Bám sát địa bàn, tích cực giúp dân ứng phó bão số 4

10:24 26/09/2022

Bão số 4 (tên quốc tế là Noru) là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, khả năng khi vào gần bờ cường độ bão cấp 12-13. Bão ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4 (cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp 5 – thang thảm họa 5 cấp).

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các địa phương có bão đã huy động lực lượng, phương tiện, bám sát địa bàn, giúp đỡ nhân dân ứng phó với bão số 4.

Sáng 26/9, PV Báo CAND có mặt tại Quảng Nam - một trong những địa phương được xác định chịu tác động trực tiếp của bão số 4. 

Để giúp đỡ nhân dân ứng phó với bão, từ chiều qua đến sáng nay (26/9), Công an xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ đã tăng cường về cơ sở để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sẵn sàng triển khai phòng, chống bão số 4.

Công an xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ phối hợp xúc cát vào bao tải để chèn chống nhà cửa giúp người dân ứng phó bão số 4.

Công an xã Tam Thanh đã phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, di chuyển ghe thuyền lên bờ để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ.

Thiếu tá Nguyễn Đắc Nhật, Trưởng Công an xã Tam Thanh cho biết, để ứng phó bão số 4, đơn vị trực chiến 100% quân số, bám sát địa bàn từng thôn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Theo kế hoạch, trong sáng mai (27/9), Công an xã Tam Thanh sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán người dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn.

Tại huyện Núi Thành, lãnh đạo Công an huyện cho biết, đã quán triệt các đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai tham gia công tác ứng phó bão số 4 theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh. Trong đó, tập trung giúp đỡ nhân dân tại các xã ven biển như Tam Hải, Tam Tiến, Tam Quang, Tam Giang,…

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về ứng phó bão số 4, đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân và toàn thể cán bộ chiến sĩ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các tình huống thiên tai.

Lực lượng Công an tham gia giúp người dân xã Tam Thanh dùng bao cát chèn chống mái nhà để ứng phó bão số 4.
Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng tham gia phối hợp chốt chặn, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm, kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã trong ứng phó, đảm bảo ANTT tại khu vực xảy ra mưa bão; nhất là công tác nắm hộ, nắm người, truyên truyền, vận động nhân dân ứng phó mưa bão; tham gia di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn; tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai; giải quyết các vụ, việc phức tạp về ANTT ngay từ đầu, tại cơ sở.

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam giao Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp các lực lượng chức năng rà soát, chủ động tham mưu bảo đảm an ninh, an toàn người, phương tiện thủy neo đậu tại các âu thuyền, nơi tránh trú và các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

Các huyện miền núi Quảng Nam dự trữ gạo, lương thực ứng phó bão số 4

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay các huyện miền núi đã dự trữ được số lượng gạo, lương thực đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó bão số 4.

Cụ thể, huyện Phước Sơn đã cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn; huyện Nam Giang giao các xã chủ động thực hiện mua dự trữ tại xã; huyện Đông Giang giao kinh phí để Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng NN&PTNT mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu (150 triệu đồng); huyện Nam Trà My dự trữ 10 tấn gạo, đã cấp cho các xã tổng 40 tấn gạo, 22 đơn vị trường học đang có mỗi trường từ 3-4 tấn gạo; huyện Tây Giang tổng dự trữ được 220 tấn gạo.

Tại Đà Nẵng, sáng 26/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố cho biết, Đà Nẵng đang tập trung cao độ, khẩn trương ứng phó siêu bão được dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố trong ngày 27 và 28/9. 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Văn phòng UBND TP tham mưu thành lập Sở chỉ huy tiền phương (bao gồm các thành viên nòng cốt Bộ Chỉ huy Quân sự; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Công an;  Sở NN&PTNT thành phố…), chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để lãnh đạo UBND thành phố tập trung chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với siêu bão số 4. Các đơn vị tăng cường công tác thông tin về dự báo, diễn biến của bão và tuyên truyền nhân dân không được chủ quan với bão…

CSGT Công an TP Đà Nẵng lập phương án bảo đảm TTATGT trong bão,  triển khai chỉ đạo của UBND thành phố về cấm đường để bảo đảm an toàn cho nhân dân khi bão gây ảnh hưởng. 
Lực lượng Công an TP Đà Nẵng có mặt ở các địa bàn ven biển, nguy cơ cao trắng đêm 25 đến sáng 26/9 khẩn trương hỗ trợ, giúp người dân ứng phó bão số 4. (Ảnh CA Sơn Trà)

Để khẩn tốc giúp nhân dân ứng phó với bão số 4, trắng đêm 25 và sáng 26/9 hàng trăm CBCS Công an TP Đà Nẵng đã được huy động đến tại các địa bàn ven biển như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang đến trực tiếp hỗ trợ, giúp người dân gấp rút ứng phó bão số 4.

