Sáng kiến, cách làm hay trong “chiến dịch” cấp căn cước công dân

07:15 08/03/2021
Trong 10 tỉnh, thành phố được Bộ Công an lựa chọn là địa bàn trọng điểm trong "chiến dịch" cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, Công an TP Hà Nội là một trong những đơn vị làm tốt trong việc thu thập hồ sơ. Đặc biệt là Công an 2 quận Hà Đông, Long Biên, thuộc Công an TP Hà Nội đã có những sáng kiến, cách làm hay.


Công an TP Hà Nội cho biết, đã triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư từ rất sớm, với sự quyết tâm, làm việc ngày đêm của gần 4.000 cán bộ chiến sĩ (CBCS) cùng gần 2.000 máy tính được huy động. Đối với Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD, với chỉ tiêu cấp 2,3 triệu CCCD do Bộ Công an giao ban đầu, đến ngày 1/7/2021, ngay sau khi Bộ có kế hoạch triển khai thực hiện, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an các cấp tập trung ngay vào công tác chuẩn bị và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để có thể tổ chức thực hiện khi có thiết bị. Đồng thời, xác định rõ phương châm hành động đó là "khoa học, sáng tạo, triệt để, thuận lợi làm trước, khó làm sau".

Tính đến nay, qua 52 ngày (2 tháng trừ nghỉ Tết), Công an TP Hà Nội đã tổ chức thu nhận dữ liệu CCCD theo công nghệ chíp, với 31 bộ thiết bị mới được trang cấp và 65 bộ thiết bị của dự án CCCD cũ, được Bộ Công an hỗ trợ cài đặt theo công nghệ mới (tổng số 96 bộ thiết bị), toàn thành phố đã thu nhận được 258.658 hồ sơ CCCD gắn chíp điện tử.

Công an quận Hà Đông huy động cán bộ, chiến sĩ phục vụ cấp căn cước công dân cho người dân.

Điều tra cơ bản, công tác phối hợp với đoàn thanh niên, dân phòng, UBND địa phương, xây dựng phương án nâng cao tốc độ thu nhận; thực hiện tuyên truyền tốt, sử dụng mạng xã hội để mời, hẹn người dân và phát số thứ tự cho người dân, không bắt dân chờ lâu… Đây là những sáng kiến hay, cách làm sáng tạo đã phát huy tác dụng, được lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) ghi nhận, biểu dương đối với Công an quận Hà Đông và Công an quận Long Biên, trong đó có đồng chí cán bộ nhiều kinh nghiệm công tác, chỉ mất 1 phút 36 giây đã hoàn thành thu nhận vân tay lăn 13 bước và chụp ảnh.

Chúng tôi đến Công an quận Hà Đông, dù là ngày cuối tuần nhưng rất đông người dân đến làm CCCD gắn chíp. Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho hay, để đẩy nhanh việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD, ngoài 2 máy tính được Công an TP Hà Nội cấp, Công an quận thông qua các nguồn có sẵn như trưng dụng những máy tính của các đội nghiệp vụ, xã hội hoá đến nay đã có 15 máy tính phục vụ cấp CCCD, tăng tốc độ thu nhận lên 30%… Theo đó, việc thu nhận hồ sơ hoàn chỉnh cho 1 công dân trung bình chỉ mất 2,6 phút/trường hợp, vào ngày cao điểm đã làm được trên 1.300 hồ sơ. 

Ban đầu, tổ CCCD của Công an quận có 10 đồng chí, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế để đảm bảo hiệu quả công việc và đạt được kế hoạch cấp CCCD, Công an quận đã rà soát toàn bộ CBCS tại các đội nghiệp vụ và Công an các phường những đồng chí đảm bảo tiêu chuẩn, biết thành thạo máy tính để đáp ứng yêu cầu công việc, tăng cường cho tổ cấp CCCD của Công an quận. Đến nay có tổng 65 cán bộ chuyên phục vụ cấp CCCD.

Ngoài ra huy động Đoàn thanh niên quận giỏi về công nghệ cuối mỗi buổi cấp CCCD thì tập trung truyền ngay dữ liệu công dân đã thu thập trong ngày ko để tồn đọng sang hôm sau. Hàng ngày, 3 tổ cấp CCCD, trong đó 1 tổ cấp tại trụ sở Công an quận, 2 tổ cấp lưu động tại các phường trên địa bàn quận làm việc liên tục, từ 7h sáng đến 22h30' hàng ngày (kể cả thứ 7 và chủ nhật), chia làm 3 ca, từ 7h đến 11h30' và từ 11h30' đến 18h30', 18h30 đến 22h30'.

