Mô hình tổ liên gia, dòng họ tự quản đẩy lùi phạm pháp

08:12 09/11/2016
Tròn 5 năm, Quyết định số 2200/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ về Quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh trật tự đi vào hoạt động, những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, trong công tác hòa giải..., đã chứng minh hiệu quả của phong trào.


Đây thực sự là tổ chức để quy tụ, tập hợp và hướng dẫn người dân, đồng thời là sợi dây kết nối, điểm tựa đoàn kết gắn bó nhân dân, phát huy vai trò của người dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT).

Chiều cuối năm, màn đêm xuống nhanh hơn, theo chân cán bộ Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (PV28) Công an tỉnh Phú Thọ và Tổ trưởng Tổ liên xã tự quản số 2, chúng tôi có mặt ở thôn Phượng Hùng 1, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Đoạn đường dài gần 500km thuộc khu dân cư xóm Hợp Phương, đèn đường sáng rực, tạo nên một cảm giác an toàn và nét đẹp văn minh cho khu dân cư vùng nông thôn mới.

Lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ xuống địa bàn phối hợp với các tổ tự quản giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Tổ trưởng Tổ liên gia tự quản số 2, bộc bạch với chúng tôi: Hệ thống “đèn an ninh” là do người dân trên địa bàn tự nguyện đóng góp. Điều này đã giúp hạn chế được hoạt động của tội phạm trộm cướp, đồng thời đảm bảo giao thông trong đêm được an toàn...

Để minh chứng, vị Tổ trưởng kể cho chúng tôi những vụ việc về ANTT được phát hiện nhờ “đèn an ninh”. Đó là trường hợp của hai đối tượng người Quảng Ngãi đột nhập vào khu vực để xe máy của gia đình anh Trường Vui, ở thôn Ngọc Trúc 1.

Nhờ “đèn an ninh” người dân nhanh chóng phát hiện và tổ chức bắt giữ khi hai đối tượng bỏ trốn lên khu vực đồi. Hay trường hợp của một đối tượng tên là Anh ở thôn Ngọc Trúc, xã Chí Đám. Nhờ “đèn an ninh”, người dân đã bắt giữ Anh ngay sau khi đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp.

Theo mạch cảm xúc, vị Tổ trưởng Tổ liên gia chia sẻ: Trước năm 2011, công tác đảm bảo ANTT luôn là nỗi trăn trở thường trực của người dân trong xóm. Trên địa bàn, xuất hiện ổ nhóm đối tượng có hung khí nguy hiểm hoạt động, tình trạng trộm cắp vặt thường xuyên diễn ra...

Khi triển khai Quyết định 2200, tổ liên gia tự quản đã bầu 4 người do ông Phó xóm trưởng phụ trách. Mỗi gia đình được trang bị còi, tự trang bị một gậy dài cùng đèn pin sẵn sàng hỗ trợ cho tổ an ninh tự quản của xóm. Mỗi xóm đã xây dựng được sơ đồ an ninh, dự kiến tình huống và cách xử lý, quy định tín hiệu hiệp đồng.

Để tăng khả năng phòng ngừa, tuần tra và kiểm soát ANTT ban đêm, trong những ngày mới thành lập xóm đã tổ chức xây lắp hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm dọc đường, bố trí ở những vị trí nhạy cảm…

Tiền điện hằng tháng được huy động từ đóng góp của nhân dân gọi là quỹ xóm được 22 triệu đồng, cho các hộ trong xóm vay với lãi suất thấp để lấy lãi trả tiền điện an ninh.

Khi tôi hỏi về bí quyết của sự vận động, đại diện tổ liên gia tự quản cười xòa: Vận động nhân dân đóng góp không khó, điều quan trọng là phải xác định tính thiết thực, đóng góp để làm gì, cho ai. Lúc đó, đóng góp bao nhiêu phải công khai, minh bạch có hạch toán kinh tế cụ thể mọi vấn đề...

Từ sau khi triển khai, tình hình ANTT trên địa bàn có những chuyển biến rõ rệt, đường làng ngõ xóm có nhiều khởi sắc giúp giao thông thuận tiện hơn, an toàn hơn, tội phạm trộm cắp và tệ nạn cờ bạc đã giảm rõ rệt.

Qua 5 năm hoạt động, tổ liên gia tự quản phối hợp với nhân dân và Công an xã đã tổ chức vây bắt 7 vụ trộm cắp, bắt 9 đối tượng, giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Rời Đoan Hùng, chúng tôi có mặt ở gia đình ông Hà Quang Vinh, Trưởng dòng họ Hà ở khu Minh Thượng, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập (Phú Thọ).

Sau khi tham gia hội nghị, dòng họ Hà đã họp bàn và thống nhất thành lập Hội đồng gia tộc tự quản về ANTT gồm 12 thành viên là những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng đến các thành viên trong dòng họ và khu dân cư trình UBND xã Phúc Khánh. Để duy trì hoạt động, dòng họ đã xây dựng Tộc ước, trong đó có nội dung về lĩnh vực an ninh trật tự.

Theo đó, mỗi gia đình trong họ đã thường xuyên nhắc nhở, răn đe, giáo dục con em mình sống có tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới; sống và làm việc theo pháp luật, tránh xa những thói hư tật xấu...

Trong những ngày giỗ họ, họp họ và trong họ có việc hiếu hỉ, ông Vinh thường xuyên nhắc nhở, răn dạy con cháu.

Qua theo dõi, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, dòng họ sẽ đưa ra trước bà con nội tộc yêu cầu kiểm điểm, sửa chữa khuyết điểm và cam kết không tái phạm. 5 năm qua, dòng họ Hà không có ai vi phạm phải truy tố trước pháp luật.

Hội đồng gia tộc tự quản về ANTT của dòng họ còn tham gia tích cực vào việc giữ gìn ANTT, ngoài việc cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị còn phối hợp với khu dân cư, tổ tuần tra nhân dân giao nộp vũ khí,  vật liệu nổ....

Đó chỉ là một trong những mô hình, cách làm hay trong phong trào tự quản được hình thành, phát triển từ sáng kiến đóng góp của mỗi người dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động của 2.888 Ban ANTT/2.888 khu dân cư, 16.767 tổ liên gia tự quản, 25 dòng họ tự quản.

Có những phong trào như “Thắp sáng đường quê”, “Tuyến đường tự quản” “Tiếng kẻng an ninh” hay “Làng không có tội phạm”... Những kết quả thu được sau 5 năm triển khai đã chứng minh sự đúng đắn của Quyết định 2200.

Hoạt động của các tổ chức tự quản về ANTT đã góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của công dân trong công tác phòng chống tội phạm; trong công tác hòa giải ở cơ sở; củng cố thế trận an ninh nhân dân; quản lý đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và trong quản lý nhà nước về ANTT.

Trong 5 năm qua, các tổ chức tự quản đã cung cấp cho lực lượng Công an 12.265 tin, trong đó có 9.208 có giá trị, giúp cơ quan Công an, UBND xã, phường, thị trấn giải quyết 4.845 vụ việc liên quan đến ANTT; phối hợp với lực lượng Công an vận động toàn dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ...

Xuân Mai

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文