Lực lượng CAND chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut
Chiều 14-9, Văn Phòng Bộ Công an đã có công điện về việc ứng phó với siêu bão Mangkhut gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Công điện nêu rõ, theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão Mangkhut ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều mai (15-9) siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông. Do ảnh hưởng của siêu bão, từ đêm nay (14-9) ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng mai (15-9) tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.
Cảnh báo: Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17-9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18-9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19-9.
Để chủ động ứng phó với các tình huống của siêu bão, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với siêu bão.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão, mưa lũ do ảnh hưởng của siêu bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.
Triển khai hiệu quả phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ": Các phương án đảm bảo ANTT, ATGT; đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ.
Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc, cột thu phát sóng của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng tại địa bàn triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản và công tác cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Đối với Công an, các tỉnh, thành phố ven biển khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân tại các khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không đảm bảo an toàn.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.23.20160, 069.23.20119 ;Fax: 069.23.20160, 069.23.20119).