Ngôi trường ươm “mầm thiện”

07:09 22/02/2020
Nhiều học sinh trước khi vào trường chỉ quen lêu lổng, song khi vào trường được học nghề, học kỹ năng sống, đến khi ra trường đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Không chỉ tận tình dạy dỗ, thầy cô giáo của trường còn quan tâm, tìm việc làm, tạo điều kiện giúp đỡ cho các em khi ra trường...


Trường GD số 3 được thành lập năm 1977, có nhiệm vụ tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em chưa thành niên vi phạm pháp luật ở địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Phần lớn các em vào trường có độ tuổi từ 13-17, độ tuổi có những chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý. Đây là độ tuổi mà nhiều đứa trẻ thay đổi tâm tính, muốn thể hiện bản thân và rất dễ “nổi loạn”, làm những việc thách thức cha mẹ, thách thức người khác.

Bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, các thầy cô Trường Giáo dưỡng (GD) số 3 - Bộ Công an, đã giúp các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” này hiểu ra việc được đưa các em vào trường không phải là sự trừng phạt mà chính là để uốn nắn, dạy dỗ, giúp các em vượt qua cái tuổi “teen” ương bướng và dễ tổn thương.

Ở đây, các em đã được dạy chữ, dạy nghề, được khơi dậy niềm đam mê lao động, khơi dậy sự thiện lương có thời điểm bị khuất lấp trong tâm hồn… Đối với các em từng phạm lỗi lầm, từng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, để dạy dỗ được các em, để các em hợp tác, nghe lời, các thầy cô phải có sự kiên trì và tấm lòng rộng mở.

Học sinh Trường Giáo dưỡng số 3 được các thầy giáo dạy nghề sửa xe máy.

“Chúng tôi xây dựng môi trường giáo dục, làm việc, sinh hoạt tại trường quy củ, nề nếp như quân đội. Nhưng tình cảm và sự quan tâm dành cho các em thì gần gũi, nhẹ nhàng, ấm áp như tình cảm gia đình. Mục tiêu cao nhất của trường là cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, giúp những đứa trẻ lầm lỡ có nhận thức tích cực về cuộc sống, đúng đắn về pháp luật, trang bị được những kiến thức, kỹ năng để làm chủ cuộc sống bản thân, trở thành những công dân tốt”, Thượng tá, Hiệu trưởng Nguyễn Anh Hữu cho biết.

Ấn tượng của nhiều người đến thăm Trường GD số 3 là sự sạch sẽ, gọn gàng từ trong ra ngoài, là sự lễ phép của các em học sinh. Cứ 5h45 sáng, tiếng kẻng báo thức gióng giả vang lên báo hiệu một ngày mới của thầy và trò nhà trường. Nhiều đứa trẻ khi ở bên ngoài vào giờ này còn ngủ vùi sau cả đêm thức “cày games”, nhưng vào trường đã học được thói quen dậy đúng giờ, biết gấp chăn màn gọn gàng, vuông vức như một chiến sỹ.

7h kém 15, các em đến hội trường đọc báo 15 phút trước khi đến lớp học chữ, học nghề. Từ khi thành lập đến nay, trường đã tiếp nhận, giáo dục hàng chục ngàn học sinh, giúp các em trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực đến nay, số học sinh vào trường tuy ít hơn nhưng tính chất vi phạm phức tạp; có khoảng 80% vi phạm pháp luật với các hành vi trộm cắp. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp vi phạm các hành vi nghiêm trọng như cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em, giết người.

“Đối với những em thật sự cá biệt, có vấn đề về tâm lý, phải dành nhiều thời gian để tiếp xúc, tìm hiểu, cảm hóa và điều chỉnh nhận thức, hành vi của các em”, cô giáo Trần Thị Bích Ngọc, người đã hơn 22 năm gắn bó với các em chia sẻ. Theo cô Ngọc, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chương trình, nội dung giảng dạy với những hình thức đa dạng, linh hoạt.

Không chỉ học văn hóa và học nghề, trường chú trọng dạy các em về đạo đức công dân, giáo dục pháp luật, sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống. Các thầy cô giáo phụ trách lớp luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em để có kế hoạch tổ chức quản lý, giáo dục phù hợp. Các thầy cô giáo luôn gần gũi, hết lòng giúp các em có nhận thức tích cực, tạo dựng niềm tin, truyền thêm nghị lực để các em tự giác học tập, rèn luyện và tiến bộ.

Chỉ tính 5 năm trở lại đây, nhà trường đã mở được 37 lớp tiểu học cho 297 lượt học sinh; 1 lớp xóa mù chữ cho 6 học sinh. Có hơn 90% học sinh được học và truyền các nghề như xây dựng, gò hàn, làm gạch block, sửa chữa xe máy, làm hàng thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi… Hầu hết các em đã nhận thức, hình thành ý thức, thói quen lao động và tính cần cù, biết quý trọng bản thân và tôn trọng người khác…

Khi được hỏi về việc được đưa vào trường giáo dưỡng để rèn luyện, học tập, em Hồ Văn N (người dân tộc Cor, quê ở Tây Trà, Quảng Ngãi) trả lời ngập ngừng đầy ăn năn. Năm nay đã 14 tuổi, nhưng em N chỉ cao 1,2m, nặng 25kg, trông như học sinh lớp 2.

Trước khi vào trường, N đã nghiện rượu, nghiện thuốc do ảnh hưởng sự bê tha rượu chè của người cha. Những khi uống rượu, cha em thường xuyên gây gổ, đánh đập, chửi mắng vợ con. Từ một nạn nhân của bạo lực gia đình, trong một phút nông nổi, giữa năm 2018, N đã trở thành hung thủ giết người, mà nạn nhân chính là cha ruột mình. Phạm tội nghiêm trọng, nhưng do tuổi nhỏ, N được đưa vào trường để giáo dục, giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.

Cũng như N, nhiều học sinh trước khi vào trường chỉ quen lêu lổng, song khi vào trường được học nghề, học kỹ năng sống, đến khi ra trường đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Không chỉ tận tình dạy dỗ, thầy cô giáo của trường còn quan tâm, tìm việc làm, tạo điều kiện giúp đỡ cho các em khi ra trường.

Như em Griêng Trường Công Dỹ, đã được một thầy giáo đưa về làm việc tại xưởng gia công đồ sắt của người thân với mức lương mỗi tháng 9 triệu đồng, bao cho ăn, ở. Có những em khi vào trường không biết chữ, khi rời trường đã viết được thư cảm ơn thầy cô giáo, như em Nguyễn Lâm (18 tuổi, quê Phú Yên) được giới thiệu làm việc tại một cơ sở sản xuất mức lương 7 triệu đồng/tháng, với nghề cơ khí học được tại trường.

Nhiều trường hợp ra trường chí thú làm ăn thành đạt đã quay lại trường, hoặc viết thư thăm thầy cô giáo. Sự thành công và trưởng thành của các em học sinh chính là niềm vui và động lực và món quà to lớn đối với các thầy cô giáo ở Trường GD số 3.

Thân Lai

Bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bị đề nghị truy tố về ba tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản” và “Rửa tiền”. Cơ quan điều tra kết luận, Lê Quang Bình đã thu lợi gần 294 tỷ đồng từ khai thác cát trái phép, sau đó dùng tiền biếu xén một số quan chức tỉnh An Giang và mua sắm hàng loạt bất động sản, xe sang.

Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân. Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Tình hình tại Syria có dấu hiệu dần ổn định trở lại sau khi lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua một chính phủ chuyển tiếp, mang đến kì vọng cho nhiều người dân Syria về khả năng chấm dứt chuỗi ngày xung đột triền miên.

Trong những năm gần đây, thuốc lá điện tử đã trở thành trend mới phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở giới trẻ. Dù được quảng bá như một giải pháp thay thế ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, thực tế cho thấy thuốc lá điện tử đang đặt ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của thanh thiếu niên. Do đó, việc cấm thuốc lá điện tử là một biện pháp cấp thiết để bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành nửa ngày để tiến hành phiên tái chất vấn và chất vấn những nội dung đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đáng chú ý, liên quan đến quản lý tài sản chung, hiện nay vẫn còn hơn 800 tỷ đồng tiền nợ từ quỹ nhà cho thuê chưa thu hồi được gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Nằm ở phía Bắc của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), những năm qua, cụm công nghiệp (CCN) An Hòa thu hút nhiều doanh nghiệp vào đây đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở CCN này nhất là sau những trận mưa lớn kéo dài; điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người lao động.

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro sau đòn tập kích gây sửng sốt của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Thiệt hại hữu hình mà nó gây ra có thể không lớn, nhưng việc một loại vũ khí khác biệt như Oreshnik tham gia chiến đấu thực tế ngay trên lục địa châu Âu là lời cảnh báo của Moscow về những "lằn ranh đỏ" và có thể sẽ tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文