Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân

Lực lượng Công an bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (bài 4)

06:59 26/07/2020
Chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (1945-2020) trải qua nhiều thời kỳ cách mạng, với các giai đoạn khác nhau. Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng CAND.


Và lực lượng CAND đã đáp lại lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân bằng những chiến công vang dội, viết nên sử vàng truyền thống với động cơ chiến đấu chỉ biết còn Đảng còn mình.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã giành được những thắng lợi to lớn, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Sự lớn mạnh của Liên Xô, sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, thắng lợi mới của phong trào độc lập dân tộc cùng với xu thế hòa bình, trung lập là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển cách mạng. Song, ngay sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam.

Các chiến sỹ trinh sát của “Đội chống gián điệp, biệt kích” Bộ Công an giám sát nhân viên điện đài của toán gián điệp, biệt kích liên lạc về Trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Ngày 1-6-1954, Mỹ đưa Đại tá Lênxđên cầm đầu toán tình báo CIA đến Sài Gòn với chiêu bài “giúp đỡ người Việt” trong việc huấn luyện chống chiến tranh du kích. Ngày 13-6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam để lập chính phủ mới. Ngày 8-8-1954, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã tiến hành kế hoạch thôn tính miền Nam Việt Nam, ồ ạt đưa hàng trăm cố vấn quân sự, tình báo, gián điệp vào.

Để kịp thời lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới, tháng 7-1954, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo, trong đó nêu rõ: "Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới, và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ... Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ".

Ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết về "Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng". Nghị quyết vạch rõ những đặc điểm của cách mạng nước ta, trong đó đặc điểm quan trọng nhất là đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền. Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới được xác định là: "Nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải đã hoàn thành, cuộc đấu tranh ái quốc không vì đình chiến mà kết thúc, cuộc đấu tranh đó còn đang tiếp tục, nhưng phương thức đấu tranh còn phải thay đổi.

Chúng ta cần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hình thức đấu tranh mới. Vì vậy, nhiệm vụ chung của Đảng ta là đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến... để củng cố hòa bình, ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất, giữ vững và đẩy mạnh đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam, đặng củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc".

Trước tình hình, nhiệm vụ và yêu cầu mới của cách mạng, cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự xã hội ở cả hai miền diễn ra ngày càng gay go, phức tạp và quyết liệt, đòi hỏi lực lượng Công an phải nhanh chóng chuyển hướng tổ chức và hoạt động đáp ứng với cuộc đấu tranh ở mỗi miền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Ở miền Bắc, trước khi Pháp rút đi, bọn tình báo CIA lợi dụng thời gian chuyển quân tập kết tiến hành kế hoạch kích động, dụ dỗ, cưỡng ép số nhân viên ngụy quân, ngụy quyền của chế độ cũ và đồng bào Công giáo di cư vào Nam nhằm gây rối ANTT miền Bắc và tạo thực lực, chỗ dựa cho chúng khi phải thực hiện Tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. 

Chúng cấp tốc tuyển chọn, huấn luyện gián điệp, cài cắm vào một số cơ quan, đơn vị trọng yếu và các thành phố, thị xã vùng mới giải phóng, hình thành “đội quân ngầm” chống phá cách mạng.

Chúng chỉ đạo bọn tay chân chôn giấu vũ khí, điện đài, phương tiện hoạt động gián điệp, chuẩn bị cho kế hoạch chống phá cách mạng trước mắt và lâu dài. Mỹ thoả thuận với Pháp bàn giao lại mạng lưới gián điệp của Pháp ở miền Bắc để phân loại, chuyển vùng và tạo vỏ bọc cho số bị lộ, sắp xếp, bố trí vào những địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự. 

Chúng tung hàng trăm tên gián điệp biệt kích xuống các tỉnh biên giới Đông Bắc và Tây Bắc móc nối với tàn quân phỉ, bọn phản động. Ngoài ra, đế quốc Mỹ còn sử dụng bọn tình báo, gián điệp của các nước tư bản và bọn đặc vụ Tưởng để chống phá miền Bắc.

