Ấm lòng hình ảnh CBCS Công an Nam Định chạy đua với nước lũ, nỗ lực cứu dân
“Sẵn sàng chạy đua với nước lũ, nỗ lực cứu dân” - là trạng thái thường trực chiến đấu của các lực lượng và Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh Nam Định từ ngày 7 - 12/9.
Dẫu đã xuyên đêm di dân, đắp đê ngăn lũ song Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh vẫn đang thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng" triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.
Từ ngày 6 - 12/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục có mưa. Ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), của triều cường, kết hợp các hồ chứa phía thượng lưu xả lũ, mực nước trên các tuyến sông Đào, sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy liên tục tăng cao, vượt báo động 3. Hệ thống đê bối ở 7/9 huyện, thành phố bị nước tràn qua, nhiều nơi ở tỉnh Nam Định bị ngập lụt nặng nề. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đến 7h sáng 12/9, tỉnh Nam Định đã di dời gần 13.700 người dân khỏi vùng nguy hiểm, ngập lụt thuộc TP Nam Định và các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng.
Đồng hành cùng nhân dân khẩn trương ứng phó bão Yagi, chứng kiến hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu rồi nhà cửa, tài sản của bà con chìm dần trong nước lũ… trái tim những người chiến sĩ Công an Nam Định thêm quặn thắt, thêm quyết tâm, nỗ lực chạy đua với nước lũ; xuyên đêm di dân, đắp đê ngăn lũ nhằm giảm thiệt hại cho nhân dân ở mức thấp nhất.
Nam Định có hơn 300km đê sông, để đảm bảo an toàn đê điều, lực lượng Công an, quân đội cùng người dân đóng hàng vạn bao cát chuẩn bị hộ đê và túc trực theo dõi sát tình hình mưa lũ.
Đại tá Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định nhấn mạnh tầm quan trọng của việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bao gồm cả những hộ có nhà kiên cố và chỉ đạo sẵn sàng cưỡng chế nếu cần thiết.
Để chủ động khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, đồng chí Giám đốc chỉ đạo toàn diện và trực tiếp chỉ đạo địa bàn huyện Nam Trực theo phân công của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; đồng thời phân công các đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác ứng phó với tình hình mưa lũ tại thành phố Nam Định và các huyện còn lại trong tỉnh.
Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được phân công theo dõi các huyện, thành phố trực tiếp xuống địa bàn để phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ. Từ 19h30' ngày 11/9, Công an các đơn vị, địa phương trực 100% quân số để phòng, chống mưa lũ cho đến khi có chỉ đạo mới.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CSGT, Cảnh sát trật tự và lực lượng Công an TP Nam Định, Công an 8 huyện đã đồng thời phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ: Dùng phương tiện chuyên dụng hỗ trợ người dân và đảm bảo giao thông tại các khu vực ngập lụt; phối hợp di dời người dân, tài sản ở các vùng trũng thấp đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp hộ đê xung yếu.
Lực lượng Công an, Quân sự và chính quyền địa phương ngâm mình trong nước nhiều giờ đồng hồ trong nhiều ngày, vào sâu trong các ngõ nhỏ, dùng thuyền để di dời người dân và tài sản đến nơi tránh lũ an toàn. Chính quyền và lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ nhu yếu phẩm và y tế khi cần thiết.
Tại địa bàn TP Nam Định, lực lượng Công an thành phố đã tập trung toàn lực phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự thành phố và lực lượng dân quân xã Mỹ Tân, phường Lộc Hạ đóng hơn 10.000 bao cát chuẩn bị hộ đê và túc trực theo dõi sát tình hình mưa lũ để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh. Đến 18h ngày 10/9 xã Mỹ Tân đã sơ tán hơn 1.650 người già và trẻ em ở vùng bối vào nơi an toàn. Ngày 11 và 12/9, lực lượng chức năng tiếp tục di dời toàn bộ người dân đang sinh sống tại vùng bối khi có tình huống phát sinh.
Tại huyện Ý Yên, Công an huyện đã nỗ lực phối hợp cùng chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân toàn lực tập trung gia cố những đoạn đê xung yếu. Với phương châm “4 tại chỗ”, mỗi gia đình chuẩn bị tối thiểu 2 bao đất hoặc cát, cọc tre để gia cố những đoạn đê xung yếu. Sau nhiều giờ được gia cố, các tuyến đê đã cơ bản an toàn. Tuy nhiên, khoảng 9h30' sáng ngày 11/9, nước lũ dâng cao đã tràn qua mặt đê bối. Chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân đã khẩn trương tiến hành gia cố, xử lý hơn 200m vị trí đê bối bị rò và tràn; đồng thời tiến hành di dời hơn 300 hộ dân huyện Ý Yên cùng tài sản đến nơi an toàn.
Tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản: Mực nước lũ cũng dâng cao gây tràn đê bối cục bộ, rò rỉ, thẩm lậu gây nguy cơ sạt lở. Để ứng phó, lực lượng Công an đã phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền và người dân gia cố các điểm nguy cơ tràn bằng bao tải cát, cọc tre, bạt và di dời dân đến nơi an toàn.
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp đến kiểm tra công tác khắc phục, xử lý ảnh hưởng của mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 tại những khu vực xung yếu của các huyện và thành phố Nam Định. Xúc động khi biết có nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội có gia đình, người thân trong diện phải di dời đến nơi tránh trú an toàn nhưng vẫn kiên định bám sát nhiệm vụ, tận tâm hỗ trợ di dân cùng tài sản ra khỏi vùng ngập lụt. Có những tình huống khẩn cấp, chỉ kịp ăn uống qua loa, các lực lượng vũ trang lại khẩn trương triển khai nhiệm vụ.
Các đồng chí ghi nhận, biểu dương chính quyền, lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân đã không quản khó khăn, vất vả, luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường của thời tiết. Trong bão lũ, luôn thắm tình quân - dân và ngời sáng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an, Quân đội “Vì Nhân dân phục vụ”, “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”.
Song hành cùng lực lượng Công an cấp huyện, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh luôn sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Phòng CSGT vừa đảm bảo thông suốt giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt trong điều kiện mưa lũ sau bão số 3 vừa thực thi vai trò là Đội xung kích phòng, chống lụt bão của Công an tỉnh.
Từ ngày 10/9, Đội xung kích phòng, chống lụt bão của Công an tỉnh đã tăng cường 40 đồng chí, chia 2 tổ tăng cường sang phường Nam Phong, TP Nam Định nỗ lực cùng lực lượng Công an thành phố và chính quyền địa phương di dời dân và tài sản ở vùng nguy hiểm, ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn.
Sáng ngày 11/9, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lũ lụt tại khu vực cầu Tân Đệ, xã Mỹ Tân, TP Nam Định, Tổ công tác Cảnh sát đường thủy đã phối hợp cùng một số tàu thuyền địa phương cứu giúp kịp thời một gia đình 3 người trên bè cá trôi dạt trên sông Hồng, trong điều kiện nước lũ dâng cao, cuồn cuộn chảy. Nếu không được kịp thời cứu giúp, 3 người dân cùng bè cá sẽ bị lũ cuốn trôi dạt ra biển.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã cử hàng trăm lượt CBCS cùng 3 xe ô tô, 4 xuồng máy hỗ trợ di dời dân và tài sản tại phường Nam Phong, TP Nam Định và tại huyện Xuân Trường.
Phòng Tổ chức cán bộ theo sát tình hình phòng, chống mưa lũ tại các đơn vị và phối hợp tham mưu Giám đốc Công an tỉnh có phương án tăng cường lực lượng cho Công an các huyện xung yếu. Ngay trong đêm 11/9, những CBCS thuộc Đội xung kích phòng, chống lụt bão Công an tỉnh được tăng cường cho Công an thành phố và các huyện xung yếu.
Chiều cùng ngày, Phòng Hậu cần đã chuẩn bị xong phương tiện, trang thiết bị cũng như lương thực, thực phẩm phục vụ công tác tăng cường. Trước đó, Phòng Hậu cần đã triển khai phương án bảo quản tài sản, bảo vệ trụ sở cơ quan, đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết phục vụ công tác chạy đua với mưa lũ của các đơn vị Công an trong tỉnh.
Ngày hôm nay, 14/9 toàn lực lượng Công an Nam Định vẫn đang tiếp tục ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, vừa bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn, vừa kịp thời ứng cứu, hỗ trợ nhân dân. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm cho người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.