Ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73
- Ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73
- Khai mạc trọng thể Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73
Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp: Triển khai thực hiện tha tù có điều kiện theo quy định của pháp luật
Mục đích của công tác thi hành án phạt tù là giáo dục phạm nhân thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Để đạt được mục đích này, trong năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) đã tích cực đổi mới về nội dung, hình thức giáo dục, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, thu phục nhân tâm người phạm tội, tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong phạm nhân, giúp họ giải toả tự ti, mặc cảm, yên tâm phấn đấu, lao động, cải tạo tiến bộ.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. |
Tổng cục đã đổi mới biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân, trong đó, Hội nghị gia đình phạm nhân là hình thức tạo mối quan hệ giữa trại giam với thân nhân gia đình phạm nhân trong việc chung tay giúp đỡ, giáo dục phạm nhân.
Năm 2018, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Công an. Cụ thể, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi Luật Thi hành án hình sự; Luật Đặc xá làm căn cứ pháp lý để thực thi nhiệm vụ.
Trước mắt, tập trung chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện việc tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định của pháp luật. Đề án đã được Chính phủ thông qua. Theo kế hoạch, việc triển khai thực hiện sẽ bắt đầu từ tháng 4-2018.
Hiện nay, đã có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện, Tổng cục VIII đang khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kết hợp với Tổng kết thực tiễn phục vụ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong việc hướng dẫn thực hiện công tác thi hành án hình sự, công tác thi hành tạm giam, tạm giữ. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những thiếu sót, đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trại giam và các cơ sở giam giữ, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục đối với phạm nhân, trại viên, học sinh sao cho đạt hiệu quả cao nhất; đẩy mạnh việc phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành liên quan trong công tác xã hội hoá giáo dục, cải tạo các loại đối tượng. Xây dựng khung giáo dục cải tạo và chế độ, chính sách đối với phạm nhân, trại viên, học sinh theo đúng quy định của pháp luật.
Trước mắt, Tổng cục đang chỉ đạo các đơn vị cơ sở tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các hoạt động đón Tết cho phạm nhân, trại viên, học sinh, từ đó tạo động lực cho phạm nhân, trại viên, học sinh yên tâm tư tưởng, có ý thức quyết tâm phấn đấu lao động, cải tạo.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh: Kiện toàn, nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động Công an cơ sở
Nhằm đảm bảo ANTT của TP Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Công an TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, đã xác định yêu cầu củng cố lực lượng Công an cơ sở là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh. |
Lực lượng Công an cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, trách nhiệm nặng nề trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở; là lực lượng đi sâu sát đến quần chúng nhân dân, am hiểu nhất tình hình ANTT ở địa phương; đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng chức năng khác về giải quyết các vấn đề phức tạp về ANTT nếu có xảy ra.
Năm 2017, Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung khảo sát, phân tích, đánh giá và rút ra một số tồn tại cần chấn chỉnh của lực lượng Công an cơ sở.
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phương pháp làm việc của CBCS gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện thi đua khen thưởng kịp thời, hiệu quả. Tập trung bồi dưỡng trình độ, kiến thức và năng lực đội ngũ cán bộ Công an cơ sở nhằm thực hiện có hiệu quả các mặt công tác Công an.
Năm 2018, để tiếp tục củng cố kiện toàn và nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động lực lượng Công an cơ sở, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, công tác đã phát huy; tập trung triển khai Đề án "Củng cố, kiện toàn và nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an phường, xã, thị trấn" ngay từ đầu năm 2018.
Trong đó, trọng tâm là chấn chỉnh có chiều sâu công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình, củng cố các quy định, quy chế, quy trình công tác gắn với cải cách hành chính mạnh mẽ bảo đảm cho lực lượng cơ sở tập trung vào công tác nghiệp vụ; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng.
Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, chính trị, xã hội ứng dụng khoa học cho lực lượng cơ sở. Tiếp tục triển khai việc bố trí lực lượng Công an chính quy về làm Trưởng, phó Công an xã, và Cảnh sát khu vực tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT trên địa bàn thành phố.