Sáng sớm 26/9, lực lượng Công an phường Thọ Quang đã bất chấp những đợt mưa nặng hạt phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Dân phòng đến từng nhà, từng hộ để vận động, hỗ trợ hàng trăm người dân có lều trại trên núi Sơn Trà và dọc khu vực ven Bán đảo Sơn Trà chèn chống, bảo vệ tài sản, đồng thời di dời về nơi tránh trú an toàn.  

Tại  phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, từ đêm 25/9, hơn 20 hộ dân thuộc diện neo đơn, nhà cửa không đảm bảo đã liên hệ với chính quyền địa phương và đã được hỗ trợ ngay lập tức. 

Trong khi đó, cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng đã điều động lực lượng đến kiểm tra các khu vực xung yếu như Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, thúc giục, kiểm tra phương tiện cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Công an các phường Thọ Quang và Mân Thái, quận Sơn Trà khẩn tốc giúp ngư dân kéo tàu thuyền vào điểm tránh trú ​​từ rạng sáng ngày 26/9.
CSGT đường thủy Công an TP Đà Nẵng tuần tra, đảm bảo TTATGT đường thủy không để xảy ra bất cứ sự cố nào đáng tiếc khi có bão. 

Theo Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trước bão, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ưu tiên đảm bảo cấp điện, khắc phục sự cố hệ thống điện bị hư hỏng cho các khu vực, cơ quan quan trọng trong thành phố.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, sáng sớm nay 26/9, bão số 4 đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Hồi 4h, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ vĩ Bắc; 119,5 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Luzon, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (118-149km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ vĩ Bắc; 114,6 độ kKinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 - 149km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tại Phú Yên, trưa 26/9, ông Trần Hữu Thế – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký lệnh cấm biển để phòng, chống cơn bão Noru.

Theo lệnh này, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và huyện Tuy An khẩn trương thông báo cấm tàu cá rời cảng cá, bến bãi để ra khơi hoạt động khai thác thủy sản trên biển và ven bờ kể từ 15h chiều 26/9.

Công an thị xã Sông Cầu kêu gọi người dân giằng neo lồng bè tôm cá.  Ảnh: Hữu Toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao cho Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Giám đốc Sở NN & PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Phú Yên phối hợp các địa phương ven biển thực hiện lệnh cấm biển.

Thông tin từ trực ban tác chiến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên, đến trưa 26/9 có 309 tàu cá gồm 1.861 ngư dân đang khai thác thủy sản trên biển, trong đó 285 tàu cá gồm 1.731 ngư dân ở vùng biển Trường Sa và Nam biển Đông. Từ kết quả theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá, BĐBP Phú Yên phát hiện tàu cá PY-91379 TS đang vận hành ở vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng nên đã kết nối liên lạc yêu cầu thuyền trưởng cùng 6 ngư dân trên tàu khẩn trương tăng tốc tàu cá vào bờ để tránh bão.

Hàng loạt tàu cá ngư dân TP Tuy Hòa neo đậu tránh bão tại cảng cá Đông Tác.  Ảnh : Hà Viên.

Trao đổi với PV Báo CAND trưa cùng ngày, Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên cho biết, đã huy động 140 cán bộ – chiến sĩ (CBCS) cùng 8 xe ô tô, 2 ca nô, 2 tàu vỏ thép thường trực phòng, chống bão Noru, trong đó có 80 CBCS thường trực tại Hải đội 2 và 6 Đồn biên phòng trên toàn tuyến.

Người dân hối hả di chuyển lồng bè dự phòng thả nuôi tôm cá vào bờ tránh bão. Ảnh : Nguyên Linh.

Các Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Rô, Hòa Hiệp Nam, Tuy Hòa, An Hòa Hải, Xuân Đài, Xuân Hòa đang phối hợp với Công an TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và huyện Tuy An tập trung kêu gọi, người dân giằng neo 2.516 bè thả nuôi tôm, cá với 102.523 lồng; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu cá tại các cảng cá Phú Lạc, Đông Tác, Dân Phước bảo đảm an toàn trước khi cơn bão Noru ập vào đất liền.

Quảng Nam còn 18 tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm

Sáng 26/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng số tàu cá của ngư dân địa phương đang hoạt động trên biển là 87 tàu/2.533 lao động. Các tàu đã nhận được thông báo về bão số 4.

