Nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông

08:19 18/08/2019
Theo thống kê từ năm 2018 đến nay đã xảy ra 72 vụ chống lại Lực lượng CSGT trong khi thi hành công vụ, làm 2 đồng chí hy sinh, 27 đồng chí bị thương, phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 91 đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật...


Liên tiếp thời gian vừa qua xảy ra một số vụ chống lại CSGT gây bức xúc trong dư luận.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và cần phải có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối tượng chống người CSGT, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Phóng viên: Những vụ chống lại CSGT chúng tôi vừa nói ở trên chỉ là những vụ điển hình trong thời gian qua. Đồng chí đánh giá như thế nào về mức độ manh động, côn đồ của các đối tượng trong một số vụ việc chống lại Cảnh sát giao thông liên tiếp gần đây?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Những năm gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung và chống Lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng diễn biến phức tạp, số vụ, tính chất, mức độ chống đối ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo thống kê từ năm 2018 đến nay đã xảy ra 72 vụ chống lại Lực lượng CSGT trong khi thi hành công vụ, làm 2 đồng chí hy sinh, 27 đồng chí bị thương, phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 91 đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu chúng ta tính so với 2018, số vụ không tăng nhưng tính manh động tăng lên rất nhiều. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ được bỏ qua vi phạm, rồi ngăn cản việc thi hành công vụ, sau đó mới đến chống đối.

Nhưng hiện nay, với số liệu 58% đối tượng dùng phương tiện đâm thẳng trực diện vào CSGT đang thi hành công vụ thì rõ ràng tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, bất chấp hậu quả. Các hành vi chống CSGT phổ biến là: có lời nói đe dọa, vu khống, xúc phạm, lăng mạ CSGT; điều khiển phương tiện đâm thẳng vào CSGT; dùng đá, gỗ, vật khác để vụt, ném vào CSGT; dùng vũ lực, dao kiếm tấn công CSGT; gây ùn tắc; tụ tập, kích động người khác gây cản trở giao thông; điều khiển phương tiện chèn, ép, đạp ngã xe của CSGT...

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Phóng viên: Như đồng chí đánh giá, tính chất nguy hiểm, mức độ manh động trong các vụ chống lại CSGT ngày càng tăng lên. Theo đồng chí nguyên nhân chính là gì?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chống lại CSGT là những vướng mắc trong thực thi quy định của pháp luật. Ví dụ như Quy chuẩn 41 hay Thông tư 91 của Bộ Giao thông vận tải. Khi áp dụng những quy định của 2 văn bản trên đã tạo ra những vấn đề chưa hiểu rõ ràng giữa người dân với lực lượng thi hành công vụ. Chính vì vậy, đã tạo thành những khiếu nại, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm, giải thích với người dân.

Thứ 2 là ý thức thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Ví dụ như  khi vi phạm mức xử phạt cao, người vi phạm có thể bỏ lại giấy phép lái xe để báo mất, xin cấp GPLX mới, thậm chí, một số trường hợp có tới 2-3 GPLX. Trong những tháng đầu năm 2019, đã có tới 10 nghìn GPLX bị tạm giữ nhưng người vi phạm chưa đến để xử phạt.

Nhiều trường hợp tìm mọi cách trốn tránh, trình bày, nhờ cậy mối quan hệ để can thiệp, gây áp lực đối với CSGT. Thậm chí, nhận thức của nhiều người cho rằng việc xử phạt, hay tạm giữ giấy tờ, phương tiện vi phạm, hay tước giấy phép lái xe… của CSGT là phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn, động chạm tới quyền lợi kinh tế của người dân, gây thiệt hại đến thu nhập. Người vi phạm thường không bằng lòng với cách giải quyết của CSGT hoặc mua chuộc, hối lộ hay ngược lại là đe dọa, vin cớ tạo nên sự căng thẳng, gây áp lực lên người thi hành công vụ. Một số đối tượng dùng phương tiện tông vào CSGT để tránh bị xử phạt.

Ngoài ra, công tác định hướng dư luận, lên án hành vi chống CSGT đang thi hành công vụ còn nhiều ý kiến đa chiều, thậm chí có trang mạng, tờ báo còn dẫn dắt dư luận theo ý đồ của mình.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận từ hai phía, đối với CSGT phải nâng cao trình độ nghiệp vụ để giải thích cho người dân ngắn gọn, dễ hiểu. Trong việc tuyên truyền, chúng tôi luôn đặt ra vấn đề mà CSGT phải thực hiện được đó là nói cho người dân hiểu; khi người dân đã hiểu rồi thì người dân sẽ ủng hộ, chấp hành.

Việc chống CSGT có nguyên nhân chủ quan, khách quan. Khách quan là do nhận thức và ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, khi vi phạm tìm mọi cách trốn tránh, không hợp tác, cản trở, thậm chí chống đối lực lượng CSGT. Công tác quản lý lái xe, nhất là lái xe tư nhân chưa được quan tâm đúng mức.

 Mặt khác, do tác động, lôi kéo, ảnh hưởng xấu của các trang mạng xã hội tuyên truyền cách thức chống đối CSGT, làm người dân hiểu sai về CSGT. Thái độ của nhiều người dân khi nhìn thấy các vụ việc này còn vô cảm, thậm chí còn kích động, lôi kéo chống lại CSGT.

