Công an các tỉnh thành miền Trung chủ động ứng phó với bão số 5
- Bão số 5 tăng tốc, hơn 1 triệu dân phải sơ tán
- Chiều nay, bão số 5 gây mưa lớn ở miền Trung
- Quảng Nam nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi để phòng chống bão
Ngày 17/9, Văn phòng Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Ban Chỉ huy ƯPT: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với diễn biến bão số 5 và mưa lũ.
Công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến của bão số 5 và mưa lũ. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Công điện số 10/CĐ-V01 ngày 15/9/2020 của Văn phòng Bộ Công an. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn khẩn trương rà soát phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, sạt lở, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các nhà ở, cơ sở lưu trú không an toàn, trong đó cần lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân tại khu vực sơ tán; hỗ trợ nhân dân bảo vệ sản xuất, thu hoạch lúa đã chín, tiêu nước đệm chống úng ngập đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; gia cố, bảo vệ nhà cửa, trường học, cơ sở y tế, các tháp cao, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển; bảo vệ đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Đối với khu vực miền núi: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại khu vực nước ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để hỗ trợ sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo ANTT, an toàn giao thông khi bão đổ bộ và khắc phục hậu quả sau bão. Tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.2341042; Fax: 069.2341044). |
Tại Thừa Thiên - Huế:
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, ngày 17/9, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực chỉ đạo Công an các huyện, thị xã thuộc vùng xung yếu, ven biển như Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tổ chức trực ban 24/24; thực hiện phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng di dời dân ở vùng bị ảnh hưởng đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, sẽ thực hiện phương án điều hòa giao thông tại các điểm giao thông đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh có thể bị ách tắc do mưa lũ gây ra.
Công an xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) kiểm tra tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền trong sáng 17/9. |
Đại tá Bùi Hồng Phong, Trưởng Công an huyện Phú Vang cho biết, là địa phương ven biển và có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế nên Công an huyện đã chỉ đạo Công an thị trấn Thuận An và Công an các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên… cắt cử CBCS phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giúp người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền tại các âu thuyền để chủ động phòng chống bão số 5.
CBCS Công an xã Phú Thuận giúp ngư dân neo đậu tàu cá tránh bão số 5. |
Lúc chúng tôi đến âu thuyền xã Phú Thuận, Đại úy Hoàng Thành, Phó trưởng Công an xã và Trung úy Đinh Viết Hải đang giúp các ngư dân sắp xếp, bố trí nơi neo đậu tàu cá sau khi cập bờ bán hải sản để tránh trú bão.
Đại úy Thành cho biết, địa bàn xã có gần 60 tàu cá đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV, hơn 200 thuyền lắp máy, không lắp máy, đò xuồng nên Công an xã đã tuyên truyền, vận động người dân đưa các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời khuyến cáo ngư dân có phương án bảo vệ các diện tích nuôi trồng thủy sản chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch nhằm tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tại Quảng Nam:
Trước diễn biến phức tạp của bão số 5 (tên quốc tế Noul), sáng 17/9, nhiều tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Nam đã vào tránh trú tại âu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên).
Tại đây, các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân sắp xếp phương tiện, neo đậu tại âu thuyền an toàn để tránh bão.
Cán bộ Cảnh sát đường thủy Quảng Nam hướng dẫn phương tiện neo đậu an toàn tại âu thuyền Hồng Triều. |
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng, phương tiện chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết để chủ động ứng phó với cơn bão số 5, đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương quán triệt phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho nhân dân, công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an tỉnh. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các tình huống thiên tai.
Cảnh sát đường thủy Quảng Nam tổ chức tuần tra trên sông Thu Bồn vào sáng 17/9. |
Nhằm đảm bảo tốt tình hình trên đường thủy nội địa thời gian trước, trong và sau khi cơn bão số 5 vào đất liền, Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương rà soát, chủ động tham mưu chính quyền bảo đảm an toàn cho người và phương tiện thủy neo đậu tại các âu thuyền và những nơi tàu thuyền trú ẩn tại lòng hồ thủy điện, thủy lợi, trên các nhánh sông, bến đò ngang,… tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện thủy khi bão đổ bộ vào đất liền.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến sáng 17/9, tổng số tàu cá của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 318 tàu/3.752 lao động, gồm tàu hoạt động xa bờ là 173 tàu/3.050 lao động; trong đó tại khu vực Hoàng Sa có 89 tàu/742 lao động (65 tàu/563 lao động đang chạy vào bờ tránh trú; 24 tàu/179 lao động đã nhận được tin và tìm nơi tránh trú); tại khu vực Trường Sa có 84 tàu/2.308 lao động (các tàu này đã vào các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tránh, trú). Tàu hoạt động gần bờ là 145 tàu/702 lao động.