Xác định rõ những việc chính của lực lượng Công an và những việc thuộc trách nhiệm của các ban ngành đoàn thể, không phải của Công an để giảm tải áp lực cho lực lượng Công an tập trung vào chuyên môn và hàng năm quận, huyện uỷ, Đảng uỷ phường xã phải có nghị quyết lãnh đạo về ANTT tại địa phương mình.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT: Nỗ lực hết sức để giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí
Năm 2017, Lực lượng CSGT đã phát huy được vai trò nòng cốt, chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, các cấp huy động quần chúng tham gia công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; đổi mới thực hiện các đợt cao điểm lớn trong toàn quốc, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để bảo đảm TTATGT và đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý các chuyên đề vi phạm nổi lên.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT. |
Đặc biệt, đã sử dụng các phương tiện thiết bị nghiệp vụ hiện đại để phục vụ công tác (đưa vào khai thác hệ thống giám sát tuyến Quốc lộ 1 Nghệ An – Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh – Đồng Nai) đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nổi bật trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTTAGT – TTXH và dẫn đoàn phục vụ Năm APEC 2017, đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng; chủ động xây dựng các Phương án bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường cho các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển để phòng chống, xử lý kịp thời các vụ tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, biểu tình... được lãnh đạo Bộ, Giám đốc Công an các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Với những nỗ lực trên, tình hình TTATGT - TTXH cơ bản được bảo đảm, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí giảm 6,32% số vụ, giảm 4,33%, người chết, giảm 10,81% người bị thương; công tác nghiệp vụ cơ bản được chủ động nên hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác được nâng lên, góp phần tích cực trong công tác giữ gìn TTATXH.
Năm 2017, nổi lên tình hình phức tạp tại các trạm BOT, lực lượng CSGT đã chủ động xây dựng các Phương án bảo đảm TTATGT, phối hợp với lực lượng chức năng để triển khai thực hiện khi xảy ra tình hình mất an ninh, trật tự tại Trạm BOT; đề nghị rà soát lại toàn bộ vị trí đặt Trạm BOT để điều chỉnh cho phù hợp; phối hợp với các lực lượng chức năng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa và tổ chức phân luồng giao thông, đề nghị “xả trạm” khi có ùn tắc giao thông nghiêm trọng...
Năm 2018, lực lượng CSGT tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Công an các địa phương; đề ra các giải pháp phù hợp đảm bảo TTATGT; đổi mới công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; quản lý chặt chẽ cán bộ, kịp thời động viên, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ sai phạm; coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác của lực lượng CSGT để tăng năng suất lao động, hiện đại hóa công tác, đổi mới tư duy, tác phong làm việc; quyết tâm làm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn...
Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang: Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới
Trong năm 2017, Campuchia tổ chức bầu cử cấp xã, phường nên khá đông người người Việt sống ở biên giới, Việt Kiều Campuchia về nước bằng các con đường khác nhau. Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh, trật tự chung và hỗ trợ cuộc sống cho những người này hết sức quan trọng.
Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang. |
Công an An Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh các kế hoạch phương án để tiếp nhận, hỗ trợ đảm bảo cuộc sống cho họ. Bên cạnh đó, đã tăng cường nắm tình hình, thực hiện đối sách của Chính phủ về đối ngoại và chỉ đạo của Bộ Công an đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trên địa bàn, có một số tổ chức phản động đã lôi kéo, câu móc với một số đối tượng xấu, tuyên truyền cách thức chống phá nhà nước và các biện pháp phá hoại. Công an An Giang đã làm tốt công tác nắm tình hình hình, phối hợp với lực lượng an ninh để đấu tranh, triệt phá.
Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội được tăng cường, mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trong đó tập trung đấu tranh triệt xóa các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự.
Công an An Giang phối hợp với Bộ đội biên phòng, Quân sự, các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biên giới Quốc gia, quy chế biên giới. Bên cạnh đó, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới, cửa khẩu.
Ngay từ đầu năm 2018, Công an An Giang đã có kế hoạch tăng cường nắm tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức phản động, các đối tượng chống phá Nhà nước.
Bên cạnh đó, Công an An Giang xác định tình hình buôn lậu vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là buôn lậu đường, thuốc lá... nên đã có kế hoạch rà soát, đánh giá các đường dây, tổ chức buôn lậu, quyết tâm làm đấu tranh, ngăn chặn làm giảm tình hình buôn lậu trên địa bàn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre: Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, bảo đảm an ninh, trật tự từ cơ sở
Năm 2017, Công an tỉnh Bến Tre đã quán triệt tinh thần "Năm công tác cán bộ", năm "Đổi mới" các mặt công tác theo chỉ đạo của Bộ Công an và "Năm hành động" do Tỉnh ủy Bến Tre phát động.
Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã chủ động nắm chắc, dự báo tình hình, các công việc trọng tâm, cụ thể hóa thành 105 đầu công việc để xây dựng kế hoạch, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp có hiệu quả với các đơn vị chức năng Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương để giải quyết tình hình, giữ vững ANTT ngay từ cơ sở.
Tổng kết phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" năm 2017, Công an tỉnh được Cụm thi đua suy tôn, đề nghị Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre |
Công an tỉnh đã bố trí cán bộ sát người, sát việc với từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách, phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn trọng điểm, nhất là với lực lượng chiến đấu và Công an cơ sở theo hướng cơ động, phản ứng nhanh, tạo thế trận liên hoàn, khép kín trong công tác phòng, chống tội phạm.
Khi có vụ việc xảy ra, thông tin được chuyển ngay đến hơn 20 chốt và về Trung tâm chỉ huy để điều hành, đảm bảo cơ chế thông tin về tội phạm thông suốt, nhanh chóng, kịp thời, huy động các lực lượng, các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện... để truy bắt tội phạm theo "dấu vết nóng".
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng đến tận cơ sở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 75 loại mô hình đang triển khai thực hiện, trong đó có 14 mô hình thực sự nổi bật, hoạt động hiệu quả được nhân rộng như mô hình: Camera an ninh; Tiếng loa an ninh; Xóm đạo bình yên; Câu lạc bộ hướng thiện; Câu lạc bộ cơ sở kinh doanh lưu trú an toàn về ANTT; Cổng rào nhân dân tự phòng, tự quản về ANTT...
Công an tỉnh đã tập trung quyết liệt cho công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về về trật tự, an toàn xã hội và đề nghị Bộ Công an đưa một số xã, thị trấn ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội... giữ bình yên vùng xứ Dừa Bến Tre.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định: Đổi mới sáng tạo trong các mặt công tác, giữ bình yên mảnh đất Nam Trung Bộ
Phát huy truyền thống đơn vị được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, ngay từ đầu năm 2017, Công an tỉnh Bình Định đã đổi mới nhiều mặt công tác, giữ bình yên vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ. Năm 2017, Tổng kết phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" (ANTQ) năm 2017, Công an tỉnh Bình Định được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định |
Ngay từ đầu năm 2017, để phong trào thi đua luôn giữ được khí thế sôi nổi, thường xuyên, Công an tỉnh xác định rõ nhiệm vụ công tác trọng tâm từng thời điểm cụ thể và tổ chức phát động 4 đợt thi đua. Kết thúc mỗi đợt thi đua, Công an tỉnh đều có sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới.
Thường xuyên đánh giá, theo dõi, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện các tiêu chí thi đua và nội dung thi đua đã đăng ký nhằm phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.
Từng đồng chí cấp uỷ, lãnh đạo luôn là người gương mẫu, đi đầu trong phong trào thi đua, tích cực hưởng ứng các đợt thi đua gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với các Cuộc vận động, phong trào thi đua do Bộ Công an và các cấp phát động...
Nhờ việc tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì ANTQ” nên trong năm qua tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh Bình Định được giữ vững. Lực lượng Công an tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết tốt tình hình ANTT, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh ở địa phương. Đã tập trung xây dựng, tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Đến nay toàn tỉnh có 131 mô hình, điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả; trong năm 2017, xây dựng mới 17 mô hình, đang nhân rộng 14 mô hình...
