Báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến
Công an TP Pleiku (Gia Lai) đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cho các tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Công an trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Từ ngày được lực lượng Công an tuyên truyền, hướng dẫn về việc ứng dụng DVCTT về thông báo lưu trú, anh Hồ Quốc Bình - Quản lý doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Thanh Bình, phường Diên Hồng, TP Pleiku không cần lên Công an phường khai báo lưu trú hàng ngày cho khách hàng. Thay vào đó, anh Bình chỉ cần ngồi vào máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet thực hiện một vài thao tác là đã hoàn thành được công việc.
Anh Bình cho biết: “Đối với tôi, DVCTT có rất nhiều tiện ích. Mình chỉ cần ở nhà bấm chuột đăng nhập tài khoản trên Cổng dịch vụ công, gửi thông báo lưu trú thì cán bộ Công an phường sẽ nhận được ngay. Tôi nghĩ các chủ cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn và người dân cũng nên sử dụng dịch vụ công như thế này để tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại”.
Theo quy định, các cơ sở kinh doanh lưu trú cần đến Công an phường, xã khai báo lưu trú khi khách đến thuê phòng hàng ngày. Công việc này trước đây thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, quản lý qua sổ sách nên rất bất tiện.
Việc ứng dụng DVCTT giúp giảm thiểu công việc lưu trữ giấy tờ và rút ngắn thời gian khai báo thông tin của các cơ sở lưu trú với cơ quan Công an. Người dân chỉ cần đăng ký một tài khoản trên Cổng DVCTT (địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/) và có thể sử dụng tài khoản này để thông báo lưu trú ở Cổng dịch vụ công quản lý cư trú (địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/) và tham gia các dịch vụ công khác.
Hiện tại, mỗi ngày Công an phường Diên Hồng tiếp nhận khoảng 1.300 lượt thông báo lưu trú qua hệ thống DVCTT. Qua đó giảm thời gian, công sức đi lại cho cơ sở kinh doanh lưu trú, bảo đảm yêu cầu về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ứng dụng DVCTT cũng thuận tiện cho đơn vị trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn, đáp ứng kịp thời việc tra cứu thông tin, thống kê di biến động dân cư, phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan Công an.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Gia Lai, từ ngày 1/7/2021 đến nay, tổng số hồ sơ do cơ quan Công an tiếp nhận qua Cổng DVCTT là 7.794, hồ sơ đã được cơ quan chức năng xử lý, trả kết quả là 7.515; hồ sơ đang xử lý: 216; bị trả lại: 63. Công an TP Pleiku chiếm tỷ lệ 70,2% trong việc tiếp nhận hồ sơ qua DVCTT (5.470 hồ sơ). Tuy nhiên, người dân tham gia dịch vụ này chủ yếu là về khai báo lưu trú (5.444/5.470 hồ sơ), các lĩnh vực khác như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký một số thủ tục cấp đổi, cấp lại căn cước công dân, còn ít.
Trong lĩnh vực cấp căn cước công dân, hiện Công an TP Pleiku đã áp dụng DVCTT ở mức độ 2, nghĩa là người dân có thể tải các mẫu văn bản về để khai báo, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu và gửi trực tuyến đến cơ quan Công an, đăng ký ngày, giờ, địa điểm đến làm căn cước.
Trung tá Nguyễn Thị Ngạn - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Pleiku cho biết: “Thời gian gần đây, Công an TP Pleiku đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT trong lĩnh vực đăng ký cư trú và cấp căn cước công dân. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn có thói quen dùng giấy tờ thực hiện thủ công, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, chưa có thói quen tìm hiểu, tiếp cận dịch vụ công.
Hơn nữa, theo Luật Cư trú năm 2020 thì công tác quản lý cư trú đã phân cấp về Công an các phường, xã nên công dân thường lên thẳng trụ sở Công an. DVCTT phù hợp hơn với những công dân ở xa, không có điều kiện về Gia Lai để chỉnh sửa giấy tờ, đăng ký tạm trú hoặc khai báo tạm vắng…”
Ứng dụng DVCTT là bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Không chỉ giảm công sức đi lại, giảm các loại giấy tờ cho công dân, việc ứng dụng dịch vụ công còn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Công an trong quá trình, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, thuận tiện trong quá trình theo dõi, quản lý, chấn chỉnh việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, chiến sỹ Công an các xã, phường, thị trấn đúng theo quy định, tránh phiền hà, sách nhiễu nhân dân.