Cảnh sát đường thủy kiểm tra dây buộc các tàu thuyền tại âu thuyền Hồng Triều. |
Về tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, đối với 56 hồ chứa do địa phương quản lý hiện nay mực nước trong hồ đã cạn, các hồ đã tiến hành đóng cống để tích nước, và thực hiện các công tác để đảm bảo an toàn hồ trong mùa mưa bão. Đối với 17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý đến ngày 17/9 mực nước các hồ đều xấp xỉ mực nước “chết”. Còn các hồ thủy điện vẫn vận hành bình thường và đảm bảo an toàn hồ đập.
Để chủ động ứng phó với bão số 5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Cảnh sát đường thủy yêu cầu tất cả tàu bè trên sông không di chuyển sau 12h ngày 17/9.
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam vào neo đậu an toàn tại âu thuyền Hồng Triều để tránh, trú bão. |
Tại Đà Nẵng:
Sáng 17/9, Công an Đà Nẵng đã cử nhiều cán bộ chiến sĩ hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng tập trung đưa tàu thuyền lên bờ, di chuyển về âu thuyền để tránh bão số 5 đang tiến vào đất liền.
Từ đầu buổi sáng, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, ngư dân ở Đà Nẵng đã hối hả đưa tàu thuyền lên bờ để tránh bão.
Hỗ trợ đưa thuyền lên bờ tránh bão. |
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND Phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, chiều qua 16/9, phường đã vận động hơn 300 phương tiện thuyền vào neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang. Trong sáng hôm nay, phường cùng các lực lượng trên địa bàn cùng ngư dân đã vận chuyển 200 phương tiện thuyền máy, ghe nan và các thuyền nhỏ lên bờ.
Phường cũng đã chuẩn bị các nhà cao tầng cao, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học để di chuyển người dân khi cần thiết.
Giúp dân chằng lại mái nhà. |
Theo số liệu của Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng), tính đến sáng nay đã có 615 tàu thuyền vào âu thuyền neo đậu tránh bão, trong đó 301 tàu thuyền của Đà Nẵng, số còn lại của các tỉnh, thành khác.
Sáng 17/9, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công điện ngày 16/9 của của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, công điện của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng và các phương án phòng chống mưa bão, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố; đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa bão để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, không để bị động.
Tại tỉnh Quảng Ngãi:
Để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lũ sau bão, từ 13h ngày 17/9, UBND tỉnh này đã cấm tất cả các phương tiện tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng - Thủy văn Quảng Ngãi.
Đối với các huyện Bình Sơn, Lý Sơn phải sẵn sàng lực lượng để sơ tán dân đến nơi tránh, trú bão an toàn; thành lập Ban chỉ huy tiền phương của huyện chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão trên địa bàn phù hợp với tình hình, diễn biến của bão, lũ; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi và Chi cục Thủy sản hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè tránh va đập và bị bừa neo, đứt neo khi có gió bão mạnh xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện ở các khu vực neo đậu.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban 24/24h và chế độ thông tin báo cáo, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác trực ban khi có thiên tai xảy ra.
Học sinh, sinh viên tại Quảng Nam nghỉ học ngày 18/9 Trong diễn biến khác, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, có khả năng đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam với gió mạnh, mưa to và rất to vào ngày 18/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tất cả trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học vào ngày 18/9; giao Giám đốc Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến các cơ sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp biết, khẩn trương triển khai thực hiện. Tùy theo tình hình thực tế của cơn bão, UBND tỉnh Quảng Nam giao Giám đốc Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tiếp tục được nghỉ hay đi học trở lại theo thẩm quyền. |
Tại Quảng Trị:
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các lực lượng vũ trang, các ban, ngành, địa phương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn về nơi trú ẩn an toàn, trước 18h cùng ngày phải hoàn thành việc sắp xếp, đảm bảo an toàn tàu thuyền tại các nơi neo đậu, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h ngày 17/9.
Các đơn vị tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung công tác chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với bão số 5. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/9 nhằm bảo đảm an toàn. Lực lượng chức năng và các địa phương triển khai ngay phương án ứng phó với bão và mưa lũ, sạt lở đất. Đặc biệt chủ động triển khai công tác sơ tán dân, đảm bảo ANTT ở những khu vực sơ tán…
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả trên 2.300 tàu thuyền với gần 7.200 thuyền viên đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Trị đã nhận được thông tin về bão số 5 để di chuyển về nơi tránh, trú bão. Điều đáng lo nhất, hiện toàn tỉnh còn gần 1.000 ha lúa Hè Thu chưa thu hoạch. Đơn vị đã chỉ đạo phòng NN-PTNT các địa phương về thực tế thăm hỏi, động viên, đôn đốc bà con khẩn trương thu hoạch lúa, tránh thiệt hại do mưa bão.
Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho hay, thực hiện công điện khẩn của Bộ Công an và địa phương, đơn vị đã ra công điện khẩn yêu cầu lực lượng toàn đơn vị, Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh khẩn trương, tích cực thực hiện các phương án ứng phó với bão số 5 và mưa lũ, sạt lở đất trên toàn địa bàn.
Đặc biệt ưu tiên việc bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn; đảm bảo ANTT tại những nơi sơ tán dân. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, các lực lượng tổ chức thực hiện việc ứng phó với bão số 5 và mưa lũ, sạt lở đất có hiệu quả, hạn chế tối đa tình huống xấu, thiệt hại do bão lũ gây xảy ra.
Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Công an huyện miền núi Đakrông thông tin, hiện đơn vị đã tổ chức, huy động lực lượng 12 tổ công tác với mỗi tổ từ 4 đến 6 đồng chí tăng cường về cơ sở, phối hợp với Công an xã những vùng dễ xảy ra ngập lụt, sạt lở triền núi để giúp địa phương ứng phó với bão số 5.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng đã giúp dân chằng chống trên 900 căn nhà; cùng với các lực lượng chức năng, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực dễ xảy ra sạt lở triền núi, qua đó bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động xử lý khi xảy ra hậu quả do bão lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tại Quảng Bình:
Ngày 17/9, sau khi nghe công an các đơn vị, địa phương báo cáo các phương án để ứng phó với bão số 5, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh, yêu cầu lực lượng Công an toàn tỉnh cần chủ động trong mọi tình huống, triển khai lực lượng xuống địa bàn cơ sở, nhất là các địa bàn trọng yếu, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân triển khai các phương án phòng chống bão lụt.
Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống bão số 5. |
Lực lượng Cảnh sát giao thông sẵn sàng phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt; lực lượng cơ động, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… triển khai các nhiệm vụ để sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, cứu giúp nhân dân khi bão đổ bộ.
Công an các phòng nghiệp vụ và các địa phương sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, chủ động nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân, không để các loại tội phạm lợi dụng tình hình bão lũ để phạm tội.
Đoàn Công tác Công an tỉnh kiểm tra các địa bàn trọng yếu về công tác ứng phó với bão số 5 |
Cũng trong ngày, Công an tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó và phòng chống bão số 5 tại các địa bàn trọng yếu để kịp thời hỗ trợ nhân dân khi cần thiết.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chia thành nhiều đoàn công tác về các địa phương trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo phòng chống bão số 5. Khó khăn nhất đối với địa phương là việc kêu gọi tàu, thuyền trên biển vào bờ tránh trú bão. Quảng Bình là tỉnh có số lượng rất lớn tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển.
Đến cuối giờ chiều ngày 17/9, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi được 5.607 phương tiện với 17.011 lao động đã neo đậu tại bờ. Hiện vẫn còn hơn 220 phương tiện với hơn 1.500 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó khu vực Vịnh Bắc bộ 84 phương tiện với 597 lao động, khu vực Nam Biển Đông có 14 phương tiện với 93 lao động, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 98 phương tiện với 704 lao động.
Tại các khu vực tránh trú bão ở cửa Gianh, huyện Bố Trạch, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Roòn, huyện Quảng Trạch…lực lượng Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương đã giúp bà con ngư dân chằng chéo thuyền, bè để tránh bão, kiên quyết không để bất cứ ai ở lại trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ vào đất liền.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện khẩn đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó mưa bão; tiếp tục quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn hồ, đập, đê điều; chỉ đạo việc chằng, buộc và sẵn sàng có phương án bảo vệ các công trình đang thi công, các lồng, bè nuôi thả thủy sản trên sông; sắp xếp, bố trí tàu thuyền neo đậu, tránh trú hợp lý; bố trí đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện các phương án ứng phó với mưa bão ngay khi cần thiết…
Các địa phương trên địa bàn đã triển khai các phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, khách du lịch, các em học sinh trước, trong, sau bão; sẵn sàng di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; vận hành, bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là hồ chứa xung yếu, bị hư hỏng; gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, chặt tỉa cây.
Ngay từ chiều ngày 17/9, ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình đã cho toàn thể học sinh nghỉ học, giáo viên các trường phối hợp với chính quyền địa phương chằng chéo trường lớp, cắt tỉa cây xanh… để phòng chống bão số 5.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Do ảnh hưởng của bão nên khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa có gió bão mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 14. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3 Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng sóng cao từ 3-5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3, riêng vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Nam cấp 4. Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt. |