Tranh thủ người có uy tín, vận động nhân dân giao nộp súng tự chế

07:50 11/08/2019
Đối với mỗi gia đình ở huyện vùng cao Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, khẩu súng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần, biểu tượng cho sức mạnh gia đình, dòng tộc.

Trước đây, khẩu súng được người dân sử dụng công khai, treo ở những vị trí trang trọng như vật gia bảo để bảo vệ mùa màng, săn bắn thú rừng... Nhưng khẩu súng cũng khởi nguồn cho biết bao hiểm họa, tai ương.

Theo thống kê của Công an huyện Mai Châu, trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến nay, toàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ đi săn bắn nhầm người và dùng súng tự chế (súng kíp) để giải quyết mâu thuẫn.  

Có nhiều vụ xảy ra rất thương tâm và đau xót như con bắn nhầm cha, anh bắn nhầm em, bạn săn bắn nhầm nhau... Thậm chí chỉ vì nghi bị “chài” khiến con trai bị ốm, Giàng A Sùng, SN 1986, ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia, huyện Mai Châu đã dùng súng sát hại chính người thân của mình.

Mặc dù đã gần 10 năm trôi qua, hình ảnh 3 chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình anh dũng hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy vẫn khiến đồng đội xót xa. Quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Công an phát hiện rất nhiều vũ khí mà đối tượng cất giấu trong căn hầm bí ẩn.

Trước đây, khu vực biên giới Việt – Lào vốn là kho súng của thực dân, đế quốc. Sau khi đất nước thống nhất, kẻ địch tháo chạy bỏ lại kho súng khổng lồ mà không có sự quản lý, kiểm soát của chính quyền. 

Theo thời gian, toàn bộ số súng bị đánh cắp và trôi nổi trong nhân dân, đe dọa tới sự ổn định và bình yên của nhân dân. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, song do lịch sử để lại mà nhiều khẩu súng không xác định nguồn gốc xuất xứ. Nguy hiểm hơn, Hang Kia tiếp giáp với khu vực tam giác vàng. 

Lượng ma túy cực lớn từ đây tỏa đi khắp các khu vực trên thế giới. Thông qua bọn tội phạm này, một số lượng vũ khí lớn được thẩm thấu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Trong đó, địa bàn Mai Châu là điểm trung chuyển quan trong mà các đầu nậu lựa chọn để vận chuyển ma túy và các loại vũ khí vào Việt Nam.

Theo phong tục người Mông, khẩu súng không đơn giản là vật dụng sử dụng để bảo vệ mùa màng, săn bắn và trưng bày kỷ niệm mà sâu thẳm trong tâm thức truyền đời, khẩu súng đã trở thành vật gia bảo, bất ly thân. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác, được nâng niu cất giữ. 

Trong đời sống tâm linh đồng bào Thái có cây kiếm thờ là vật “hội tụ” linh hồn ông bà tổ tiên. Với đồng bào dân tộc Mông và một số dân tộc sống gần rừng, khẩu súng săn, con dao quắm là những vật bất ly thân từ nhiều đời nay của họ. 

Việc sử dụng súng tự chế đối với một số đồng bào vùng dân tộc có tâm lý vừa thể hiện sự trưởng thành của người đàn ông, vừa khẳng định uy quyền, vị trí của  gia đình cũng như cá nhân người sử dụng. Nếu như các lực lượng chức năng không có biện pháp kiên quyết và khéo léo, thì người dân sẽ không tự nguyện giao nộp vũ khí, mà giấu trong rừng, trên lán nương, hoặc chỉ nộp.. báng súng. 

Đây thực sự là khó khăn, thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và Công an địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các vụ  việc vi phạm do khẩu súng gây ra.

Người dân giao nộp súng tự chế cho chính quyền địa phương.

Trước thực trạng trên, Công an huyện Mai Châu đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 16 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định 47 của Chính phủ, Đề án 1081 của UBND tỉnh Hòa Bình, tổ chức vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thế nhưng, việc thay đổi thói quen vốn ăn sâu vào tiềm thức nhân dân không thể là chuyện một sớm, một chiều. 

