Y bác sĩ Công an Bệnh viện 199 tận tình chăm lo cho người cách ly

09:29 15/03/2020
Hơn 1 tháng kể từ  khi chính thức đi vào hoạt động, khu cách ly của Bệnh viện 199 đã tiếp nhận cách ly, chăm sóc y tế cho gần 150 trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với virus gây bệnh. 



Bệnh viện 199 (thuộc Bộ Công an, đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một trong những cơ sở y tế có trách nhiệm tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với những trường hợp cách ly tập trung để phòng ngừa COVID-19. Cùng với các trường hợp là người Việt Nam, có nhiều trường hợp là người nước ngoài, đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ... với sự khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa, về ăn uống, sinh hoạt. Những ngày qua, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện 199 đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, những rào cản, phục vụ tốt nhất cho những người cách ly.

Bác sĩ, điều dưỡng khu cách ly thường trực 24/24 để xử lý công việc

Khu cách ly phòng ngừa COVID-19 Bệnh viện 199 được bố trí tại tầng 8 và 9 của khu nhà 11 tầng vừa được xây dựng với quy mô 100 giường bệnh. Bệnh viện cũng có khả năng mở rộng năng lực tiếp nhận tùy theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh. 

Ban đầu, 17 bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Truyền nhiễm và 13 bác sĩ, điều dưỡng của Khoa phổi được giao thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly. Nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số trường hợp cần theo dõi, cách ly tăng, Giám đốc bệnh viện phải 2 lần tăng cường y bác sĩ từ các khoa phòng khác hỗ trợ.

Bác sĩ ca trực chiều ngày 14-3 nghe điện thoại từ Trung tâm cấp cứu 115, đề nghị chuẩn bị tiếp nhận một trường hợp nghi vấn.

Bác sĩ Hà Quang Phương, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, Bệnh viện 199 đã tiếp nhận trường hợp đầu tiên để cách ly, theo dõi phòng ngừa COVID-19 vào ngày 8-2-2020. Bệnh nhân là Trung tá N.P.Đ (52 tuổi), cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng. Trung tá N.P.Đ có tiếp xúc với nhiều người nước ngoài để giải quyết hồ sơ xuất nhập cảnh. 

Đầu tháng 2-2020, anh có triệu chứng sốt, ho, rát cổ nên đến Bệnh viện Hoàn Mỹ để thăm khám. Do nghi ngờ COVID-19, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi, cách ly 5 ngày. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển về Bệnh viện 199 để chăm sóc y tế và có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục được cách ly đủ 14 ngày theo quy định để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh.

Nhân viên CDC Đà Nẵng (bên trái) đến Bệnh viện 199 để trao đổi thông tin

Hơn 1 tháng kể từ  khi chính thức đi vào hoạt động, khu cách ly của Bệnh viện đã tiếp nhận cách ly, chăm sóc y tế cho gần 150 trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với virus gây bệnh. 

Thời điểm cao nhất, có 53 trường hợp được cách ly tại bệnh viện. Ngày 14-3, có 36 trường hợp đang được cách ly, theo dõi, chăm sóc y tế phòng ngừa COVID-19 tại Bệnh viện 199, trong đó có 17 người nước ngoài. Hàng ngày, các nhân viên của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đà Nẵng (CDC) Đà Nẵng sẽ đến khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV2 đối với những người mới vào viện. 

Đo thân nhiệt cho một trường hợp F1 vừa vào khu cách ly

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, bệnh nhân sẽ được tiếp tục cách ly, theo dõi đủ 14 ngày và xét nghiệm lại, nếu vẫn âm tính sẽ cho về nhà. Các trường hợp dương tính sẽ được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng điều trị theo thống nhất giữa các bệnh viện với Sở Y tế TP Đà Nẵng. “Rất mừng là đến thời điểm này, chưa có trường hợp cách ly nào tại Bệnh viện 199 dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chúng tôi luôn thận trọng, không chủ quan, nỗ lực tập trung phòng ngừa dịch bệnh ở mức cao nhất”- Đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 chia sẻ.

Bác sĩ Hà Quang Phương kiểm tra kết quả X Quang phổi một bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho

Việc theo dõi, chăm sóc các trường hợp cách ly tại Bệnh viện 199 được thực hiện bài bản, theo đúng quy trình, lịch trình. Mỗi sáng, các điều dưỡng với trang phục bảo hộ đến từng phòng để đo thân nhiệt, thăm khám cho các trường hợp cách ly. Những người có các triệu chứng ho, sốt sẽ được kiểm tra, thăm khám riêng để điều trị phù hợp. Các trường hợp, khi vào bệnh viện đều được phát miễn phí các vật dụng cá nhân thiết yếu như kem và bàn chải đánh răng, dầu gội đầu, khăn mặt, khẩu trang, giấy vệ sinh…

5h sáng hàng ngày, nhân viên nhà ăn của bệnh viện đã đi chợ, tận tay lựa thịt cá, rau củ tươi ngon để về chế biến thức ăn, phục vụ ngày 3 bữa tận giường các trường hợp cách ly. Nhà bếp của bệnh viện đổi món liên tục hàng ngày để người ăn đỡ ngán. Các hộ lý sẽ mang đồ ăn đến phát tận giường cho người cách ly ngày 3 bữa vào lúc 7h sáng, 11h trưa và khoảng 17h chiều hàng ngày.

Bệnh viện cũng trang bị bình nước nóng lạnh để phục vụ nước uống. Nếu cần được hỗ trợ, liên hệ với bác sĩ trưởng khoa và điều dưỡng trưởng qua số điện thoại được in dán tại phòng.

Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo.
Một khó khăn không nhỏ mà các bác sĩ, điều dưỡng gặp phải là rào cản ngôn ngữ trong việc  trao đổi, giao tiếp với các trường hợp cách ly là người nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau tên thế giới, nhiều  người không biết ngôn ngữ giao tiếp phổ biến nhất là tiếng Anh. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ, điều dưỡng khi giao tiếp, trao đổi với bệnh nhân đều phải dùng ngôn ngữ ký hiệu hoặc Google dịch.

Một người Thái Lan chuẩn bị dùng cơm trưa tại khu cách ly
Bữa ăn cho người cách ly

Người nước ngoài có khẩu vị và dùng thức ăn khác người Việt Nam. Họ không ăn cơm, mà chỉ ăn Pizza và các loại thức ăn nhanh. Ngày nào Bệnh viện cũng phải cử 4-5 điều dưỡng đi mua đồ ăn thức uống, mua giúp những món mà người cách ly cậy nhờ. Lại có trường hợp của chỉ ăn chay trường. Vì vậy, các điều dưỡng hàng ngày phải đến các quán chay mua thức ăn về cho ông. Nhiều người không có tiền mặt nên các điều dưỡng, bác sĩ bỏ tiền túi ra lo, không để bệnh nhân thiếu thốn...

“Phần lớn những người cách ly đều quý mến các y bác sĩ, nhưng vẫn có một số người tỏ thái độ bất hợp tác, có những đòi hỏi quá đáng, không chấp hành quy định tại khu cách ly. Đó mới là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi”- chị Hoàng Thị Thịnh, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm bày tỏ.

Thức ăn được thay đổi thường xuyên để đảm bảo dinh dưỡng và giúp người ăn ngon miệng

Xung quanh chuyện phục vụ cho những người cách ly, có rất nhiều câu chuyện, nhiều tình huống mà chỉ có những bác sĩ, điều dưỡng tậm tâm, hết lòng vì bệnh nhân mới có thể làm được. 

Như trường hợp ông J, người Đan Mạch, là phi công  của hãng hàng không Jetstar. Ông J từ Hà Nội vào TP Đà Nẵng trên chuyến bay VN185 ngày 5-3, ngồi ghế 2C, gần bệnh nhân số 31 (ngồi ghế 2D). Dù không có triệu chứng nghi ngờ nhưng ông Jensen vẫn bị buộc cách ly tập trung theo quy định do tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh. 

Ngày 10-3, khi vào bệnh viện, ông J.S không chịu ở chung với những người khác mà đòi ở riêng 1 phòng. Bệnh viện phải sắp xếp 1 phòng 6 giường thành phòng “VIP” cho riêng ông này. Ngoài việc phục vụ thức ăn nhanh, cà phê, nửa đêm ông này còn còn đòi phục vụ nước cam pha mật ong. Ông J cũng có nhiều hành vi không  phù hợp tại bệnh viện khiến y bác sĩ rất vất vả, chịu nhiều áp lực.

Một điều dưỡng đang trao đổi bằng Tiếng Anh đối với 2 người nước ngoài vừa vào khu cách ly

Một trường hợp khác là bệnh nhân K (33 tuổi, quê Hà Tĩnh), đã ra nước ngoài trái phép và định cư ở Hàn Quốc được 17 năm. Do có các triệu chứng ho, sốt khi đang sống tại vùng dịch Daegu và không được thăm khám, điều trị nên K. mới về Việt Nam. Anh này cũng đòi ở phòng riêng và được đáp ứng. 

