Chủ động ứng phó bão số 9
- Bão số 9 giật cấp 17 tiến nhanh vào Đà Nẵng - Phú Yên
- Cục CSGT thành lập Trung tâm chỉ huy ứng phó với bão số 9
- Hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước cơn bão số 9
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết, quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 vào sáng 26/10 và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão này, Công an tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở chủ động triển khai ngay phương án phòng chống bão, quán triệt phương châm “4 tại chỗ”.
Lực lượng Công an được huy động thường trực 100% quân số và túc trực 24/24h để sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai công tác ứng phó khi có yêu cầu. Đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão, lũ.
Lực lượng CSGT Công an TP Huế hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền trên sông Hương, tránh bão số 9 an toàn. |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đảm bảo ANTT, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ Nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 9 và mưa lũ; chủ động phương án hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực được dự báo ảnh hưởng của bão và mưa lũ đảm bảo an toàn.
Ngày 26/10, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ký công điện giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm tất cả các phương tiện ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20h ngày 26/10 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng thời yêu cầu các địa phương trong tỉnh sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn; huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai (PCTT) hỗ trợ người dân thực hiện việc di dời, nhất là đối với những hộ chỉ có người già yếu, phụ nữ, neo đơn, khuyết tật, hoàn thành việc di dời trước 17h ngày 27/10.
Cùng ngày, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, quận huyện để chỉ đạo ứng phó với bão số 9. Theo lãnh đạo TP, khối lượng công việc để ứng phó với cơn bão này phải được thực hiện lớn hơn, nhiều hơn gấp 2-3 lần so với các cơn bão bình thường và phải triển khai khẩn trương cho kịp thời vì bão có tốc độ di chuyển vào bờ rất nhanh. TP Đà Nẵng đã rà soát, lên kế hoạch sơ tán hơn 72.000 người đối với tình huống bão gió đổ bộ vào đất liền cấp 8 đến cấp 11, gồm 19.252 gia đình với 62.500 nhân khẩu và hơn 9.500 công nhân, sinh viên. Trong trường hợp bão đổ bộ với cấp 12-13, tổng số người cần sơ tán sẽ lên đến trên 140.000 người.
Thông qua Đài thông tin duyên hải miền Trung và các phương tiện liên lạc, TP Đà Nẵng yêu cầu tàu thuyền khẩn trương neo đậu tránh bão số 9. Những phương tiện không kịp vào bờ phải di chuyển ra khỏi khu vực tác động của bão. Theo Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP Đà Nẵng, toàn TP có 1.242 tàu cá với 7.430 lao động.
Đến chiều 26/10, tại âu thuyền Thọ Quang có 1.134 tàu cá vào neo đậu tranh bão, trong đó tàu Đà Nẵng là 403 chiếc, tàu ngoại tỉnh là 731 chiếc. Số tàu đã đưa lên bờ và neo đậu tại các địa phương khác là 832 chiếc. Hiện chỉ còn 7 tàu của ngư dân với 62 lao động còn ở ngoài khơi và đang trên đường vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Về số lượng tàu hàng, theo Cảng vụ Đà Nẵng, hiện có trên 70 tàu đang neo đậu tại vùng nước cảng biển Đà Nẵng. Bên cạnh đó, 21 tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn cũng đã di dời về sông Cổ Cò để đảm bảo an toàn.
Để ứng phó với bão số 9, chiều 26/10, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng đã họp khẩn và chỉ đạo Công an các đơn vị trực thuộc kích hoạt phương án phòng chống bão lớn, mưa lớn và lũ lụt, sạt lở do mưa lũ. Theo đó, lực lượng Công an sẵn sàng nhân lực, phương tiện, tích cực triển khai các biện pháp PCTT&TKCN, nỗ lực bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão…
Các lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát PCCC& CNCH, cùng Công an các quận huyện phối hợp với BĐBP và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan trong phòng tránh bão, không cho tàu thuyền ra khơi, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn, sẵn sàng xử lý các tình huống cháy nổ tại khu vực tập trung tàu thuyền neo đậu và các tình huống cần cứu hộ, cứu nạn…
Đợt mưa lũ vừa qua khiến địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau khi nước lũ rút, lực lượng Công an các địa phương đã tích cực bám địa bàn, phối hợp cùng Công an các xã và chính quyền giúp người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp, vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống trở lại.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó mưa bão tại Phòng Cảnh sát đường thủy. |
Huyện Quảng Điền là địa phương chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra, nước lũ đã ngập sâu địa bàn 10 xã và thị trấn Sịa từ 1-1,5m, có nơi dâng cao đến 2m gây chia cắt giao thông, cô lập nhiều thôn ven phá Tam Giang. Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các vùng thấp trũng hết ngập lụt, Công an huyện Quảng Điền đã cử CBCS về phối hợp với Công an các xã như Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Thái, Quảng An… để giúp người dân dọn dẹp bùn non, vệ sinh môi trường sau lũ.
