Xử lý vật chứng mỗi nơi một kiểu - Vì sao?
Điểm b, khoản 2, Điều 21 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP quy định: "Trường hợp vật chứng được bảo quản tại kho của cơ quan Công an thì khi ra quyết định truy tố, Viện Kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của cơ quan Công an sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án".
Nhưng tại phần II, khoản 1, điểm 1.1 Thông tư số 06/2007/TT-BTP lại quy định: "Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng do cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử".
Trước quy định thiếu thống nhất giữa hai thông tư nói trên, dẫn tới việc chuyển giao vật chứng trong vụ án hình sự mỗi địa phương thực hiện theo một cách. Ở Hà Nội, cơ quan thi hành án vẫn tiếp nhận vật chứng theo quy định của Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, kể từ khi có Thông tư 06/2007/TT-BTP, cơ quan thi hành án địa phương không nhận vật chứng do cơ quan Công an chuyển đến.
Trong khi đó, tại Thái Nguyên, cơ quan thi hành án không nhận vật chứng trước khi Tòa án có quyết định xét xử. Còn Tòa án thì lại không nhận hồ sơ vụ án đã có cáo trạng truy tố khi hồ sơ không có đủ biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án.
Trước tình hình đó, ngày 8/6/2009, liên ngành cấp chuyên viên của Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị bàn việc thống nhất áp dụng văn bản qui phạm pháp luật trong xử lý vật chứng theo vụ án hình sự. Hội nghị đã thống nhất đề nghị liên ngành sớm cho ý kiến thực hiện theo Thông tư số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP. Thông tư là một văn bản dưới luật.
Tại điểm đ, khoản 2, Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án".
Nội dung tại Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP phù hợp với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, nên việc áp dụng Thông tư 05 là đúng quy định của pháp luật