Dù ở khu cách ly tại bệnh viện, nhưng anh này luôn đòi cà phê, thuốc lá. Các điều dưỡng mang cà phê đến cho nhưng không mua thuốc lá vì quy định không được hút thuốc trong bệnh viện. Chỉ vậy nhưng anh này tỏ thái độ hung hăng, xấc xược với cả bác sĩ và điều dưỡng, đồng thời dọa là đang nhiễm HIV. “Là phụ nữ, nhưng chúng em cũng phải rất kìm chế với những bệnh nhân thiếu ý thức, thiếu hợp tác như thế”- chị Thủy, một nhân viên điều dưỡng cho biết.

Lãnh đạo Cục Y tế (Bộ Công an) đã 2 lần đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện 199

Hiểu được tính cách và tâm lý của người bị cách ly, các bác sĩ, điều dưỡng luôn cố gắng mềm dẻo, bỏ nhiều công sức đáp ứng tốt nhất những yêu sách để người cách ly yên tâm cách ly để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho cộng đồng. Nhiều người đã thấy được tấm lòng và sự tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng nên yên tâm, hợp tác.

Như trường hợp chị H (21 tuổi) làm nhân viên viên phục vụ tại nhà hàng Cá Lửa (quận Hải Châu), có bưng bê thức ăn phục vụ khi 2 bệnh nhân người Anh số 22 và 23 đến nhà hàng. Khi nghe được đưa đi cách ly, chị H lo sợ, khóc lóc, lực lượng Công an đến cưỡng chế. 

Sáng 13-3, khi vào đến bệnh viện 199, chị H vẫn khóc và lo lắng. Nhưng các điều dưỡng nữ tại khu cách ly đã tiếp xúc, nhẹ nhàng động viên, giúp chị H bình tĩnh, hợp tác. Trước sự quan tâm chia sẻ của các điều dưỡng, đến trưa cùng ngày, chị đã vui vẻ, bình tâm. 

Chung phòng cách ly với chị H là chị P.T.C (19 tuổi, nhân viên khu vui chơi trúng thưởng dành cho người nước ngoài tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Do đặc điểm công việc, chị C tiếp xúc thường xuyên với nhiều người nước ngoài. Đến ngày 12,13-3, chị C ho và sốt 37,8 độ C. Khi đến thăm khám tại Bệnh viện Đà Nẵng, chị C được xếp vào diện có khả năng lây nhiễm COVID-19 và được đưa sang Bệnh viện 199 cách ly, theo dõi. 

“Khi vào Bệnh viện 199, tôi rất an tâm và thấy thỏa mái vì phòng ốc sạch sẽ, có ti vi để xem, có máy móc thiết bị y tế đầy đủ. Các y bác sĩ thì vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ khi có yêu cầu. Thức ăn bệnh viện cung cấp rất ngon”- chị C cởi mở khi được hỏi chuyện.

Chúc mừng một cô gái xuất viện sau 14 ngày cách ly và kiểm tra âm tính với SARS-CoV-2

Đến nay, hơn 100 trường hợp cách ly, theo dõi phòng ngừa COVID-19 tại Bệnh viện 199 đã xuất viện. Nhiều người bày tỏ sự biết ơn đối với tình cảm và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. “Sự tận tình của các y bác sĩ đã mang cho tôi tình cảm ấm áp như tình cảm gia đình, giúp vơi đi lo lắng về bệnh tật và an tâm điều trị”- Trung tá N.P.Đ, trường hợp vào cách ly đầu tiên tại bệnh viện chia sẻ.

Từ sự vận động của phóng viên Báo CAND, chiều 14-3, Hội doanh nhân và các mạnh thường quân TP Đà Nẵng mà đại diện là ông Phạm Thanh, Tổng Giám đốc khách sạn Đà Nẵng Riverside và ông Lê Văn Long, chủ chuỗi nhà hàng For You đã trao tặng Bệnh viện 199 số tiền 30 triệu đồng và một số nhu yếu phẩm, vật tư y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ông Phạm Thanh trao quà hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho một số bệnh viện, bao gồm Bệnh viện 199

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Sở Y tế TP và Cục Y tế, Bộ Công an đã kiểm tra, đánh giá cao khả năng ứng phó của Bệnh viện 199 đối với dịch SARS-CoV-2. Mới đây, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã đề nghị đưa những trường hợp là người nước ngoài cần cách ly theo dõi về Bệnh viện 199. Đây cũng là sự tín nhiệm của ngành y tế TP Đà Nẵng đối với Bệnh viện 199, nhưng cũng đồng thời đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với các y bác sĩ tham gia phòng chống dịch. Nhưng y bác sĩ Bệnh viện 199 không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm hết sức mình để ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19, góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của cộng đồng.


Thân Lai

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文