Chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công là vinh dự, trách nhiệm và đạo lý

11:42 21/07/2020
Sáng nay, 21/7, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì buổi Gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng tiêu biểu trong CAND nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020) và hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Dự buổi gặp mặt có Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, đại diện Ban Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gần 400 đại biểu thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng tiêu biểu trong CAND.

Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Tri ân hơn 14.000 liệt sĩ, hơn 5.000 thương, bệnh binh, hàng chục ngàn người có công

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trải qua các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cả nước ta có hơn 9 triệu người có công với cách mạng, gần 1,2 triệu người con ưu tú anh dũng hy sinh; trên 800.000 người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, bị nhiễm chất độc hóa học; trên 120.000 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng" và hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động.

Riêng trong lực lượng CAND có hơn 14.000 liệt sĩ, hơn 5.000 thương binh, bệnh binh, hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Công an có 46 đồng chí hy sinh, 1.301 đồng chí bị thương, hơn 300 đồng chí bị phơi nhiễm HIV trong khi thi hành công vụ. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những hy sinh, tổn thất cùng với những chiến công, thành tích đó là cội nguồn sức mạnh bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt.

Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ năm 2006, Bộ Công an đã thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo trong lực lượng CAND (nay là Quỹ nghĩa tình đồng đội CAND), đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động không vì lợi nhuận, tự tạo kinh phí trên cơ sở vận động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong lực lượng Công an và các nguồn kinh phí khác để thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ các hoạt động tình nghĩa. 

Bộ Công an đã thành lập 3 Ban quy tập hài cốt liệt sĩ và đã quy tập được 1.136 hài cốt liệt sĩ. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và duy trì hoạt động các khu di tích lịch sử, công trình ghi công liệt sĩ mang ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện chính sách với người có công; đông đảo cơ quan, đơn vị, CBCS tham gia bằng nhiều hành động thiết thực, nghĩa cử cao đẹp, như: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, nhận phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; nhận chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; lập và tặng Sổ tiết kiệm tình nghĩa,...


Công an các đơn vị, địa phương đã nhận phụng dưỡng suốt đời 344 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; lập 1.816 sổ tiết kiệm tặng người có công với cách mạng với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; tính từ năm 2010 đến tháng 5-2020 đã chi hơn 243 tỷ đồng phục vụ hoạt động đền ơn đáp nghĩa từ Quỹ nghĩa tình đồng đội CAND, trong đó trợ cấp khó khăn cho 21.320 trường hợp CBCS và thân nhân với số tiền hơn 113 tỷ đồng, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn cho 5.678 trường hợp là CBCS và thân nhân với số tiền 73 tỷ đồng.
Tặng quà người có công với cách mạng số tiền 35,8 tỷ đồng, hỗ trợ kinh phí xây tặng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 2.737 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 121 tỷ đồng, trợ cấp hằng tháng cho 115 cháu là con liệt sĩ, thương binh nặng, con cán bộ Công an bị nhiễm chất độc hóa học đang đi học với số tiền gần 9 tỷ đồng/ năm, tặng quà cho hàng chục nghìn cháu là con cán bộ Công an có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 12 tỷ đồng; thực hiện các hoạt động tình nghĩa khác với số tiền gần 21 tỷ đồng...

Làm thắm thiết mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với Nhân dân

Công an các đơn vị, địa phương luôn thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế công tác trong lực lượng CAND; đã tuyển dụng được 443 trường hợp là con liệt sĩ, thương binh vào công tác trong lực lượng Công an. "Các hoạt động trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của lực lượng Công an đã góp phần tích cực củng cố hậu phương CAND, làm thắm thiết thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với Nhân dân, tạo điểm tựa, niềm tin để CBCS yên tâm công tác, chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Xúc động gặp mặt, thăm hỏi, chia sẻ với 350 đại biểu tiêu biểu, đại diện hàng ngàn cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong CAND qua các thời kỳ; thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương những nỗ lực cố gắng, thành tích, chiến công của các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong CAND, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Công an các đơn vị, địa phương thời gian qua.

