Chuẩn bị “hành trang” cho người được đề nghị đặc xá

09:11 28/08/2022

Những ngày này, CBCS các trại giam, trại tạm giam trên cả nước đang tất bật chuẩn bị để lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được tổ chức trang trọng, chu đáo nhất. Đối với các phạm nhân được đề nghị đặc xá, những ngày này cũng là thời gian hồi hộp nhất, ngóng đợi nhất, bởi chỉ ít ngày nữa thôi, họ sẽ trở thành  người tự do, được sống bên gia đình, bên người thân.

Họ đang nỗ lực học tái hoà nhập cộng đồng, kiến thức pháp luật và kiến thức xã hội, chuẩn bị hành trang cho cuộc đời rộng mở phía trước.

Cán bộ Trại giam Hoàng Tiến phổ biến kiến thức pháp luật cho phạm nhân trước ngày đặc xá năm 2022.

1. Đại tá Nguyễn Thành Công, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết: “Ngay sau khi nhận được Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, chúng tôi đã tổ chức quán triệt đến toàn thể CBCS và 100% phạm nhân đang thi hành án tại Trại. Đơn vị đã chủ động ban hành chương trình, kế hoạch triển khai; thực hiện niêm yết công khai tại bảng tin, buồng giam, khu giam, thư viện, nhà thăm gặp, căng tin về điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá để các phạm nhân tự kiểm tra, liên hệ với bản thân để viết đơn xin đặc xá. Sau đó, chúng tôi yêu cầu cán bộ tổ chức họp đội phạm nhân, các phạm nhân tự giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, bỏ phiếu công khai, đề nghị Hội đồng của Trại xem xét, duyệt từng hồ sơ. Theo đó, những phạm nhân đủ điều kiện thì đương nhiên được đưa vào danh sách đề nghị đặc xá, những phạm nhân chưa đủ điều kiện, chúng tôi động viên họ phấn đấu để được đặc xá lần sau”.

“Điểm khác nhất cũng là quy định rất chặt chẽ trong công tác đặc xá năm nay, đó là tất cả các phạm nhân được đề nghị đặc xá phải chấp hành khá, tốt ngay từ khi mới đến chấp hành án tại trại thì mới được đưa vào đối tượng xem xét đề nghị đặc xá và phải thi hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, phạt tiền, án phí dân sự mới được xem xét đề nghị đặc xá” – Đại tá Nguyễn Thành Công cho biết thêm.

Khi chúng tôi đến nơi, các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang tham gia lớp học tái hoà nhập cộng đồng. Họ từ các phân trại được đưa về Trung tâm để học tập, chuẩn bị tốt nhất để trở về gia đình. Bài học hôm nay về hướng nghiệp và phòng tác hại của ma tuý, Thiếu tá Dương Văn Thọ đang hướng dẫn cho phạm nhân vận dụng nghề đã học trong trại để làm việc, kiếm sống hoặc làm những công việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Bên cạnh đó, Thiếu tá Dương Văn Thọ cũng truyền đạt kiến thức về ma túy, các loại ma tuý mới, tác hại và cách phòng tránh. Vừa nghe giảng vừa ghi chép, phạm nhân Đồng Thị Bé, SN 1959, ở phường Bạch Đằng, Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Các thầy dạy rất dễ hiểu, đều là những vấn đề cần thiết cho cuộc sống sau này của chúng tôi”.

Theo đó, trong 15 ngày, các phạm nhân này được miễn lao động để tập trung cho việc học. Các bài học về Luật Giao thông đường bộ; Luật Cư trú; Luật Căn cước công dân; Luật An ninh mạng; quyền và nghĩa vụ công dân và các quy định đối với người được đặc xá, tha tù…; phối hợp tuyên truyền về HIV/AIDS; dịch bệnh COVID-19; bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, các cán bộ cũng nói chuyện thời sự về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và một số địa phương, để sau khi trở về cộng đồng, các phạm nhân không bỡ ngỡ…

Một trường hợp được đề nghị đặc xá lần này ở Trại giam Hoàng Tiến là phạm nhân Lữ Thị Thiên, SN 1988, trú ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An – người dân tộc Khơ Mú. Phạm nhân này gần như không biết chữ, chỉ biết viết nguệch ngoạc tên mình. Học ít, hiểu biết hạn chế nên khi có người rủ sang Trung Quốc lấy chồng, Thiên theo đi. Khi có đứa con trai được gần 1 tuổi, cô ta câu kết với các đối tượng khác quay về quê lừa các phụ nữ ở quê sang Trung Quốc làm ăn, sau đó bán những người này lấy tiền tiêu xài. Chính vì vậy, phạm nhân Lữ Thị Thiên phạm tội mua bán người.

