Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Một chính sách cần thiết và nhân văn

Bài cuối: Đồng thuận, ủng hộ để giúp phạm nhân có thêm cơ hội làm lại cuộc đời

06:20 04/06/2022

Với mong muốn đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục, công tác cải tạo phạm nhân, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời, các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương và chính những người đang phải trả giá cho những lỗi lầm của mình đều đồng thuận, ủng hộ Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư

Là đại biểu Quốc hội khoá XIV, từng tham gia thảo luận, nhấn nút thông qua Luật Thi hành án hình sự năm 2019, đại biểu Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự tiếc nuối khi thời điểm đó, điều khoản về cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam không được thông qua.

“Là cán bộ công tác trong ngành tư pháp, tôi thấy chủ trương này rất đúng đắn, thể hiện được sự nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Chúng ta đều biết rằng, phạm nhân cải tạo xong về xã hội nếu không có kế sinh nhai thì rất dễ tái phạm tội. Trong khi đó, đa phần phạm nhân đang trong độ tuổi lao động, lao động ngoài việc giúp họ đảm đương cuộc sống của mình sau này, còn giúp họ có ý chí, nghị lực vươn lên, trở nên lương thiện, sống tốt hơn” – ông Mai Khanh cho biết.

Đại biểu cũng cho rằng, trước đây do công tác chuẩn bị chưa kỹ nên nhiều đại biểu hiểu chưa đúng ý nghĩa của nội dung này; có đại biểu băn khoăn lao động tạo ra của cải vật chất sử dụng thế nào hiệu quả, môi trường lao động như thế nào, công tác bảo đảm an ninh ra sao. “Dự thảo lần này đã giải quyết được các khúc mắc đó. Tôi đề nghị, sau khi được đào tạo, dạy nghề, phạm nhân được cấp giấy chứng nhận để sau khi về cộng đồng có điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống” – đại biểu kiến nghị.  

Là người nghiên cứu khá kỹ các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước ta về công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng khẳng định, việc tổ chức lao động cho phạm nhân cũng như từng bước xã hội hoá một số công việc của thi hành án, là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.

Ông Nguyễn Công Hồng dẫn chứng, ngay từ năm 1961, tại Chỉ thị 13 của Ban Chấp hành Trung ương nói về vấn đề giáo dục, cải tạo phải có lao động cho phạm nhân. Cũng trong năm 1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 49 và có Thông tư của Thủ tướng Chính phủ nói về giáo dục, cải tạo phạm nhân, trong đó có nội dung phải có trách nhiệm tổ chức lao động cho phạm nhân.

“Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề tổ chức lao động cho phạm nhân đã trở thành một trong những nội dung bắt buộc trong giáo dục, cải tạo đối với phạm nhân. Điều này đã thể hiện trong Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1983” – ông Nguyễn Công Hồng khẳng định, đồng thời cho rằng, phạm nhân có trách nhiệm lao động nhưng cũng có quyền lao động. Nhà nước có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ này cho họ.

“Đề ra lao động là nghĩa vụ bắt buộc thì phải tổ chức cho họ lao động. Tôi được biết Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng cố gắng tìm việc cho phạm nhân lao động. Có nhiều trại giam đã tổ chức tốt cho phạm nhân lao động nhưng nhiều trại ít có điều kiện tổ chức lao động vì phạm vi nhỏ hẹp, xa khu dân cư. Hình thức lao động chủ yếu là đan lát, nông nghiệp” – ông Nguyễn Công Hồng chia sẻ và cho biết, để phạm nhân được lao động, tiếp cận được với xã hội là phải tìm cách “may đo” chứ không phải “may sẵn”. Nghĩa là hướng nghiệp cho họ phù hợp với xã hội thì khi họ trở về cộng đồng mới dễ tìm công việc hơn, khả năng tái phạm tội ít hơn.

“Có 1/3 đến 1/2 số trại giam điều kiện tổ chức lao động khó khăn, hạn chế. Doanh nghiệp người ta không dại gì đầu tư vào vì đường xá xa xôi, vận chuyển khó khăn. Vì vậy, việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức lao động bên ngoài là cần thiết và phù hợp” – ông Nguyễn Công Hồng khẳng định. 

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, bà ủng hộ Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vì thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng một cách nhân văn, thể hiện tính hướng thiện, tính thân thiện đối với những người thi hành án phạt tù trong trại giam.

“Theo số liệu báo cáo, từ 2010, lượng phạm nhân vào trại giam tăng có thể là hơn 140% phạm nhân. Để tổ chức quản lý giam giữ số lượng phạm nhân này đã là một khó khăn cho các trại giam của Bộ Công an. Tôi nghĩ rằng, Nghị quyết thí điểm thể hiện chủ trương chính sách nhất quán của Đảng trong quá trình thực hiện chính sách thi hành án hình sự nói chung và thi hành án phạt tù nói riêng, tạo điều kiện cho những người phạm tội có cơ hội được cảm hóa, sửa chữa lỗi lầm, giúp đỡ họ trở thành những người lương thiện, có ích cho xã hội, tái hòa nhập cộng đồng và hạn chế tối đa nhất nguy cơ tái phạm tội sau khi chấp hành án phạt tù” – đại biểu nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Nghị quyết này tạo một hành lang pháp lý để các trại giam của Bộ Công an phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện cùng tham gia công tác hình sự của Nhà nước.

“Tôi tin chắc rằng, Nghị quyết này sẽ được thông qua, vì thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trong thi hành án hình sự. Khi Nghị quyết được thông qua, tôi đề nghị Bộ Công an sẽ tham mưu cho Chính phủ có văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện quy trình thủ tục đưa phạm nhân ra ngoài tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề, đó là rà soát đối tượng nào phù hợp với ngành nghề, rà soát những đơn vị, tổ chức, cá nhân phù hợp, đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện phối hợp với trại giam” – đại biểu bày tỏ. 

Các phạm nhân lao động trong trại giam.

Đảm bảo an ninh cho khu phạm nhân lao động ngoài trại giam

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đó là đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo. Vấn đề này cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của Bộ Công an trong quá trình xây dựng Nghị quyết.

Trở lại những năm 2011-2019, khi Bộ Công an thí điểm hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức cho các phạm nhân lao động ngoài trại giam, quá trình thực hiện được chính quyền và nhân dân đồng thuận. Các sở, ban, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các trại giam trong quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo, tổ chức lao động và đảm bảo ANTT trên địa bàn. 

Anh Lê Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trước đây, Trại giam Vĩnh Quang thực hiện mô hình thí điểm đưa phạm nhân của trại giam ra tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề tại Công ty TNHH Tùng Phương có trụ sở trên địa bàn xã Tân Phong. Theo đánh giá của chính quyền địa phương và bà con nhân dân trên địa bàn, việc thực hiện trên đã đảm bảo về yếu tố an ninh, an toàn. Các đồng chí cán bộ của Trại giam Vĩnh Quang có các kế hoạch cụ thể, triển khai nghiêm ngặt việc quản lý phạm nhân bên trong khu vực dành riêng cho phạm nhân lao động sản xuất và ăn nghỉ do doanh nghiệp Tùng Phương xây dựng theo đúng quy định của trại giam.

Đồng thời, Trại giam Vĩnh Quang, doanh nghiệp Tùng Phương đã phối hợp chặt chẽ với Công an xã trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn vòng ngoài. Trong thời gian thực hiện mô hình đưa phạm nhân ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề tại doanh nghiệp Tùng Phương, chính quyền địa phương chưa nhận được ý kiến phản ánh lo ngại của bà con nhân dân trên địa bàn.

“Đây cũng là một việc làm có ý nghĩa nhân văn. Các phạm nhân là những người từng một thời lầm lỡ, cho họ cơ hội để họ cảm nhận được giá trị lao động, giá trị của những giọt mồ hôi, từ đó họ thấy mình còn có thể làm ra của cải vật chất, có ích cho xã hội, họ mong ước được gần hơn ngày trở về với cuộc sống đời thường nên sẽ cố gắng phấn đấu lao động, cải tạo tốt hơn”- Chủ tịch UBND xã Tân Phong chia sẻ.

Khi được biết Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề  được đưa ra bàn thảo trong Kỳ họp lần này của Quốc hội, anh Lê Xuân Bình hy vọng Nghị quyết sẽ được thông qua, vì theo anh, đây là một chủ trương lớn, có tính nhân văn, vừa góp phần phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và trại giam, vừa đào tạo cho phạm nhân, nhất là những phạm nhân ở những năm cuối của quá trình thi hành án một nghề ổn định, cho họ môi trường lao động gần với đời sống bình thường để khi hết án, họ cảm thấy không quá bỡ ngỡ, hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.     

Cũng là một địa chỉ từng là nơi trại giam phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động, sản xuất, ông Lê Phú Xuân, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định cho biết, lúc đầu, khi doanh nghiệp và Trại giam Ninh Khánh mới hợp tác, đưa các phạm nhân đến lao động ngay trên địa bàn xã cũng khiến một số bà con lo lắng.

"Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai thì chúng tôi thấy đảm bảo an toàn. Các phạm nhân lao động, được giam trong khu giam riêng do doanh nghiệp tổ chức chứ không ra ngoài. Bên cạnh đó, các cán bộ trông giữ cũng chắc chắn, đảm bảo, đúng quy định. Chính vì vậy, suốt thời gian hợp tác, trên địa bàn không xảy ra bất cứ vấn đề gì về ANTT" - ông Xuân nhận xét.

Ông Xuân cho biết thêm, thời điểm trại giam và doanh nghiệp hợp tác, ông đang giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Yên Nhân nên nắm khá rõ hoạt động này. “Các phạm nhân làm việc hiệu quả. Doanh nghiệp cũng quan tâm bồi dưỡng ăn uống, chế độ cho họ nên tâm lý các phạm nhân khá thoải mái. Từ khi trại giam rút đi, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm nhân công. Chính vì vậy, kinh tế doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương” – ông Xuân nhấn mạnh.

Khẳng định sẽ chấp hành nội quy, quy định của trại giam nếu được ra ngoài lao động, phạm nhân Đặng Đình Hiếu, trú ở xã Quảng Tân, Tuy Đức, Đắk Nông, đang thi hành án tại Trại giam Đắk Tân cho biết, bản thân phạm tội cố ý gây thương tích với mức án phạt 19 năm tù giam; hiện nay đã thi hành án được gần 10 năm, được giảm 3 lần 33 tháng, còn lại khoảng 6 năm 10 tháng.

“Được ra lao động bên ngoài, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với quần chúng nhân dân để khi về cộng đồng tái hoà nhập dễ hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi được trả công lao động, có vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống. Nếu được ra ngoài lao động, tôi hứa chấp hành nội quy nghiêm túc hơn để Ban Giám thị Trại giam, các cán bộ quản giáo yên tâm. Chúng tôi nói với nhau, anh em phải cố gắng chấp hành tốt quy định, không được vi phạm nội quy. Chúng tôi chỉ mong cải tao tốt để sớm làm lại cuộc đời” – phạm nhân Đặng Đình Hiếu cho biết.

Phương Thuỷ

Thông tin Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên ngày 27/5 cho biết, đã có kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố 22 bị can trong một vụ án có 3 tội danh liên quan đến sai phạm trên lĩnh vực đất đai xảy ra ở huyện Đông Hòa trước đây – nay là thị xã Đông Hòa.

Xem xét đề xuất chính thức của Việt Nam, ngày 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần rất quan trọng để đánh giá, công nhận quy chế kinh tế thị trường (KTTT) đối với Việt Nam trong thời gian tới. Lợi dụng vào sự kiện này, một số chính khách, học giả thiếu thiện chí và không ít phần tử cơ hội, chống đối, phản động đã tung ra nhận định, đánh giá thiếu khách quan, thậm chí lôi kéo, xuyên tạc vấn đề này để chống phá Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Công trình hồ chứa nước Khe Ngang nằm trên địa bàn TP Huế (Thừa Thiên Huế) thuộc tiểu dự án thủy lợi Tây Nam Hương Trà được đưa vào sử dụng năm 2014. Với dung tích khoảng hơn 12 triệu m3 nước, hồ chứa này cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 600ha cây trồng vùng đồng bằng, bán sơn địa cho thị xã Hương Trà và TP Huế.

Ngày 27/5, Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, Cơ quan CSĐT vừa công bố các quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Hóa (SN 1972, thường trú Khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ma túy được xã hội ví là "cái chết trắng" với những người nghiện. Sau những hệ lụy tiêu cực, nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội, hành trình cai nghiện ma túy (CNMT) đối với người nghiện để cắt cơn, từ bỏ và đoạn tuyệt được với thứ ma mị, ảo giác chết người này cũng đầy gian nan, khổ cực…

Ít nhất 15 người chết và hàng trăm người bị thương do lốc xoáy tại các bang Texas, Oklahoma và Arkansas của Mỹ trong ngày 26/5, cùng với đó là hàng loạt nhà cửa, công trình bị phá hủy.

Trước sức nóng về giá vàng miếng SJC, thời gian gần đây Chính phủ liên tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ ngành liên quan triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường kiểm soát thị trường, kìm chế giá. NHNN và các cơ quan chức năng cũng đã đồng loạt vào cuộc với nhiều biện pháp để hạ nhiệt giá vàng miếng SJC.

Sau Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức nhiều khả năng sẽ xuất ngoại khi hết hợp đồng với CLB chủ quản. Đây là thời điểm hoàn hảo để kích hoạt làn sóng ra nước ngoài thi đấu, phát triển tài năng của các cầu thủ Việt Nam.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/5 đã tới Berlin, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức kéo dài 3 ngày trong nỗ lực thể hiện sự đoàn kết giữa 2 cường quốc đóng vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) căng thẳng vào tháng tới.

UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vừa có văn bản chỉ đạo xử lý một số vấn đề liên quan đến 182ha đất của Khu tái định canh Dự án Tổ hợp bauxite - Nhôm Lâm Đồng sau khi Báo CAND đăng loạt bài 3 kỳ về tình trạng khu tái định canh trên bị người dân lấn chiếm sau khi đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng.

Ít nhất 35 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi Israel không kích vào khu vực dành cho người sơ tán ở thành phố Rafah, phía Nam Gaza. Theo Người Phát ngôn cơ quan y tế do Hamas điều hành tại Gaza, những người thiệt mạng và bị thương chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文