Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Một chính sách cần thiết và nhân văn

Bài 2: Lao động có vai trò rất quan trọng trong cải tạo phạm nhân

09:05 01/06/2022

Sau khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã rút, điều chuyển phạm nhân về các trại giam để tổ chức quản lý giam giữ và bố trí lao động, đồng thời thực hiện thanh lý các hợp đồng đối với các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác. Việc rút phạm nhân, xoá bỏ các điểm lao động, dạy nghề hợp tác ngoài trại giam từ năm 2019 đến nay đã tác động không nhỏ đến khả năng tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam.

Trong khi đó, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Hầu hết các trại giam lại đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn cho việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân. Chính vì vậy, yêu cầu phải tìm việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp cho phạm nhân là yêu cầu bức thiết đối với công tác giáo dục, cải tạo để họ làm lại cuộc đời.

Vi phạm gia tăng vì không có lao động

Là những người gắn bó với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, hơn ai hết, các cán bộ trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam hiểu rõ giá trị của lao động đối với giáo dục, cải tạo con người. “Lao động không chỉ giúp các phạm nhân hiểu được giá trị của cuộc sống, phấn đấu, cải tạo mà còn giúp họ hướng thiện, vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc đời” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD), Bộ Công an cho biết.

Cũng chính vì vậy, trong những năm qua, chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất của công tác giáo dục, cải tạo người lầm lỗi, giáo dục, giúp họ chuyển biến nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi để phấn đấu, cải tạo tiến bộ. Làm được điều đó, ngoài giáo dục chính trị, văn hoá thì giáo dục dạy nghề để tạo công ăn, việc làm cho họ khi trở về cộng đồng có việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, gia đình, phòng ngừa tái phạm là công tác rất quan trọng và thiết yếu.

Phạm nhân lao động tại khu liên kết giữa Trại giam Hoàng Tiến với Công ty Gốm Mỹ. Ảnh chụp năm 2019

“Các cụ dạy rằng “nhàn cư vi bất thiện”, điều đó rất đúng, đặc biệt đúng đối với công tác quản lý trại giam vì nếu không có lao động thì các phạm nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. “Nghề” quản lý phạm nhân của chúng tôi sợ nhất là những ngày nghỉ vì phạm nhân rảnh rỗi, không lao động, học tập, ăn ở tập trung sẽ rất dễ xảy ra va chạm, xích mích, vi phạm kỷ luật. Nhiều khi chỉ vì tranh nhau đánh răng trước hoặc đợi nhau đi vệ sinh cũng có thể mâu thuẫn, thậm chí đánh, cãi nhau, ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết.

Được biết, hiện nay, theo quy định thì phòng giam phải đạt tiêu chuẩn 2m2/ phạm nhân; mỗi buồng giam 50m2 hoặc 100 m2. Như vậy, mỗi buồng giam có 25 phạm nhân (bằng 1 đội phạm nhân) hoặc 50 phạm nhân (bằng 2 đội phạm nhân). Với số người ở tập trung đông như vậy, nhu cầu sử dụng nước, vệ sinh cá nhân rất lớn, đặc biệt là mùa hè nóng bức thì nhu cầu này tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, nếu phạm nhân không có việc làm, ăn ở tập trung sẽ nảy sinh nhiều phức tạp. Thực tế cho thấy, trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách để phòng, chống COVID-19, các phạm nhân không có việc làm thì vi phạm nội quy tăng lên rõ rệt.

“Không đi làm, các phạm nhân nghĩ ra đủ các trò để “giết” thời gian, thậm chí cả cá cược, cờ bạc. Ví dụ, họ cá cược nhau xem cán bộ vào phòng thì bước chân phải hay chân trái trước; cán bộ sẽ gọi đội nào trước… Những việc này tưởng rất vu vơ, vô thưởng vô phạt nhưng lại là nguồn cơn của không ít mâu thuẫn, tiềm ẩn phức tạp, vi phạm quy định trại giam, mất ANTT” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết.

Đại tá Phạm Văn Nghị, Giám thị Trại giam Thanh Phong chia sẻ, trong đợt dịch vừa qua, do giãn cách xã hội, phương tiện của các doanh nghiệp không đi lại được, hàng hoá không tiêu thụ được dẫn đến không có việc làm, có thời điểm các phạm nhân phải nghỉ cả tháng trời. Để giảm bớt áp lực giam giữ, đảm bảo sức khoẻ cho phạm nhân, trại giam phải tổ chức cho họ đi nhổ cỏ, quét dọn khuôn viên trại giam, thậm chí tạo điều kiện để các phạm nhân đi bộ trong khu vực trại, tránh việc giam giữ lâu gây phức tạp.

Nhiều khó khăn trong tổ chức dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho phạm nhân

Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm việc làm, phối hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho các phạm nhân nhưng công tác hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, các doanh nghiệp không muốn đầu tư sản xuất vào các trại giam vì lợi nhuận thu lại không cao.

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì phạm nhân có quyền được lao động, học tập, học nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn vì các trại giam ở xa trung tâm kinh tế, chính trị của các địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển.

Mặc dù pháp luật cho phép trại giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà xưởng lao động, dạy nghề trên đất trại giam quản lý. Tuy nhiên, việc sử dụng đất phải chặt chẽ, bảo đảm nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản lý đất đai là các trại giam. Vì trại giam là đất an ninh – quốc phòng nên khi Bộ Công an có quyết định thu hồi, xoá bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro, thiệt hại về giá trị tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức, cá nhân hợp tác phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt hại về kinh tế, dẫn đến các tổ chức, cá nhân ngần ngại xem xét đầu tư hoặc khó thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm ngành nghề có tính chất lâu dài với trại giam.

Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng trước khi mời gọi tổ chức, cá nhân hợp tác cũng tăng chi phí đầu tư của Nhà nước, Bộ Công an, trong khi nguồn nhân lực tài chính để tổ chức, đầu tư cho hoạt động tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề chỉ được bố trí, khai thác từ nguồn kết quả phạm nhân hàng năm với giá trị nguồn vốn hạn hẹp, rất ít so với yêu cầu đầu tư tổng thể diện tích xưởng lao động, dạy nghề cho các trại giam thuộc Bộ Công an.

Các ngành nghề lao động hiện nay của phạm nhân cơ bản là lao động chân tay như sơ chế rau xanh, thủ công, nông nghiệp, chăn nuôi… nên yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp, thời gian hợp tác thường ngắn, theo từng năm. Một số ít trại giam tìm kiếm, bố trí, tổ chức loại hình lao động về may mặc, bao bì nhưng quy mô nhỏ. Các nghề lao động kỹ thuật cao không có điều kiện để đào tạo, nâng cao trình độ nên lao động của phạm nhân trong trại giam không phản ánh sát với yêu cầu trình độ lao động của thị trường, làm giảm hiệu quả của tái hoà nhập cộng đồng.

Nghị quyết được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam

Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết, mục đích của việc xây dựng Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm tạo cơ sở thống nhất để tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong vấn đề này; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân; giúp phạm nhân được hướng nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề, được thụ hưởng các thành quả lao động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đó là đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo. Nói về phương án đảm bảo an ninh, an toàn khu lao động ngoài trại giam, Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết, phương án an ninh, an toàn cho khu lao động ngoài trại giam được tính toán chặt chẽ từ trình tự thủ tục, kế hoạch tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp cho phạm nhân. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng khu quản lý, giam giữ, công trình làm việc của CBCS, nhà xưởng nơi phạm nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây chuyền tổ chức lao động, các điều kiện đảm bảo việc bố trí quản lý giam giữ, vệ sinh an toàn cháy nổ, vệ sinh lao động… theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi ký kết hợp tác, các doanh nghiệp phải bàn giao cho trại giam toàn bộ cơ sở hạ tầng để trại giam quản lý, sử dụng khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thời gian hợp tác. CBCS trại giam trực tiếp giám sát và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp ngoài trại giam cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Phải đảm bảo có nơi cư trú rõ ràng, có tư tưởng ổn định, chấp hành nghiêm nội quy giam giữ, kết quả cải tạo khá, tốt từ 3 kỳ xếp loại trở lên.

“Dự thảo Nghị quyết cũng đã nêu rất rõ Viện KSND cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện nhấn mạnh.

Là phạm nhân đang thi hành án ở Trại giam Đắk Tân (Đắk Lắk), qua nghe truyền hình và đọc báo, Nguyễn Thanh Văn, SN 1977, trú ở TP Buôn Ma Thuột biết tin Quốc hội đang thảo luận về chính sách cho phạm nhân ra ngoài học tập, lao động, cải tạo nên mừng lắm. Văn bị án phạt 28 năm vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hiện nay đã chấp hành được hơn 12 năm rất mong chờ được ra lao động. “Chúng tôi luôn nỗ lực chấp hành án tốt nhất để về với xã hội. Bản thân tôi nhờ cải tạo tốt nên được bầu làm đội trưởng đội tự quản phạm nhân. Nếu được ra ngoài làm thì chúng tôi có cơ hội được học và làm nghề phù hợp với xã hội, được trả công để bồi dưỡng thêm, được trích quỹ để sau khi về nhà có chút tiền trang trải cuộc sống trước mắt”- phạm nhân Văn cho biết.

Phạm nhân này cũng cho biết thêm, bản thân luôn chấp hành nghiêm và thường xuyên vận động các phạm nhân khác cũng chấp hành nghiêm quy định của Trại. Phạm nhân khẳng định: “Nếu chấp hành đúng nội quy, quy định, học tập, lao động nghiêm túc, chúng tôi mới được xếp loại khá, tốt, mới được giảm án để sớm trở về. Chính vì vậy, dù lao động ở trong trại hay ngoài trại thì chúng tôi đều luôn nỗ lực để sớm được hưởng khoan hồng”.

Phương Thuỷ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文