Xuân mới Trà Leng

11:44 10/02/2021
Vượt qua đau thương, mất mát, được sự chung sức sẻ chia của cộng đồng, người dân khu vực lũ quét, sạt lở núi ở vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang từng ngày trở lại nhịp sống đời thường. Những khu tái định cư (TĐC) được khẩn trương hoàn thành để phấn đấu xây dựng xong nhà mới cho người dân có nhà bị sập, cuốn trôi vào “an cư” trước Tết Nguyên đán Tân Sửu…


1. Cuối năm, nắng vàng như rót mật. Tranh thủ lúc trời nắng ráo chúng tôi ngược đường lên Trà Leng, vùng đất chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất của huyện vùng cao Nam Trà My trong mùa mưa bão vừa qua. 

Tuyến đường ĐH1 nối từ QL40B vào trung tâm xã Trà Leng xuyên qua những cánh rừng thâm u, những quả đồi hai bên đường loang lổ các vết xướt khổng lồ do lũ quét, sạt lở đất còn để lại. Tại một số đoạn đường bị hư hỏng nặng, ngành Giao thông đang tiếp tục tu sửa để phục vụ người dân đi lại được thuận lợi, nhất là khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.

Công an xã Trà Leng thăm hỏi, động viên thân nhân các nạn nhân của lũ quét.

Có mặt tại khu TĐC rộng 6ha ở thôn 2, xã Trà Dơn, cách UBND xã Trà Leng khoảng 800m, chúng tôi nhận thấy công tác san ủi mặt bằng, chuẩn bị khởi công xây dựng lại nhà cho người dân vùng lũ quét, sạt lở đất tại Trà Leng được thực hiện khẩn trương. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ phân 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200m². 

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, xã đã tổ chức họp dân và thống nhất, trước mắt sẽ hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 42 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2, xã Trà Leng đến TĐC với mức mỗi hộ 150 triệu đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ các nguồn hỗ trợ khác. 

Ngay sau khi thi công xong mặt bằng, huyện Nam Trà My tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông nội bộ để bà con sớm ổn định cuộc sống. Khi thời tiết thuận lợi, công tác làm lại nhà cho người dân tại khu TĐC phấn đấu sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán để giúp người dân được chuyển về nhà mới, đón một cái Tết an lành, đầm ấm hơn.

Theo tìm hiểu, xã Trà Leng có 592 hộ dân với 2.502 nhân khẩu, trong đó 98% dân số là người đồng bào Mơ Nông. Toàn xã có 41,21% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm. 

Ông Cường bộc bạch, “Trong đợt mưa bão vừa qua, địa phương đã gánh chịu thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Do đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp và cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay cùng với địa phương để sớm ổn định đời sống người dân sau thiên tai, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề”.

Sau lũ quét, điểm trường ở làng Ông Lục, thôn 1, xã Trà Leng được bố trí là nơi ở tạm của người thân các nạn nhân của vụ sạt lở núi tại làng Ông Đề. Tại đây, mọi người đang mong chờ ngày được về khu TĐC mới để sớm được “an cư”. 

Làng Ông Đề bị xóa sổ hoàn toàn sau lũ quét lịch sử.

Trò chuyện cùng chúng tôi, già làng Hồ Văn Đề (SN 1935) tâm sự rằng, ông đến bên dòng suối Branh lập làng từ năm 1995. Theo tập tục của người Mơ Nông, sau đó làng được đặt tên là làng Ông Đề, lấy tên của người “khai sinh” ra làng mới. “Mấy mươi năm ở đó, bố chưa bao giờ thấy suối Branh lại giận dữ, hung bạo như thế, đã cuốn trôi cả làng. Giờ đây, chỉ mong sao nhà mới được sớm hoàn thành để bà con an cư ở nơi ở mới thôi”, già Đề bảo. 

Ngồi cạnh già Đề, ông Nguyễn Thành Sơn (SN 1960), có vợ bị mất trong trận lũ quét, cũng bày tỏ rằng mong sớm được đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, làm lại từ đầu. 

Ông Sơn cũng bày tỏ sự cảm ơn đến các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể đã quan tâm, giúp đỡ người dân vùng lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, ông Sơn rất ấn tượng với lực lượng Công an đã nhiệt tình, lăn xả giúp đỡ người dân trong lúc thiên tai cũng như động viên, giúp người dân dựng lại nhà tạm, tìm kiếm các nạn nhân mất tích. 

Ông Sơn bày tỏ: “Lực lượng Công an từ tỉnh xuống huyện, nhất là Công an xã chính quy tại Trà Leng đã giúp đỡ người dân chúng tôi rất nhiệt tình, tận tâm. Các cán bộ Công an đã không quản ngại ngày đêm, gian khổ, luôn sát cánh, đồng hành với người dân vùng lũ quét, sạt lở đất. Điều đó thật đáng trân trọng”.

2. Có thể khẳng định, đợt mưa bão vừa qua là mang tính lịch sử đối với xã Trà Leng nói riêng và huyện Nam Trà My nói chung. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, để ổn định đời sống người dân sau thiên tai, tại xã Trà Vân cũng đang gấp rút làm khu TĐC tại thôn 1 nhằm nỗ lực làm lại nhà cho 8 hộ dân bị sạt lở.

Em Hồ Văn Đệ và bức tranh do em vẽ về làng Ông Đề trước khi bị lũ quét. 

Sau các trận lũ quét, sạt lở đất tại huyện Nam Trà My, trong chốc lát, hàng chục em học sinh đã thành trẻ mồ côi. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ do họ là nạn nhân đã chết, mất tích. Ngoài ra, còn có nhiều em học sinh không may cũng tử nạn trong các thảm họa thiên tai xảy ra trên địa bàn. 

Nhưng nhờ sự quan tâm, chăm sóc của người thân, các thầy cô giáo và các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, các em dần vượt qua nỗi đau mất người thân, sớm ổn định công việc học tập tại trường lớp. 

Trò chuyện với chúng tôi, em Hồ Văn Đệ học lớp 9, trú tại làng Ông Đề, cho hay, em có bố là ông Hồ Văn Thanh (SN 1969), mẹ là Hồ Thị Đức (SN 1979) bị chết sau trận lũ quét. Bạn học cùng lớp với em Đệ là em Trần Thị Minh Châu, có bố là ông Trần Cao Nam (SN 1980) - một trong số 13 người còn đang mất tích. 

Với ánh mắt đượm buồn, em Đệ nói rằng, em có 2 người anh và 1 người chị còn đang đi học. Từ ngày xảy ra trận lũ quét, em được người dì đưa về nhà nuôi dưỡng. Mở tờ giấy A4 có bức tranh ra cho chúng tôi xem, Đệ chia sẻ đó là bức tranh em vẽ về ngôi làng cũ của mình trước khi xảy ra trận lũ quét lịch sử. Đệ nhớ ngôi nhà của mình… Em Châu cũng chỉ tay vào bức tranh cho chúng tôi biết vị trí ngôi nhà của em trước khi bị lũ quét cuốn trôi. 

Bức tranh em Đệ vẽ về làng Ông Đề mang màu sắc tươi vui, chạy dọc hai bên đường là hai dãy nhà san sát của các hộ dân. Ở đó có cây xanh, có suối Branh vẫn ngày ngày chảy về sông Leng. Nhìn vào ánh mắt Đệ, chúng tôi cảm nhận được nỗi nhớ làng, nhớ bố mẹ của em da diết biết nhường nào. 

Nhưng, cậu học trò nhỏ ấy vẫn đầy nghị lực khi tâm sự rằng: “Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lại sự quan tâm, yêu thương của mọi người dành cho em”.

Ngọc Thi

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文