Bật tung những lực cản vì nền kinh tế số, xanh và tuần hoàn (kỳ 2)
Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 và Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia đi vào hoạt động, với sự nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Bộ Công an đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số...
Bộ Công an tiên phong, đi đầu trong công tác số hóa hồ sơ, tài liệu
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an thông tin, trên các “mảng” nhiệm vụ và lĩnh vực của Đề án 06 đều có dấu ấn đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và các bộ, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương số hóa tạo lập dữ liệu dùng chung.
Bộ Công an đã phối hợp Bộ Y tế đồng bộ 234.495.238 yêu cầu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng bộ 68.891.571 yêu cầu dữ liệu về bảo hiểm, triển khai khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thẻ BHYT.
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện làm sạch, đồng bộ 55.228.103 lượt để cập nhật dữ liệu giáo viên, học sinh và bổ sung 14 trường thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp tỉnh Thái nguyên số hoá 1.103.450 bàn ghi dữ liệu hộ tịch đạt 100%; phối hợp Hội Nông dân nhập thông tin quản lý 1.542.201 hội viên; nhập thông tin quản lý 454.281 hội viên Hội Người cao tuổi.
Dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phân bổ, điều tiết, phân phối mũi tiêm, đảm bảo cân đối lượng vaccine phù hợp với những nơi dịch bệnh COVID-19 diễn biến mạnh, không để tình trạng dư thừa, trục lợi, gây lãng phí; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, tuyển sinh các cấp và bố trí trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng tại từng tỉnh, tiết kiệm kinh phí đầu tư, tránh việc xây dựng cơ sở, trường, lớp tràn lan, không hiệu quả.
Trên các lĩnh vực quản lý, Bộ Công an đã phát triển, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an. Ngày 12/1/2022, được xem là một trong những dấu mốc quan trọng khi Bộ Công an triển khai thực hiện danh mục 227 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022. Tính đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06.
Qua ghi nhận thực tế, hiện tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 43%, trong đó nhiều dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao như: Cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp 51,1%; Thông báo lưu trú 97,1%; Đăng ký con dấu 83,3%; Cấp Giấy phép xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy 80,25%.
Qua đó, đã cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại đồng thời công khai, minh bạch góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng vặt; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Bộ Công an đã xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ quản lý điều hành từ Bộ Công an đến Công an 127 đơn vị, địa phương và văn bản điện tử giữa Bộ Công an với các bộ, ngành, địa phương. Tổng số văn bản điện tử gửi nhận qua hệ thống năm 2022 là 105.753 văn bản (gửi 1.571 văn bản; nhận 105.596 văn bản). Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 hệ thống liên lạc, quản lý, điều hành bảo mật chuyên dụng phục vụ ngành Công an (Signet).
Để phục vụ cho những dịch vụ công liên thông thì phải có dữ liệu trên môi trường số. Muốn vậy không thể chậm quá trình số hóa hồ sơ, tài liệu và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của “mảng” việc này, Bộ Công an tiên phong, đi đầu trong công tác số hóa hồ sơ, tài liệu theo 3 mục tiêu: Số hóa hồ sơ, tài liệu phục vụ lưu trữ điện tử và tra cứu phục vụ công tác nghiệp vụ; Số hóa hồ sơ, tài liệu để kết nối, chia sẻ phục vụ chuyển đổi số; Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính để kết nối, chia sẻ phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, đặt ra lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng mục tiêu trong năm 2022 và đối với các năm tiếp theo với chỉ tiêu mỗi năm tăng tối thiểu 20% đến năm 2025 hoàn thành số hóa 100% hồ sơ, tài liệu trong lực lượng CAND.
Đến nay, 100% Công an các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch số hóa và thực hiện số hóa các theo các hướng dẫn của các đơn vị thuộc Bộ. Riêng mục tiêu số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính để kết nối, chia sẻ phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt 93,5% đối với hồ sơ phát sinh hằng ngày trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an và tiếp tục số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã giải quyết và đang còn hiệu lực.
Đã kết nối, chia sẻ kết quả giải quyết thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm người dân không phải khai báo lại các kết quả đã được giải quyết. Năm 2022, Bộ Công an triển khai mở rộng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng máy tính diện rộng lực lượng Công an tới cấp xã, phường.
Trong đó trọng tâm đầu tư nâng cấp, thiết kế, triển khai hệ thống mạng theo công nghệ MPLS thay thế công nghệ cũ đang sử dụng phục vụ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Để đáp ứng yêu cầu tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, Bộ Công an đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) của Bộ Công an bao gồm trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội ngành và trục tích hợp chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Đi trước đón đầu, tiên phong, mở đường số hóa, kết nối dữ liệu
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, để phục vụ cho Đề án 06 cũng như những mục tiêu đã đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số, năm 2023, Bộ Công an kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung 17 văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 luật (Luật Cư trú; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam); 10 nghị định của Chính phủ; 1 thông tư liên tịch.
Đồng thời cắt giảm các thủ tục, giấy tờ về: Chứng minh nhân thân, quan hệ nhân thân, nơi cư trú khi đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giấy tờ về đăng ký kinh doanh, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; giấy tờ của chủ phương tiện; giấy khám sức khỏe khi thực hiện các dịch vụ công của lực lượng Công an…
Cũng trong năm 2023, lực lượng Công an xác định nâng cao chất lượng và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Theo đó, lực lượng Công an sẽ cung cấp 132 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 92 dịch vụ công trực tuyến một phần; phấn đấu nâng tối đa tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.
Trong đó, tập trung vào dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Phấn đấu cung cấp 100% trực tuyến đối với các dịch vụ công cấp hộ chiếu phổ thông; cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; quản lý cư trú; thẩm duyệt thiết kế, phê duyệt phương án, cấp lại chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đăng ký xe tạm, cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
Đối với dịch vụ công trực tuyến một phần, phấn đấu cung cấp từ 80-100% trực tuyến đối với các dịch vụ công kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; cấp CCCD có gắn chip; phục hồi hoạt động của các cơ sở kinh doanh; đăng ký phương tiện giao thông.
Hướng dẫn số hóa đến tất cả các CBCS tham gia tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tổ chức số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh hàng ngày và 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ 1/7/2022 trở về trước đã cung cấp cho người dân và đang còn hiệu lực.
Bộ Công an cũng sẽ cắt giảm cán bộ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, không bố trí cán bộ Công an tại bộ phận một cửa UBND các cấp; thực hiện cắt giảm 50% nhân sự tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp (Quý II/2023); riêng hệ lực lượng Phòng cháy chữa cháy không bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp.
Những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an chỉ có kết quả cao khi có sự đồng thuận, trách nhiệm, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các đơn vị, bộ, ngành, địa phương.
Đề án 06 bắt đầu bước vào giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung của cả bộ máy hành chính và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, nằm ở nhiều bộ phận khác nhau.
Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc với TP Hà Nội về triển khai Đề án 06, thực hiện các dịch vụ công liên thông trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hà Nội được chọn “làm điểm”. “Làm điểm” là làm cho tới cùng. Tinh thần phải làm nghiêm túc và có thể tạo nên một “cuộc cách mạng”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, có 3 nhóm cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến người dân, doanh nghiệp và tài nguyên (trong đó, quan trọng nhất là đất đai). Đề án 06 bắt đầu từ con người, từ đó kết nối với 2 nhóm cơ sở dữ liệu còn lại. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương thống nhất danh mục các trường dữ liệu cần thiết cho công tác quản lý của ngành, lĩnh vực quản lý.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh kết nối, chia sẻ không chỉ giữa các cơ sở dữ liệu ngành, địa phương mà còn ngay cá nhân lãnh đạo với các cấp chính quyền, công nhân viên chức và người dân.
Cụ thể, lãnh đạo các cấp phải lập tổ công tác đến tận xã phường để thu thập dữ liệu trên cơ sở tập hợp theo yêu cầu của các sở, ngành, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không quyết liệt thì không thể làm tốt được công việc được giao. Mỗi lãnh đạo các đơn vị này phải là người “truyền lửa” cho cán bộ, cơ quan các cấp để bật tung những lực cản cũ, đi trước đón đầu, tiên phong mở đường số hóa, kết nối dữ liệu, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.