"Biển số định danh", những điều người dân cần biết
Bắt đầu từ ngày 15/8/2023, Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự hiểu rõ về Thông tư 24 hay “Biển số định danh” cũng như các quy định liên quan tới việc cấp, thu hồi, đăng ký biển số định danh.
Để làm rõ những vướng mắc trên, PV CAND đã có trao đổi với Lãnh đạo Cục CSGT để gửi tới người dân những giải đáp cần thiết.
Trước đây, công tác đăng ký và quản lý xe được gắn chặt với phương tiện. Khi người dân mua bán thì biển số và đăng ký xe sẽ được chuyển cho người mua.
Tuy nhiên, đối với hiện tại, việc quản lý, kiểm soát sẽ theo mã định danh chủ phương tiện đăng ký gồm tổ chức hoặc cá nhân (tức biển số theo người). Trong đó, mã định danh của chủ xe đối với cá nhân chính là số định danh cá nhân. Còn đối với tổ chức là mã định danh điện tử hoặc mã số thuế của tổ chức.
Việc quản lý theo mã định danh của chủ xe giúp việc kiểm soát một cách đơn giản, chính xác và không bị trùng lặp. Đây cũng là bước đi tiền đề để tiến tới việc cấp đăng ký xe điện tử. Tạo thuận lợi cho việc tích hợp với ứng dụng định danh điện tử VNeID, giúp người dân không phải mang nhiều giấy tờ, giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục Trưởng Cục CSGT chia sẻ thêm về vấn đề trên, có một thực tế trước đây, người bán xe hầu như không biết liệu người mua có thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định hay vẫn giữ nguyên và tiếp tục sử dụng. Điều đó, phát sinh việc người mua xe vi phạm giao thông hoặc có vụ việc nào đó xảy ra dẫn tới chủ cũ bị ảnh hưởng.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi Thông tư 24 chính thức có hiệu lực và cụ thể nhất là “biển số định danh” đi vào cuộc sống, tình trạng trên sẽ chấm dứt. Mọi giao dịch mua bán xe sau khi thực hiện, chủ cũ phải thực hiện các thủ tục thu hồi đăng ký, biển số để sử dụng về sau khi có nhu cầu mua xe khác trong thời gian 5 năm kể từ ngày thu hồi.
Nếu quá thời hạn trên mà người dân không đăng ký lại biển số đó cho một phương tiện khác thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện thủ tục chuyển biển kiểm soát vào kho số chung để cấp cho người có nhu cầu.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định, sau khi đã thực hiện “biển số định danh” theo Thông tư 24, chủ phương tiện bán xe sẽ không được bán kèm biển số định danh.
Đối với thắc mắc của người dân về các xe đang sử dụng biển 3 số và 4 số, Cục CSGT cho biết, đây không phải là biển số định danh nhưng đối với các phương tiện hiện đang sử dụng dạng biển này vẫn được lưu thông bình thường.
Trong trường hợp chủ xe biển 3 số và 4 số thực hiện đăng ký sang biển số định danh mới cũng như các thủ tục liên quan khác thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi dạng biển này.
Có một điểm khác quan trọng mà người dân cần nắm, trước đây đối với các chủ xe là cá nhân khi đi đăng ký phải thực hiện tại nơi thường trú dẫn tới khá nhiều tốn kém về chi phí và thời gian nếu đang làm việc hoặc tạm trú ở địa phương khác.
Tuy nhiên, hiện tại người dân có thể đăng ký xe ngay tại cơ quan chức năng liên quan ở nơi tạm trú. Đây là điểm thay đổi tích cực, mang tới thuận tiện cho người dân cũng như giảm bớt các tốn kém không cần thiết.
Cũng theo Cục CSGT, người dân không cần quá lo lắng về thủ tục hồ sơ, thủ tục để đăng ký, sang tên khi mua bán xe được triển khai theo Thông tư 24 bởi thực tế các bước, quy trình thực hiện gần như giữ nguyên như ở Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an.
Cụ thể, sau khi thực hiện giao dịch bán xe, chủ phương tiện phải tới cơ quan chức năng để nộp lại đăng ký, biển số để rút hồ sơ tại nơi đang quản lý hồ sơ, đăng ký của chiếc xe đó, còn người mua làm thủ tục đăng ký lại tại nơi thường trú.
Điểm khác đó là người bán sẽ giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho người nhận chuyển quyền sở hữu xe) và nộp cho cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi trong thời hạn 30 ngày.
Trong trường hợp người bán giao cả chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho người mua hoặc người đang sử dụng (xe chuyển quyền sở hữu qua nhiều tổ chức, cá nhân không có giấy mua bán), thì khi làm thủ tục thu hồi, chủ mới của phương tiện sẽ phải ký vào giấy khai thu hồi và làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe đó (không yêu cầu chủ xe ký giấy khai thu hồi, làm thủ tục thu hồi).
Trước khi làm thủ tục thu hồi, người đang sử dụng xe, người mua xe phải chịu chế tài xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đồng thời, Thông tư số 24 quy định chủ xe có thể đăng ký xe tại nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Thủ tục đăng ký sang tên xe đối với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều tổ chức, cá nhân nhưng thiếu giấy tờ mua bán xe được quy định tại Điều 31 Thông tư số 24/2023/TT-BCA, người đang sử dụng kê khai, cam kết việc mua bán xe với cơ quan đăng ký xe.
Trường hợp có giấy bán của chủ xe (đứng tên trong đăng ký xe) và giấy bán xe của người bán cuối cùng thì được giải quyết trong thời hạn 2 ngày.
Trường hợp không có giấy tờ mua bán xe hoặc giấy tờ mua bán xe không hợp lệ thì cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận hồ sơ, viết giấy hẹn trong thời hạn 30 ngày, gửi thông báo việc tiếp nhận giải quyết đăng ký xe tới chủ xe, đồng thời tiến hành xác minh tại đơn vị nghiệp vụ.
Sau 30 ngày, nếu xe không có tranh chấp, khiếu kiện hoặc liên quan đến xe trộm cắp, tang vật vụ án thì cơ quan đăng ký xe sẽ làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 24/2023/TT-BCA.