Thượng úy Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Công an xã Quảng Thành cho biết, toàn xã có 3.078 hộ dân thì 100% nhà cửa của các hộ đều bị ngập sâu trong đợt lũ lụt. Khi lũ rút, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, 2 hôm nay CBCS Công an xã cùng với các đoàn thể ở địa phương đã về từng thôn để giúp người dân dọn bùn, thu dọn rác thải sau lũ, làm vệ sinh dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã. Đặc biệt, lực lượng Công an xã còn phối hợp làm vệ sinh tại các điểm trường mầm non, trường Tiểu học, THCS đóng trên địa bàn để giúp các em học sinh sớm trở lại trường sau lũ lụt. Tương tự, xã Quảng Phước cũng ngập lụt diện rộng, đặc biệt là các thôn Hà Đồ, Phước Lập có hàng trăm nhà dân bị ngập, hàng chục héc ta hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản ngập úng hư hại.
Đại úy Nguyễn Trung Chỉnh, Phó trưởng Công an xã Quảng Phước cho hay, Công an xã đã phân công CBCS về các thôn, phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau khi lũ rút; sửa chữa lại nhà cửa hư hỏng, xiêu vẹo cho các hộ già yếu, neo đơn, hộ gia đình chính sách...
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết thêm, cùng với việc huy động lực lượng và phương tiện phối hợp với Công an chính quy làm nhiệm vụ ở các xã để giúp người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, Công an huyện cũng cảnh báo, nhắc nhở người dân không được chủ quan khi tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là dự báo về ảnh hưởng của cơn bão số 9 sắp đến.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, để đối phó với bão số 9, cùng với việc huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, Công an tỉnh còn phối hợp với cơ quan chức năng rà soát phương án, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách; hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Bên cạnh đó, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, trục lợi. Riêng lực lượng CSGT - Trật tự Công an TP Huế cũng đã thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động neo đậu tàu thuyền trên sông Hương để tránh trú bão số 9 an toàn.
Sau khi lũ rút, đã có rất nhiều đoàn cứu trợ đến với người dân tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng do lũ lụt. Hàng trăm chuyến xe chở hàng cứu trợ gồm gạo và các nhu yếu phẩm, chăn màn, quần áo ấm… ùn ùn đổ về các địa phương vừa phải trải qua cơn lũ dữ, như Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, ngược đường lên các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Và, trong những ngày này, lực lượng Công an cơ sở đã nỗ lực làm cầu nối để hàng hóa cứu trợ được trao đến tận tay bà con, góp sức, chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ…
Hơn 5 ngày qua, Công an các xã ở huyện Gio Linh, như Gio Quang, Linh Trường, Gio Hải, Gio Mai, Gio Sơn, Gio Việt… đã tiếp đón hơn 10 đoàn từ thiện vận chuyển trên 6.000 phần quà, bao gồm nhu yếu phẩm cùng các vật tư, vật liệu sửa chữa nhà cửa và một số tiền mặt, cứu trợ, trao tặng bà con nơi đây.
Thiếu tá Trần Việt Dũng, Trưởng Công an xã Gio Quang cho biết, thông qua các mối quan hệ và tận dụng mọi phương tiện liên lạc, kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ người dân đang rất khó khăn vì lũ lụt, như zalo, facebook, đến nay, CBCS đơn vị đã kêu gọi được khá nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ bà con bằng các hiện vật thiết yếu và tiền mặt để có cái ăn kịp thời cũng như giải quyết những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.
