Hợp tác quốc tế - Con đường tối ưu đẩy lùi tội phạm xuyên quốc gia

08:29 26/11/2020
Để phát huy hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình hiện nay, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa các nước trong và ngoài khu vực.


Bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) diễn ra ngày 26/11, PV Báo CAND đã có những trao đổi trực tiếp với lãnh đạo một số cục nghiệp vụ (Bộ Công an) về tình hình các loại tội phạm trong bối cảnh hiện nay cũng như việc hợp tác với các quốc gia, đặc biệt là các nước trong ASEAN để xử lý vấn nạn này.

Về tình hình tội phạm ma tuý, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình -Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý thông tin, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội ở mức độ nào đó gây khó khăn và làm hạn chế các hoạt động tội phạm nhưng tội phạm ma túy không có chiều hướng giảm mà thay đổi phương thức, thủ đoạn theo tình hình mới ở các nước ASEAN.

"Tội phạm ma tuý không hoạt động riêng lẻ ở một quốc gia nào. Chúng hoạt động xuyên biên giới, xuyên quốc gia với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường", Thiếu tướng Đỗ Đức Bình nêu rõ, đồng thời khẳng định cuộc chiến chống lại loại tội phạm này luôn quyết liệt, cam go, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các quốc gia.

Thiếu tướng Đỗ Đức Bình trao đổi với PV Báo CAND bên lề hội nghị AMMTC 14. 

Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của hợp tác quốc tế, những năm qua, lực lượng Công an Việt Nam nói chung và lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý nói riêng, đã tích cực hợp tác với các nước trong khu vực, các nước có chung đường biên giới; cũng như tăng cường trao đổi thông tin, mở các đợt trấn áp tội phạm thông qua các cơ chế hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế.

Về AMMTC, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình nhận định, đây là một cơ chế quan trọng để lãnh đạo cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN hoạch định chính sách ở cấp độ cao nhất, hướng đến thúc đẩy hợp tác phòng chống các loại hình tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực ASEAN nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng. "Tôi tin tưởng rằng, nếu các nước có sự đồng thuận, nhận thức tác hại của ma tuý và cùng có quyết tâm cao, ý chí đấu tranh thì hiểm hoạ ma tuý sẽ bị đẩy lùi", Thiếu tướng Đỗ Đức Bình chỉ rõ.

Ngoài tội phạm ma tuý, tội phạm mua bán người cũng được coi là một trong những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ra hậu quả rất nặng nề cho xã hội và xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của con người. Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự cho biết: “Gần đây tình trạng buôn bán người nổi lên đáng lo ngại thông qua phương thức đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang các nước châu Âu. Khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam, vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm”.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm cho biết, tình trạng mua bán người ở Việt Nam đã giảm trong năm qua nhưng vẫn diễn biến phức tạp. 

Riêng tại Việt Nam, tình trạng này trong năm qua đều giảm ở cả ba tiêu chí, về số vụ, số đối tượng và giảm sâu về nạn nhân. Nhưng do tính chất siêu lợi nhuận của hoạt động mua bán người, các đối tượng phạm tội thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.

Theo Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, Việt Nam tham gia rất tích cực vào các công ước quốc tế và khu vực về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và phòng chống tội phạm buôn bán người nói riêng. Việc loại tội phạm này giảm ở cả ba tiêu chí trong năm qua cho thấy nỗ lực lớn của Việt Nam, đặc biệt là của Bộ Công an Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

“Để phát huy hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình hiện nay, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa các nước trong và ngoài khu vực; nghiên cứu, mở rộng các cơ chế hợp tác song phương với các nước, tổ chức quốc tế khác trên thế giới về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm buôn bán người nói riêng, nhằm tận dụng mọi nguồn lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Chính phủ, lực lượng Cảnh sát các nước trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm mua bán người”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm nhấn mạnh.

Phùng Linh - Thắng Sơn

Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý II/2024 tổ chức chiều 26/6, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã thông tin về nguyên nhân gây ra vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khiến 14 người tử vong hồi cuối tháng 5/2024.

Sau khi được phẫu thuật gỡ dính, cắt thận lấy khối u và sỏi thận, người phụ nữ bàng hoàng khi kết quả giải phẫu bệnh khẳng định đây là một khối giả u thận do dị vật - gạc phẫu thuật còn sót trong ổ bụng sau ca phẫu thuật 14 năm trước đó. 

Lãnh đạo phong trào vũ trang Hamas Ismail Haniyeh tuyên bố không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào về Dải Gaza nếu nó không bao gồm việc Israel phải chấm dứt hoàn toàn chiến dịch tấn công.

Sáng 26/6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 6 bị cáo.

Ngày 26/6, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an huyện Quốc Oai đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã bắt giữ Trần Khánh Hà (SN 1983; HKTT: Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Giết người".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文