Chuyện những chiến sĩ Cảnh sát PCCC dũng cảm, xông pha cứu người, tài sản
- Xây dựng Cảnh sát PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
- Cảnh sát PCCC Hòa Bình dũng cảm cứu người
- Gần 300 Cảnh sát PCCC hơn 3h chiến đấu với giặc lửa ở TP HCM
Hơn 4.000 vụ cháy xảy ra trên phạm vi toàn quốc năm 2017 và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 với hơn 2.000 vụ cháy và cũng là hàng nghìn lượt xông pha bất chấp hiểm nguy của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC. Đã có rất nhiều những hình ảnh xúc động về sự dấn thân, nhiệt huyết trong công tác PCCC đã được ghi lại.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến và Đại úy Lê Tấn Châu giao lưu tại chương trình |
Tại chương trình giao lưu, một số clip được trình chiếu đưa khán giả đến với nhiều hình ảnh khó quên, ký ức còn mãi về những chiến sĩ Cảnh sát PCCC. Điển hình như hình ảnh về người chiến sĩ Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy tại chung cư Carina, TP Hồ Chí Minh, tay bị bỏng nặng, da gần như bị lột hoàn toàn nhưng ánh mắt vẫn luôn hướng về đám cháy khiến mọi người xúc động.
Nâng cao ý thức PCCC
Hiện diện trên sân khấu giao lưu là Đại úy Lê Tấn Châu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Hồ Chí Minh và Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Công an TP Hà Nội.
Những nữ chiến sĩ Cảnh sát PCCC kể lại các lần tham gia CNCH |
Theo Đại úy Lê Tấn Châu, qua kinh nghiệm từ vụ cháy chung cư Carina, chính một số thói quen của người dân sinh sống tại khu chung cư như chèn cửa, khiến tính mạng bị đe dọa khi xảy ra cháy, nổ. Việc chèn cửa ngăn cách với cầu thang bộ và hành lang tưởng là tạo sự thông thoáng nhất định nhưng vô tình đây là nơi tiềm ẩn những nguy cơ, ví dụ ở phía dưới tầng hoặc tầng hầm nếu các cửa bị chèn xảy ra sự cố, thông qua cửa này khói khí độc sẽ lan lên các hành lang của các tầng.
Đồng chí Châu chia sẻ, vụ cháy Carina vừa rồi, do cửa bị mở nối thang bộ với tầng hầm cho nên khói bay thông qua các tầng với lượng lớn. “Một hình ảnh thật xót xa khi mà tôi cùng với các trinh sát lên tầng 3 phát hiện rất nhiều thi thể nạn nhân ở cầu thang bộ. Việc chèn cửa vô tình khiến lối thang bộ, lối thoát hiểm thành “lò nung” các nạn nhân", anh Châu cho biết thêm.
Anh cũng cho biết, việc trang bị các phương tiện bảo hộ PCCC tự thoát nạn cho bản thân, gia đình, Cảnh sát PCCC rất hoan nghênh. Tuy nhiên, nên lưu ý khi lựa chọn các trang thiết bị PCCC phải phù hợp với hoàn cảnh sống của mình. Ngoài ra, khi đã trang bị, người dân thường xuyên kiểm tra, thao tác để nó luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt nhất. Và ngoài kỹ năng, kiến thức sử dụng các thiết bị đó thì người dân cần phải rèn luyện sự bình tĩnh vì khi bình tĩnh thì chúng ta mới thao tác chính xác các trang thiết bị đó.
Đại úy Lê Tấn Châu chia sẻ, ở vụ cháy Carina vừa rồi, có một nạn nhân nữ sử dụng thang dây để leo từ tầng tòa nhà xuống. Khi chúng tôi phát hiện ra nạn nhân nữ đang cố gắng thoát nạn từ thang dây này thì chúng tôi đã tìm mọi cách để hô hoán, gây sự chú ý bằng âm thanh cũng như ánh sáng để cho chị bình tĩnh; đồng thời hô hào bảo chị đứng bám vào thang dây đi không tụt xuống nữa, chúng tôi đang đưa thang lên cứu chị. Nhưng lúc đó, chị quá hoảng loạn nên đã không nghe được tiếng của chúng tôi, vẫn tiếp tục leo xuống. “Do mất bình tĩnh rồi thao tác không đúng và chị đã rơi từ trên cao xuống… ngay trước mặt chúng tôi. Hình ảnh thời khắc đó, đã ám ảnh không chỉ có tôi mà cả tổ công tác đang chữa cháy suốt cả cuộc đời này”- Đại úy Lê Tấn Châu buồn rầu nói.
Dù sinh sống ở căn hộ chung cư hay ở nhà mặt đất thì ý thức PCCC vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Cách đây chưa lâu vụ cháy xảy ra vào ngày 17-9, tại đường Đê La Thành, TP Hà Nội đã khiến cho nhiều người phải xem lại công tác PCCC.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho hay, trong 1 gia đình đều có 3 khu vực quan trọng. Điển hình như phòng khách, nhiều hộ gia đình sử dụng kèm theo kinh doanh, việc để chất cháy trước cửa nhà và khi ban đêm có thể để cả xe máy và xe đạp điện và cả đường điện trong gia đình không cẩn thận có thể là nguyên nhân gây cháy, nổ.
Đối với khu vực nhà bếp, nhiều gia đình sử dụng bình gas nhưng ít để ý thay dây dẫn. Sau một thời gian sử dụng, dây dẫn gas sẽ bị ôxy hóa dần dần gây rò rỉ gas ra bên ngoài. Khi người dân sử dụng các thiết bị điện, không phát hiện ra mùi khí gas, bật các công tắc điện, lúc này cháy sẽ bùng nổ… Vấn đề nữa là khu vực để thờ cúng, chứa nhiều đồ dễ cháy khi thắp hương dễ gây ra cháy nhà.
Trao đổi về việc một số hộ gia đình sinh sống tại chung cư tự cơi nới thêm chuồng cọp. Thượng tá Đỗ Anh Quyến nhấn mạnh, việc cơi nơi này để người dân đảm bảo ANTT, tránh cho trộm đột nhập vào trong gia đình nhưng khi xảy ra cháy hoặc sự cố xảy ra trong nhà, thì người dân không thoát ra được bất kỳ con đường nào mà tự chúng ta đang nhốt mình ở trong nhà hoặc trong đám cháy.
Như vậy, hiểm nguy có thể đến từ bất cứ đâu, những thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể mang đến nguy cơ cháy, nổ bất cứ lúc nào không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả cộng đồng.
Những nữ chiến sĩ Cảnh sát PCCC hết lòng với nhiệm vụ
Chương trình giao lưu đã được gặp gỡ 5 bóng hồng, các nữ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP. Hà Nội. Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Đội Trưởng Đội chính trị; Đại úy Phan Thị Ngọc Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Tây Hồ và 3 cán bộ: Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan, Thượng úy Trần Thị Thủy, Thiếu úy Nguyễn Thị Lụa.
Các chị chia sẻ, với niềm đam mê, yêu nghề nên dù phải tập luyện khó khăn, vất vả và có khi cả những giọt nước mắt trên thao trường nhưng các chị đã vượt qua xuất sắc các bài tập. Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan nhớ lại bài tập nguy hiểm và khó nhất là ở độ cao 5 đến 7 tầng của tòa nhà và phải đi chúc đầu xuống… Lúc ấy, nhìn xuống chị run, sau đó dần dần làm quen, không cảm thấy sợ nữa. Chị còn là thành viên duy nhất ở trong Đội CNCH dưới nước.
Chị kể lại nhiều kỷ niệm luyện tập dưới biển, ao, hồ. Chị tâm sự, có lần tập lặn ở hồ Linh Đàm, chị sốc. Khi xuống nước đen ngòm nhìn thấy gì, đưới đáy hồ toàn là bát hương, sỏi,đá, bùn đất rất nhiều. Lúc đầu xuống chỉ muốn ngoi lên ngay, nhưng tôi nghĩ rằng mình cần phải cố gắng, chiến thắng, qua nỗi sợ hãi này thì mình sẽ làm được. Giờ chị đã quen với môi trường làm việc dưới nước, có thể lặn với thời gian từ 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ bao giờ tìm thấy nạn nhân, tài sản mới kết thúc công việc.
Những câu chuyện của các chị với sự can đảm, lòng kiên trì cho thấy các chị không thua kém gì các đồng nghiệp nam trong công tác CNCH…
Chương trình giao lưu còn đưa khán giả đến với khoảng khắc tháng 7-2018, khi Trung sĩ Trần Thế Hùng, thuộc lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh Thanh Hóa tham gia CNCH tại biển. Đồng chí Hùng nhớ lại, trong lúc đi làm nhiệm vụ đã nhường áo phao cứu 4 người khỏi chết đuối. 4 nạn nhân trong tình trạng kêu cứu, tay khuya loạn. Khi tiếp cận nạn nhân thì họ bấu víu vào, dìm anh xuống.
“Lúc đó, cơ người tôi co dúm lại và không cử động được. Tôi nhanh trí cởi áo phao để cho 2 nạn nhân bám vào, và sau đó kéo dìu các nạn nhân vào bờ…”- anh Hùng kể lại.
Những chiến sĩ Cảnh sát PCCC luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu bởi vì phần thưởng lớn nhất trong công việc PCCC và CNCH là sự bình yên của người dân, tài sản vẫn còn nguyên vẹn.