Chuyện bắt tội phạm truy nã ở miền biển Bạc Liêu

10:31 20/09/2017
Với Cảnh sát truy nã tội phạm nói chung, những yêu cầu về sức khỏe, sự mưu trí, tác phong nhanh nhẹn, sẵn sàng chịu đựng gian khổ để băng rừng, lội suối… là điều tất yếu

Nhưng với các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Bạc Liêu thì ngoài những yếu tố trên, còn phải có thêm sức chịu đựng hơn người bởi nhiều khi phải bám biển hàng tháng trời để truy bắt những đối tượng trốn nã đội lốt ngư phủ…

Tôi đến Phòng PC52 Công an tỉnh Bạc Liêu vào một ngày cuối tháng 8-2017. Bầu trời xứ biển giữa mùa mưa bão liên tục cuộn mây đen và thỉnh thoảng lại trút những cơn mưa giông, gió giật. Vẫn còn chưa hết cơn say sóng sau nhiều ngày bám biển cùng đồng đội bám theo dấu vết đối tượng trốn nã đội lốt ngư phủ mà Công an tỉnh bạn nhờ phối hợp bắt giữ, nhưng Đại tá Nguyễn Hoàng Minh- Trưởng phòng PC52 vẫn dành thời gian kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề.

Cũng như hầu hết anh em đồng đội, ngày mới nhận nhiệm vụ, vợ con cùng những người thân trong gia đình anh Minh có lúc thắc mắc về việc anh thường xuyên đi sớm về khuya không theo một lịch trình nhất định nào. 

Thậm chí có những lúc gia đình đang có việc trọng đại thì nhận được  tin đối tượng trốn nã đang ẩn náu tại một tỉnh miền núi phía Bắc, thế là anh phải gác lại chuyện gia đình để lên đường hàng tuần liền mà không liên lạc với gia đình vì phải bảo đảm bí mật công tác. Phải mất nhiều lần tìm cách giải thích về tính chất công việc thì vợ con mới hiểu, thông cảm và còn tình nguyện cáng đáng toàn bộ công việc gia đình để anh dành thời gian cho công việc. 

Đại tá Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng PC52 Công an tỉnh Bạc Liêu.

Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Minh, danh sách tội phạm trốn nã mà đơn vị quản lý luôn dao động ở ngưỡng từ 150-160 và hàng năm cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong đơn vị được giao nhiệm vụ phải bắt tối thiểu từ 100 đối tượng trở lên. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước tiên lãnh đạo đơn vị phải lên kế hoạch cụ thể cho từng chuyên án, sau đó làm công tác tư tưởng để các trinh sát yên tâm lên đường đến những nơi được xác định có phạm trốn nã đang ẩn náu. 

Tại địa phương, ngoài việc chủ động tổ chức lực lượng thực hiện các đợt vận động thân nhân gia đình có đối tượng trốn nã tự nguyện đưa con em mình ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật, còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương, nhất là các đồn biên phòng nhằm kịp thời phát hiện truy bắt đối tượng trốn nã cả trên đất liền lẫn trên biển. 

Đối với các đối tượng gây án rồi bỏ trốn khỏi địa phương thì phải có phương án cử trinh sát phối hợp với các đơn vị bạn tiến hành rà soát nắm tình hình để có kế hoạch cụ thể.

Đi sâu vào những chuyên án, Đại tá Nguyễn Hoàng Minh bảo: Trong hơn mười năm được điều động về công tác tại Phòng PC52, anh cùng đồng đội đã truy bắt hàng trăm đối tượng trốn nã trong đó có trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người... 

Có đối tượng vừa trốn khỏi địa phương đã bị bắt về quy án, có trường hợp sau khi gây án đã thay tên đổi họ rồi liên tục di chuyển đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước lẩn trốn trong thời gian hàng chục năm mới bị bắt và cũng có những trường hợp đối tượng sau khi trốn khỏi địa phương một thời gian lại lén lút quay về thực hiện hành vi phạm tội.

