Chủ động phòng, chống tội phạm trong mùa thu hoạch cà phê

06:51 09/12/2020
Cuối năm, hàng chục nghìn lao động thời vụ đổ lên các tỉnh Tây Nguyên thu hoạch cà phê lại làm dấy lên nỗi lo gia tăng các loại tội phạm nguy hiểm, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết cả gia chủ để giải quyết mâu thuẫn như đã từng xảy ra. Công an các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có thể gia tăng trong mùa thu hoạch cà phê 2020.


Mặc dù rẫy cà phê rộng 5ha của gia đình ông Lê Thành Vũ, thôn 11, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã chín rộ nhưng ông Vũ vẫn chưa cho thu hoạch, dù đã có những nhóm người tới đặt vấn đề hái thuê. Ông Vũ không nhận lời nhóm người lạ mà thận trọng hơn, ông chờ 8 nhân công từ tỉnh Phú Yên vào hái cho gia đình. 8 người trên là chỗ quen thuộc của gia đình ông Vũ từ nhiều năm qua mỗi khi vào mùa thu hoạch cà phê.

“Họ làm cho gia đình tôi nhiều năm rồi, biết tính nết của nhau nên cũng đỡ lo lắng. Thuê người lạ, chẳng biết họ thế nào... Nhỡ gặp kẻ xấu trà trộn vào lại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nhẹ thì xảy ra trộm cắp, nặng hơn thì cướp giật, lừa đảo, giết người... rồi bỏ trốn!..”, ông Vũ chia sẻ.

Cán bộ Công an tuyên truyền tới người dân nâng cao cảnh giác tội phạm trong mùa thu hoạch cà phê.

Những vụ án mạng kinh hoàng do người làm thuê thực hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trở thành bài học “xương máu” cho nhiều gia đình. Nổi cộm là người làm thuê sát hại vợ chồng gia chủ xảy ra tại huyện Lâm Hà vào năm 2012. Gần đây nhất là vụ người làm thuê sát hại chủ nhà cướp tài sản vào năm 2017 cũng tại huyện Lâm Hà. Các vụ án do người làm thuê gây ra đã trở thành nỗi ám ảnh cho những gia đình có cà phê đang cần người thu hái.

Để phòng chống tội phạm trong mùa thu hoạch cà phê, hằng năm Công an tỉnh Lâm Đồng đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, siết chặt quản lý nhân khẩu, đăng ký tạm trú tạm vắng. Ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát của lực lượng Công an, tại các thôn, buôn, người dân đã chủ động thành lập các tổ tự quản, thay phiên tuần tra, kịp thời phát hiện, phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật.

Ông Dương Văn Tú, trưởng thôn 9, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm cho biết, thôn đã thành lập tổ tự quản gồm lực lượng Công an viên, dân quân và hàng chục người dân tham gia. “Bắt đầu từ 18h hàng ngày, chúng tôi phân công lực lượng và chia ca tổ chức tuần tra suốt đêm. Khi phát hiện có người lạ hoặc những đối tượng tình nghi có dấu hiệu bất thường, chúng tôi sẽ bố trí người theo dõi và thông báo tới cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, Ban thôn còn tuyên truyền tới bà con nâng cao cảnh giác, cắt cử người trông coi nhà cửa đề phòng kẻ xấu đột nhập trộm cắp tài sản khi mọi người đã đi hái cà phê!..”, ông Tú cho hay.

Tại huyện Di Linh, những ngày qua, hàng nghìn lao động tự do từ các tỉnh phía Bắc cũng đã đổ về thu hái cà phê thuê. Dù mới bắt đầu vào vụ nhưng tại các chợ nông thôn, ngã ba, ngã tư trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Di Linh đã xuất hiện nhiều nhóm nhận thu hoạch cà phê. Tình hình ANTT được dự báo sẽ rất phức tạp. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, không ít thành phần “bất hảo”, đối tượng trốn lệnh truy nã trà trộn vào đoàn người thu hoạch cà phê thuê, chúng sẵn sàng phạm tội khi cơ hội xuất hiện. Do đó, công tác tuần tra, kiểm soát, siết chặt quản lý tạm trú, tạm vắng đang được lực lượng Công an các địa phương của tỉnh Lâm Đồng tăng cường thực hiện.

Tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, trong 10 ngày, Công an xã đã phát hiện 30 trường hợp là lao động tự do đến địa phương hái cà phê nhưng không khai báo tạm trú. Công an xã Lộc Ngãi đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nhà và những người liên quan, yêu cầu chủ nhà khai báo tạm trú cho người lao động theo quy định.

“Hiện tại, hệ thống camera an ninh của chúng tôi có tổng cộng 18 mắt được lắp đặt tại các trục đường chính vào 13/13 thôn của xã. Thông qua hệ thống camera an ninh, chúng tôi cơ bản giám sát tốt tình hình ANTT trên địa bàn. Từ đó, góp phần giúp đơn vị triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội giúp bà con yên tâm thu hoạch vụ mùa”, Đại úy Dương Mạnh Hùng, Trưởng Công an xã Lộc Ngãi cho biết.

Nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm phát sinh trong mùa thu hoạch cà phê, Công an huyện Bảo Lâm đang mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tới công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để bà con nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệtài sản, tính mạng trong mùa vụ.

“Đội Cảnh sát hình sự đang chỉ đạo lực lượng phối hợp cùng các đội nghiệp vụ rà soát, răn đe các đối tượng có tiền án, tiền sự tại địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động cư trú trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không tiêu thụ cà phê khi chưa rõ nguồn gốc với các điểm thu mua cà phê trên địa bàn. Đặc biệt, đơn vị cũng đã bố trí lực lượng trinh sát ngầm ở cơ sở để chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo ANTT trong mùa thu hoạch”, Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bảo Lâm cho biết.

Công tác phòng chống tội phạm trong niên vụ cà phê 2020 cũng đang được Công an huyện Di Linh tập trung triển khai. Theo Trung tá Võ Khánh Vân, Phó Trưởng Công an huyện Di Linh, để đảm bảo ANTT trong mùa thu hoạch cà phê, chính quyền địa phương, lực lượng Công an và người dân đang có sự phối hợp rất tốt. Việc tổ chức tuần tra, kiểm soát, được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại các thôn đã hình thành những tổ an ninh nhân dân tự quản lý. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm có thể gia tăng trong mùa thu hoạch cà phê năm nay, Công an huyện Di Linh còn đẩy mạnh giám sát hoạt động của người dân qua hệ thống camera an ninh. Toàn huyện đang có hơn 1.100 camera được cơ quan chức năng và người dân lắp đặt. Trong đó, Công an huyện đã lắp đặt 210 camera tại tất cả các xã, thị trấn, đầu mối giao thông trên địa bàn.

Đây sẽ là phương tiện đắc lực giúp lực lượng chức năng chủ động phòng chống, quản lý lao động tự do ra, vào địa phương cũng như việc truy xét, xử lý các đối tượng phạm tội trong mùa thu hoạch cà phê.

Khắc Lịch

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Châu (SN 1973, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Đạt An về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 31/10, ở Quảng Trị bắt đầu nắng ráo. Tuy nhiên, một số địa phương ở các khu vực hạ nguồn, thấp trũng và gần sông, suối vẫn còn bị ngập lũ cục bộ, có nơi sâu hơn 1m. Trong đó, 2 thôn rẻo cao Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ và sạt lở đường đi.

Ngày 31/10, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra quy trình chế biến thực phẩm của một khách sạn 4 sao để làm rõ phản ánh về việc rau sống có ốc sên đang bò và một số món ăn có dấu hiệu hư hỏng.

Liên quan thông tin “Hàng loạt “bẫy” giao thông ven QL1A qua TP Tuy Hòa” đã được Báo CAND phản ánh ngày 27/10, sáng nay (31/10), Đoàn kiểm tra do Văn phòng quản lý đường bộ (QLĐB) III.3 thuộc Khu QLĐB 3 - Cục đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng đã trực tiếp kiểm tra thực tế tại hiện trường.

Ngày 31/10, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Cẩm Phượng (SN 1964) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh An Ninh (em ruột Phượng, SN 1968, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) để điều tra về hành vi che giấu tội phạm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文