Xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả
- Chặn bắt xe tải chở hàng trăm kiện hàng lậu
- Tường trình từ “cứ điểm” hàng lậu (bài 3)
- Vấn nạn hàng giả: Khi đồng tiền đè bẹp đạo đức kinh doanh
- Cần mạnh tay xử lý hàng giả, hàng nhái
Trước thực trạng này, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trung tá Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do là con đường huyết mạch nối liền với các khu kinh tế trọng điểm ở miền Trung nên bình quân mỗi ngày, tuyến QL1A qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hàng chục ngàn phương tiện lưu thông qua lại.
Lợi dụng mật độ xe cộ đi lại dày đặc, các đối tượng buôn lậu sau khi chọn hàng hóa, chốt thời điểm giao dịch qua mạng Internet thường thuê xe tải trọng lớn, hoặc xe đầu kéo có kéo rơ moóc để vận chuyển hàng đến điểm tập kết nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Điển hình, sáng 24-12, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện ôtô đầu kéo BKS 29C-518.87 kéo theo rơ moóc BKS 29A-032.78 do Nguyễn Văn Hiển (36 tuổi, trú tại TP Hà Nội) điều khiển trên QL1A tuyến tránh Huế, đoạn qua xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy với nhiều nghi vấn nên yêu cầu dừng xe.
Qua kiểm tra phát hiện sau thùng xe này chở nhiều hàng hóa gồm áo quần, nguyên liệu sản xuất bánh, trà gắn nhãn mác Trung Quốc, với tổng trị giá 250 triệu đồng. Tài xế Hiển không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng nên lực lượng Công an đã lập biên bản thu giữ.
Ngày 23-12, cũng tại tuyến đường này lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng bắt giữ một chiếc ôtô đầu kéo BKS 29C-788.73 vận chuyển nhiều bàn ghế, túi xách và các loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, với tổng trị giá 150 triệu đồng…
Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường bắt giữ ôtô tải BKS 29H-072.74 do Bùi Văn Tứ (trú huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển chở theo hàng trăm sản phẩm thuộc mặt hàng điện tử nhập lậu gồm đồng hồ đeo tay, micro karaoke, sạc điện thoại...
Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, xử lý hàng nhập lậu. |
Trước tình hình buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp vào những ngày cuối năm, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu lực lượng Công an tỉnh tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp, nghiên cứu phương pháp quản lý các loại hình phân phối hàng hóa mới, nhất là loại hình mua bán hàng hóa trên các trang mạng xã hội nhằm đấu tranh có hiệu quả trên lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả.
Theo ông Thọ, trong năm 2017, các cơ quan chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện, xử lý 3.968 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với số tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế hơn 57 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu ước tính hơn 18 tỷ đồng.
“Cùng với Công an tỉnh, các cơ quan chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để trốn thuế nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm dịp cuối năm”, ông Thọ khẳng định.