Giải quyết TNGT: Bỏ tư duy “Xe to đền xe nhỏ”
- Nhiều ý kiến đồng thuận với Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ
- Đấu giá biển số xe được quy định thế nào trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ?
Ngày 24/10 tới đây, dự kiến Bộ trưởng Bộ Công an sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTAGT đường bộ. Đây là dự án Luật được Bộ Công an chủ trì xây dựng mới.
Một trong những điều mới của dự án Luật đó là bỏ tư duy “Xe to đền xe nhỏ” mà lâu nay mọi người vẫn quan niệm. Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT thì tai nạn giao thông là hậu quả không mong muốn xảy ra, khi xảy ra thì phải giải quyết, xử lý nên cần quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức có liên quan; có sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu liên quan; theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan Y tế; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của cơ quan Công an; trách nhiệm của cơ quan Quân đội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị bảo trì, khai thác đường bộ và cơ quan, đơn vị đăng kiểm; trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe |
Cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm khi được thông báo về vụ TNGT phải có trách nhiệm tới ngay hiện trường để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ TNGT, cấp cứu người bị nạn. Đồng thời phải giải quyết bồi thường thiệt hại do TNGT gây ra đúng quy định.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về việc giải quyết TNGT nhưng giản đơn, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, tản mát ở vài điều luật, chủ yếu hướng dẫn tại các thông tư của các bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao, do đó Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định rất chi tiết những nội dung sau: Những hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức thực hiện phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan đến giải quyết tai nạn giao thông nhằm tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết hậu quả của vụ tai nạn giao thông nhằm giảm thiểu hậu quả vụ tai nạn (đây là quy định mới).
“Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân, hậu quả để làm căn cứ bồi thường không có chuyện “xe to đền xe nhỏ”” – Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh và cho biết, việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông phải làm rõ nguyên nhân do con người, do cơ sở hạ tầng giao thông hay do phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc các yếu tố bất ngờ gây ra làm căn cứ xác định trách nhiệm của người có liên quan trong vụ tai nạn; trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý nguồn nguy hiểm gây tai nạn.
Lực lượng chức năng điều tra vụ tai nạn giao thông |
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông dùng chung; quy định cách thống kê, báo cáo đánh giá chỉ số tăng, giảm về tai nạn giao thông cho phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới theo cách tính số vụ, số người chết, số người bị thương trên100.000 dân, trên 10.000 phương tiện giao thông và thời hạn tính chết do tai nạn giao thông trong 30 ngày, kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn.
Phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất số liệu thiệt hại về người do tai nạn giao thông gây ra. Ngoài ra, trong dự án Luật cũng quy định rõ thế nào là tai nạn giao thông đường bộ để phân biệt với các dạng tai nạn khác, đồng thời cũng là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thực hiện trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật.