Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm giao thông như thế nào?

15:35 01/07/2020
Tính đến 6 giờ ngày 1/7, lực lượng CSGT toàn quốc đã cung cấp 13.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt

Ngày 1/7, chia sẻ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, tính đến 6 giờ ngày 1/7, lực lượng CSGT toàn quốc đã cung cấp 13.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nộp tiền tại Cổng Dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, mới chỉ có 97 trường hợp.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, qua thực tế triển khai thí điểm hơn 3 tháng qua tại 5 địa phương thì việc cung cấp thông tin vi phạm tới người dân là nhanh chóng, kịp thời, nhưng lại có một số vướng mắc. Đó là, qua kiểm tra lại từ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định hướng dẫn và các quy định hiện hành, hiện nay, số điện thoại là rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân thì lại không có trong quy định. Do vậy, chỉ có thể vận động người dân tự nguyện.

“Nhiệm vụ của CSGT là cung cấp nhanh nhất cho người dân các thông tin có liên quan như: biên bản vi phạm, quyết định vi phạm để người dân có thể lựa chọn các hình thức thực hiện quyết định xử phạt. Trường hợp nào có số điện thoại cung cấp cho chúng tôi thì thông tin về việc ra quyết định xử phạt gửi trực tiếp đến người vi phạm. Nếu người vi phạm có địa chỉ thư điện tử, CSGT sẽ gửi thông tin dưới dạng bản pdf.” – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Cán bộ CSGT kiểm tra giấy tờ phương tiện

Hiện nay, Cục CSGT đang phối hợp cùng Kho bạc Nhà nước để định danh, số hóa số sẽ nộp phạt. Ví dụ 981 là xử phạt trong lĩnh vực đường bộ,  982 là đường thủy, 983 là đường sắt. Mã số của các đơn vị được mã hóa để tạo thuận lợi cho người dân. 

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là phải đổi mới quy trình xử phạt vi phạm hành chính hiện nay. Ví dụ, với trường hợp bị tước giấy phép lái xe phải có 5 ngày để giải trình thì sẽ chậm. Chúng tôi cũng đã tham mưu để Quốc hội và Chính phủ xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, trong đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là tăng phạt tiền và trừ điểm. Với dữ liệu hiện nay sẽ bảo đảm phục vụ người dân tốt nhất.” – Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, có khó khăn khác nữa là người dân phải có tài khoản, phải có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin thì mới chủ động được. CSGT cung cấp các thông tin nhanh nhất về quyết định xử phạt, bước đầu thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Công an. Để người dân thực hiện dịch vụ đó, cần sự phối hợp và nghiên cứu rất kỹ của các cơ quan, đơn vị có liên quan; đặc biệt là Kho bạc Nhà nước và các đơn vị được ủy quyền của Kho bạc Nhà nước trong việc thanh toán.

Camera giám sát vi phạm giao thông

Dữ liệu vi phạm sẽ được truyền về thiết bị điện tử của CSGT

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình thì ứng dụng công nghệ là một xu thế tất yếu, lực lượng CSGT đang cải cách để phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch quá trình thực hiện. Nếu số hóa được việc này sẽ giúp giảm tải rất nhiều khối lượng công việc của CBCS. Theo cách truyền thống, phải lập biên bản giấy rồi gõ quyết định xử phạt, khi đã có dữ liệu, chỉ cần nhập vào nội dung biên bản, các dữ liệu liên quan để kết nối với quyết định rất nhanh chóng.

Cục CSGT cũng đề nghị Kho bạc chỉ cần bản điện tử quyết định xử phạt chứ không cần thiết phải nhận quyết định bản giấy như hiện nay. Người dân cũng có thể nhận bản điện tử, hoặc tin nhắn về số quyết định xử phạt. “Chúng tôi cho rằng đây là hướng rất đúng so với xu thế phát triển của công nghệ và thời đại. Mỗi năm chúng tôi xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm, nếu chỉ cần cải cách không phải in 1 quyết định xử phạt, đã tiết kiệm cho nhà nước 5 triệu tờ giấy. Bộ Công an hiện đang xây dựng nhiều hệ thống dữ liệu. Riêng CSGT chúng tôi đã có dữ liệu dùng chung như đăng ký xe từ năm 2009. Tất cả các trường hợp phải nhập dữ liệu vào mới in được giấy đăng ký xe. Cải cách của lực lượng CSGT là một trong những lĩnh vực đi đầu” – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Người vi phạm ký biên bản xử phạt

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình thì việc nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần phòng, chống tiêu cực. Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường hệ thống giám sát. Tất cả hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ. Việc ra quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ là một bước, nhưng khi đã lưu lại trên hệ thống giám sát thì sẽ không có chuyện tiêu cực.

Hiện cao tốc Hà Nội – Lào Cai đang bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống giám sát. Tất cả thông tin liên quan, đặc biệt là vi phạm về dừng đỗ, tốc độ đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người. CSGT chỉ kiểm soát ở các trạm thu phí. Qua một số trạm thí điểm, đối với xe vi phạm, đến trạm thu phí sẽ có đèn cảnh báo và có biển số hiện lên cùng với báo hiệu về lỗi vi phạm.

“Chúng tôi cho rằng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và xử phạt điện tử sẽ minh bạch hóa, khách quan toàn bộ quá trình hoạt động. Đây là yêu cầu bắt buộc và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an là lực lượng CSGT phải thực hiện đi đầu trong thực hiện công nghệ số. Cái khó hiện nay là phải thực hiện kết nối đồng bộ giữa các ngành, trong nội bộ ngành, đặc biệt sau này có dữ liệu quản lý dân cư sẽ cải cách rất nhiều. Vi phạm giao thông 1 năm gần 5 triệu trường hợp, nếu áp dụng công nghệ thông tin trong phát hiện các lỗi vi phạm, việc xử lý vi phạm sẽ tăng lên rất nhiều và chấp hành của người dân phải tốt hơn” – Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng đề nghị Bộ Tư pháp xem lại các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vì vi phạm ghi bằng hệ thống công nghệ là chứng cứ trực tiếp để xác minh vi phạm, nhưng quy trình còn nhiều bước, CSGT phải mời được người vi phạm đó đến và thiết lập một biên bản vi phạm thì mới ra quyết định xử phạt được. “Chúng tôi đề nghị đầu tiên là ứng dụng công nghệ, hai là cải cách thể chế để hành vi được phát hiện và xử lý nghiêm minh, và người vi phạm phải có trách nhiệm đến cùng đối với hành vi vi phạm của mình thì sẽ giải quyết được vấn đề” – Đại tá Đỗ Thanh Bình kiến nghị.


Thu Thuỷ

Chiều 10/4, tại Hà Nội, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G), Trưởng Tiểu ban An ninh - Y tế, ANTT P4G/Bộ Công an (Tiểu ban) đã chủ trì Phiên họp Tiểu ban.

Nam bệnh nhân 51 tuổi ở Hà Nội tử vong do mắc sởi có nhiều bệnh nền, khi nhập viện đã biến chứng viêm phổi rất nặng, shock nhiễm khuẩn, phải lọc máu và chạy ECMO.

Tối 10/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Mai Văn Dưỡng (SN 1986, trú thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, chủ TikToker  Dưỡng Dướng Dường - @duongduongduong_xongnha) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO tiền thân là Viện cơ giới hóa và Công nghệ xây dựng, được thành lập ngày 16/4/1979. Trong suốt 46 năm xây dựng và phát triển, CONINCO đã trở thành một trong những thương hiệu tư vấn hàng đầu, hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề trong phạm vi trong nước và quốc tế.

Từ 15h ngày 10/4, giá xăng dầu đồng loạt giảm sâu. Trong đó, giá xăng giảm từ 1.491 - 1.712 đồng/lít; giá dầu giảm từ 1.124 - 1.320 đồng/lít/kg.

Con chó nặng 18kg lao vào cắn bé gái 11 tuổi ở Bắc Giang khiến bé bị thủng thực quản, phải đưa vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Điều đáng nói, con chó này đã được gia đình bé gái nuôi 12 năm. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文