Cần Thơ nỗ lực đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an TP Cần Thơ đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tập trung điều tra, xử lý tội phạm, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt khi xảy ra án.
Các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố đã làm tốt công tác nắm địa bàn, khu vực, tuyến trọng điểm; số đối tượng tù tha về; nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại địa phương và đối tượng từ nơi khác đến hoạt động mang tính chất lưu động để tiến hành đấu tranh.
Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã phát hiện, tiếp nhận 62 tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã điều tra, khởi tố 37 vụ, 46 bị can. Ngoài ra, qua công tác nghiệp vụ, Công an thành phố đã bắt, khởi tố 4 vụ, 23 đối tượng về hành vi lừa đảo.
Ðiển hình như vụ khởi tố, bắt tạm giam Trương Quang Anh Đức (SN 2000, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) lừa đảo hàng trăm sinh viên trên địa bàn thành phố. Trước đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Công an quận Ninh Kiều tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Đức.
Theo phản ánh, có hàng trăm sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Cần Thơ bỗng dưng ôm một khoản nợ từ 10 đến 60 triệu đồng do Đức nhờ đứng tên mua hàng trả góp điện thoại di động, laptop với thủ tục đơn giản. Từ năm 2020 đến nay, Đức đã dụ dỗ hàng trăm sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ đứng hồ sơ vay mua hàng trả góp rồi rời khỏi địa phương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an các quận, huyện và Công an quận Ninh Kiều nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ.
Công an quận Ninh Kiều xác định Đức đã bỏ trốn khỏi địa phương nên ra thông báo truy tìm; đồng thời vận động gia đình kêu gọi Đức ra đầu thú để hưởng khoan hồng. Đêm 4/6, Công an quận Ninh Kiều đã di lý Đức từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ để phục vụ công tác điều tra. Tại cơ quan Công an, Đức thừa nhận, bằng thủ đoạn nêu trên, anh ta đã lừa đảo hàng trăm sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ với số tiền khoảng 4 tỷ đồng.
Một vụ đáng chú ý khác, Công an bắt giữ 21 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giả lấy GCNQSDĐ thật đem cầm cố, thế chấp hoặc chuyển nhượng cho người khác để chiếm đoạt tài sản. Ða số đối tượng không nghề nghiệp, từ nơi khác đến Cần Thơ thực hiện hành vi phạm tội, đã thực hiện 6 vụ, chiếm đoạt khoảng 20 tỉ đồng.
Ngoài ra, băng nhóm này còn thực hiện một số vụ việc tương tự ở các địa bàn khác. Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng phòng CSHS Công an TP Cần Thơ cho biết, hiện cơ quan CSĐT Công an thành phố đang đấu tranh với một nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối theo phương thức đa cấp để chiếm đoạt tài sản…
Theo lãnh đạo Công an TP Cần Thơ, công tác tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố... kịp thời, đúng quy định của pháp luật, không xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm. Qua quá trình xác minh, làm rõ, phương thức thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là các hình thức lừa đảo truyền thống, chiếm đoạt tài sản có giá trị nhỏ.
Lừa đảo trên không gian mạng thì dùng các phương thức hứa hẹn tặng quà, giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát và Tòa án gọi điện đe dọa, thông báo có liên quan đến vụ việc, vụ án và các thủ đoạn khác, kêu chuyển tiền để xác minh, sau đó chiếm đoạt. Ngoài ra, các đối tượng còn kêu gọi từ thiện qua mạng, mua bán các thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, mua đơn hàng, theo dõi, đánh giá sản phẩm qua các trang mạng mua bán online…
Bên cạnh công tác điều tra, xử lý tội phạm, công tác phòng ngừa được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền pháp luật, thủ đoạn của các đối tượng, thông tin về công tác điều tra khám phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thủ đoạn mới để người dân nâng cao cảnh giác, tự quản lý tài sản của mình.
Sở TT&TT phối hợp với Công an thành phố, các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, quảng cáo đăng tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, xuất bản phẩm, quảng cáo… để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.