Công khai tên, cấp bậc, chức vụ của cán bộ xử lý trong lĩnh vực giao thông
- Công khai tên các doanh nghiệp nhà nước ém thông tin
- Công khai tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí
Ngày 28-6, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) nhằm trưng cầu các ý kiến đóng góp trong vòng hai tháng. Thông tư quy định những việc Công an nhân dân (CAND) phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT và những việc nhân dân tham gia ý kiến, giám sát CAND trong công tác này.
Theo đó, tại Điều 5 Chương II về những việc phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, Bộ Công an quy định, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, lực lượng công an phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ công an nhân dân); các trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính; Ngoài ra, tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính cũng được công khai.
Công tác đăng ký, cấp biển số xe cũng là một trong những nội dung được công khai. Cụ thể, là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đăng ký, cấp biển số xe (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ Công an nhân dân); tên, địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch làm việc, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký, cấp biển số xe; lệ phí đăng ký xe.
Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông; công tác giải quyết tai nạn giao thông cũng là các nội dung được công khai. Trong 2 nội dung này, thì sẽ công khai các văn bản quy phạm pháp luật, trang phục, phương tiện, chức năng, nhiệm vụ…
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai, gồm: đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan công an; đăng công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, panô, áp phích; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng CAND hoặc các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan Công an có trách nhiệm công khai theo quy định.
Người dân được tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như ý kiến về lề lối, thái độ, tác phong khi làm nhiệm vụ của Công an nhân dân, đề nghị biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt; phản ánh, kiến nghị xử lý theo quy định các trường hợp Công an nhân dân thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ….
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Dự thảo nếu được thông qua sẽ có hiệu lực trong năm 2019 và thay thế Thông tư Thông tư số 54/2009/TT-BCA đã ra đời cách đây 10 năm về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.