Hai đối tượng Nguyễn Thành Được và Lê Minh Nhiên tại cơ quan Công an.

Trường hợp Lê Minh Nhiên (bị bắt tháng 7-2017) là một điển hình. Năm 2006, Nhiên xin vào làm thuê cho cơ sở kinh doanh của ông Huỳnh Hữu Lộc ở TP. Bạc Liêu. 

Mặc dù trước đó, Nhiên từng nhiều lần lừa đảo lấy tiền của một số chủ tôm trong vùng, nhưng với việc tạo vỏ bọc là người chân chất chịu khó làm việc, hắn nhanh chóng lấy được niềm tin của ông chủ. Một lần được ông Lột giao 350 triệu đồng đi trả cho khách hàng, Nhiên đã ôm tiền rồi trốn khỏi địa phương. 

Nhận thấy mình đang bị Công an truy nã gắt gao, Nhiên không trốn ở một nơi cố định mà liên tục di chuyển khắp các tỉnh từ Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh cho đến Nghệ An, Huế, Bình Định… 

Năm 2015 khi đã chồn chân mỏi gối, Nhiên thuê phòng trọ ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương rồi dùng tên giả xin vào làm việc trong một khu công nghiệp. Mặc dù đã sử dụng mọi thủ đoạn hòng che đậy nhưng hắn không thể ngờ hành tung của mình bị cơ quan Công an theo dõi và đến giữa tháng 7-2017, Nhiên đã bị bắt sau 11 năm lẩn trốn.

Theo lời kể của một trinh sát, tội phạm trốn nã mà anh bắt về quy án cũng khá nhiều, nhưng có lẽ việc truy bắt siêu trộm Nguyễn Thành Được, cùng đồng bọn vào cuối năm 2015 khiến anh ấn tượng nhất. 

Vụ việc bắt đầu từ tháng 10-2013, Nguyễn Thành Được (35 tuổi, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) do có mâu thuẫn nhỏ với một người đàn ông cùng xóm đã dùng cây kéo nhọn đâm người này bị trọng thương phải đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh điều trị. 

Biết chắc chắn sẽ bị cơ quan Công an “sờ gáy” nên ngay sau khi gây án, Được bỏ trốn khỏi địa phương nên đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu ra quyết định truy nã trên toàn quốc về tội cố ý gây thương tích và bàn giao hồ sơ cho Phòng PC52 thực hiện công tác truy bắt.

Lẩn trốn được vài tháng, Được lén về quê móc nối với một số đối tượng bất hảo, đặc biệt là số đối tượng từng có tiền án tiền sự lập nên băng nhóm trộm cắp. 

Vụ đầu tiên, Được cùng Nguyễn Văn Sơn (một thanh niên cùng xóm) thực hiện vụ trộm một con trăn ở nhà kế bên mang bán lấy 2,4 triệu đồng chia nhau tiêu xài, sau đó cả hai còn thực hiện hàng chục vụ trộm cắp tài sản khác. 

Hành vi của Được cùng đồng bọn đã gây bất an cho nhiều bà con nhân dân trong vùng, nhất là khu vực có nhiều hộ nuôi tôm ven biển. Sau khi xác định Nguyễn Thành Được chính là đối tượng cầm đầu, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã quyết định thành lập chuyên án giao cho Phòng  PC52 lập tức vào cuộc với yêu cầu trong thời gian ngắn nhất phải bắt được đối tượng cầm đầu để nắm bắt thêm các mắt xích trong đường dây nhằm hốt trọn ổ trả lại sự bình yên cho bà con nhân dân. 

Tuy nhiên do “đánh hơi” được việc băng nhóm của mình bị cơ quan Công an để ý và tiến hành truy xét, Được, Sơn cùng đám đàn em quyết định tạm dừng thực hiện các vụ trộm để nghe ngóng tình hình. Trong thời gian này, Được không ở địa phương mà đến các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang tìm kiếm địa bàn mới. 

