Những cách làm hay đảm bảo an ninh trật tự
- Điểm sáng mô hình công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự
- Mô hình mới chuyên nghiệp hóa nghề nuôi bệnh nhân
- Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu
Hiệu quả mô hình Hội đồng tự quản
Nhiều năm qua, mô hình Hội đồng tự quản về ANTT ở các khu dân cư của Công an huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Công an huyện cho biết, khu dân cư có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm; do đó, làm tốt công tác tự quản về ANTT ở khu dân cư sẽ góp phần ổn định tình hình, ngăn chặn tội phạm. Từ năm 2015, Công an huyện Hiệp Đức đã tham mưu UBND huyện ban hành đề án xây dựng mô hình “Hội đồng tự quản về ANTT ở khu dân cư”.
Hội đồng tự quản về ANTT đã giúp xử lý, hóa giải mâu thuẫn tại khu dân cư ngay từ khi mới manh nha hình thành. |
Hội đồng này có ít nhất từ 10-15 thành viên, trong đó trưởng khối phố, trưởng thôn làm Chủ tịch, Công an viên là Phó Chủ tịch và những người có uy tín, hội viên các hội đoàn thể sẽ là thành viên. Ở mỗi thôn, Hội đồng tự quản về ANTT có trách nhiệm nắm bắt địa bàn, tình hình nổi cộm theo từng tháng để phân công xử lý công việc, tham gia tấn công trấn áp tội phạm, truy bắt đối tượng truy nã, cảm hóa, giúp đỡ người lỗi lầm tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền pháp luật cho bà con…
“Đến nay, trên địa bàn huyện Hiệp Đức đã có 71/71 đơn vị khối phố, thôn triển khai thực hiện mô hình này. Khi thành lập, Công an huyện tiến hành tập huấn công tác bảo đảm ANTT cho các thành viên nên mô hình hoạt động tốt, giúp rất nhiều cho lực lượng Công an nắm bắt tình hình, giải quyết những thông tin, vấn đề liên quan đến ANTT, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ ANTT”, Thượng tá Long bày tỏ...
Chúng tôi đến khối phố An Bắc, thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, là địa phương điển hình làm tốt mô hình Hội đồng tự quản về ANTT.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội cho hay, khối phố hiện có 120 hộ dân, với 250 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, mâu thuẫn thường là tranh chấp đất đai, gây gổ mất đoàn kết khu dân cư. Nhưng từ khi thành lập Hội đồng tự quản về ANTT, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn, gây gổ giảm rõ rệt. Đó là nhờ 12 thành viên của Hội đồng tự quản về ANTT nỗ lực tuyên truyền pháp luật cho người dân, giải quyết mâu thuẫn lúc còn “trứng nước”, nên không dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nghiêm trọng như trước.
Ví dụ, mới đây, bà K. bị tâm thần nhẹ, thường xuyên chửi bới hàng xóm khiến nhiều gia đình viết đơn kiện. Nhờ có Hội đồng tự quản về ANTT kịp thời họp, nắm bắt tình hình, tìm phương án giải quyết mâu thuẫn, từ đó đến nay tình trạng này không còn nữa…
Tại xã Quế Thọ, mô hình Hội đồng tự quản về ANTT cũng góp phần giúp cho Công an xã điều tra, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp. Hội đồng tự quản về ANTT thôn Phú Bình (xã Quế Thọ) đã tham gia cùng Công an xã điều tra, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, như vụ dùng thuốc chuột “thuốc” heo, gà, vịt của hộ bà T.; vụ mất 5 chỉ vàng tại nhà ông D.; vận động bà con giao nộp 6 bình kích điện dùng đánh bắt thủy sản và 1 cây súng tự chế...
Nhìn chung, nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, đặc biệt là việc phát huy hiệu quả mô hình Hội đồng tự quản về ANTT mà nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Hiệp Đức không xảy ra các vụ trọng án, khiếu kiện đông người, tình hình tội phạm giảm theo từng năm.
Với mô hình này cũng đã góp phần rất lớn trong thành tích để Công an huyện Hiệp Đức nhiều năm liền đạt Đơn vị Quyết thắng, dẫn đầu các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam; được Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong mười năm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phòng ngừa tội phạm ở một xã miền núi
Cứ hằng đêm, trong chương trình “Tiếng loa an ninh” của xã miền núi Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam) lại được phát đi thông báo: “Bây giờ là 21h. Ban Công an xã Đại Hưng khuyến cáo người dân nên khóa cửa cổng cẩn thận trước khi đi ngủ, đề phòng trộm cắp. Nếu phát hiện có người lạ mặt xuất hiện cần thông báo ngay cho Công an xã…”.
Anh Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng Công an xã Đại Hưng, cho biết thêm, ngoài bản thông báo trên, chương trình còn phát bản tin an ninh thông tin đến người dân chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình đảm bảo ANTT địa phương, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhắc nhở mọi người đề cao cảnh giác, phòng, chống tội phạm.
Đồng thời, cung cấp số điện thoại của cơ quan Công an xã, số điện thoại cá nhân của Trưởng, Phó Công an xã Đại Hưng để khi có tình huống xấu xảy ra, người dân có thể gọi báo kịp thời.
Tìm hiểu được biết, mô hình “Tiếng loa an ninh” được triển khai tại xã Đại Hưng từ tháng 6-2018, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực. Đây cũng là mô hình được Công an tỉnh Quảng Nam chọn triển khai thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) trên địa bàn tỉnh”.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, cùng với việc triển khai mô hình “Tiếng loa an ninh”, Công an xã Đại Hưng còn phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai một số mô hình khác mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ, như mô hình “Con em hội viên không vi phạm pháp luật”; “3 không, 5 giảm” (không có người cướp của giết người, không có trẻ em phạm pháp, không có tệ nạn mại dâm; giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, giảm ma túy trộm cắp, giảm cờ bạc rượu chè, giảm gia đình mâu thuẫn)…
Đáng chú ý, với mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ”, Công an xã Đại Hưng thường xuyên khảo sát thực trạng tình hình người chấp hành xong án về lại địa phương để đưa vào diện quản lý; thực hiện tốt công tác tổ chức tiếp nhận, phân công lực lượng quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.
Đặc biệt, chú trọng công tác tổ chức thăm hỏi, động viên nhân các ngày lễ, Tết cho các đối tượng tù tha về có hoàn cảnh khó khăn; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở tặng người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ cũng được Công an xã Đại Hưng triển khai thường xuyên. Chỉ tính trong 2 năm qua, đã vận động, thu hồi được hàng chục cây súng tự chế, 1 khẩu súng quân dụng R15, qua đó góp phần đảm bảo ANTT địa phương.
“Quan điểm của chúng tôi là rất coi trọng công tác phòng ngừa tội phạm, đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ thực tế cho thấy, nhờ làm tốt công tác phòng ngừa mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được giữ vững”, anh Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ.