Ghi ở nơi bỏ phiếu “đặc biệt” trước ngày bầu cử

08:33 15/05/2016
Những ngày giữa tháng 5, Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội tất bật chuẩn bị cho công tác bầu cử. 


Từ mấy tháng trước, khi có kế hoạch của Công an TP Hà Nội và văn bản chỉ đạo của các cấp, Trại tạm giam số 2 đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn và tuyên truyền bầu cử cho các cử tri.

Khi chúng tôi đến, loa truyền thanh của trại đang tuyên truyền những quy định của pháp luật về tổ chức bầu cử cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam.

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (năm 2015) quy định những người bị tạm giữ, tạm giam được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện việc bầu cử ở nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam. Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ, vì vậy, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam số 2 đang tích cực tập trung cho công tác chuẩn bị bầu cử.

Cùng với việc tuyên truyền bằng loa truyền thanh, các cán bộ quản giáo đã mang danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên đến từng phòng giam để tuyên truyền cho các đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ trong trại. Trong số này, có những người mới vào được vài ngày, nhưng cũng có người đã ở 3-4 năm vì án chưa có hiệu lực pháp luật, quá trình điều tra, truy tố, xét xử dài, cộng thêm thời gian kháng cáo, kháng nghị. Những ngày “giam cứu” dù không phải lao động, cải tạo nhưng không được tiếp xúc với bên ngoài nên khi được tham gia bỏ phiếu bầu cử, những người bị tạm giữ, tạm giam đều rất phấn khởi, bởi dù gây tội nhưng họ vẫn được quyền đóng góp ý kiến của mình thông qua lá phiếu để chọn ra người có đức, có tài đại diện cho họ để xây dựng, bảo vệ đất nước.

Từng là Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, Hà Nội, từng đi tuyên truyền, hướng dẫn người dân bầu cử nên khi là cử tri đặc biệt như thế này, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, trú ở phố Khâm Thiên, Hà Nội không khỏi xúc động. Do suy nghĩ sai lầm, chị phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đã bị toà án xử 20 năm tù giam nhưng chị thấy mức án nặng nên đang kháng án. 

Chị Ánh cho biết, “trước kia khi tôi ở ngoài thì chưa có Luật cho người đang tạm giam, tạm giữ như tôi được bầu cử. Không ngờ, mình lầm lỡ thế này vẫn được nhà nước quan tâm cho được quyền của một công dân trong việc bỏ phiếu bầu cử, tôi càng thấm thía hết tội lỗi mình đã gây ra. Tôi sẽ tham gia bầu cử theo đúng quy định, kỳ vọng cuộc bầu cử lần này sẽ bầu được các đại biểu có đức, có tài để đại diện cho nhân dân. Với việc làm nhân văn này, chúng tôi tự thấy mình càng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để xứng đáng là công dân của đất nước”.

CBCS Trại tạm giam số 2 tuyên truyền công tác bầu cử cho những người bị tạm giam, tạm giữ.

Chị Nguyễn Thị Hương, trú ở Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho biết, dù đang trong thời gian tạm giam, chúng tôi cũng được tham gia bỏ phiếu. Đây là sự quan tâm hết sức ý nghĩa để những người như chúng tôi càng thêm quyết tâm trở về cộng đồng, làm những công dân sống có ích cho xã hội…”.

Cùng chung tâm trạng đó, anh Đào Thành Long, 42 tuổi, trú ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam cũng rất mong chờ đến ngày được bầu cử. 

Anh Long bị bắt về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã bị toà án cấp sơ thẩm tuyên án 9 năm tù giam, đang trong thời gian đợi xử phúc thẩm. Anh cho biết: “Dù trong hoàn cảnh này nhưng được Nhà nước cho phép đóng góp phần nhỏ bé của bản thân để xây dựng đất nước, tôi rất xúc động. Tôi và các bị can khác đã được nghe cán bộ quản giáo phổ biến về quy chế bầu cử, tiểu sử cũng như quá trình công tác, năng lực của các ứng cử viên, được nghe đài truyền thanh, đọc báo về các thông tin bầu cử khiến tôi bớt đi cảm giác bị cách biệt với thế giới bên ngoài…”.

Việc được bầu cử cũng là niềm vui của các đối tượng tạm giam, tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra, xét hỏi, chuẩn bị xét xử và chuẩn bị đi thi hành án. Với họ, việc được bỏ phiếu, được thực hiện quyền công dân thể hiện tính nghiêm minh nhưng rất nhân văn, nhân đạo của chế độ ta.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Trại tạm giam số 2 đã cử đại diện lãnh đạo Ban giám thị và đội tham mưu phối hợp chặt chẽ với chính quyền phường Kiến Hưng, quận Hà Đông - nơi đơn vị đứng chân để triển khai các nội dung phục vụ cho cuộc bầu cử. 

Thượng tá Phạm Văn Hân, Phó Giám thị cho biết: “Đơn vị được giao tổ chức 1 hòm phiếu độc lập cho cử tri là CBCS và người bị tạm giữ, tạm giam với khoảng hơn 800 cử tri. Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ công tác bầu cử đơn vị những cán bộ đảm bảo đủ yêu cầu tham gia tổ bầu cử, có kế hoạch cụ thể yêu cầu các đội nghiệp vụ triển khai công tác. Trong đó, đội Quản giáo có trách nhiệm cử cán bộ đến từng buồng giam tuyên truyền cho các cử tri; phối hợp với đội tham mưu sử dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền hàng ngày; đưa danh sách cử  tri và các đại biểu ứng cử đến từng phòng giam để những người bị tạm giam, tạm giữ đọc, lựa chọn, giúp họ hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình, đánh giá quá trình hướng thiện”...

Đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, việc tham gia bỏ phiếu đơn giản như những cử tri bình thường. Tuy nhiên, đối với những người đang bị tạm giam, do đang trong quá trình phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử nên không thể ra ngoài hay tập trung đông người. Do là lần đầu tiên triển khai quy định mới nên cũng là khó khăn trong công tác bầu cử của đơn vị. Vì thế, ngay từ đầu năm, bên cạnh công việc chuyên môn hàng ngày, các cán bộ, chiến sĩ trại bận rộn, vất vả thêm với việc chuẩn bị tài liệu, xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bầu cử, chuẩn bị danh sách cử tri cho những người bị tạm giữ, tạm giam ở đơn vị. Tuy nhiên, việc tổ chức học tập, tuyên truyền cho người đang bị tạm giam, tạm giữ là điều không đơn giản, vì còn phải đảm bảo an ninh tại trại giam. Một phần không nhỏ đối tượng tạm giam có nhiều tiền án, tiền sự, luôn tìm mọi sơ hở để thực hiện các hành vi chống đối, kích động các phạm nhân khác… 

Để giải “bài toán” khó này, cán bộ, quản giáo của trại đều phải trở thành những tuyên truyền viên, phải nắm rõ các bước tiến hành, các quy định, nhất là Luật Bầu cử cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương đến từng buồng giam, tuyên truyền cho người đang bị giam giữ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc tổ chức cho các đối tượng bỏ phiếu cũng đang là một khó khăn với các cán bộ, chiến sĩ trại. Do đặc thù cử tri là người đang bị tạm giam, không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng nên tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến từng buồng giam để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. 

Chia sẻ về khó khăn này, Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 cho biết: “Do cử tri là người tạm giữ, tạm giam luôn có sự biến động nên hàng ngày, chúng tôi đều rà soát, cập nhật danh sách để đảm bảo quyền lợi đối với họ, không để sót lọt bất cứ trường hợp nào. Các cán bộ trong tổ bầu cử của trại sẽ mang hòm phiếu đến từng buồng giam.”

Phương Thuỷ

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 1/1/2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nội dung này được căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 71/2024/TT-BCA của Bộ Công an.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chợ dân sinh ở thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

* Thu giữ 10 bánh heroin và 15kg nghi là ma tuý tổng hợp dạng đá

Ngày 4/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tổ chức khen thưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy xét và làm rõ đối tượng liên quan vụ phát hiện số lượng lớn ma túy trên xe ô tô khách bị TNGT.

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文