị Nhài hằng ngày trở thành “đôi chân” của anh, đưa chồng đến trụ sở làm việc rồi lại về nhà.

Quen biết nhau từ những ngày cả hai còn là học sinh cấp 3 của trường làng nhưng phải đến khi Đại uý Lê Văn Bộ đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND, anh mới chính thức ngỏ lời với chị. Trong quãng thời gian dài tìm hiểu rồi khi anh được phân công công tác về Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội), chị đã hiểu được phần nào công việc của người chồng tương lai. 

Đó là những cuộc hẹn thường xuyên bị trễ giờ bởi những công việc đột xuất, bất ngờ; là những đêm thấp thỏm, lo âu khi điện thoại nhiều lần liên lạc thường nằm ngoài vùng phủ sóng… Thế nhưng khi đã trở thành người vợ, thời gian đầu chị vẫn không tránh khỏi cảm giác hẫng hụt và tủi thân khi vào những ngày lễ, ngày Tết chỉ vò võ một mình. 

Cả hai lần chị sinh con, anh cũng chẳng bao giờ có mặt. Lần gần đây nhất là cách đây 6 tháng, khi chị sinh con gái thứ hai… Sau khi chị sinh con được vài giờ, anh tranh thủ xin lãnh đạo đơn vị chạy vào bệnh viện thăm con nhưng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, theo quy định chỉ được một người nhà vào trông nên đành ngậm ngùi ra về.

Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tận tình phục vụ nhân dân trong cấp CCCD gắn chíp điện tử.

Tháng 9/2020, thực hiện chủ trương tăng cường Công an chính quy về cơ sở, Đại uý Lê Văn Bộ được điều động từ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH về Công an xã Hoà Nam (Ứng Hoà); cùng đồng đội được phân công phụ trách Đình Xuyên, là một xã có đông dân… 

Thời điểm anh nhận công tác cũng là lúc Công an xã Hoà Nam đang căng mình thực hiện việc thu thập dữ liệu dân cư. Trong xã có hơn 13.000 dân thì chỉ riêng địa bàn thôn Đình Xuyên đã có tới hơn 8.000 người, điều đó đã nói lên phần nào tính chất công việc của địa bàn được phân công phụ trách. 

Công việc mới, địa bàn mới, ban đầu anh Bộ cũng không khỏi lạ lẫm… Thời điểm đó, cũng là lúc chị Nhài mang thai cô con gái thứ hai. Những lúc mệt mỏi hay đi thăm khám cũng chỉ có một mình. Chị Nhài tâm sự: “Những ngày đầu mới lập gia đình, tôi cũng thấy hụt hẫng và tủi thân vì vào những ngày lễ, Tết chỉ có một mình đi chúc Tết… Nhưng sau này hiểu rồi cũng thành quen”.

 Ngay khi có mặt ở địa bàn, Đại uý Lê Văn Bộ đã nhanh chóng bắt nhịp cùng cán bộ trong đơn vị tăng cường thu thập dữ liệu dân cư và nhập liệu. Người dân Đình Xuyên năng động, ngoài những lúc nông nhàn thường đi làm ăn buôn bán ở khắp mọi nơi. Vì thế, muốn thu thập được dữ liệu dân cư chỉ đi gặp vào lúc buổi tối… 

Những ngày đó, sau những lúc rong ruổi ở địa bàn nắm tình hình; đến từng nhà dân thu thập dữ liệu, anh và đồng đội lại cắm đầu vào nhập liệu đến gần sáng để đảm bảo đáp ứng với yêu cầu.

Với kinh nghiệm của một cán bộ đã công tác nhiều năm trong lực lượng quản lý hành chính, anh được tăng cường vào các tổ cấp CCCD lưu động; trực tiếp xuống địa bàn làm CCCD cho người dân. Những ngày đó, anh Bộ đi sớm về khuya, có lúc trở về nhà đã 2h sáng, khi đó chị Nhài cũng vừa sinh con được vài tháng. 

Công việc gia đình và chăm sóc con nhờ có ông bà ngoại và sự tần tảo của người vợ… Đó là một ngày tháng 3/2021, anh vừa tranh thủ về nhà ăn cơm thì một chiếc xe máy ở phía sau bất ngờ đâm vào chân gây tai nạn. Đến sáng hôm sau, vết thương đau nhức hơn, anh đến bệnh viện chụp chiếu thì biết rằng buộc phải bó bột.

Đại uý Lê Văn Bộ, cán bộ Công an xã Hoà Nam chỉ là một trong những cán bộ Công an của Công an huyện Ứng Hoà đang tham gia vào việc cấp CCCD. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Bội, Phó trưởng Công an huyện Ứng Hoà chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Bộ Công an; Giám đốc Công an  TP Hà Nội, Công an huyện Ứng Hoà đã xây dựng  kế hoạch về việc cấp CCCD. Công an huyện Ứng Hoà đã chỉ đạo Công an xã làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách nhân khẩu trong diện cấp CCCD lưu động phân loại theo từng nhóm tuổi; theo nghề nghiệp, khảo sát các địa điểm dự cấp, để tiến hành triển khai cấp CCCD lưu động cho phù hợp.

Với hơn 40.000 dân, để đáp ứng được yêu cầu công việc thật không đơn giản. Những ngày này, ngoài việc cấp CCCD gắn chíp tại trụ sở, hai tổ cơ động của Công an huyện Ứng Hoà thường xuyên có mặt ở địa bàn, cấp CCCD cho người dân. Cán bộ đơn vị làm việc liên tục 3 ca từ 7h sáng cho đến khi hết việc. 

Thời gian đầu, hệ thống máy hoạt động chưa ổn định, CBCS còn phải làm quen với các thao tác cộng với người dân e ngại khi dịch bệnh bùng phát nên số lượng cấp CCCD trong một ngày còn chưa cao. Rút kinh nghiệm từ việc mời công dân, đảm bảo trật tự khu vực cấp, đảm bảo an toàn tài sản, phương tiện của công dân khi đến cấp CCCD, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong dây chuyền cấp CCCD từ khâu đầu cho đến khâu lăn tay, chụp ảnh… Đến nay, Công an huyện Ứng Hoà đã duy trì cấp được 270 trường hợp/máy.

M.Hiền-N.Hương-Xuân Mai

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文