Thời gian đầu, việc tiếp cận các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Thấy bóng dáng Công an, họ đều tìm cách trốn hoặc tìm lý do để tránh gặp mặt. Nếu có gặp thì họ một mực khẳng định không có súng trong nhà. Thậm chí, một số người quá khích còn lớn tiếng, chống đối quyết liệt. 

Công an huyện Mai Châu đề xuất cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể, tổ chức xã hội vào cuộc tuyên truyền, vận động. Sử dụng đồng bộ nhiều các biện pháp tuyên truyền như: thông qua các cuộc họp dân, họp ở nhà, dòng họ, các hoạt động văn nghệ, thể thao và tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của địa phương. Sau khoảng 3 tháng tuyên truyền, vận động, từ các thôn bản, một số người dân mang súng đến UBND xã, huyện giao nộp.

Với người dân tộc, thì những già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng có tiếng nói quyết định tới các việc lớn, bé trong bản. Tiếng nói của họ có giá trị hơn hàng chục buổi tuyên truyền, vận động theo phương thức truyền thống. Nắm bắt điều đó, Công an huyện Mai Châu tranh thủ người có uy tín để tuyên truyền, vận động con cháu tự nguyện giao nộp súng. 

Ông Sùng A Giống, Bí thư Chi bộ xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò, là người có uy tín điển hình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp hàng chục khẩu súng các loại. Để làm gương, ông tự nguyện giao nộp khẩu súng như “vật gia bảo” để lại từ nhiều đời nay. Hay khi biết thông tin anh Sùng A Páo (người cùng xóm) hiện đang cất giữ một khẩu súng quân dụng. 

Ông Giống đã nhiều lần trực tiếp tới gia đình Páo tìm hiểu, đồng thời vận động, thuyết phục để Páo nhận ra việc tàng trữ vũ khí quân dụng là vi phạm. Ông đã kiên trì tác động, thuyết phục bằng tình làng, nghĩa xóm. Sau đó không lâu, Páo đã tự giác tới UBND xã Pà Cò giao nộp 1 khẩu súng AK và 1 hộp tiếp đạn… 

Từ điển hình tiêu biểu của ông Giống, cấp ủy, chính quyền xã Hang Kia đã nhân rộng ra toàn xã. Các già làng như: Sùng A Xa, Sùng A Dễ ở xã Pà Cò, Vàng A Tình ở xã Hang Kia… đều là nhân tố tích cực trong vận động người dân giao nộp vũ khí.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, Công an huyện Mai Châu tham mưu củng cố hệ thống chính quyền, nâng cao đời sống nhân dân 2 xã người Mông Hang Kia, Pà Cò. Những con đường trải nhựa tới từng thôn, bản, các mặt hàng tiêu dùng cung ứng đủ cho nhân dân địa phương. 

Trạm phát sóng FM, bưu điện, trường học, trạm quân dân y kết hợp được củng cố hơn.. Với cây ngô và cây dong riềng, đời sống đồng bào người Mông cũng đang dần khởi sắc. Đó đang được xem là những tín hiệu vui cho những ngày bão tan.

Công an huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa tuyên truyền thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Công an huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại nhiều thôn, xóm trên địa bàn xã.

Tại thôn Ngọc Sơn, xã Cẩm Sơn, lãnh đạo Công an huyện đã thông tin về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tình hình kết quả đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; hậu quả, tác hại của việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời vận động nhân dân tự giác giao nộp nếu đang tàng trữ, sử dụng các loại này. Tại hội nghị, Công an huyện Cẩm Thủy cũng thông tin: Từ đầu năm đến nay, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên quần chúng nhân dân đã tự giác giao nộp 10 khẩu súng tự chế; 46 vũ khí thô sơ; 8kg pháo các loại; 78 đồ chơi nguy hiểm, 1 khẩu súng quân dụng K54 và 7 viên đạn.

Cũng tại hội nghị, đông đảo các hộ dân trên địa bàn thôn Ngọc Sơn xã Cẩm Sơn đã ký cam kết không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Đình Hợp

Hoàng Việt

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文