Phát hiện tại các tỉnh này có nhiều trang trại nuôi cá sấu với số lượng lớn nhưng hầu hết các chủ trang trại đều không cẩn thận trong việc canh gác, bảo vệ nên đầu tháng 7-2015, Được bàn với đám đàn em chuyển sang địa bàn các tỉnh này “ăn hàng” và cho đến giữa tháng 10-2015, cả bọn đã thực hiện hàng trăm vụ trộm cắp lấy đi trên 1.000 con cá sấu của bà con nhân dân mà không để lại bất cứ dấu vết gì. 

Mặc dù những vụ trộm không xảy ra tại địa phương nhưng sau khi phân tích tình hình, lãnh đạo Phòng PC52 Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện tất cả các vụ này đều có chung phương thức thủ đoạn giống như cách mà Được và đồng bọn đã từng thực hiện đối với những gia đình nuôi tôm trước đó nên lập tức cử trinh sát đến các địa phương trên nắm tình hình. 

Đang trong thời gian thu thập thông tin thì các trinh sát được một người giới thiệu có ông chủ tên Tèo Ruồi đang có nhu cầu thanh lý trang trại, bán cá sấu các loại với giá rẻ để chuyển sang nghề khác. 

Đang trong thời điểm nghề nuôi cá sấu mang lại lợi ích kinh tế cao mà lại có người muốn bán thì thật đáng nghi ngờ nên các trinh sát quyết định theo chân người môi giới tìm đến trang trại của Tèo Ruồi. Nhưng qua nhiều lần yêu cầu được gặp mặt ông chủ để đàm phán giá cả song Tèo Ruồi luôn tránh mặt và thường cho đàn em đứng ra giao dịch. 

Nhận thấy có nhiều điều khác lạ, các trinh sát tiến hành theo dõi 24/24h và nhanh chóng xác định Tèo Ruồi chính là Nguyễn Thành Được, kẻ mà các anh đang tìm kiếm bấy lâu nay.

Với bản chất gian manh của mình, một lần nữa Được lại “đánh hơi” được việc mình bị theo dõi và tiếp tục bỏ trốn lên tỉnh Tiền Giang rồi xin vào làm ngư phủ cho một chủ tàu đi biển. Để tránh làm mất dấu vết tên tội phạm nguy hiểm này, Phòng PC52 Công an tỉnh Bạc Liêu cử hai tổ trinh sát lập tức có mặt ở tỉnh Tiền Giang, một tổ phối hợp với Công an địa phương thực hiện công tác tuần tra kiểm soát dọc theo bờ biển, tổ còn lại đi nhờ tàu cá của ngư dân để truy tìm đối tượng. 

Làm việc chưa được bao lâu, Được tiếp tục trộm của chủ tàu này 50 triệu đồng rồi trốn lên thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương ở nhờ trong phòng trọ của người bà con. Tiếp tục bám theo, đến tháng 12/2015, các trinh sát đã bắt được tên Được giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu lập hồ sơ xử lý trước pháp luật. 

Biết không thể chối cãi nên tại cơ quan Công an, Nguyễn Thành Được khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Được biết trong suốt thời gian trốn nã, Được cùng đồng bọn là Nguyễn Minh Cảnh, Nguyễn Xung Xướng, Nguyễn Văn Sơn và một số đối tượng khác đã thực hiện trót lọt 117 vụ trộm cắp tài sản các loại ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, trong đó riêng tại tỉnh Bạc Liêu bọn chúng gây ra 42 vụ.

Chuyên án kết thúc, bình yên cuộc sống đã được trả lại cho bà con nhân dân nhưng các trinh sát vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi mà tiếp tục lên đường truy bắt những đối tượng tội phạm vẫn còn lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.

Đức Cương

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文