 Các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ còn chưa cụ thể, chưa đủ sức răn đe; gây nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân chủ quan do người thực thi nhiệm vụ, lúng túng, bị động hoặc do dự không cương quyết. Bên cạnh đó, một số CBCS CSGT (chủ yếu là cán bộ trẻ)  mặc dù đã được tập huấn nghiệp vụ và văn hóa ứng xử nhưng phương pháp ứng xử, giải quyết công việc chưa khéo léo, kiên quyết nên khi thực hiện nhiệm vụ có lúc còn máy móc, thiếu linh hoạt. Những trường hợp này, khi kiểm tra xác minh, nếu CBCS không thực hiện đúng quy trình công tác, điều lệnh CAND, chúng tôi đều xử lý nghiêm theo quy định, không bao che, dung túng.

Phóng viên: Như vậy thì theo đồng chí làm thế nào để ngăn chặn tình trạng chống lại CSGT và các hành vi có thể gây hại cho người dân khi tham gia giao thông?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức:  Mặc dù thời gian gần đây, một số vụ chống lại lực lượng CSGT trong quá trình thực thi công vụ đã được đưa ra xét xử. Sau trường hợp lái xe container tông đồng chí Nguyễn Anh Đức, cán bộ CSGT ở Hà Tĩnh khiến đồng chí Đức bị thương nặng, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành án lệ đối với những trường hợp đâm xe vào lực lượng CSGT, hất lên nóc capo... được xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh giết người. Tuy nhiên, tỷ lệ điều tra, truy tố các vụ chống người thi hành công vụ vẫn chưa cao.

Trong thời gian tới, Cục CSGT sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Công an đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan. Đồng thời đề nghị  dư luận cũng cần lên án mạnh mẽ hành vi này; các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý nghiêm khắc, công khai lưu động các vụ chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục những kẻ có hành vi chống đối người thi hành công vụ, giữ gìn kỷ cương, phép nước.

Phóng viên: Qua những vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua, xin đồng chí cho biết, lực lượng CSGT đã có những phố biến và rút kinh nghiệm như thế nào đối với CBCS làm nhiệm vụ để phòng ngừa, xử lý các vụ việc có thể xảy ra tương tự?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Theo tôi, việc quan trọng là phải tiếp tục tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ, hiểu biết, kỹ năng xử lý tình huống của CSGT để khi người dân cần biết thì phải giải thích cụ thể, cặn kẽ. Trong các đợt tập huấn, chúng tôi đã đưa ra nhưng tình huống cụ thể để CSGT áp dụng. Ví dụ, tình huống A giải quyết thế nào, tình huống B giải quyết ra sao…

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập huấn về giao tiếp ứng xử, văn hoá; điều lệnh, quân sự võ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ CSGT.

Yêu cầu đặt ra trong khi thực hiện nhiệm vụ là cán bộ chiến sỹ CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân. Việc dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình; quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi sử dụng kết nối công nghệ thông tin như camera giám sát để ghi lại quá trình làm nhiệm vụ của CSGT vừa làm công tác kiểm tra, giám sát đối với CBCS vừa ghi lại hình ảnh chống đối của người vi phạm để tuyên truyền lên án hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. 

Lực lượng CSGT quán triệt khẩu hiệu mỗi ngày CBCS CSGT có một việc làm tốt vì nhân dân phục vụ. Đây là phong trào nhân văn để từng CBCS tự nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp. Trên thực tế, có rất nhiều hành động, tấm gương được người dân ca ngợi như cán bộ CSGT ở Thanh Hoá khi cấp cứu người bị nạn đã cởi áo của mình băng bó vết thương cho nạn nhân. Máu của nạn nhân thấm đẫm áo của CSGT đã tạo sự xúc động trong nhân dân.

Hay như đợt lũ vừa qua, CSGT đã dùng phương tiện chở người dân vượt lũ đến nơi an toàn… Tôi nghĩ, chính những hình ảnh xuất phát từ cuộc sống thường ngày, đó đã là thông điệp thể hiện sự gắn bó, gần gũi giữa CSGT với dân, để người dân chia sẻ, ủng hộ, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!

Phương Thuỷ (thực hiện)

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Xin bỏ qua các lỗi vi phạm khi tham gia giao thông không được, Nguyễn Đình Toàn (SN 1991, ở Khu 7, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã hất chất bẩn (phân lợn) vào tổ CSGT đang làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động của tổ công tác Đội CSGT. Với hành vi trên, Toàn đã bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng về tội chống người thi hành công vụ.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và cấp dưới của mình đã “bắt tay” với các đối tượng của Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh để làm giả các phiếu thử nghiệm chất lượng không khí tại các địa điểm cần quan trắc môi trường để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Chỉ vì không có nhiều thời gian kiểm tra, lại đang trong mùa cao điểm “cháy phòng”, nên nhiều khách hàng du lịch tại Tà Xùa, Mộc Châu đã mất khá nhiều tiền chỉ trong vòng vài phút vì dính bẫy lừa đảo fanpage giả mạo. Tiền vừa mất, tật vừa mang, lại thêm ôm bực vào người khi tới điểm du lịch.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文