Theo chân Công an chống “cát tặc”
- Vì sao nạn “cát tặc” ở Quảng Nam vẫn hoành hành?
- Quảng Nam quyết liệt xử lý nạn trộm cát ven tuyến đường 129
Tỉnh Quảng Nam có 2 con sông chính là sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 29 mỏ khoáng sản được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết, trong số này một số mỏ, bến bãi hoạt động trái phép, khai thác quá mức trên các lòng sông đã gây sạt lở, mất đất tại nhiều nơi, gây bức xúc trong nhân dân. Cuộc chiến chống “cát tặc” trên các tuyến sông luôn nóng bỏng đối với lực lượng CAND.
Nhận được điện thoại của Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam mời cùng đi với tổ công tác của đơn vị bắt “sa tặc” trên sông Thu Bồn, tôi nhận lời ngay. Từ TP Tam Kỳ, tôi cùng tổ công tác di chuyển bằng ôtô đến xã Đại Minh, huyện Đại Lộc rồi để ôtô tại một con đường nhỏ.
Một chiếc ghe máy được lực lượng Cảnh sát môi trường liên hệ từ trước đậu sẵn bên bến sông Thu Bồn để đưa chúng tôi tiếp tục hành trình ngược sông, đến điểm khai thác cát trái phép. Con thuyền nhỏ chòng chành rẽ giữa sóng nước dập dềnh của “dòng sông di sản” Thu Bồn hướng lên thượng nguồn. Dọc hai bên bờ sông, một số đoạn bị sạt lở, những bụi tre nằm chỏng chơ dưới dòng nước xiết.
Trung tá Phan Phú Phượng, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết điểm khai thác cát trái phép nằm ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bí mật, chúng tôi phải đi vòng qua huyện Đại Lộc rồi đi thuyền ngược sông lên điểm khai thác cát trái phép để tránh sự phát hiện của các đối tượng.
Sau gần 1 giờ đồng hồ di chuyển trên sông, chúng tôi đến điểm khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Người lái thuyền nhanh chóng cho thuyền tấp vào bãi tập kết cát trái phép sát bờ sông để chúng tôi lên bờ.
Theo quan sát, nơi đây có 2 ghe máy có hành vi hút cát trái phép trên sông Thu Bồn bị lực lượng Cảnh sát môi trường bắt quả tang. Số lượng cát trái phép đã khai thác tập kết tại bãi lên đến gần 300m³. Các nhân công ở đây cho biết ghe máy được đưa ra giữa dòng sông Thu Bồn để hút cát, sau đó đưa vào điểm tập kết có công nhân xúc cát cho lên băng chuyền để đưa thẳng lên xe tải đang đậu sẵn đưa đi tiêu thụ.
Tổ công tác của Trạm kiểm soát liên ngành ngã ba Vòm tuần tra đêm trên sông Thu Bồn. |
Một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam chia sẻ việc đấu tranh với tội phạm môi trường, trong đó có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép là việc làm không dễ dàng. Các đối tượng hút trộm cát, sỏi thường thực hiện vào ban đêm, cộng với địa bàn sông nước nhiều hiểm nguy nên gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát môi trường trong việc đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
Đó là chưa kể đến lực lượng Cảnh sát môi trường không được trang bị phương tiện như ca nô cao tốc, ghe thuyền phục vụ hoạt động trên sông. Mỗi lần có kế hoạch đấu tranh với nạn khai thác trộm cát, sỏi lòng sông gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, do biết rõ việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông là hoạt động phi pháp nên các đối tượng thường tỏ ra rất manh động, liều lĩnh.
Các phương tiện ghe thuyền của các đối tượng này thường được thiết kế một “nút mở”, là một lỗ thủng được đục sẵn trên thân thuyền rồi bịt lại. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng sẽ rút dây nối với miếng ván bịt “nút mở” này để nhấn chìm phương tiện rồi bơi xuống sông tẩu thoát trong đêm.
Tuy nhiên, do nắm bắt được việc này cộng với việc chuẩn bị kỹ phương án đấu tranh nên các đợt ra quân đấu tranh với nạn khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép của lực lượng chức năng tại Quảng Nam luôn mang lại hiệu quả cao.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng mà tình hình khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông đã được kiểm soát. |
Bên cạnh việc ra quân đấu tranh với nạn khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Nam, Công an các địa phương có hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chảy qua cũng thường xuyên tổ chức ra quân, phối hợp với lực lượng chức năng để đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng “cát tặc”.
Đi cùng Công an thị xã Điện Bàn, chúng tôi đến Trạm kiểm soát liên ngành tại ngã ba Vòm để cùng đi kiểm tra trên tuyến sông Thu Bồn. Khi mặt trời vừa ẩn nấp phía sau dãy núi mờ xa, chiếc ca nô chở chúng tôi rẽ sóng nước chạy ngược sông Thu Bồn. Trong đêm tối, ánh đèn pin được các cán bộ tuần tra mang theo rọi sáng cả một khúc sông.
Trò chuyện cùng chúng tôi giữa mênh mông sóng nước Thu Bồn, Thượng sĩ Phùng Văn Hiếu, cán bộ Công an thị xã Điện Bàn tham gia Trạm kiểm soát liên ngành ngã ba Vòm, cho biết vào ban đêm, Trạm thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các tuyến sông, đặc biệt là trên sông Thu Bồn. Có đêm cao điểm, Trạm tổ chức đến 5 lượt tuần tra, kiểm tra.
Chính nhờ sự hiệu quả trong việc tuần tra, kiểm tra mà từ ngày thành lập Trạm kiểm soát liên ngành ngã ba Vòm đến nay, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã được kiểm soát. Thời gian qua, lực lượng chức năng chỉ phát hiện duy nhất một vụ khai thác cát trộm ngày 3-4, khi đối tượng mới vừa hút được 13m³ cát thì bị tổ tuần tra của Trạm kiểm soát liên ngành ngã ba Vòm phát hiện, lập biên bản.
Một điểm khai thác, tập kết cát trái phép tại huyện Duy Xuyên bị phát hiện. |
Từ thực tế cho thấy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an mà tình hình khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã được kiểm soát, qua đó trả lại sự bình yên cho miền sông nước.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết bên cạnh việc đấu tranh với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, UBND tỉnh cũng đã bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera giám sát tại vị trí mỏ khai thác và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát.
Bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác, phải có đường vận chuyển kết nối bãi tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường...
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6-18h từ tháng 1 đến hết tháng 9 và từ 6-17h từ tháng 10 đến hết tháng l2 dương lịch... Nếu không đảm bảo các nội dung nêu trên hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì bị đình chỉ khai thác.