Hiệu quả lớn từ khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự ở Thanh Hóa

09:12 11/09/2018
Cho dù nắng hay mưa, thời gian từ 6h đến 7h, 11 đến 12h, 13-14h là cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tĩnh Gia; Đồn Công an Nghi Sơn và Công an xã Mai Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) lại có mặt ở 3 ngã tư trọng điểm của huyện để phân luồng, đảm bảo ATGT, trât tự công cộng, tuyên truyền pháp luật về ANTG, nhắc nhở, phê bình những người vi phạm...

Nhờ đó, dù trên địa bàn huyện Tĩnh Gia với  30 nghìn công nhân làm việc trong các nhà máy, công ty và học sinh trên đều được đảm bảo an toàn mỗi khi ra đường, không còn lo lắng ùn tắc và tai nạn cận kề.

Đó là những “ngã tư bình yên” mà Công an huyện Tĩnh Gia xây dựng để làm giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông ở địa bàn, cũng là 1 trong hàng trăm mô hình bảo đảm ANTT, an toàn giao thông ở Thanh Hoá.

“Doanh nhân với ANTT” cũng là một trong những mô hình thành công đặc biệt của Công an Thanh Hoá do Công an huyện Nga Sơn khởi xướng, thực hiện. Năm 2008 –  khi tỉnh Thanh Hoá có Đề án 375 và Chỉ thị số 10 về xây dựng “Khu dân cư an toàn về ANTT”, Công an huyện Nga Sơn đã ra mắt mô hình trên với kinh phí ban đầu hơn 300 triệu đồng là tiền của các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. Đây là tâm huyết nhiều năm của Đại tá Nguyễn Cao Sơn (khi đó là Trưởng Công an huyện Nga Sơn).

Cán bộ Công an tỉnh Thanh Hoá vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT.

Anh đã trực tiếp đi vận động các doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ họ, trực tiếp làm việc với Ngân hàng chính sách đề nghị cho người lầm lỗi vay vốn, trong đó, Công an huyện chịu trách nhiệm, quyết định cho đối tượng vay. Doanh nhân cấp vốn, ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác giải ngân. Tiền vay được giao trực tiếp cho thân nhân đối tượng, Công an trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn.

Nhờ đó, các đối tượng được vay đã sử dụng đồng vốn tạo ra việc làm cho chính mình và người thân, đến hạn trả đầy đủ cả gốc và lãi. Từ đó, hàng trăm người lầm lỗi ở địa bàn đã có công ăn việc làm ổn định, kinh tế phát triển, gia đình hạnh phúc, nhiều người vươn lên làm giàu, trở thành những doanh nhân thực sự. Tình hình ANTT trên địa bàn luôn được giữ vững, phạm pháp hình sự giảm.

Còn nhớ, những năm 2006-2008, Trung tướng Đồng Đại Lộc (khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá) đã ấp ủ xây dựng và là người đặt bút viết những những dòng đầu tiên của Đề án 375 về xây dựng “Khu dân cư an toàn về ANTT”, bởi ông hiểu, điều quan trọng nhất để bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế thì phải có sự ủng hộ của nhân dân, phải vận động được nhân dân tham gia bảo đảm ANTT ngay tại địa bàn sinh sống của mình. Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn 6 huyện, Công an Thanh Hoá đã chứng minh cho chính quyền, nhân dân thấy rõ được hiệu quả của Đề án này.

Cán bộ Công an Thanh Hóa thường xuyên bám địa bàn, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong quá trình triển khai, thực hiện, lãnh đạo Bộ Công an đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao cách làm sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện Đề án 375.

Đến nay, đã 10 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chỉ đạo điều hành của BCĐ 138 các cấp với sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh đã phát triển ngày càng sâu rộng. Nhiều mô hình tự quản về ANTT ở cơ sở đã được xây dựng và nhân rộng.

Toàn tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động 635 Ban chỉ đạo ANTT ở 635 xã, phường, thị trấn với 12.998 thành viên; 5.727 tổ bảo vệ ANTT thôn, bản, khu phố, với 16.857 thành viên; 35.293 tổ an ninh xã hội (ANXH) với hơn 1 triệu thành viên là các hộ gia đình tham gia (chiếm 94% tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh); tổ chức cho 100% thôn, bản, khu phố, tổ bảo vệ ANTT, tổ ANXH; gần 2 triệu lượt hộ gia đình, hơn 2 triệu cá nhân và hơn 20.800 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đăng ký, cam kết làm nhiều việc tốt về ANTT.

Trong quá trình hoạt động, Ban chỉ đạo ANTT ở xã, phường, thị trấn; tổ bảo vệ ANTT thôn, bản, khu phố và tổ ANXH ở khu dân cư đã luôn phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Từ năm 2008 đến nay, các lực lượng này đã phát hiện và trực tiếp giải quyết gần 28 nghìn vụ việc liên quan đến ANTT; cung cấp cho lực lượng Công an hơn 38 nghìn nguồn tin về ANTT; trực tiếp hoà giải 50.811 mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, không để nảy sinh phức tạp; lập hồ sơ chuyển lực lượng Công an xã, thị trấn giải quyết 17.695 vụ việc; phối hợp quản lý giáo dục 7.293 người phạm tội tiến bộ tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ chiến sĩ Công an Thanh Hóa giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Kết quả nổi bật nhất là công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, đấu tranh phòng, chống tội phạm; quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi  trên địa bàn dân cư đã được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Vừa cùng dân đảm bảo ANTT, Công an Thanh Hoá liên tục mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm. Từ năm 2008 đến nay, lực lượng Công an và cấp ủy, chính quyền cơ sở đã chỉ đạo giải quyết 34.648 vụ việc liên quan đến ANTT, giảm 8,6% so với 10 năm trước, chuyển hóa được 56% địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ANTT.

Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ - chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh và BCĐ 138 của tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn mới; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo về ANTT ở cấp xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao...

Phương Thuỷ

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文