Hướng nghiệp, dạy nghề giúp phạm nhân hoàn lương
- Quỹ Hoàn lương hợp tác với Trại Z30D sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân
- Trại giam Xuân Lộc: Quan tâm dạy nghề cho phạm nhân
- Mở lớp dạy nghề cho phạm nhân
Cùng với việc giáo dục, cảm hóa, thời gian qua Ban Giám thị Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) còn chú trọng công tác dạy nghề cho phạm nhân, qua đó giúp các phạm nhân hiểu giá trị của lao động, biết quý trọng những thành quả mình làm ra để nỗ lực phấn đấu hoàn lương sau khi chấp hành xong án phạt tù, có cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống, tránh sa chân vào con đường tội lỗi…
Những ngày cuối năm 2020, có dịp đến thăm Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn xã Ea Pil, huyện Mđrắk, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi cảm nhận được sự phấn đấu hoàn lương của những người từng lầm lỗi khi đang hăng say lao động sản xuất. Tại các đội sản xuất, với đôi tay nhanh thoăn thoắt của các phạm nhân chẳng khác nào những công nhân lành nghề hay như những người thợ thực thụ. Song tựu trung, sâu thẳm trong họ là khát vọng “ngày trở về” đoàn tụ bên gia đình, hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời.
Đang thoăn thoắt đôi tay đan những chiếc ghế nhựa giả mây, phạm nhân Lưu Văn Nghĩa (SN 1977, trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), đang thụ án chung thân cho biết, mặc dù đã có gia đình và 2 con nhỏ nhưng hơn 8 năm trước, do bản thân không có nghề nghiệp ổn định, lại thường xuyên la cà, lêu lổng với đám bạn xấu tụ tập ăn chơi, và trong một lần đi nhậu về, Nghĩa xảy ra cãi vã với đám bạn. Trong cơn nóng giận, Nghĩa lao vào nhà lấy ra một con dao với mục đích hù dọa nhưng lưỡi dao oan nghiệt đã tước đi mạng sống của người bạn.
“Do nghề nghiệp không ổn định, không định hướng được cho bản thân và trong một lần như thế, tôi đã vướng vào vòng lao lý. Khi mới vào trại, tôi đã từng nghĩ không biết mình có ngày trở về hay không? Nếu có trở về mình sẽ làm gì để có thể lo cho cuộc sống của bản thân và các con khi không có nghề nghiệp. Thế nhưng những ngày ở trong trại, bản thân được học nghề đan lát, cơ khí và được cấp chứng chỉ. Chỉ mong rằng một ngày không xa khi được trở về với cộng đồng, với gia đình, bản thân mình sẽ có một nghề nghiệp ổn định để làm lại cuộc đời”, phạm nhân Trần Viết Nghĩa bộc bạch.
Công tác đào tạo nghề cho phạm nhân ở Trại giam Đắk Tân luôn được chú trọng. |
Phạm nhân Trần Viết Hùng (trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) từng tham gia vào đường dây buôn bán trái phép chất ma túy, mức án Hùng phải chấp hành là 8 năm 6 tháng. Trong thời gian tham gia cải tạo Hùng hiểu rằng, con đường nhanh nhất để trở về đó chính là chăm chỉ cải tạo, chăm chỉ học nghề để sau này khi trở về có thể làm lại cuộc đời, sống bằng sức lao động của mình. Hiện ngoài biết nghề may, Hùng còn được học nghề làm cơ khí và học nhạc. “Sau này khi trở về, mình sẽ đi làm thuê để có vốn mở một cửa hàng nho nhỏ chuyên làm cơ khí để lo cho cuộc sống của bản thân và các con”, Hùng nói.
Đây chỉ là 2 trong số hơn 1.600 phạm nhân đã và đang được Ban Giám thị, cán bộ Trại giam Đắk Tân quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp họ thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, có động lực và quyết tâm làm lại cuộc đời. Để làm được điều này, mỗi người quản giáo nơi đây vẫn hàng ngày đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng phạm nhân để động viên, thuyết phục họ phát huy cái tốt, mặt tích cực, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó yên tâm học tập, lao động cải tạo.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Xuân Hùng, Phó giám thị trại giam cho biết, những năm qua, ngoài việc quản lý, giam giữ chặt chẽ các loại đối tượng, bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, điều kiện giam giữ, cải thiện môi trường giáo dục, Ban Giám thị Trại giam rất đặc biệt quan tâm đến công tác hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân.
“Những nghề cơ bản như: mộc, mây tre đan, điện dân dụng, xây dựng, may mặc, trồng trọt, chăn nuôi... được các phân trại chủ động đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám thị liên kết với các đơn vị bên ngoài tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định. Tạo được cái nghề chính là triệt tiêu được thói xấu lười lao động trong con người phạm nhân, để họ tự nuôi sống mình bằng khả năng lao động của bản thân và chứng minh mình là những người có ích cho xã hội khi được tái hòa nhập cộng đồng”, Đại tá Hùng nói.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Giám thị trại giam Đắk Tân cho biết, trong những năm qua, với ngành nghề đã được học trong trại, nhiều phạm nhân sau khi hết án trở về với cuộc sống đời thường đã có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo dựng cuộc sống ổn định, hạn chế tỷ lệ tái phạm. Để các phạm nhân có điều kiện tốt nhất làm lại cuộc đời, Trại đã chủ động cung cấp thông tin phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú để địa phương có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tạo lập cuộc sống mới.
Kết quả khảo sát người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương, có rất nhiều tấm gương sáng trên nẻo đường hoàn lương. “Có thể thấy, có tay nghề và việc làm ổn định sau khi ra tù không chỉ là ước mơ của các phạm nhân mà còn là mong mỏi của cả xã hội. Vì vậy, việc lao động và học nghề trong trại giam đã cho họ hiểu giá trị của lao động, quý những thành quả mình làm ra, từ đó ý thức được việc hoàn lương để có việc làm ổn định là rất cần thiết, để những người từng lầm lỡ dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời”, Đại tá Hải nhấn mạnh.