"Các đồng chí thực sự là những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, là nhân tố quan trọng xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. Tôi rất trân trọng và khâm phục tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm của các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong CAND" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng CAND phải đặc biệt quan tâm đến công tác người có công với cách mạng, trong đó quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. 

Xác định công tác chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là vinh dự, là trách nhiệm, đạo lý của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp và mỗi CBCS Công an, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu cùng các thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng tiêu biểu trong CAND.

Bên cạnh đó quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Tổ chức phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phải thiết thực, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc" trong lực lượng Công an. Tiếp tục làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các công trình tưởng niệm, ghi công các anh hùng liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ. Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm để các gia đình có công với cách mạng có mức sống ngày càng tốt hơn.

Tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự.

Tăng cường điều kiện, phương tiện đảm bảo an toàn cho CBCS thực thi công vụ

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu tăng cường giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng, nâng cao ý thức chủ động, tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Chú trọng phát huy vai trò xung kích của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn CAND trong vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tình nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công với cách mạng.

Một số tiết mục nghệ thuật chào mừng buổi gặp mặt.

Các cơ quan báo chí, truyền hình trong CAND cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động chăm lo đời sống người có công với cách mạng trong CAND; thông tin kịp thời về những gương dũng cảm, hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, những gương điển hình tiên tiến là thương binh, thân nhân liệt sĩ trong học tập, công tác, chiến đấu cũng như các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, mục tiêu cao cả mà Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn hướng đến là đảm bảo an toàn cho CBCS thực thi công vụ, không để bị thương, không để bị hy sinh; tăng cường phương tiện, điều kiện cơ sở, cán bộ y tế tham gia các kế hoạch công tác, tấn công trấn áp tội phạm; tăng cường tiềm lực cứu nạn cứu hộ, thiết bị, phương tiện đảm bảo an toàn cho Nhân dân, CBCS tham gia phòng chống tội phạm.

Bộ trưởng đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách trong CAND để thực hiện tốt chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác người có công với cách mạng. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và chính sách hậu phương CAND. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành nét đẹp văn hóa của lực lượng CAND.

Tại buổi gặp mặt, Trung tá Nguyễn Công Hưng, Phó Đội trưởng, Công an huyện Mộc Châu, Sơn La đã tâm sự về những thành tích, chiến công của Công an tỉnh Sơn La nói chung và cá nhân đồng chí nói riêng trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy. "Có những lần tôi và đồng đội tưởng chừng như “chết đi sống lại”. Đó là những lần truy bắt đối tượng ở khoảng cách rất gần, bị đối tượng dùng súng quân dụng bắn xối xả, may không trúng. Có lần đối tượng rút chốt lựu đạn nén thẳng vào người nhưng không nổ, có lần vật lộn đối tượng rút súng găm trong người đã lên sẵn đạn ra mà không kịp bắn, hay những lần vật lộn với đối tượng bị nhiễm HIV, AIDS bị chảy máu phải tiêm phơi nhiễm nhiều lần...", anh kể. Hiểm nguy như vậy nhưng anh và đồng đội không từ bỏ, luôn sát cánh, đoàn kết, mưu trí, dũng cảm với tội phạm. 

Trung tá Nguyễn Công Hưng.

Thay mặt các đồng chí thương binh và thân nhân liệt sỹ Công an tỉnh Sơn La, Trung tá Nguyễn Công Hưng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ công an, Công an tỉnh Sơn La đã luôn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ các anh và gia đình thân nhân liệt sỹ. "Đó là nguồn động viên to lớn để chúng tôi luôn cảm thấy ấm lòng, mỗi CBCS được bảo vệ trật tự an toàn xã hội là một niềm vinh dự lớn lao, tôi xin hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thương binh "tàn nhưng không phế". 