Công an tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình một số địa bàn trọng điểm về tình hình ANTT để phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tích cực tham gia giải quyết tốt tình hình ANTT ngay tại cơ sở, gắn với thực hiện phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Trong năm 2017, phong trào thi đua "Vì ANTQ" và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của Công an tỉnh Bình Định được duy trì thường xuyên và có nhiều đổi mới, phát triển nên đạt được nhiều kết quả tích cực, thực sự trở thành động lực để mỗi tập thể và cá nhân phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam: Nỗ lực giữ bình yên vùng đất có 2 Di sản thế giới
Năm 2017 là năm ghi dấu ấn đậm nét trong công tác đảm bảo ANTT của Công an tỉnh Quảng Nam. Nổi bật nhất là Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh, trật tự lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam; lễ hội Festival di sản văn hóa Quảng Nam và đặc biệt đã tập trung bảo vệ an toàn các hoạt động tuần lễ cấp cao APEC, các hội nghị trong khuôn khổ hội nghị APEC năm 2017 diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, được Chính phủ, Bộ Công an, các ban, bộ, ngành và khách quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Lượng khách quốc tế đến địa bàn tăng, Công an tỉnh đã nỗ lực giữ bình yên vùng đất có 2 Di sản thế giới ( Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn). Tổng kết phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" năm 2017, Công an tỉnh được đề nghị Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam. |
Phát huy thành tích đạt được qua 20 năm xây dựng, trưởng thành ( ngày 1-1-1997 Công an tỉnh Quảng Nam được chia tách từ Công an Quảng Nam – Đà Nẵng), cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn của những năm đầu tái lập, xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt.
Công an tỉnh Quảng Nam đã làm tốt công tác tham mưu giúp Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đã phối hợp với các ban, ngành và chính quyền các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền có chính sách phù hợp, giải quyết kịp thời những khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, đất đai phục vụ các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Công an tỉnh đã tổ chức có hiệu quả hoạt động đối ngoại, phối hợp với Sở an ninh tỉnh Sê Kông (Lào) trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tuyến biên giới. Đã phối hợp tổ chức giao ban thường niên giữa Công an hai tỉnh và tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017”; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thuộc Sở An ninh tỉnh bạn.
Đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở 2 đợt tấn công trấn áp tội phạm, giữ gìn TTATXH và 4 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm theo chuyên đề, nhờ đó tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Đến nay, tại Quảng Nam có 73 loại với 2.283 mô hình điển hình, riêng trong năm 2017 xây dựng mới 7 loại với 175 mô hình tại 41 xã, phường, thị trấn; nhân rộng 102 mô hình tại 73 xã, phường, thị trấn; củng cố 40 mô hình tại 8 xã. Các mô hình đem lại hiệu quả, góp phần vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đó là: mô hình “Tiếng loa an ninh” của xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, “Đội dân phòng” tại các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Điện Bàn; “Ánh sáng đường thôn” xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, “Giáo xứ bình yên” tại thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình, “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin” của Tỉnh đoàn ...
Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi:
5 giải pháp trọng tâm đảm bảo ANTT trên địa bàn
Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong từng giai đoạn; quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, thời gian qua Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai đồng bộ các lực lượng, phương tiện, biện pháp với mục tiêu, yêu cầu cao nhất là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự trong mọi tình huống.
Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi. |
Công an Quảng Ngãi đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng triển khai nhiều phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự, các mục tiêu, tuyến, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm, nổi bật là đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ triển khai các dự án trọng điểm như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất...; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện quan trọng, trọng tâm là chuỗi sự kiện Năm APEC 2017.
Chủ động công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt, đã chú trọng tổ chức kiểm tra, hướng dẫ việc thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, hồ sơ nghiệp vụ.
Liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đã triệt xoá nhiều ổ, nhóm tội phạm, không có băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Công tác quản lý nhà nước về ANTT được tăng cường, nhất là quản lí xuất nhập cảnh, cư trú; công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATHT được đẩy mạnh, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Năm 2018, Công an Quảng Ngãi đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm, trong đó, làm tốt công tác tham mưu; nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình. Tập trung đảm bảo an ninh xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lí hoạt động lợi dụng khiếu nại tố cáo để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và Nhân dân. Tiếp tục tranh thủ, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và trong tôn giáo tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước về ANTT. Đẩy mạnh tấn công trấn áp, xử lí nghiêm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành và phát triển tội phạm có tính chất “xã hội đen”, “có tổ chức” trên địa bàn. Chủ động tham mưu, ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động đến địa phương.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Triển khai kế hoạch “Tập trung thực hiện công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người và giải quyết tình hình ANTT tại địa bàn cơ sở”. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa bàn giáp ranh trong công tác đảm bảo ANTT tại địa phương...
Cục B31 Tổng cục V: Phát huy thành tích đơn vị được Chính phủ tặng Cờ thi đua, nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược
Tham dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, đồng chí Cục trưởng Cục B31, Tổng cục V Bộ Công an đã trao đổi với các đại biểu về một số kinh nghiệm hay, cách làm mới, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục V trong chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Cục B31 là đơn vị có bề dày truyền thống, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2013. Tổng kết phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc năm 2017", thêm một lần nữa, đơn vị được Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Công an suy tôn, đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Đó chính là sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tổng cục V và các bộ, ban, ngành..., kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị gìn giữ và phát huy truyền thống, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Việc xử lý thông tin và tham mưu chiến lược đòi hỏi phải có sự nhạy bén chính trị và tính chủ động tác chiến cao. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, chưa kể thông tin mạng bùng nổ, đa chiều, chứa cả những thông tin nhiễu loạn, đòi hỏi cán bộ của đơn vị phải tỉnh táo gạn lọc, xử lý tin nhanh, đảm bảo chính xác, để kịp thời có những đánh giá, dự báo và đề xuất, kiến nghị giúp lãnh đạo Tổng cục V làm tốt công tác tham mưu chiến lược phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định và triển khai có hiệu quả đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại, giữ vững sự ổn định chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các biện pháp, phương án đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động. Bên cạnh đó, Cục B31 còn làm tốt vai trò trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, tăng cường sự phối hợp với các bộ, ban, ngành và các đơn vị nghiệp vụ liên quan để trao đổi thông tin, tình hình, đề xuất các chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.
Để có được những kết quả nêu trên, Cục B31 đã triển khai công tác với phương châm " Đổi mới tư duy nghiệp vụ, đổi mới tổ chức, đổi mới lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo chỉ huy" đảm bảo tính “chủ động, chuyên sâu, hiệu quả”. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, bảo vệ nội bộ cũng luôn được chú trọng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tham mưu chiến lược trong tình hình mới.
Tìm hiểu được biết, ở một đơn vị có khối lượng công việc lớn như Cục B31, trong khi tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 3/4, cán bộ nữ chiếm 1/3 quân số, lãnh đạo đơn vị đã phải luôn phát huy vai trò hạt nhân, gương mẫu, truyền đạt kinh nghiệm, sát cánh với anh em trong mọi công việc.
Ngoài đào tạo chính khóa, đơn vị còn chủ động mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại chỗ định kỳ, mời chuyên gia về các lĩnh vực báo cáo chuyên đề với cán bộ, chiến sỹ.
Lãnh đạo đơn vị đều đặt ra yêu cầu chất lượng rất khắt khe, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ ngoài kiến thức nghiệp vụ cơ bản phải chủ động nâng cao kiến thức, trau dồi nghiệp vụ, đảm đương được mọi nhiệm vụ được cấp trên giao. Tất cả những yêu cầu đó đều được cán bộ, chiến sỹ đáp ứng, tạo nên thương hiệu riêng cho Cục B31 trong Tổng cục V, ghi dấu ấn qua từng chiến công thầm lặng.
Với những kết quả nổi bật nêu trên, Cục B31 đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (2009), Huân chương Quân công hạng Nhất (2001), Huân chương Lao động hạng Ba (2004), Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2014), Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp, ban, bộ, ngành khen thưởng....