Lịch cấp lưu động đến phường nào giao cho Công an phường đó bố trí địa điểm cấp thuận tiện, hệ thống máy và vận hành chuẩn bị sẵn để nhân dân không phải chờ đợi, ảnh hưởng đến tiến độ cấp CCCD trong ngày.

Trước đó, Công an phường, Cảnh sát khu vực (CSKV) làm giấy mời chia nhiều khung giờ gửi đến từng công dân, tránh tình trạng công dân lên cùng lúc sẽ ùn tắc, chờ đợi lâu; gửi giấy mời cho công dân trước 2 đến 3 ngày để công dân sắp xếp thời gian, đến ngày cấp Cảnh sát khu vực lại nhắc công dân đến làm thủ tục cấp CCCD theo giấy mời đã gửi, đồng thời CSKV chuẩn bị phiếu DC01 khi công dân lên làm CCCD thì rút phiếu phục vụ cấp CCCD.

Ông Lê Văn Hiến, 63 tuổi, trú tại phường Văn Quán, cho biết: "Khi được Công an phường thông báo cấp CCCD, tôi đến phường từ sớm. Tại đây, được các đồng chí Công an hướng dẫn tận tình, chu đáo nên làm hồ sơ không phải mất nhiều thời gian như trước". Còn bà Lê Thị Lương, 68 tuổi, trú tại phường Văn Quán, cho biết: "Hàng ngày trông cháu nên thứ 7, chủ nhật các con ở nhà nên bà mới đến phường làm hồ sơ CCCD được, tôi chuyển chứng minh thư nhân dân 9 số sang CCCD. Chúng tôi không phải khai trên giấy tờ như trước kia, chỉ chưa đầy 3 phút tôi đã xong thủ tục".

Ngày thường là vậy, những ngày cao điểm thứ 7 và chủ nhật, người dân được nghỉ làm đến đông, với phương châm "Làm hết người chứ không làm hết giờ", CBCS Công an quận Hà Đông về đến nhà khi đồng hồ điểm 0h bước sang ngày mới. Với Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Đội trưởng Đội QLHC về TTXH, ngoài điều hành, chỉ huy phụ trách trực tiếp, chị còn đến từng điểm cấp CCCD lưu động để nắm tình hình kịp thời xử lý, giải quyết công việc đốt xuất xảy ra.

Đáng chú ý, có đồng chí nữ con nhỏ như Thượng úy Nguyễn Thị Thu Trang, Thượng uý Trần Thị Mỹ Minh. Cả hai chị con mới hơn 1 tuổi, hàng ngày các chị dậy từ sớm sắp xếp việc nhà, chuẩn bị đồ ăn cho con rồi gửi con nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc để kịp giờ đi làm và khi về đến nhà thì con đã ngủ say giấc. Dù khó khăn, vất vả nhưng CBCS Công an quận Hà Đông không nản, khi được người dân tin yêu và ủng hộ.

Mỗi ngày có hàng trăm người dân tới trụ sở công an các phường và Công an quận Hoàn Kiếm làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Khoảng 21h30 ngày 6/3, bên trong phòng tiếp công dân của Công an quận Hoàn Kiếm vẫn đông nghịt người, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Hôm nay theo lịch hẹn, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp nhận hồ sơ để cấp CCCD gắn chip cho người dân phường Hàng Trống. Tại đây có Cảnh sát khu vực từng địa bàn túc trực hỗ trợ nhận diện người của địa bàn theo danh sách đã có.

Trước đó, người dân trên địa bàn đã nhận được tin nhắn thông báo việc cấp CCCD gắn chip, kèm theo đó là lịch làm việc tại Công an quận. Để tránh tình trạng người dân dồn đến cùng một lúc, Công an quận Hoàn Kiếm đã chia làm hai khung giờ chính: từ 18h đến 23h thứ 5, 6, 7 (tức ngày 4, 5, 6/3) và chủ nhật ngày 7/3 từ 8h sáng đến 18h.