Thiên bị Công an Quảng Ninh bắt giữ với bản án 11 năm tù. Đến nay, Thiên đã chấp hành án được gần 8 năm, đủ điều kiện được đề nghị Chủ tich nước đặc xá lần này. Do gia đình khó khăn, ở xa, mẹ chết sớm, bố sinh năm 1962 nhưng không biết chữ, hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, gia đình Thiên không ai thăm nuôi. Đứa con trai chưa đầy 1 năm tuổi của Thiên đành phải mang theo mẹ vào Trại.

Sau thời gian giam cứu ở Trại tạm giam Quảng Ninh, Thiên được thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến. Dù không người thăm nuôi, giúp đỡ nhưng do cô ta có con nhỏ nên Ban Giám thị Trại giam Hoàng Tiến khá ưu ái với phạm nhân này. Ngoài chế độ Nhà nước quy định dành cho cháu bé, các cán bộ luôn giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho mẹ con Thiên. “Ngày Tết cán bộ cho mẹ con tôi nhiều quà lắm. Bánh chưng này, kẹo, bánh này, sữa, quần áo cho cháu, thịt cá, giò để mẹ con tôi ăn Tết. Ngày thường, cán bộ cũng rất quan tâm, những khi con tôi ốm đau đều được cấp thuốc đầy đủ, được các cô quản giáo thường xuyên động viên, cho quà bánh nên cháu rất vui vẻ, không biết mình đang phải sống trong môi trường trại giam” – Thiên cho biết.

Khi cháu đủ 36 tháng, gia đình không có ai đón về nên Trại giam Hoàng Tiến đã gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội của TP Chí Linh. Đến nay, cháu đã học lớp 2. Chính vì vậy, được trở thành công dân tự do, có giấy tờ, được sống với con, Thiên mừng lắm.

Thiên cho biết: “Tôi đi khỏi địa phương sang Trung Quốc từ rất lâu rồi, không có giấy tờ gì. Nay được Trại phối hợp với Công an Hải Dương làm thủ tục cấp CCCD tôi mừng lắm. Nếu không được cán bộ đến trại cấp CCCD cho tôi, tôi cũng chưa biết thủ tục thế nào, đến đâu để làm. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã tạo điều kiện cho những người lầm lỗi như chúng tôi”.

Cũng được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Nguyễn Thị Hương, SN 1982, trú ở Tiên Động, Tứ Kỳ, Hải Dương – nguyên là kế toán Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương, phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với bản án 5 năm tù giam. Đến nay, Hương đã chấp hành xong 1/2 mức án, hoàn trả số tiền mình chiếm đoạt. Hương cho biết, sau khi Ban Giám thị phổ biến Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, chị ta tự liên hệ bản thân, thấy đủ điều kiện nên đã viết đơn xin đặc xá.

“Lúc mới vào tôi rất lo lắng vì con còn bé nhưng các cán bộ đã động viên, giúp đỡ, phân tích để tôi thấy rằng chỉ có yên tâm cải tạo, chấp hành tốt quy định mới được hưởng khoan hồng. Chính vì vậy, tôi đã nỗ lực rất nhiều, được xếp loại khá ngay từ đầu. Nhờ đó, tôi mới được đặc xá lần này” – Hương cho biết. Chưa được đặc xá lần này nhưng phạm nhân Nguyễn Thị Trang, SN 1998, phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em, án phạt 14 năm cho biết khi thấy các phạm nhân khác được đặc xá, cô ta cũng rất mong chờ, hứa sẽ cố gắng học tập, cải tạo để có cơ hội được đặc xá.

2. Có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, khi cái nắng hè không còn gay gắt. Tiếng chim ríu rít trong vòm cây gợi nên một khung cảnh bình yên đến lạ. Gương mặt rạng ngời, phấn khởi trong niềm vui và đan xen những giọt nước mắt khi được trong diện đề xuất đặc xá dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, chị Dương Thị Liên, SN 1976, ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm xúc động kể cho chúng tôi nghe về quá khứ, hiện tại và cả những dự định cho tương lai.

Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam hướng nghiệp dạy nghề cho các phạm nhân.

“Đã từng là một người vợ hiền, người mẹ có trách nhiệm, thế nhưng chỉ vì một phút nông nổi do mâu thuẫn nhỏ nên tôi đã phạm tội cố ý gây thương tích. Bản án 20 tháng tù giam là cái giá mà tôi phải trả cho những lỗi lầm của mình và trong những ngày chấp hành án không lúc nào tôi không day dứt vì nông nổi, vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ với các con của mình. Nhưng tôi luôn nhận được sự động viên của cán bộ Trại, sự quan tâm, yêu thương của gia đình đã như liều thuốc bổ giúp tôi lấy lại tinh thần quyết tâm cải tạo thật tốt. Hiện tại, tôi đang đếm từng giờ để chờ đón thời khắc được trở về bên gia đình, bên những đứa con nhỏ ngày ngóng đêm mong mẹ; được sống trong ngôi nhà đơn sơ và ăn những bữa cơm ấm áp, bình dị bên gia đình nhỏ.

Về tương lai, nếu có thể tôi sẽ lại tiếp tục công việc sửa xe cùng chồng để kiếm thêm thu nhập nuôi 5 đứa con ăn học. Tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để xứng đáng với chính sách khoan hồng của Nhà nước, với tình cảm của các cán bộ trại, người thân và gia đình tin tưởng, gửi gắm…” - chị Liên chia sẻ.

Đó cũng là tâm trạng của 10 phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam trước dịp đặc xá 2/9 năm nay. Trong quá khứ, mỗi phạm nhân, mỗi lỗi lầm khác nhau nhưng họ đều phải trả giá cho những lỗi lầm của bản thân bằng những bản án, những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Quá trình cải tạo, có lẽ quãng thời gian mà các phạm nhân hy vọng, mong chờ nhất là được Hội đồng đặc xá xét duyệt để sớm được trở về với gia đình, với cộng đồng.

Để có được niềm vui đó cho các phạm nhân, những ngày qua, Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã tích cực chuẩn bị cho công tác đặc xá với các bước lựa chọn, xét duyệt chặt chẽ đề nghị đặc xá cho những phạm nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm công tác đặc xá dịp Quốc Khánh 2/9 năm nay đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Và đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn tất công tác xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và đề xuất Hội đồng tư vấn đặc xá thẩm định.

Thượng tá Lê Đức Tùng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Việc bình xét các phạm nhân ở từng buồng giam được tiến hành theo đúng quy định và thông qua công tác theo dõi hàng ngày của cán bộ Trại phụ trách sẽ nắm rõ từng phạm nhân có thực sự tiến bộ, cải tạo tốt hay không để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và chúng dõi theo cả một quá trình để lựa chọn.

Những ngày qua, việc thông báo quyết định của Chủ tịch nước và các tiêu chuẩn, điều kiện đặc xá năm 2022 được Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh tiến hành công khai, niêm yết cụ thể, rõ ràng ở các khu vực giam giữ để mỗi phạm nhân nắm được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và các phạm nhân trong diện đủ tiêu chuẩn hưởng đặc xá sẽ được tổ chức bình xét, bỏ phiếu kín ngay tại các buồng giam. Những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá có danh sách niêm yết công khai và có hòm thư góp ý.

Theo danh sách đề nghị, dịp 2/9 này, Trại tạm giam Công an Hà Nam có 11 trường hợp được xét đặc xá, 14 trường hợp được giảm án và 1 trường hợp được tha tù trước thời hạn. Và để chuẩn bị cho hành trang ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn, dạy nghề cho các phạm nhân như: Nghề may, thợ nề, chăn nuôi… những nghề đó đều thiết thực trong xã hội, bởi vậy mỗi phạm nhân khi trở lại với cuộc sống họ đều có thể lựa chọn công việc phù hợp để mưu sinh, tránh được những cám dỗ đời thường, nỗ lực phấn đấu là người công dân tốt có ích cho gia đình và xã hội.

Một trong những điểm mới về đặc xá năm 2022, đó là lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng phối hợp với các đơn vị chức năng cấp căn cước công dân gắn chíp cho phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được đề nghị đặc xá năm 2022 theo quyết định của Chủ tịch nước.

Phương Thuỷ - Lê Phượng

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文