Chọn công nghệ nền tảng phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số quốc gia
Ngày 5/10, tại Bắc Ninh, Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND chủ trì phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề chọn lọc của công nghệ thông tin và truyền thông (VNICT) lần thứ 26" với chủ đề “Các công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số”.
Thừa ủy quyền của Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND chủ trì hội thảo.
Cùng dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Công an các đơn vị địa phương cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các thầy cô giáo đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND, các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.
CAND là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND khẳng định: Chuyển đổi số được xác định là một trong những giải pháp trụ cột để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng kinh tế của thế giới. Do đó, công cuộc chuyển đổi số phải được thực hiện với quyết tâm phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. CAND là một trong những lực lượng nòng cốt và tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và ngày 10/10 hàng năm đã được chọn làm ngày chuyển đổi số quốc gia của Bộ Công an.
Với quyết tâm chính trị đó, các ngành, cấp trong lực lượng CAND đang tích cực, chủ động xác định các mục tiêu, giải pháp để góp phần sức lực của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Là một trong những đơn vị đầu ngành về nghiên cứu, đào tạo về khoa học công nghệ trong CAND, được Bộ Công an chỉ đạo phải tiên phong trong công tác chuyển đổi số trong CAND, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND xác định, chuyển đổi số là một sự chuyển đổi mang tính cách mạng từ không gian thực sang không gian ảo, lấy người dân làm trọng tâm, chính quyền là phục vụ và muốn chuyển đổi số thành công thì phải có công nghệ số phù hợp với thực tiễn.
"Hội thảo quốc gia VNICT lần thứ 26" với chủ đề “Các công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số” nhằm giải quyết yêu cầu trên, tìm ra công nghệ phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn phát triển nhanh chóng, rất cần các luận cứ khoa học, các đánh giá khuyến nghị của các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND để đưa ra các những giải pháp có tính đột phá, tiếp cận với trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: "Hội thảo quốc gia VNICT lần thứ 26" là diễn đàn quan trọng để trao đổi về các công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, quản lý, giảng dạy và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về công nghệ thông tin và truyền thông trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia báo cáo trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập.
Bảo mật dữ liệu, tăng cường đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin
Với ba báo cáo tại phiên toàn thể và 79 báo cáo tại 6 tiểu ban gồm: An toàn thông tin; công nghệ mạng, điều khiển, tự động hóa; khai phá dữ liệu và học máy; nhận dạng, đa phương tiện và mô phỏng; công nghệ phần mềm và xử lý ngôn ngữ tự nhiên; cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, các diễn giả trong và ngoài lực lượng CAND đã tập trung thảo luận vào các vấn đề cốt lõi nhất của chuyển đổi số.
Thiếu tướng TS Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục CNTT đã trình bày báo cáo về “Nền tảng số trong CAND” với 6 nhóm nền tảng số gồm tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Internet vạn vật; trí tuệ nhân tạo; dịch vụ số hóa; chuỗi khối; xác thực, định danh điện tử. Báo cáo khẳng định, Bộ Công an luôn xác định vai trò tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số và xã hội số. Trên cơ sở đó, Thiếu tướng Dương Văn Tính đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nền tảng số trong CAND như thay đổi tư duy và nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng phát triển dữ liệu số; phát triển hạ tầng CNTT, nền tảng dữ liệu trong CAND; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã trình bày báo cáo về Giải pháp truy vấn cơ sở dữ liệu mã hóa. Theo ông Minh, dữ liệu có thể được coi là “tài sản” rất quan trọng của các cơ quan, tổ chức. Mọi nguy cơ lộ lọt thông tin có thể gây thiệt hại lớn. Do đó, cần thiết phải bảo vệ tính bí mật bằng cách mã hoá cơ sở dữ liệu. Bên cạnh bảo vệ tính bí mật, còn phải bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu. Do đó, các giải pháp truy vấn cơ sở dữ liệu mã hóa là một chủ đề thu hút được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Khẳng định chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược và làm thế nào để chuyển đổi số được hiệu quả trong bối cảnh nhiều thách thức an toàn thông tin hiện nay là điều hết sức quan trọng, ông Nguyễn Quang Trọng, Giám đốc Kinh doanh Bitdefender Việt Nam đã trình bày về các giải pháp công nghệ phòng, chống mã độc mới nhất của Bitdefender. Theo ông Trọng, hiện nay, các hình thức tấn công mạng đang trở nên tinh vi hơn bao giờ hết, từ kỹ thuật hack độc lập tới các cuộc tấn công phức tạp. Giải pháp mà chuyên gia từ Bitdefender đưa ra góp phần tăng cường bảo vệ các hệ thống thông tin, hệ thống máy chủ, máy trạm, thiết bị di động cũng như bảo vệ các nền tảng ảo hóa...
Ghi nhận và đánh giá cao các báo cáo tham luận và các ý kiến trao đổi tại hội thảo, một trong những diễn đàn khoa học lớn nhất và uy tín nhất trong ngành Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương bày tỏ tin tưởng, đây sẽ là nguồn thông tin quý báu, có giá trị làm cơ sở cho việc phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo đảm an ninh mạng và chuyển đổi số trong CAND theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Nghị quyết số 12/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, tạo điều kiện để tiếp tục tăng cường hợp tác trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về công nghệ thông tin và truyền thông trong chương trình chuyển đổi số quốc gia giữa các đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND.