TPHCM tái thành lập Đội Săn bắt cướp để trấn áp tội phạm

08:44 15/05/2016
Tái thành lập Đội Săn bắt cướp (SBC) đó là công việc mà Công an TP HCM đang gấp rút tiến hành sau khi có ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM trong buổi gặp mặt các cán bộ lão thành, trong số đó có những chiến sĩ SBC lừng danh.


6 Đội SBC thuộc Phòng CSHS và Công an quận 1, quận 5 được thành lập vào năm 1978, là nơi tập hợp những trinh sát trẻ gan dạ, dũng cảm; giỏi võ thuật, bắn súng và lái xe. Những “cảnh sát chìm” này luôn trong tư thế sẵn sàng rượt đuổi, đấu súng với những tên tội phạm nguy hiểm nổi lên rất nhiều trong những năm đầu sau ngày giải phóng. Hình ảnh CSHS trên những chiếc xe Honda 67 xoáy nòng chạy với tốc độ hơn 100 cây số/ giờ để truy bắt cướp trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố. 

Sau 10 năm kể từ ngày thành lập, lực lượng SBC với những tên tuổi trở thành thần tượng của người dân thành phố như Hai Thành, Mai Văn Tấn, Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Năm Lửa… đã lập nhiều chiến công, bắt giữ hàng trăm tên cướp đặc biệt nguy hiểm. 

Khi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở nên yên ắng, năm 1988, các đội SBC đã giải thể để thành lập các đội nghiệp vụ phòng chống tội phạm như hiện nay. Tuy nhiên, vào các năm 2006, 2007, tình hình cướp giật trên đường phố có dấu hiệu hoạt động phức tạp trở lại. Từ đó Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh quyết định tái thành lập lực lượng SBC với hy vọng đội ngũ tinh nhuệ này sẽ góp phần lớn đẩy lùi tội phạm trong thời kỳ mới. 

Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) ra đời vào ngày 2-4-2008 với thành phần nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ của Đội Phòng chống cướp giật. Mỗi chiến sĩ CSHSĐN đều được đào tạo nghiệp vụ khá bài bản, được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và một số đặc quyền khác để thuận lợi cho hoạt động nghiệp vụ. Đội này luôn ứng trực 24/24 giờ trong tư thế sẵn sàng truy bắt tội phạm gây án cũng như tổ chức nắm tình hình, theo dõi đối tượng, lập chuyên án truy xét các băng cướp…

Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến cho rằng nếu dùng tên cũ là “săn bắt cướp” thì nghe có vẻ không được nhân văn cho lắm. Vì cướp dẫu sao cũng là con người mà dùng từ “săn” thì hơi nặng nề nên cuối cùng Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đặt tên mới là CSHSĐN.

 
Một băng cướp giật bị Đội CSHSĐN bắt giữ cùng tang vật.

Hầu hết người dân khi được hỏi đến đều có chung cảm nhận, tên gọi CSHSĐN vừa dài vừa không ấn tượng, còn SBC vừa gọn vừa thể hiện sự dũng mãnh mà hơn hết cái tên ấy đã là “thương hiệu nổi tiếng” ăn sâu vào tiềm thức của người dân TP. Vì vậy nếu nói tên nào cũng được thì nên chọn SBC!

Hơn 8 năm qua, CSHSĐN đã bắt giữ hàng trăm tên cướp giật, trộm cắp; khám phá nhiều chuyên án lớn như triệt phá băng nhóm tổ chức bắt giữ người trái pháp luật, cướp, cưỡng đoạt tài sản người nước ngoài do tên Nguyễn Thành Đô cầm đầu; băng cướp tiệm vàng Anh Sang; băng nhóm người Indonesia trộm tài sản bằng thủ đoạn đâm thủng lốp xe ôtô gây ra 6 vụ trộm với tổng số tiền thiệt hại gần 10 tỷ đồng; băng cướp trẻ với hơn 40 đối tượng liên quan do Đoàn Lê Hậu cầm đầu gây ra hàng chục vụ cướp giật; nhiều băng nhóm dàn cảnh đụng xe để trộm tài sản…

