Những đột phá trong đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân

08:32 10/10/2019
Chúng tôi đến thăm Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) vào đầu năm học mới để “mục sở thị” Trung tâm Huấn luyện thực hành nghiệp vụ của Học viện và tìm hiểu hoạt động ở một số khoa chuyên ngành.

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND cho biết, với mục tiêu xây dựng Học viện CSND trở thành trường trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia, hiện Học viện đang thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm, trong đó nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, gắn đào tạo lý luận với thực tiễn là một trong những khâu đột phá.

“Học viện CSND đang tập trung đổi mới ở 3 nhóm: Đổi mới nội dung chương trình; tăng lượng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và tăng cường thực hành. Hằng năm, ngoài kiểm soát chất lượng số học viên ra trường, Học viện còn lấy ý kiến phản hồi của Công an các đơn vị, địa phương về số học viên đã đi thực tập, thực tế.

Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân thực hành diễn tập chống khủng bố.

Từ đó quay trở lại điều chỉnh chương trình, học phần cho phù hợp theo từng chuyên ngành” - Trung tá Phạm Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện CSND cho biết. Đây là điểm nhấn mang tính đột phá trong đào tạo mà Học viện CSND đang triển khai, qua đó, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tế, không phải học “chay” mà thực hành ngay môn học. Khi thi kết thúc học phần, học viên có thể liên hệ thực tiễn một cách thiết thực về công việc mình đã trải qua, đồng thời khi ra trường có thể làm việc được ngay.

Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Phó Giám đốc Học viện CSND khẳng định, luân chuyển giảng viên đi thực tế là chủ trương đúng đắn của Bộ Công an nói chung và Học viện CSND nói riêng, bởi đây là trải nghiệm cần thiết và quý giá trong sự nghiệp của người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Qua đó, quá trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập của thầy và trò mới đi đúng hướng, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện chủ trương này, giảng viên ở Học viện CSND ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ (để đạt chức danh từ trợ giảng lên giảng viên, giảng viên chính, đòi hỏi thời gian công tác, chỉ tiêu nghiên cứu khoa học, giờ giảng dạy và bài dạy giỏi) thì cần phải có thời gian đi thực tế. Trong quá trình đi thực tế có thể chia làm nhiều đợt, đảm bảo phải đủ 3 năm trở lên.

Một bước đổi mới khác là nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động báo cáo thực tế, với báo cáo viên là những đồng chí lãnh đạo có nhiều thành tích trong công tác, chiến đấu, là những học viên hệ sau đại học, bồi dưỡng nâng cao.

Điều này giúp gia tăng tính thực tiễn cho chính các khoa giảng dạy cũng như sinh viên ngay từ trong nhà trường; hun đúc tình yêu nghề nghiệp và giải đáp những vướng mắc trong thực tế, giúp nhà trường có học liệu thực tế phong phú, sôi động và tạo cho học viên sự hứng thú trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Qua “mục sở thị” Trung tâm Huấn luyện thực hành nghiệp vụ của Học viện CSND và tìm hiểu hoạt động ở một số khoa chuyên ngành, chúng tôi nhận thấy các phòng thực hành bên trong có đầy đủ đồ đạc sắp xếp y như đời thực.

Tại Khoa Cảnh sát điều tra (CSĐT), Đại uý Bùi Trần Cường đang hướng dẫn sinh viên tổ chức các hoạt động bắt, khám xét bị can. Ít ai biết rằng, dù là giảng viên Học viện CSND nhưng anh từng tham gia điều tra nhiều vụ án rúng động dư luận, như vụ Nguyễn Đức Nghĩa sát hại người yêu rồi phân xác phi tang, hay vụ cứa cổ tài xế taxi giết, cướp ở Mỹ Đình... Tham gia lớp học này, học viên Nguyễn Quốc Huy, lớp chất lượng cao, chuyên ngành CSĐT khoá D42 đã được các thầy giảng lý luận chung về các chiến thuật, phương pháp, trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp điều tra.

Ngoài ra, các thầy còn trao đổi kinh nghiệm kết hợp trình chiếu các video nghiệp vụ để phân tích, đánh giá các tình huống thực tế. Thượng uý Nguyễn Văn Dũng, giảng viên Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý chia sẻ thêm, các giảng viên trẻ của Khoa đã được luân chuyển về những đơn vị, địa phương có tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… để đưa được “hơi thở” thực tiễn vào bài giảng của mình.

Cũng như các giảng viên khác, Thượng tá, PGS.TS Lê Quốc Huy, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự (KTHS) luôn chuẩn bị nội dung kiến thức, phương pháp, phương tiện, tổ chức các khâu lên lớp. Điều này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các môn học thuộc lĩnh vực KTHS vì đa số đều có nội dung thực hành với thời lượng lên tới 50%. Hơn 3 năm luân chuyển công tác thực tế, anh đã trực tiếp tham gia giải quyết gần 200 vụ việc tại địa phương.

Còn đối với Huyền Trang, học viên lớp KTHS chất lượng cao khoá D41, quá trình học tập được ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách tối đa, được đi thực tế, tham dự hội thảo với các chuyên gia đầu ngành KTHS của Việt Nam và một số nước như Anh, Úc, Nga... không chỉ giúp học viên có cái nhìn thực tế hơn về chuyên ngành của mình mà còn tăng sự đam mê và thôi thúc động lực học tập.

Về nội dung này, Phó Giám đốc Học viện PGS.TS Đại tá Phạm Công Nguyên nhấn mạnh thêm: “Có như vậy, học viên vừa ra trường đã tiếp cận ngay được với công việc, với nghề nghiệp mà không phải mất thời gian “đào tạo lại” hoặc tránh được kiểu “đào tạo ra, làm ở đâu cũng được” nhưng chàng màng, không sâu và không chuyên nghề”.

Chúng tôi thực sự ấn tượng trước những bước chuyển mình đổi mới, đột phá trong giáo dục đào tạo của Học viện CSND trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Những đổi mới, đột phá đó đã đem lại những hiệu quả bước đầu, được Công an các đơn vị, địa phương đánh giá tốt về chất lượng học viên tốt nghiệp ra trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới, phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới của lực lượng CAND.

Tổng kết năm học 2018 - 2019, Học viện CSND vinh dự được Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”. Hằng năm, tỷ lệ học viên phân loại khá, giỏi của Học viện luôn chiếm trên 60%, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường được kết nạp Đảng luôn trên 96%.

Đoàn Học viện CSND tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ các học viện, trường Đại học CAND đã xuất sắc đoạt giải Nhất toàn đoàn, giải Nhất lĩnh vực nghiệp vụ và giải Nhất lĩnh vực tiếng Anh; về cá nhân đoạt 2 giải Nhất, 9 giải Nhì, 4 giải Ba.

Các đội tuyển cán bộ, sinh viên Học viện CSND đã cũng đoạt được nhiều thành tích, như giải Đặc biệt Hội thi Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc, giải Nhất đồng đội khối không chuyên; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì cá nhân Kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam; 3 Huy chương vàng môn bơi Hội thao toàn lực lượng CAND; Giải Nhì toàn đoàn chung kết Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND lần thứ V khu vực phía Bắc…


Anh Hiếu - Quỳnh Vinh

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文