Trước âm mưu và hoạt động của Mỹ, tháng 4-1955, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Bảo vệ chính trị lần thứ II. Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm của Công an ở miền Bắc là: “Đánh mạnh vào những hoạt động gián điệp ở miền Bắc của bọn đế quốc Mỹ, Pháp, Anh do đế quốc Mỹ cầm đầu và bọn tay sai của chúng là đặc vụ Tưởng; tích cực đập tan âm mưu và những hoạt động phá hoại hiện hành có mục đích phản cách mạng của các đảng phái phản động, phản động trong tôn giáo, phản động trong tầng lớp trên của dân tộc thiểu số, các tổ chức và cá nhân phản cách mạng ẩn núp ở thành thị và nông thôn; tích cực phát hiện và thanh trừ những phần tử gián điệp, phản động núp trong nội bộ cơ quan, trường học, công xưởng của ta”.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, CAND đã vận động quần chúng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận dân tộc thống nhất và các lực lượng, các ngành, đặt biệt là với quân đội tiếp quản các thành phố, thị xã, vùng mới giải phóng; đấu tranh chống địch dụ dỗ, kích động, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam của địch. Cuộc đấu tranh đã diễn ra hết sức gay go, phức tạp và quyết liệt ở hầu hết các tỉnh, thành phố miền Bắc, đặc biệt ở những nơi tập trung đồng bào Công giáo. Kết quả ta đã làm thất bại kế hoạch dụ dỗ cưỡng ép di cư của Mỹ - Diệm.

Nhận thức rõ tính chất nguy hại của hoạt động gián điệp, các lực lượng Công an phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian”, đẩy mạnh tấn công chính trị vào hàng ngũ bọn phản cách mạng, kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, lập chuyên án đấu tranh và khám phá hàng chục tổ chức gián điệp do Mỹ, Pháp cài lại, thu hàng chục tấn vũ khí, điện đài. Điển hình là chuyên án đấu tranh với tổ chức gián điệp do tên Camille chỉ huy, chuyên án C30 do Trần Minh Châu (tức Cập) chỉ huy; chuyên án GM65 do tên Hoàng Văn Măng phụ trách... kịp thời ngăn chặn âm mưu phá hoại của chúng.

Ở các tỉnh biên giới phía Bắc, lực lượng Công an phối hợp với bộ đội vận động quần chúng tiến hành tấn công chính trị kết hợp với biện pháp vũ trang vào bọn phỉ, bọn đặc vụ Tưởng và bọn phản động trong tầng lớp trên dân tộc, bắt, diệt và làm tan rã hàng ngàn tên, thu nhiều vũ khí, giải quyết triệt để vấn đề phỉ, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch xây dựng căn cứ và tập hợp lực lượng chống phá ta ở vùng biên giới phía Bắc. Đến năm 1960, CAND đã căn bản bóc gỡ toàn bộ mạng lưới tình báo, gián điệp của Mỹ - Pháp ở miền Bắc, làm phá sản kế hoạch hậu chiến của bọn thực dân, đế quốc.

Cùng với cuộc đấu tranh chống gián điệp, các lực lượng Công an tăng cường công tác điều tra, phát hiện và lập án đấu tranh có kết quả với các tổ chức phản động, đặc biệt là đấu tranh với tổ chức phản động “Mặt trận chống cộng miền Bắc”, nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”, tổ chức phản động “Đại Việt duy dân”, dập tắt các vụ “xưng vua, đón vua”, kịp thời trấn áp những vụ bạo loạn vũ trang như vụ Dào San, vụ Hồ Thầu ở Phong Thổ (Lai Châu), đặc biệt là vụ bạo loạn Đồng Văn (Hà Giang) cuối năm 1959 đầu 1960. 

Lực lượng Công an còn tham gia tích cực trong công tác cải cách ruộng đất; cải tạo công thương nghiệp, nông nghiệp, trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và tàn dư của chế độ cũ để lại; đấu tranh chống tội phạm hình sự, giữ gìn ANTT góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam.

Trước sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược. Đối với miền Bắc nước ta, chúng tăng cường chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý, hòng làm cho ta bất ổn định về chính trị, suy yếu về kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Chúng tập trung hoạt động thu thập tin tức tình báo về chủ trương, đường lối cách mạng miền Nam của Đảng ta; sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Trung Quốc và Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta để phục vụ cho những bước leo thang chiến tranh của chúng…và tập trung điều tra nhiều lĩnh vực nhằm thôn tính miền Bắc.

Tính riêng từ năm 1961 đến 1965, Mỹ - ngụy đã tung 53 toán với 442 tên gián điệp, hơn 100 tấn gồm vũ khí, máy thông tin liên lạc, thuốc nổ cực mạnh, nhu yếu phẩm vào các tỉnh Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình. Khi tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hoạt động xâm nhập gián điệp, biệt kích của Mỹ - ngụy cũng được gia tăng. Trong vòng 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1970, địch đã tung hơn 103 toán gián điệp, biện kích với hàng trăm tấn vũ khí, thuốc nổ, phương tiện thông tin liên lạc vào miền Bắc.

Để kịp thời đối phó với âm mưu xảo quyệt và hoạt động liều lĩnh của Mỹ - ngụy, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 66/CT-TW, ngày 11-9-1963 về việc tiến hành khẩn trương công tác để sẵn sàng đập tan âm mưu của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tung gián điệp, biệt kích ra phá hoại miền Bắc nước ta. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, lực lượng Công an chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp ở các địa phương tổ chức các hội nghị tổng kết phong trào quần chúng; chống gián điệp, biệt kích; tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc xây dựng và hướng dẫn thực tập các phương án, kế hoạch phòng, chống gián điệp, biệt kích; tích cực thực hiện chủ trương cải tạo tại chỗ các loại đối tượng mà kẻ địch thường chú ý lợi dụng.

Được Mỹ hậu thuẫn, Ngô Đình Diệm tăng cường củng cố quyền lực bằng cách loại bỏ các phần tử thân Pháp, đưa lực lượng Công giáo nắm giữ các vị trí quan trọng, then chốt trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Chúng dùng mọi thủ đoạn thủ tiêu những tổ chức và cá nhân đối lập, dẹp các giáo phái, thiết lập và phát triển các tổ chức tình báo gián điệp mang tên “Sở nghiên cứu chính trị xã hội”, “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung”, “Cơ quan diệt trừ sốt rét”, cơ quan “Dân ý vụ”... Chúng sử dụng các tổ chức này để khủng bố, tàn sát đẫm máu những người yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ với chính sách “Tố cộng, diệt cộng”. Mỹ - Diệm tiến hành dồn quân bắt lính, tiếp tục mở các cuộc hành quân càn quét với quy mô ngày một lớn, triệt phá cơ sở cách mạng, bắn giết, bắt bớ đồng bào ta, biến miền Nam thành trại tập trung khổng lồ.

Trước âm mưu và thủ đoạn thâm độc của địch, lực lượng Công an miền Nam đã nhanh chóng bố trí đưa các đồng chí hoạt động công khai hoặc bị lộ trong kháng chiến chống Pháp tập kết ra Bắc, một số đồng chí được phân công ở lại để tiếp tục hoạt động. Tháng 10-1954, Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban địch tình. Lực lượng Công an đã tham gia Ban địch tình, kết hợp với tình báo Quân đội, điều tra nắm tình hình, phát hiện âm mưu, hoạt động của địch, tham mưu cho các cấp ủy có chủ trương, biện pháp, đối sách kịp thời chống càn quét, khủng bố, chống chính sách “Tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm, bảo vệ lực lượng và phong trào cách mạng. Lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ ngụy quyền, các lực lượng Công an xây dựng cơ sở, khoét sâu mâu thuẫn để gây chia rẽ, ly gián nội bộ chúng.

Trong quá trình bám đất, bám dân để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, trước sự đàn áp khốc liệt, dã man của kẻ thù, hàng ngàn CBCS Công an miền Nam đã kiên cường đấu tranh, hy sinh anh dũng, góp phần làm nên phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu 1960, đưa cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới.

Nhóm PVTS (Còn nữa)

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文