Bình Phước tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy
Bình Phước có 16.462 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo phân cấp: Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) quản lý 1.071 cơ sở; Công an cấp huyện quản lý 1.338 cơ sở; UBND cấp xã quản lý 14.053 cơ sở.
Để kịp tiến độ và kết quả kiểm tra trong đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH (từ ngày 15/10 đến hết ngày 15/12/2022) trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong gần 2 tháng qua, lực lượng Công an đang tập trung lực lượng, tận dụng thời gian quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trụ sở Công an huyện Bù Đăng, lúc hơn 21 giờ ngày cuối tuần. Ngoài 3 cán bộ làm ngoài giờ, trong phòng còn có một vị khách đặc biệt cũng rất nghiêm túc ngồi trước màn hình máy tính. Đó là bé Sóc mới 3,5 tuổi, con của Thượng uý Trần Như Tuấn. Mẹ mệt nên bé Sóc được bố Tuấn đưa vào cơ quan. Bé Sóc nhanh nhảu khoe: "Con sắp có em bé nên theo bố vào cơ quan để cho mẹ và em được nghỉ ngơi". Thật ra là do công việc quá bận, anh Tuấn không thể ở nhà chăm con được nên phải đưa con theo đến cơ quan để tranh thủ giải quyết việc vào ngày nghỉ.
Huyện Bù Đăng có 16 xã, thị trấn, là một trong 2 huyện có diện tích lớn nhất và số xã, thị trấn nhiều nhất tỉnh Bình Phước. Số cơ sở phải rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH được phân cấp về UBND xã quản lý là 1.677 cơ sở. Ban ngày các cán bộ Công an phụ trách công tác PCCC và CNCH phải toả xuống địa bàn rà soát, kiểm tra tất cả, gồm 17 loại hình cơ sở. Trong đó loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2 là loại hình chiếm tỷ lệ lớn trong các cơ sở đang hoạt động...
Hộ kinh doanh cám, gạo, lúa giống, gas do anh Nguyễn Khánh Hoà ở khu phố Đức Thiện, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng làm chủ do UBND thị trấn quản lý về PCCC. Cán bộ kiểm tra đã phát hiện hộ kinh doanh này thiếu dụng cụ phá dỡ, lối thoát hiểm và chưa có phương án PCCC và CNCH. Được nhắc nhở, anh Hoà cho biết: "Sau buổi kiểm tra này, tôi sẽ ra Công an thị trấn để được cơ quan Công an hướng dẫn hoàn thiện các quy định về an toàn PCCC và CNCH cho cơ sở kinh doanh của mình".
Yêu cầu là phải cập nhật số liệu kiểm tra hàng ngày vào hệ thống theo dõi trên mạng nội bộ. Do hệ thống này chưa kết nối đến Công an cấp xã, nên hàng ngày Công an cấp xã phải chuyển số liệu thu thập được về nhập vào máy tính tại Công an huyện ngay sau giờ hành chính.
Đối với Thượng uý Trần Như Tuấn, ban ngày xuống địa bàn rà soát, kiểm tra, đêm đêm lại phải ngồi vào bàn máy tính để nhập số liệu vào hệ thống, việc bé Sóc, hàng đêm theo bố vào cơ quan đã trở thành quen thuộc. Trong những ngày cao điểm, bé Sóc như một thành viên nhí quen thuộc ở phòng làm việc của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Bù Đăng. Tôi hỏi: "Mấy giờ thì con được về nhà ngủ?: Sóc cho biết: "Chừng nào ba về thì con về!".
Xã biên giới Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập có tổng dân số trên 18.000 nhân khẩu. Chợ Đắk Ơ, là đầu mối hoạt động kinh doanh và giao thương rất nhộn nhịp. Xã có 332 cơ sở phải rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH. Tiến độ rà soát, kiểm tra đang được đẩy lên rất cao. Đến ngày 06/12, Công an xã đã rà soát, kiểm tra được 304/332 cơ sở.
Hết giờ hành chính, Đại uý Nguyễn Thanh Tiếng lại tất tả chạy xe môtô về Công an huyện cập nhật số liệu vào hệ thống. Hôm nay trời đang lất phất mưa báo hiệu một cơn mưa lớn cuối mùa, cũng như các đồng đội của mình, Đại uý Nguyễn Thanh Tiếng lại hoà mình vào màn đêm để sớm hoàn thành nhiệm vụ cho kịp với tiến độ đề ra.
Vi phạm quy định an toàn phòng cháy, một trường mầm non bị phạt 92 triệu đồng
Sáng 7/12, lãnh đạo Trường Mầm non Ong Vàng (khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết đã chấp hành nộp phạt số tiền 92 triệu đồng theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (PCCC) của UBND tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, ngày 2/12, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Mầm non Ong Vàng số tiền 92 triệu đồng vì đã đưa trường vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; sử dụng người chưa được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC làm lực lượng chữa cháy cơ sở (cụ thể, quyết định thành lập Đội PCCC cơ sở gồm 15 đội viên; trong đó có 10 đội viên được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, 5 đội viên chưa được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC); vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 38 và điểm b khoản 2 Điều 46 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Trường Mầm non Ong Vàng phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với công trình Trường Mầm non Ong Vàng theo đúng quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 40 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính. (Ngọc Thi)