Cụ thể, khu vực Hoàng Sa có 28 tàu/290 lao động (trong đó có 18 tàu/ 213 lao động nằm trong vùng nguy hiểm); khu vực Trường Sa 59 tàu/2.243 lao động (các tàu nằm trong vùng an toàn).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12h ngày 27/9.

Về tình hình hồ thủy lợi, tỉnh Quảng Nam có 73 hồ, đến thời điểm hiện nay các hồ chứa thủy lợi đã tích nước đạt 40-50% dung tích hữu ích thiết kế. Mực nước hồ Phú Ninh hiện tại ở cao trình 22,14m/32m (mực nước dâng bình thường).

Tỉnh Quảng Nam có 4 hồ chứa thủy điện ảnh hưởng đến vùng hạ du, gồm Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4. Hiện nay, dung tích tại các hồ chứa thủy điện còn thấp, tích đạt từ 20-30%.

Trong sáng 26/9, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã có công văn, đề nghị thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 27/9 để phòng tránh bão số 4.

Tại Quảng Ngãi, hiện địa phương này có 511 tàu/ 5.319 lao động hoạt động trên các vùng biển. Tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với các tàu đang ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa (87 tàu/ 684 lao động ), hiện đang di chuyển về bờ, di chuyển xuống phía Nam để tránh bão.

Tại Huế, đồng chí Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Đến trưa 26/9, tất cả các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển đã vào bờ tránh trú an toàn.

Công an TP Huế cưa các cành cây có nguy cơ gãy đổ đoạn đông dân cư.

Đối với các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3.

Hiện nay, mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn… Toàn tỉnh đã hoạch lúa cơ bản xong. Đối với tình hình nuôi trồng thủy sản còn còn khoảng 3.200 ha nuôi ao và 3.519 lồng bè nuôi trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch.

Công an xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) giúp dân giằng chống nhà cửa .
Công an xã Phú Thuận và lược lượng BĐBP giúp người dân ở  thôn Tân An di dời vật dụng, tài sản.

“Tỉnh cũng có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Tỉnh đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn…”, ông Phan Quý Phương cho biết.

Để chủ động ứng phó bão số 4, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn, với số lượng dự kiến là 26.255 hộ, 99.424 nhân khẩu.

Công an các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế túc trực, giúp di dời người và tài sản ở vùng xung yếu đến nơi an toàn.

Theo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong ngày 26/9, Công an tỉnh đã chủ động, gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão, huy động 100% CBCS tham gia ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Trong sáng 26/9, lực lượng Công an xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương tổ chức giúp người dân chằng chống nhà cửa. Đồng thời đến nhà các hộ dân ở vùng xung yếu để tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn tránh bão số 4.

Cảnh sát Cơ động Trung bộ giúp người dân thị trấn Phú Lộc chằng chống lại mái nhà.
Đến sáng 26/9, tàu cá xa bờ và phương tiện đánh bắt bãi ngang, vùng lộng của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế được di chuyển đến nơi neo đậu an toàn tránh bão số 4.

Tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, gần 50 tàu thuyền đánh bắt xa bờ cũng đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão và được sắp xếp bến bãi cho ngư dân neo đậu đảm bảo an toàn. Lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương đã lên kế hoạch sẵn sàng di dời 42 hộ dân/159 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tại các xã ven biển Phong Hải, Điền Hòa, Điền Hương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), lực lượng Công an xã cũng đã tích cực giúp đỡ người dân di chuyển tàu thuyền lên bờ, chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn. Lực lượng Công an gấp rút triển khai phương án sẵn sàng di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra và có phương án bảo vệ các công trình trọng điểm.

Xã Lộc Vĩnh là xã ven biển của huyện Phú Lộc, trong đó có thôn Bình An 2 với hàng trăm hộ dân sinh sống là nơi có 2 vị trí giáp biển thường hứng chịu trực tiếp sóng biển dâng, sạt lở biển. Thượng tá Đoàn Minh Hải, Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho biết, trước tình trạng diễn biến phức tạp của bão Noru, Công an huyện đã điều động nhiều CBCS cùng với Công an xã Lộc Vĩnh túc trực 24/24h để giúp dân ứng phó với bão.

Bên cạnh đó, hàng chục CBCS Cảnh sát cơ động thuộc Trung đoàn Tư lệnh Cảnh sát Cơ động Trung bộ (Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an) đóng tại Thừa Thiên-Huế cũng đã ứng trực 24/24 tại thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) để giúp dân ứng phó với bão số 4.

Hỗ trợ thùng phuy và tiền mặt giúp dân phòng chống bão số 4

Để góp phần cùng người dân và chính quyền các địa phương ứng phó cơn bão này, Tổ chức FAO đã hỗ trợ cung cấp 300 thùng phuy nhựa loại 220 lít có nắp đậy bằng nhựa, đai khóa bằng sắt và 300 triệu đồng tiền mặt để mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu cho 300 hộ gia đình nằm ở khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt trong đợt mưa bão sắp tới thuộc các xã Triệu Độ, Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) và Hải Phong (huyện Hải Lăng).

Tặng thùng phuy và tiền mặt cho người dân phòng chống bão số 4.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực và quy mô hành động sớm, bao gồm kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội do ECHO tài trợ kinh phí qua Tổ chức FAO được thực hiện tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chương trình nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại các khu vực có nhiều khả năng bị ngập lụt bằng việc giúp họ có điều kiện dự trữ an toàn lương thực và các vật dụng thiết yếu dùng trong thời gian xảy ra bão lũ.

Trước ảnh hưởng của mưa lớn, trên các sông suối khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 1 tới báo động 2. Để chủ động các phương án phòng chống bão, lũ đảm bảo an ninh, an toàn cho can, phạm nhân trong mùa mưa bão, Trại tạm giam Công an tỉnh đã lên kế hoạch cụ thể, chi tiết ứng phó với thiên tai.

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm an phương tiện thủy.

Kiểm tra thực tế tại các khu giam giữ của Trại tạm giam, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị, Trại tạm giam Công an tỉnh phải chủ động trong mọi tình huống, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho can, phạm nhân. Không để can phạm nhân đói, rét, lợi dụng mưa lũ để gây phức tạp về an ninh trật tự.

CBCS phải khắc phục mọi khó khăn, bố trí các ca trực hợp lý, để chủ động phòng chống bão lũ một cách an toàn, hiệu quả. Hơn bao giờ hết, cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam nêu cao tinh thần, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, không quản ngại hy sinh, vất vả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm việc đảm bảo an toàn tại Trại tạm giam mùa mưa bão.

Kiểm tra công tác ứng phó với thiên tai tại Đội Cảnh sát đường Thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh, đồng chí Giám đốc yêu cầu lực lượng CSGT phải chủ động bảo đảm lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Trực ban đơn vị nghiêm túc tiếp nhận, xử lý thông tin báo kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin thông suốt cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, bão lũ. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có bão lũ xảy ra.

Tại Quảng Trị, chiều 26/9, đồng chí Võ Viết Cường, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, các lực lượng vũ trang trên đảo đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bão số 4.

Cắt tỉa cây xanh phòng chống bão số 4 trên đảo Cồn Cỏ.

Toàn bộ tàu thuyền của bà con ngư dân đã được các lực lượng cẩu lên cầu cảng để trú tránh bão. Nhà cửa của người dân, trụ sở làm việc của các đơn vị cũng như các công trình dân sinh trên đảo đã được kiểm tra, chằng chống và gia cố an toàn. Một số cây xanh trên đảo do lâu năm có dấu hiệu dễ bị gãy đổ đã được các công nhân cây xanh cắt tỉa đề phòng khi bão đổ bộ có thể gây ra tai nạn.

Trong ngày 26/9, các đơn vị vũ trang tuyến biển trên địa bàn Quảng Trị cũng đã đến tận từng khu dân cư, bến tàu, cùng với bà con kiểm tra việc neo đậu tàu, chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 4.

Trước đó, vào thời điểm 6h sáng 26/9, tất cả 2.300 tàu thuyền của bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh, cùng các tàu thuyền tỉnh bạn đang đánh bắt thủy hải sản trên các khu vực biển Quảng Trị, đã được các lực lượng vũ trang hướng dẫn, hỗ trợ di chuyển vào các âu thuyền neo đậu trú tránh bão số 4.

Quảng Bình: Hơn 6.000 tàu cá và gần 20.000 ngư dân đã vào bờ tránh trú bão

24 giờ qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã có nhiều công điện hỏa tốc gửi đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, sẵn sàng, triển khai các phương án phòng chống, ứng phó với bão Noru (bão số 4).

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã kêu gọi 6.300 tàu thuyền với gần 20.000 lao động vào nơi tránh trú an toàn. UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả vận tải và tàu du lịch). Hướng dẫn di chuyển thoát ra, không đi vào vùng nguy hiểm và kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão để triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với điều kiện địa phương, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.

Các đơn vị tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, bố trí lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông trên các trục chính, điện, nước sản xuất, sinh hoạt.

Những vùng có nguy cơ cao ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, số lượng người cần sơ tán sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai.

Nhóm PV

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文