Có mặt tại buổi trao quà vào chiều 24/10, tại sân trụ sở UBND xã Gio Quang, chúng tôi chứng kiến cùng một lúc có tới 3 đoàn từ thiện vận chuyển các nhu yếu phẩm, chủ yếu gạo, nước mắm, ruốc hộp, trên các xe tải về cứu trợ. Các lực lượng Công an xã, Xã đội, thanh niên xung kích và nhiều người dân đã nhanh chóng phối hợp bốc hàng xuống sân; tổ chức trao quà cho bà con.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1968), ở thôn Gio Quang Hạ tâm sự: “Từ hôm 18/10 đến giờ, gia đình em 2 lần được các CBCS Công an xã thông báo đến nhận quà cứu trợ. Quà bao gồm các nhu yêu phẩm cần thiết, cùng 500 ngàn đồng. Các quán xá ở thôn, xã đều bị ngập lụt, chưa mở lại. Chồng em tranh thủ lúc nước lũ rút để lên Đông Hà mua một ít đồ dùng cần thiết, mua nến thắp, thuốc tây và dầu gió đề phòng ốm đau”.
Nói về Công an xã Gio Quang giúp dân, chị Hương xúc động bảo: “Hôm 17/10, buổi sáng thôn mới có chừng 10 hộ ngập lụt, nước vào nhà, nhưng đến xế chiều, nhà nào cũng bị ngập sâu, lút đến bàn thờ. May nhờ các anh Công an chèo ghe đến ứng cứu. Có đoạn đường thôn nhỏ quá, ghe vào không được, các anh cùng những thanh niên khỏe mạnh lội nước cõng người già, trẻ nhỏ ra ghe đưa đến chỗ an toàn để trú tránh”.
Thượng tá Đỗ Duy Hải cho hay, chỉ sau thời gian ngắn CBCS Công an chính quy về xã đã phát huy ngay được tính chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả cao trong mọi mặt công tác Công an. Đội ngũ này còn phát huy được vai trò chủ chốt của lực lượng tại chỗ trong giúp dân phòng, chống thiên tai; chủ động trong phối hợp, chỉ huy công tác cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ di dời, sơ tán hàng chục nghìn hộ dân bị ngập lụt nặng; nguy cơ bị lũ quét, lở núi vùi lấp, cuốn trôi, đến các địa điểm, khu vực cao ráo trú tránh an toàn; lo cái ăn, chỗ ở cho bà con, không để ai bị đói, rét; giữ gìn ANTT và tài sản cho bà con chạy lũ đảm bảo, không để các đối tượng xấu lợi dụng mưa lũ trộm cắp. Đặc biệt, lực lượng Công an chính quy ở xã đã rất năng động và nhiệt tình kêu gọi, kết nối từ thiện, quyên góp hàng chục nghìn phần quà, gồm các nhu yếu phẩm, chăn màn, áo ấm… hỗ trợ kịp thời đến người dân vùng lũ.
Mặc dù nước lũ đã rút song nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn bị chia cắt, cô lập do đường sá còn ngập lũ, sạt lở, sụt lún. Lực lượng Công an xã đã tích cực phối hợp sửa chữa, khắc phục đường sá hư hỏng để thông tuyến, tạo thuận lợi cho các chuyến xe chở hàng cứu trợ đến hỗ trợ người dân.
Đại tá Nguyễn Đức Cảm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị nói rằng, Công an các đơn vị xã trên địa bàn đã và đang làm rất tốt công tác kết nối, kêu gọi từ thiện, quyên góp, hỗ trợ giúp đỡ người dân đang khó khăn do hậu quả lũ lụt. Trong đó, riêng Công an các xã ở huyện Gio Linh, Đakrông và Công an xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong đã kêu gọi giúp đỡ, trao tận tay cho người dân bị thiệt hại hơn 15.000 phần quà thiết yếu, trị giá nhiều tỉ đồng.
Hiện nay, các CBCS Công an bám cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhắc nhở bà con đề phòng dịch bệnh sau lũ; đồng thời chằng chống nhà cửa, công trình để ứng phó với bão số 9, khi cơn bão này được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung…