Những hy sinh thầm lặng vì bình yên cuộc sống

Các anh đi dân nhớ, ở dân thương! (kỳ 3)

06:37 18/07/2023

Có những bữa cơm giữa chừng nhưng có việc người dân kêu cứu, các anh phải bỏ đũa lên đường để làm nhiệm vụ. Có những câu chuyện gia đình, lời hứa với vợ con, mẹ già rất đỗi đời thường nhưng các anh chưa kịp thực hiện được thì đành phải ra đi vĩnh viễn… Các anh về với buôn làng, nhân dân được hạnh phúc, các anh ra đi dân nhớ, dân thương...

Nhiều kỷ niệm không thể nào quên

Đã hơn 20 ngày trôi qua, chúng tôi trở lại nhà của Liệt sĩ Hà Tuấn Anh (cán bộ Công an xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) chia sẻ nỗi đau cùng gia đình, được thắp nén hương, tưởng nhớ anh yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Gặp chị Phạm Thị Như Phương (vợ Liệt sĩ Hà Tuấn Anh) vẫn ngồi túc trực bên bàn thờ chồng với đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ. Thi thoảng có người tới thăm viếng, chị lại đốt nén hương cho chồng mà không cầm được nước mắt. Trong tiếng nấc nghẹn lòng, chị Phương kể rằng hai vợ chồng quen nhau từ năm 2012, khi đó anh Hà Tuấn Anh còn đang là chiến sĩ nghĩa vụ. Sau 7 năm yêu nhau, hai người tổ chức lễ cưới. Kết tinh của tình yêu đẹp là cô con gái bé bỏng ở tuổi lên 3, xinh xắn, đáng yêu.

Sau khi cưới, vợ chồng chị vẫn ở cùng nhà với bố mẹ chồng ở xã Ea Ning. Bản thân là giáo viên mầm non dạy gần nhà nên hàng ngày, ngoài giờ lên lớp chị lại phụ nội trợ công việc trong gia đình. Còn anh Tuấn Anh trước đây công tác tại Công an huyện Lắk, cách xa nhà hơn 50km. Đầu năm 2022, anh được điều động nhận nhiệm vụ tại Công an xã Ea Tiêu, cách nhà chừng 15km. “Hàng ngày, anh ấy đi làm từ sáng sớm, những hôm trời mưa gió thì tối muộn mới trở về. Ngoài giờ đi làm, anh ấy còn tranh thủ giúp vợ làm việc nhà, chăm con và giúp bố mẹ làm thêm mảnh rẫy để có thêm thu nhập”, chị Phương kể.

Theo lời chị Như Phương, những tuần lễ trước khi xảy ra vụ việc, chồng chị phải túc trực liên tục tại cơ quan để bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ làm căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân... Biết con gái đang ốm nên sáng 10/6, anh Tuấn Anh gọi điện nói nhớ con gái nên dặn chị đưa con về nhà ông bà ngoại ở xã Ea Tiêu, gần nơi anh công tác để anh được gặp con.

“Em đưa con về ngoại để anh gặp con vì con đang ốm, anh nhớ con. Tiện trên đường về, anh sẽ mua đồ về nấu cơm cho cả nhà cùng ăn. Trong khoảng 2 tiếng ngắn ngủi ở nhà ngoại, cả hai bố con cứ quấn quýt bên nhau. Anh ấy đút cho con từng thìa thức ăn và cho con uống thuốc. Khi đi, anh ấy còn thơm má con, hứa với em và con hôm sau khi xong việc sẽ cùng nhau đưa con gái đi khám bệnh. Không ngờ, sau buổi chiều chia tay ấy anh lại ra đi mãi mãi không về với mẹ con em...”, chị Như Phương nghẹn ngào nhớ lại.

Chị Như Phương ôm ấp con gái bé nhỏ vào lòng mỗi khi con hỏi về ba Tuấn Anh đi trực sao chưa về mà lòng nức nở. Chị phải trả lời với bé Trúc Sương: “Ba con khi nào xong việc sẽ về…!”. Trong ký ức yêu thương chồng cứ nghèn nghẹn tuôn về những kỷ niệm xưa. Những món quà nhỏ, giản đơn như con gấu bông gói gắm thật kỹ tặng ngày tiễn người yêu đi học cứ hiện về trong nước mắt. “Anh ấy thương yêu em lắm. Em không tin mình đã mất anh rồi!”, chị Như Phương nhói lòng. 

Hôm đến thăm gia đình Liệt sĩ Trần Quốc Thắng (cán bộ Công an xã Ea Tiêu), chúng tôi cũng không thể kiềm lòng khi chứng kiến cảnh trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa vườn cây ở ven xã Ea Ktur, có người mẹ già vẫn ôm hình đứa con trai ngồi ở cửa ngóng đợi con về. Với bà, kể từ giây phút nhận hung tin con trai hy sinh, bà vẫn chưa chấp nhận đó là sự thật. Bởi với bà, sau lần đi làm cuối cùng ấy, cậu con trai còn hứa sẽ sớm lấy vợ và xây lại căn nhà dột nát cho mẹ khang trang hơn. Bà vẫn đợi đứa con trai trở về để thực hiện lời hứa đó…

Thương hoàn cảnh của mẹ Trần Thị Hoà, chồng mất khi con trai là Thắng mới lên 7 tuổi, bà tảo tần nuôi các con khôn lớn. Sáng 11/6, nghe tin có 4 cán bộ Công an xã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đơn vị, linh tính người mẹ bắt đầu có những dự cảm bất an. Gọi điện thoại cho con không được, mẹ Hoà tìm đến nơi con trai làm việc thì nhận hung tin con đã hy sinh. Mẹ Hoà không sao kiềm lòng được khi ôm thi thể cậu con trai rồi ngã gục bên cạnh. Nỗi đau quá lớn đối với người mẹ mất con đột ngột không sao tả nổi.

Chị Trần Thị Năm (chị gái Liệt sĩ Trần Quốc Thắng) cho biết, bố mất sớm, mẹ vất vả một mình nuôi 4 anh chị em khôn lớn, trưởng thành. Thắng là người chịu khó, chưa lấy vợ mà ở với mẹ để chăm lo sức khoẻ cho bà. Anh trai, chị và cô gái út đều xây dựng gia đình và công tác xa nhà. “Thắng là đứa học giỏi, có ý chí, luôn biết vươn lên. Mong ước của cậu ấy là sửa sang lại căn nhà cho mẹ rồi mới tính đến chuyện xây dựng gia đình cho mình. Do đó, đã ở tuổi 35 nhưng cậu ấy vẫn chưa nghĩ đến việc lấy vợ, sinh con”, chị Năm nghẹn lòng.

Còn bà Nguyễn Thị Hạnh (mẹ Liệt sĩ Nguyễn Đăng Nhân, cán bộ Công an xã Ea Ktur) vẫn không thể tin người con trai của mình đã ra đi mãi mãi, trong dòng nước mắt thương con: “Nhân là người nhanh nhẹn, hiếu thảo. Bà con trong buôn đều thương xót trước sự hy sinh của Nhân”. Đại úy Nguyễn Đăng Nhân là con thứ hai trong gia đình có 4 anh, chị em. Mẹ bị bệnh tim, cha bị bệnh viêm khớp nhiều năm, Đại úy Nguyễn Đăng Nhân là trụ cột chính trong gia đình. Hơn một tuần túc trực tại cơ quan để hỗ trợ người dân làm căn cước công dân nên Đại uý Nhân không được về nhà thăm bố mẹ.

Trước khi hy sinh, anh có gọi điện hẹn sẽ sớm sắp xếp công việc để về thăm mẹ, đưa mẹ và cha đi chữa bệnh. Đồng chí Nhân còn nói sẽ phấn đấu khi nào xây được căn nhà cho mình mới tính đến chuyện cưới vợ, nhưng lời hứa với cha mẹ còn dang dở thì anh đã hy sinh…

Bé Hà Trúc Sương ở tuổi lên 3, con của Liệt sĩ Hà Tuấn Anh trong tay ông nội vẫn đợi bố đi làm về.

Buôn làng nhớ mãi các anh

Ngày các anh về xã, buôn làng bình yên, bao người dân được giúp đỡ tận tâm, những việc làm của các anh còn mãi trong lòng nhân dân. 

Nhận xét về lực lượng Công an xã ở địa phương, ông Y Jo Niê (SN 1962, Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho biết: Từ khi có cán bộ Công an chính quy tăng cường về xã, tình hình ANTT tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế và giảm so với trước. Lực lượng Công an xã thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, thường xuyên tuần tra kiểm soát địa bàn. Khi nhân dân phản ánh những thông tin về tình hình ANTT nổi lên thì lực lượng Công an xã có mặt kịp thời để giải quyết, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương, tạo niềm tin trong nhân dân.

“Nhớ mỗi lần đi xuống làng, Thiếu tá Trần Quốc Thắng, Đại uý Hà Tuấn Anh… cùng anh em Công an xã quên cả giờ ăn trưa, nghỉ tối, dù đêm khuya đến mấy các anh vẫn lo xong việc cho người dân mới chịu nghỉ…”, ông Y Jo Niê kể. 

Ông Y Bin Êban (dân tộc Ê Đê, trú tại buôn Ea Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho biết, đồng bào Ê Đê sinh sống tại đây từ lâu với những nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng riêng của mình. Trong suốt nhiều năm qua, người dân Ê Đê luôn có tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất, góp phần giữ gìn, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống vật chất cũng như tinh thần ngày một được nâng cao.

“Những năm qua, các anh Công an xã đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đã triển khai rất nhiều chương trình an sinh xã hội giúp bà con ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các anh cũng thường xuyên lên thăm hỏi, trao đổi, làm việc với bà con để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vấn đề khúc mắc của bà con”, ông Y Bin Êban cho biết.

Nhớ về hình ảnh gần gũi, thân thiện, nhiệt tình khó quên đối với Thiếu tá Hoàng Trung, ông Y Him Êban (trú tại buôn Ea Kniết, xã Ea Ktur) kể: Cách đây chừng một tháng, ông được cán bộ Công an xã gọi lên làm căn cước công dân. Tại đây, có một chị mang theo con nhỏ tầm 8 tháng tuổi. Do con quấy khóc nên trong lúc làm giấy tờ, thấy chị loay hoay với đứa con nhỏ, Thiếu tá Hoàng Trung tạm gác công việc, quay sang bế em bé dỗ dành giúp cho đến khi người mẹ hoàn thành việc lăn tay, chụp ảnh...

Còn chị Trần Thị Nguyệt (trú tại buôn Ciết, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) nhớ lại, đầu tháng 6/2023, chị đến trụ sở UBND xã để làm thủ tục cấp căn cước công dân mới. Mọi thủ tục kê khai, chụp ảnh đều được làm rất nhanh gọn. Tuy nhiên, do tay bị đứt nên chị không thể lấy vân tay được, đành về nhà chờ.

“Khi vết thương lành, mình đến và được chính Thiếu tá Trần Quốc Thắng ân cần hỏi thăm, hướng dẫn nhiệt tình để thực hiện lấy dấu vân tay. Không chỉ có vậy, anh ấy còn nhiệt tình hướng dẫn bà con, nhiều người già yếu, bệnh tật không thể đi lại, anh đích thân ra bế vào để làm thủ tục cho họ”, chị Nguyệt kể.

Chia sẻ về sự hy sinh của các liệt sĩ, ông Trần Văn Tuấn (trú tại thôn Ea Ktur, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) thật sự xúc động: Những người lính, CBCS Công an lúc đối diện với tội phạm, họ mạnh mẽ, kiên cường bao nhiêu thì khi trở về với đời sống thường nhật, họ dung dị, gần gũi, thân thương bấy nhiêu. Chính hai hình ảnh ấy trong nhịp sống của họ đã làm thức tỉnh, khiến nhiều người rơi lệ. Cộng đồng mạng tràn ngập những lời tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước các anh. Điển hình như tấm ảnh Thiếu tá Trần Quốc Thắng, cán bộ Công an xã Ea Tiêu bế người dân bị khuyết tật vận động vào làm căn cước công dân đã lan tỏa khắp mạng xã hội những ngày qua, và họ quá xót đau khi biết tin đồng chí Thắng hy sinh.

“Nhìn vào hình ảnh ấy ai cũng thương tiếc, xót xa, cảm động trước hành động thương dân và sự ra đi quá đột ngột của Thiếu tá Trần Quốc Thắng”, ông Tuấn nói.

Người bạn học của Thiếu tá Trần Quốc Thắng khi xem lại bức ảnh về bạn mình đã viết lên cảm xúc: “Cậu lúc nào cũng yêu nghề, thương dân hết mực, luôn cố gắng bảo vệ danh dự ngành hết mức có thể… Cậu đã sống một cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng vô cùng rực rỡ... Mong rằng ở muôn vàn cuộc đời khác, mọi điều bình an sẽ mãi ở cạnh bên cậu!”.

Khi còn sống, làm việc, từng người dân xung quanh, từ anh xe ôm, người bán vé số đến các già làng, bà con thôn, buôn… ai ai cũng yêu quý các anh. Hôm nhận tin các anh ra đi trong ca trực đêm 11/6, bị bọn phản động FULRO tấn công khiến bao người dân xót đau, căm phẫn những kẻ khủng bố. Buôn làng từ khi vắng bóng các anh là sự mất mát quá lớn với nhân dân nơi đây không thể lấy gì bù đắp được…

(Còn tiếp)

Ngọc Như – Văn Thành

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文