Cuộc "hội ngộ" với người liệt sĩ Công an hy sinh trước giờ toàn thắng

07:31 27/07/2020
Một ngày trước khi Sài Gòn được giải phóng, người sĩ quan CAND Nông Văn Hưởng đã dũng cảm ngã xuống tại Trại Davis - Sân bay Tân Sơn Nhất. Ông là người cận vệ tin cậy, được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp giao một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh của phái đoàn ta tại Hội nghị Paris (từ 1968-1973) và  trong trại Davis (1973-1975). Ông hi sinh ngay trước giờ toàn thắng 30/4/1975, để lại nỗi xót xa cho gia đình, đồng đội...

Sáng 25/7/2020, 45 năm sau ngày Đại úy Nông Văn Hưởng hi sinh, đúng dịp kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, chúng tôi có may mắn cùng các cựu sĩ quan trại Davis và thân nhân liệt sĩ Hưởng, hành trình từ Hà Nội lên Bắc Kạn thắp hương, tri ân người liệt sĩ CAND đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chợ Đồn.

Trong đoàn, có con trai liệt sĩ Hưởng là anh Nông Quốc Tuấn và ba đồng đội của ông Hưởng là Đinh Quốc Kỳ, Phạm Văn Lãi (cùng quê Thái Bình) và ông Phạm Văn Hồng, quê Hưng Yên. Họ là những người bạn chiến đấu thân thiết của liệt sĩ Nông Văn Hưởng; trong đó, ông Lãi và ông Hồng là người trực tiếp khâm liệm, chôn cất liệt sỹ Hưởng vào sáng 30/4/1975...

Đồng đội của liệt sỹ Nông Văn Hưởng "tâm sự" với người bạn chiến đấu đã hi sinh ngay trước giờ toàn thắng. Từ phải qua là các ông Phạm Văn Hồng, Đinh Quốc Kỳ, Phạm Văn Lãi, Nông Văn Thừa (SN 1930, người anh ruột của liệt sĩ Hưởng), anh Nông Quốc Tuấn và một cán bộ Công an huyện Chợ Đồn.

Gần 50 năm trước, sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết năm 1973, Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên hình thành, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris. Hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đóng trụ sở tại “Trại Davis” trong Sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.            

Trải qua 823 ngày đêm hoạt động công khai, kiên cường giữa trung tâm đầu não của địch, phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thi hành Hiệp định Paris, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác an ninh... Ban bảo vệ an ninh của hai phái đoàn gồm chủ yếu các sĩ quan Quân đội, Công an, đều là những người dày dạn nghiệp vụ và bản lĩnh. Hơn 2 năm kiên trì, mưu trí bảo vệ an ninh phái đoàn, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng chỉ một ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, hai cán bộ của Trại Davis đã anh dũng hi sinh...

Liệt sỹ Nông Văn Hưởng (tức Kiên) sinh năm 1932, quê  Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Thoát li gia đình theo kháng chiến, ông trở thành cận vệ của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, sau đó được bộ trưởng giao nhiệm vụ làm công tác tình báo kĩ thuật. Ông có vinh dự tham gia bảo vệ, phục vụ Hội nghị Paris (từ 1968-1973). Sau khi Hiệp định Paris kí kết, Đại úy Nông Văn Hưởng được đưa vào Trại Davis tham gia Ban Bảo vệ an ninh do đồng chí Vũ Nam Bình làm Trưởng ban.

Trong thời gian làm nhiệm vụ trinh sát kĩ thuật trong Ban Bảo vệ an ninh, Đại úy Nông Văn Hưởng và đồng sự đã phát hiện, ngăn chặn nhiều hoạt động gián điệp của đối phương. Ngoài âm mưu móc nối, lôi kéo, đặt máy nghe trộm, li gián gây mất đoàn kết nội bộ của ta; địch còn tính tới những thủ đoạn hèn hạ như đầu độc nguồn nước, thực phẩm, bắt cóc lãnh đạo phái đoàn...

Chúng tôi đến Công an tỉnh Bắc Kạn tầm 9h30' sáng 25/7. Đại tá Nguyễn Thanh Tuân và đại diện một số đơn vị Công an tỉnh vui mừng đón tiếp đoàn. Đại tá Tuân và mọi người đều bất ngờ khi biết liệt sĩ Nông Văn Hưởng là người con của quê hương Bắc Kạn và bày tỏ niềm tự hào về người liệt sĩ CAND đã dũng cảm hi sinh.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn và đoàn dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Chợ Đồn. Ảnh: Quang Huy

Trước tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, ông Phạm Văn Lãi, đồng đội của liệt sĩ Hưởng (trước khi nghỉ hưu năm 2011 là cán bộ Văn phòng Chính phủ) kể lại: Anh Hưởng rất đẹp trai, thư sinh; tính tình điềm đạm và chín chắn. Chúng tôi kém anh Hưởng nhiều tuổi nhưng anh em sống hòa đồng, rất thân thiết, gắn bó với nhau... Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu.       

Từ rạng sáng 29/4/1975, hỏa tiễn của quân ta dồn dập giội xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Các thành viên phái đoàn vẫn người nào việc nấy. Đồng chí Hưởng được giao nhiệm vụ chụp ảnh các đơn vị chiến đấu của quân đội Sài Gòn đang tan vỡ... Một số anh em cảnh vệ khác vẫn kiên quyết bám sát mục tiêu bảo vệ. Bất ngờ, có một quả đạn pháo nổ rất gần. Hai cán bộ ta đang làm nhiệm vụ bị trúng mảnh pháo là đồng chí Hưởng và đồng chí Hòa, bị thương nặng. Anh Hưởng bị mảnh pháo găm vào cổ, máu trào ra rất nhanh; các anh đã dũng cảm hi sinh.

Giữa cảnh bom rơi, đạn lạc, tôi và anh Phạm Văn Hồng (cán bộ hậu cần) và một số anh em cảnh vệ đã tiến hành khâm liệm hai liệt sĩ. Hai anh được mặc quần áo mới, đi tất, giày. Lúc đó cũng chưa biết chính xác bao lâu nữa thì Sài Gòn được giải phóng nên chúng tôi kiếm được hai túi nilon loại lớn và đào hố dưới một căn hầm dã chiến để các anh nằm tạm. Hôm sau, khi quân Giải phóng đã làm chủ Sài Gòn, chúng tôi tìm được gỗ đóng hai áo quan, rồi đưa các anh ra an nghỉ tại phía sân bóng rổ của Trại Davis. Sau giải phóng vài năm thì cơ quan và gia đình anh Hưởng đưa hài cốt về quê…

Anh Nông Quốc Tuấn (bìa phải) xúc động nhớ lại những kỉ niệm với người cha. Ảnh: Viết Phùng

Nhớ về người cha, anh Nông Quốc Tuấn xúc động: “Nói thật, tôi không có nhiều kỉ niệm với bố. Tôi sinh năm 1961. Bố tôi thường biền biệt những chuyến công tác, chỉ về nhà một vài ngày rồi lại đi... Ngay sau ngày thống nhất đất nước, bác Hoàn (Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn) rất thương hoàn cảnh gia đình tôi, nên đã cho một chuyến xe đưa cả nhà vào Sài Gòn. Khoảng giữa tháng 5-1975, mẹ và hai anh em tôi có mặt ở Sài Gòn và được các bác đưa vào thăm nơi bố tôi đang an nghỉ trong trại Davis, đích thân bác Hoàn cũng đến thăm và thắp hương cho bố tôi"...

Anh Nông Quốc Tuấn cùng người bác ruột bên mộ liệt sỹ Nông Văn Hưởng.

Sau cuộc tâm sự, Đại tá Nguyễn Thanh Tuân đưa đoàn tới Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Chợ Đồn để thắp hương tri ân liệt sỹ Nông Văn Hưởng và các liệt sỹ đang an nghỉ tại đây.

Trong bảng lảng khói hương trưa hè nắng gắt, chúng tôi và những người bạn chiến đấu của liệt sỹ Nông Văn Hưởng đều bùi ngùi, xúc động tiếc thương và biết ơn những người con ưu tú đã dũng cảm ngã xuống vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Ông Kỳ, ông Lãi và ông Hồng - sau 45 năm mới được thắp hương cho người bạn chiến đấu. Họ lầm rầm tâm sự với ông Hưởng: "Anh hi sinh ngay trước giờ toàn thắng, chúng em thương xót và buồn lắm. Kính mong anh siêu thoát, phù hộ cho gia đình, đồng đội luôn khỏe mạnh, bình an; phù hộ cho đất nước thái bình, giàu mạnh...".

Trong cái nắng giữa trưa hè của Việt Bắc, dường như có dự giao cảm, kết nối cuộc hội ngộ giữa những người bạn chiến đấu, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trần Duy Hiển

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文