Chị Hoàng Anh Lan, vợ liệt sĩ Nông Khắc Mẫn, nguyên Cán bộ Trinh sát, Phòng Bảo vệ chính trị - Công an tỉnh Lạng Sơn xúc động chia sẻ tại buổi gặp mặt về khoảnh khắc hay tin chồng hy sinh. "Tôi vẫn nhớ như in khoảng 5h sáng ngày 2-2-2013, đồng chí Nguyễn Trung Thực, khi đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cùng một số đồng chí đến nhà thông báo cho gia đình. Bố tôi ngồi lặng người ở trên ghế, mẹ tôi ngồi trong phòng nước mắt lăn dài trên hai khóe mắt, tôi òa lên khóc rồi vội lấy hai tay che mặt, khi đó con gái mới 3 tuổi ngơ ngác chưa hiểu gì. Hôm đó cũng là ngày 22-12 âm lịch, chỉ một ngày nữa là gia đình cùng nhau cúng ông Công, ông Táo về Trời, và chỉ 1 tuần nữa là cùng nhau đón Tết. Vậy mà bố mẹ tôi mất đi một người con, một trụ cột của gia đình, vợ mất chồng, con thơ mất cha...", chị nghẹn ngào. 

Chị Hoàng Anh Lan, vợ liệt sĩ Nông Khắc Mẫn.

Trước mất mát lớn, gia đình chị luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Tháng 2-2015, chị được tuyển vào ngành CAND và được phân công công tác tại Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình công tác, chị luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, sự chỉ bảo tận tình của lãnh đạo đơn vị và các CBCS. "Nhận thức rõ, sự hy sinh của chồng tôi cũng như rất nhiều chiến sĩ khác là sự tiếp nối truyền thống của cha ông ta trong cuộc kháng chiến giữ nước và cứu nước, thì ngày nay sự hy sinh của các chiến sĩ trong thời bình là góp phần xây dựng đất nước, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân. Tôi xin hứa sẽ tiếp nối những truyền thống tốt đẹp đó, không ngừng phấn đấu, học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao", vợ liệt sỹ Nông Khắc Mẫn bày tỏ. 

Đại tá Lê Hồng Thắng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hải Phòng đã trải qua 35 năm công tác trong CAND, trong đó có trên 30 năm trực tiếp công tác, chiến đấu trong lực lượng CSHS, kinh qua nhiều đơn vị, bộ phận, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, khám phá những chuyên án khó khăn, phức tạp nhất. "Quá trình đấu tranh với tội phạm, tôi luôn phải chịu nhiều áp lực, như sự mua chuộc, hối lộ của kẻ xấu, sức ép từ nhiều phía; sự khủng bố của tội phạm, sự an toàn của bản thân và gia đình. Đã nhiều lần chúng đe dọa đánh tôi, đến nhà đe dọa mẹ, vợ con tôi... nhưng tôi quyết không lùi bước", anh chia sẻ. 

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hồng Thắng.

Chỉ tính trong vòng 10 năm qua, anh đã trực tiếp tham gia và chỉ huy điều tra truy xét hơn 1.200 vụ án, chuyên án các loại; triệt phá hàng trăm ổ nhóm tội phạm, bắt hơn 4.120 đối tượng phạm tội; bắt và vận động đầu thú hơn 600 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm... Anh được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và TP Hải Phòng nhiều lần khen thưởng. "Thành tích của cá nhân tôi đạt được thời gian qua là thành tích chung của Phòng CSHS Công an TP Hải Phòng. Càng vinh dự, tự hào càng phải nỗ lực hơn nữa. Tôi xin hứa sẽ phát huy thành tích, chiến công đạt được, tiếp tục phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao cho, để mãi mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý - Anh hùng LLVTND", Đại tá Lê Hồng Thắng khẳng định.


Quỳnh Vinh - Xuân Trường

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文