Mặc dù vậy, do người dân đến rất đông nên khối lượng công việc phải giải quyết một ngày ở đây đã gấp nhiều lần ngày thường. Trung tá Bùi Hương Ly, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, những ngày này CBCS không ăn theo bữa, không làm theo ca. Được sự quán triệt từ cấp trên, mỗi CBCS đều xác định người dân còn đến thì còn làm việc. Và ngày nào anh chị em cũng làm đến một, hai giờ sáng.

Ngay như Trung tá Bùi Hương Ly, chị cũng vừa trở về từ phường Chương Dương sau khi giải quyết vấn đề về máy tính nhập liệu và khi nói chuyện với tôi, chị mới sực nhớ ra chưa ăn gì vào bữa tối.

Cô Vũ Thị Mỹ (trú tại phố Tràng Thi), năm nay đã ngoài 60 tuổi, vui mừng chia sẻ: “Cô thấy thật sự hài lòng bởi thái độ của anh chị em Công an tại đây. Cô được đưa vào danh sách người cao tuổi và được ưu tiên làm trước trong khi còn nhiều người xếp hàng”.

Cô Mỹ cho biết, cô đến đây là lần thứ 2, lần đầu đến nộp hồ sơ vào thứ 3 và theo lịch hẹn hôm nay đến lăn vân tay và chụp ảnh. Cô cũng được cán bộ ở đây thông tin bao giờ có kết quả sẽ được thông báo và lên lấy CCCD mới, hoặc nếu bận việc cô có thể yêu cầu dịch vụ gửi về tận nhà.

Trao đổi với PV, Trung tá Trần Thị Mai Ngọc – Tổ trưởng tổ cấp căn cước Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, trong các công đoạn thì việc lấy dấu vân tay là lâu nhất bao gồm 13 bước nhưng không phải ai lấy cũng nhanh đặc biệt là người già, người lao động chân tay… thì khả năng vân tay mờ hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện tại, mỗi ngày Công an quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 600 hồ sơ liên quan đến cấp đổi CCCD gắn chip cho người dân trên địa bàn quận.

Quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 77.000 nhân khẩu sinh sống thường xuyên tại địa bàn, khoảng 7.000 người sống tại Hoàn Kiếm nhưng hộ khẩu quận khác và hơn 2.000 người tỉnh ngoài nhưng cư trú ổn định tại Hoàn Kiếm. Với số nhân khẩu đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã tăng cường thêm gần 30 đồng chí có nghiệp vụ, giỏi tin học để hỗ trợ tại quận và các đội lưu động. Tuy nhiên, so với yêu cầu công việc thì lực lượng này vẫn còn mỏng nên CBCS phải gồng mình làm thông tầm để đẩy nhanh tiến độ công việc. 

Một khó khăn nữa đó là hệ thống phần mềm còn nhiều trục trặc, do đó tiến độ nhập liệu không được như mong muốn, kèm theo đó là việc các đơn vị thuộc Công an thành phố đều nhập dữ liệu cùng lúc nên xảy ra việc nghẽn mạng… Dù vậy, mọi khó khăn đều được khắc phục và nhận được sự thông cảm của đa số người dân.

Cho đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm đã trình duyệt cấp CCCD gắn chip cho hơn 9.000 công dân, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp đang đợi xác minh. Với quyết tâm và sự nỗ lực cao, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp nhận và tiến hành cấp CCCD gắn chip cho toàn bộ hơn 77.000 công dân sinh sống trên địa bàn bảo đảm đúng tiến độ và chính xác.
Minh Hiền - Phong Sơn - Nguyễn Thắng

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

Chiều 20/12, Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, các tổ công tác của Ban chuyên án Công an thị xã đã tổ chức mật phục, phối hợp bắt giữ 3 đối tượng về các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thị xã Điện Bàn và TP Hội An.

Ngày 20/12, Cơ quan CSĐT Công an  Đà Nẵng cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền (SN 1977, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiền được nhiều người biết như một “đại gia”, từng thành lập nhiều doanh nghiệp bất động sản và đầu tư một số dự án.

Sau nhiều lần báo chí phản ánh việc: Tổ hợp khách sạn – căn hộ Mường Thanh (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) phát sinh hàng loạt căn hộ không đúng mục đích thiết kế; cư dân sinh sống không được đăng ký cư trú hay thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, ngày 20/12, tại cuộc họp báo quý 4/2024, lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng cho biết sẽ xử lý dứt điểm để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Ngày 20/12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy năm 2024, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến “trùm” ma túy Vũ Hoàng Oanh

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文