Từ những chiến công đã lập được, nhiều trinh sát của Đội CSHSĐN được người dân tin yêu, được cấp trên tin tưởng. Nhưng công bằng mà nói, những cái tên nổi bật của Đội CSHSĐN như Võ Quốc Đạt, Nguyễn Xuân Lành, Nguyễn Đức Hưng… chưa thể sánh được với các bậc cha anh đi trước. Và một thực tế đáng buồn khác là tội phạm cướp giật vẫn hoành hành, gây bất ổn an ninh trật tự, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Vì sao vậy? Thứ nhất, nếu như trước đây, SBC chủ yếu là bắt quả tang cướp giật trên đường thì Đội CSHSĐN bây giờ có nhiệm vụ rộng hơn là đấu tranh phòng chống tội phạm cướp tài sản nói chung; Đấu tranh chống các loại tội phạm trên tuyến đường giao thông (trộm, cướp, bảo kê…) và điều tra truy xét các vụ án lớn gây bức xúc dư luận do cấp trên giao. 

Cùng với nhiệm vụ này thì quyền hạn của đội cũng được nâng lên là có thể trực tiếp phối hợp điều tra, truy bắt với các đơn vị khác. Công việc thì nhiều nhưng nhân sự lại ít nên không thể bao quản hết địa bàn rộng lớn. 

Mặt khác, những năm sau ngày giải phóng, đường phố Sài Gòn thưa thớt người qua lại nên những cuộc rượt đuổi, những trận đấu súng nảy lửa trên đường phố ít gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn bây giờ đường xá chật cứng người, xe cộ lưu thông nườm nượp nên để an toàn cho người dân, các trinh sát chọn phương án đón lõng, “bắt nguội” là chính. Mà đã “nguội” thì không thể bằng “bắt nóng”, không tạo được hình ảnh ấn tượng trong con mắt của người dân. 

Điều này lý giải tại sao người dân thuộc nằm lòng nhiều cái tên của “hiệp sĩ” như Nguyễn Văn Minh Tiến, Nguyễn Việt Sin, Nguyễn Hiếu Long, Nguyễn Văn Hoàng… nhưng ít biết đến các trinh sát đặc nhiệm giỏi nghề. 

Ở một khía cạnh khác, khi bắt được cướp, các “hiệp sĩ” thông tin ngay cho các phóng viên báo, đài nắm bắt và tìm hiểu đưa thông tin; trong khi đó các trinh sát bắt cướp thì lại muốn giấu đi vì họ không được phép làm như vậy. Cho nên, dù hàng năm, trinh sát đặc nhiệm các cấp bắt hàng trăm, hàng ngàn tên cướp giật nhưng do hạn chế thông tin nên người dân không thấy được sự cố gắng của lực lượng này. Từ đó không tạo được không khí tấn công tội phạm quyết liệt như Công an TP đang nỗ lực triển khai. 

Quan trọng hơn, trước đây chiến sĩ SBC mạnh dạn trong việc sử dụng vũ khí quân dụng nếu tội phạm chống cự thì nay các trinh sát rất “nhát tay” vì có thể họ sẽ gặp rắc rối với pháp luật… Lợi dụng điểm yếu này, nhiều tên tội phạm sẵn sàng dùng vũ khí, mã tấu, công cụ hỗ trợ… tấn công lại lực lượng truy bắt vì họ nghĩ “Công an không dám bắn thẳng vào mình”.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, việc tái lập “thương hiệu” SBC là cần thiết nhưng để hoạt động thật sự hiệu quả thì cần phải tăng quân số, phương tiện; trang bị bộ đàm, vũ khí quân dụng, áo chống đạn… và phải có cơ chế đặc biệt đối với lực lượng này. Khi chiến sĩ SBC đã phủ kín địa bàn và kết hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác như CSGT, CSCĐ, 113… thì tội phạm trên đường phố chắc chắn sẽ phải khiếp sợ lực lượng Công an như SBC thời trước. 

Mã Hải

Ngày 25/11, tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội phối hợp với Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT); Công an và chính quyền quận Hoàn Kiếm ra quân kiểm tra, chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) tại khu vực “phố cafe đường tàu” đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh, Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Ngoài hệ thống kế toán thuế công khai để nộp ngân sách, ba công ty trên còn lập hệ thống nội bộ, theo dõi thu, chi thực tế; mua bán hóa đơn, làm giảm tiền thuế phải nộp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文